Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 979/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 30 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ VÙNG BÃI TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về Lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVI;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 20/10/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI về chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 2623/QĐ-UB ngày 06/11/2002 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Hưng Yên đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 05/2007/QĐ-UBND ngày 02/4/2007 của UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quy định phân công nhiệm vụ và phân cấp quản lý trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 48/TT-NN ngày 16/4/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế vùng bãi tỉnh Hưng Yên đến năm 2010, định hướng đến 2015, với những nội dung chủ yếu sau:

1- Phạm vi nghiên cứu.

1.1. Phạm vi nghiên cứu của Đề án:

Gồm 39 xã thuộc 6 huyện, thị xã có đất bãi: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, thị xã Hưng Yên, Tiên Lữ và Phù Cừ với tổng diện tích tự nhiên: 22.242 ha, chiếm 24,1% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh (Trong đó diện tích tự nhiên ngoài bãi là 9.505,2 ha).

Tổng dân số đến cuối năm 2005 là 264,206 nghìn người, chiếm 23,58% dân số toàn tỉnh (Trong đó dân số sinh sống ở ngoài đê là 88.358 người).

1.2- Phân chia các tiểu vùng kinh tế:

a) Tiểu vùng 1:

Gồm các xã vùng bãi của huyện Văn Giang và huyện Khoái Châu.

Chiếm 41,01% về diện tích đất tự nhiên và 41,03% về diện tích đất nông nghiệp.

b) Tiểu vùng 2:

Gồm các xã vùng bãi của huyện Kim Động và thị xã Hưng Yên.

Chiếm 35,67% về diện tích đất tự nhiên và 42,07% về diện tích đất nông nghiệp.

c) Tiểu vùng 3:

Bao gồm vùng bãi thuộc các huyện Tiên Lữ và Phù Cừ.

Chiếm 23,32% diện tích đất tự nhiên và 16,9% diện tích đất nông nghiệp.

2- Mục tiêu Đề án.

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Tận dụng lợi thế, khắc phục những hạn chế, xây dựng những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực phát triển (về đất đai, lao động...) từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng cạnh tranh của vùng bãi; nâng mức thu nhập vùng bãi bằng và vượt mức bình quân chung toàn tỉnh trong thời gian từ nay đến 2015.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

+ Đến năm 2010, thu nhập bình quân đạt 13,73 triệu đồng/người/năm; riêng các xã khó khăn thuộc tiểu vùng 2 và 3 đạt 9,4 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2015, thu nhập bình quân gấp 1,5 lần so với năm 2010.

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng bãi giai đoạn 2007 - 2010 đạt 20,28%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 18%/năm.

+ Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế vùng bãi: Nông nghiệp, thuỷ sản 40%; Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề 35%; Thương mại dịch vụ 25%.

+ Hệ số sử dụng đất tăng từ 1,7 lần (năm 2006) lên 2,1 lần (năm 2010) và 2,3 lần (năm 2015).

3. Nhiệm vụ chủ yếu của Đề án.

3.1. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản: Đến năm 2015, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng 40% tổng GTSX vùng toàn vùng bãi. Cơ cấu nội bộ ngành: trồng trọt 38,54%; chăn nuôi và thuỷ sản 61,46%.

- Về trồng trọt: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, tận dụng các lợi thế vùng bãi. Đến năm 2015, các cây trồng chính gồm: 245 ha hoa cây cảnh; 674,6 ha cây ăn quả và cây lâu năm; 99,8 ha cây dược liệu; 110 ha rau an toàn các loại; 248,5 ha trồng cỏ thâm canh. Diện tích dâu tằm duy trì ở mức 390 - 400 ha. Diện tích lúa giảm còn 659,5 ha.

