Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 96/2006/QĐ-UBND

Vinh, ngày 02 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết số 147/2006/NQ-HĐND ngày 8/7/2006 được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khoá XV, kỳ họp thứ 7 thông qua;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1995/TTr.SGTVT-KH ngày 19/9/2006
,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 57/2003/QĐ-UB ngày 30/6/2003 của UBND tỉnh Nghệ An “Về việc ban hành cơ chế đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn giai đoạn 2003 - 2005”.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp; Ban dân tộc; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hành

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 96/2006/QĐ-UBNDngày 02 tháng 10 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu và đối tượng hỗ trợ:

1. Mục tiêu:

Nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng giao thông nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2006 - 2010.

2. Đối tượng hỗ trợ:

Quy định này áp dụng cho các công trình giao thông nông thôn (GTNT) được xây dựng theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" bao gồm các tuyến đường huyện được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch (Cụ thể: Các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã, các tuyến đường trục chính liên xã và một số tuyến đường quan trọng khác). Các tuyến đường từ trung tâm xã đến trung tâm thôn, bản thuộc các xã khu vực III của các huyện vùng núi cao được UBND huyện phê duyệt quy hoạch. Các dự án giao thông nông thôn đã được hưởng từ các chương trình mục tiêu, các nguồn vốn nước ngoài thì không được áp dụng Quy định này.

Việc đầu tư xây dựng các dự án thuộc hệ thống GTNT phải tuân theo các Quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương II:

QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Điều 2. Công tác kế hoạch hoá đầu tư xây dựng:

Việc đầu tư xây dựng giao thông nông thôn phải có kế hoạch và nằm trong quy hoạch giao thông được duyệt. Hàng năm UBND huyện lập kế hoạch các danh mục đầu tư trình UBND tỉnh. Căn cứ vào khả năng nguồn vốn, UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn cụ thể để các huyện triển khai thực hiện.

Điều 3. Huy động nguồn lực và Quản lý đầu tư:

1. Huy động nguồn lực:

Nguồn lực đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn bao gồm:

- Huy động ngày công, vật tư, vật liệu, đóng góp kinh phí của nhân dân, nguồn vốn từ đóng góp của các cơ quan, tổ chức kinh tế xã hội trên địa bàn và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, huyện, xã.

2. Quản lý đầu tư:

Nguồn vốn đầu tư xây dựng đường GTNT được quản lý theo sự phân cấp quản lý ngân sách của UBND tỉnh; Thủ tục quản lý và cấp phát thực hiện theo quy định hiện hành. Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là cấp huyện) có trách nhiệm thực hiện đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, chấp hành đúng chính sách và chế độ quản lý tài chính của Nhà nước.

UBND huyện quản lý theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Công tác khảo sát thiết kế, lập và quản lý dự án đầu tư, thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng.

Điều 4. Chính sách hỗ trợ:

Hàng năm ngân sách tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng giao thông nông thôn cho các địa phương theo giá trị xây lắp với tỷ lệ quy định như sau:

a) Đối với các xã, thị trấn vùng đồng bằng:

 Tỉnh hỗ trợ 10%; huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là huyện) đầu tư 15%; xã, thị trấn và nhân dân đầu tư 75%.

b) Đối với các xã, thị trấn vùng miền núi:

Thực hiện cho từng khu vực theo quy định hiện hành. Mức hỗ trợ như sau:

- Các xã khu vực III: Tỉnh hỗ trợ 65%, huyện đầu tư 10%; xã, thị trấn và nhân dân đầu tư 25%.

- Các xã khu vực II: Tỉnh hỗ trợ 55%, huyện đầu tư 10%; xã, thị trấn và nhân dân đầu tư 35%.

- Các xã khu vực I: Tỉnh hỗ trợ 40%, huyện đầu tư 15%; xã, thị trấn và nhân dân đầu tư 45%.

c) Đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển (theo Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg ngày 11/06/2004 của Thủ tướng Chính phủ), mức hỗ trợ như sau: Tỉnh hỗ trợ 30%, huyện đầu tư 15%; xã, thị trấn và nhân dân đầu tư 55%.

d) Việc hỗ trợ đảm bảo giao thông và các trường hợp đặc biệt khác, tuỳ tình hình cụ thể, UBND Tỉnh sẽ có quyết định riêng cho từng trường hợp.

e) Các trục chính đường vùng cây nguyên liệu cho công nghiệp (vùng chè ≥ 500 ha; vùng mía ≥300ha; vùng dứa ≥ 200ha,...) thực hiện theo quy định: Tỉnh đầu tư bằng dự án xây dựng cơ bản tập trung; huyện, xã, nhân dân chịu trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng và tự đầu tư xây dựng hệ thống đường nhánh đến trục chính.