- Về chăn nuôi: Xác định vật nuôi chủ lực là bò thịt. Tiếp tục cải tạo đàn bò theo hướng “Sind hoá”. Phương thức chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ là chính nhưng phải thâm canh để đạt hiệu quả cao. Về đàn bò sữa: chủ trương củng cố và nâng cao chất lượng đàn bò sữa hiện có (tập trung ở Văn Giang, Khoái Châu và 1 phần Kim Động). Đàn lợn phát triển theo hướng “nạc hoá”. Đàn gia cầm: chú trọng phát triển đàn gà thả vườn với các giống phù hợp. Đàn thuỷ cầm trước mắt không khuyến khích phát triển, chỉ duy trì trong các mô hình VAC. Phương thức chuyển dần sang chăn nuôi quy mô tập trung (đối với đàn lợn và gia cầm công nghiệp), chuyển chăn nuôi ra xa khu dân cư. Đến năm 2015, quy mô chăn nuôi đạt: 18.700 - 19.000 con bò; 76.000 - 76.500 con lợn; 350 - 360 ngàn con gia cầm các loại.

- Về thuỷ sản: Tận dụng mặt nước và diện tích trũng cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi thả thủy sản; diện tích nuôi thả thuỷ sản đến 2015 đạt 501 ha.

(Phụ biểu số 5/QH kèm theo Đề án)

3.2. Quy hoạch công nghiệp, TTCN làng nghề:

Đến năm 2015, tỷ trọng GTSX ngành chiếm 35% tổng GTSX vùng bãi. Phát huy hiệu quả các làng nghề hiện có; khuyến khích các hộ tư nhân, cá thể chuyển thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mỗi xã có làng nghề cần quy hoạch khu vực sản xuất tập trung ngoài khu dân cư (từ 5-10 ha) để cho các hộ sản xuất thuê mặt bằng. Chú ý xử lý chất thải, nước thải ở các khu công nghiệp làng nghề.

3.3. Quy hoạch thương mại, du lịch, dịch vụ: Đến 2015, tỷ trọng GTSX ngành chiếm 25% tổng GTSX vùng bãi.

- Về thương mại: Phát triển nhanh chóng mạng lưới chợ theo quy hoạch đã được duyệt. Quy hoạch chợ đầu mối kết hợp với điểm tập kết xe và hàng. Ưu đãi, tạo điều kiện phát triển các hợp tác xã thương mại, dịch vụ ở các xã.

- Về du lịch: Phát triển phù hợp với quy hoạch du lịch chung của tỉnh. Các loại hình du lịch chủ yếu của vùng bãi là: tham quan di tích lịch sử văn hoá; du lịch lễ hội; du lịch sinh thái; du lịch làng quê gắn với ẩm thực, cảnh quan thiên nhiên.

Xây dựng một số khu nghỉ dưỡng cuối tuần dọc sông Hồng, kết hợp du lịch với điều dưỡng, chữa bệnh.

- Về dịch vụ: Khai thác thế mạnh vận tải thuỷ, hướng phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt. Quy hoạch xây dựng một số điểm công nghiệp cơ khí sửa chữa nhỏ tàu thuyền. Các bến bãi vận chuyển và tập kết đá, cát, sỏi theo đúng quy hoạch được duyệt.

3.4. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật:

- Về giao thông nông thôn: Bê tông hoá 126,35 km; rải cấp phối 128,4 km; xây dựng và nâng cấp theo quy hoạch các bến bãi vận chuyển và tập kết hàng hoá.

- Về điện nông thôn: Lắp đặt bổ sung 14 trạm hạ thế (tổng công suất 2830 KVA); kéo 35,6 km đường dây các loại.

- Về thuỷ lợi: Xây mới 13 trạm bơm dã chiến; 4 trạm bơm nước ngầm (phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tập trung); cứng hoá 102,16 km kênh nội đồng; lắp đặt 48km xi phon thủy lợi ở các khu vực địa hình khó khăn; xây dựng bổ sung 12 cống qua đê bối.

(Phụ biểu số 6/QH kèm theo Đề án)

4. Các dự án ưu tiên: Giai đoạn 2007 - 2015, tập trung hỗ trợ triển khai một số dự án ưu tiên sau:

- Dự án chuyển đổi sản xuất theo mô hình VAC: Diện tích tăng thêm 267ha.

- Dự án sản xuất hoa cây cảnh: Diện tích tăng thêm 119 ha.

- Dự án sản xuất cây ăn quả đặc sản: Diện tích tăng thêm 430,1 ha.