Điều 5. Điều kiện và phương thức hỗ trợ:

1. Điều kiện hỗ trợ:

- Có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.

- Có dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, dự toán và quyết toán vốn đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật:

+ Đối với các xã, thị trấn vùng đồng bằng, các xã thuộc khu vực I và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển: Xây dựng đường nhựa, BTXM ³ cấp VI (chiều rộng nền đường ³ 6m, mặt đường ³ 3,5m). Công trình trên tuyến (cầu, tràn, cống...) vĩnh cửu.

+ Đối với các xã khu vực II: Xây dựng đường nhựa, BTXM hoặc cấp phối theo tiêu chuẩn đường GTNT loại A trở lên (chiều rộng nền đường ³ 5m, mặt đường ³ 3,0m). Công trình trên tuyến (cầu, tràn, cống...) vĩnh cửu, bán vĩnh cửu.

+ Đối với các xã khu vực III: Xây dựng nền đường theo tiêu chuẩn đường GTNT loại B trở lên (chiều rộng nền đường ³ 4m, mặt đường ³ 3,0m). Công trình trên tuyến (cầu, tràn, cống...) vĩnh cửu, bán vĩnh cửu.

+ Đối với đường vào thôn, bản của các xã khu vực III thuộc các huyện vùng núi cao: Tối thiểu phải xây dựng nền đường có chiều rộng ³ 3,0m. Công trình trên tuyến (cầu, tràn, cống...) vĩnh cửu , bán vĩnh cửu, tạm thời.

2. Phương thức hỗ trợ:

Hỗ trợ bằng tiền theo mức Quy định tại điều 4 và được quyết định cụ thể đối với từng danh mục công trình.

Các địa phương có công trình GTNT thi công xong, Chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo Sở Giao thông vận tải. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và UBND cấp huyện kiểm tra xác nhận khối lượng, tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định.

Điều 6. Quản lý và sửa chữa thường xuyên đường GTNT:

Hàng năm UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách để thực hiện công tác quản lý và sửa chữa thường xuyên hệ thống cầu đường trên cơ sở định mức quản lý, sửa chữa thường xuyên đường GTNT quy định tại Quyết định số 2712/QĐ.GT ngày 14 tháng 10 năm 1996 của Bộ Giao thông vận tải.

Chương III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Khen thưởng và xử lý vi phạm:

1. Khen thưởng:

Hàng năm, căn cứ tình hình và kết quả phát triển giao thông nông thôn của các huyện, xã, Sở Giao thông vận tải đề xuất với UBND tỉnh quyết định các danh hiệu thi đua kèm theo mức thưởng cho các địa phương có thành tích trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn. Các danh hiệu và mức thưởng như sau:

+ Huyện, thành, thị được UBND tỉnh tặng cờ, được thưởng bằng tiền trị giá tương đương 40 tấn xi măng địa phương.

+ Huyện, thành, thị được UBND tỉnh tặng bằng khen, được thưởng bằng tiền trị giá tương đương 20 tấn xi măng địa phương.

+ Xã, thị trấn được UBND tỉnh tặng cờ, được thưởng bằng tiền trị giá tương đương 15 tấn xi măng địa phương.

+ Xã, thị trấn được UBND tỉnh tặng bằng khen, được thưởng bằng tiền trị giá tương đương 10 tấn xi măng địa phương.

2. Xử lý vi phạm:

Tổ chức, cá nhân vi phạm những quy định này, gây thất thoát trong công tác quản lý vốn đầu tư và xây dựng đường giao thông nông thôn, thì căn cứ tính chất, mức độ sai phạm phải đền bù thiệt hại, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính kiểm tra việc thực hiện nội dung Quy định này, định kỳ hàng năm tổ chức đoàn kiểm tra kết quả thực hiện củc các địa phương, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

2. UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, UBND các xã (các chủ đầu tư) các Ban quản lý dự án có công trình chịu trách nhiệm thực hiện đúng nội dung của Quy định này.

3. Đối với các dự án thực hiện theo Quyết định 57/2003/QĐ.UB ngày 30/6/2003 của UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật nhưng chưa triển khai thì áp dụng theo chính sách hỗ trợ được quy định tại Điều I . Nếu xây dựng xong chưa quyết toán thì vẫn áp dụng theo Quyết định 57/2003/QĐ.UB ngày 30/6/2003 của UBND tỉnh.

4. Đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh nhưng chưa phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật thì cho điều chỉnh chính sách hỗ trợ được quy định tại Điều I .

5. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các ngành, các cấp phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh kịp thời./.