- Dự án đầu tư trồng cỏ chăn nuôi: Diện tích tăng thêm 241,3 ha.

- Dự án xây dựng 4 điểm trồng rau an toàn tập trung: xã Xuân Quan (H. Văn Giang) 10 ha; xã Tân Châu (H. Khoái Châu) 60 ha; xã Đông Ninh (H. Khoái Châu) 20 ha; xã Quảng Châu (TX. Hưng Yên) 20 ha.

- Dự án xây dựng 5 điểm sản xuất nông nghiệp phục vụ du lịch sinh thái: Quảng Châu và khu vực chân cầu Yên Lệnh phường Lam Sơn (thị xã Hưng Yên); điểm Mễ Sở và Thắng Lợi (huyện Văn Giang); điểm thị trấn Văn Giang; điểm Phú Cường - Hùng Cường (huyện Kim Động).

5. Nhu cầu vốn đầu tư: Khoảng 160,17 tỷ đồng phân theo hạng mục đầu tư và phân kỳ đầu tư theo giai đoạn, trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ theo từng đề án, dự án được phê duyệt, còn lại là các nguồn vốn khác.

5.1. Phân theo hạng mục đầu tư:

- Xây dựng các CSHT thiết yếu: 125,324 tỷ đồng (78,2%).

- Hỗ trợ sản xuất: 34,847 tỷ đồng (21,8%).

5.2. Phân kỳ đầu tư:

- Năm 2007: 19,5049 tỷ đồng (12,2%).

- Năm 2008: 25,5147 tỷ đồng (15,3%).

- Năm 2009: 25,5147 tỷ đồng (15,3%).

- Năm 2010: 18,5236 tỷ đồng (11,6%).

- Từ 2011 - 2015: 73,113 tỷ đồng (45,6%).

6. Chủ đề án: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên.

7. Các giải pháp chủ yếu:

7.1. Giải pháp về nông nghiệp:

a) Trồng trọt: Sử dụng cây trồng có nhu cầu tưới nước ít; chuyển ruộng trũng cấy lúa hiệu quả kém sang sản xuất theo mô hình VAC; hình thành các vùng nông sản hàng hoá tập trung, chuyên canh ở các khu vực có thể giải quyết tốt vấn đề tưới để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

b) Chăn nuôi: Chuyển dần theo hướng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Xác định con nuôi chủ lực là bò thịt, tiếp tục cải tạo đàn bò theo hướng "sind hoá"; phát triển đàn bò theo hướng "nạc hoá"; chú trọng đàn gà thả vườn, không khuyến khích đàn thuỷ cầm.

7.2. Giải pháp về thuỷ lợi:

Phát huy hiệu quả các trạm bơm đã có bằng biện pháp hoàn chỉnh hệ thống kênh tưới; tích nước vào ao hồ vào mùa mưa (ao hồ được chuyển đổi từ ruộng trũng sang mô hình VAC) để tưới mùa khô; xây các trạm bơm dã chiến, các máy bơm áp lực sử dụng nước ngầm để tưới cục bộ cho cây trồng.

7.3. Giải pháp về giao thông, điện:

Mỗi xã có một đường trục chính nối với đê quốc gia, cách khoảng 500m bố trí một đường ra đồng được bê tông hoặc cấp phối, mở đường hành lang chân đê (trong đê) để lưu thông hàng hoá, đi lại của nhân dân. Đường điện bố trí dọc theo các trục giao thông chính của xã và các đường nhánh, kéo dài đường điện ra đồng để phục vụ bơm tưới.

7.4. Giải pháp về cơ chế, chính sách:

a) Áp dụng các chính sách ưu đãi ở mức cao nhất về các loại thuế và đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành về khuyến khích đầu tư nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; lĩnh vực bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản và giải quyết việc làm cho nông dân trong vùng dự án.

b) Cơ chế hỗ trợ với các lĩnh vực cụ thể:

- Về nông nghiệp:

+ Với vùng chuyển đổi VAC: Hỗ trợ theo chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

+ Với vùng chuyển sang sản xuất rau an toàn: Hỗ trợ theo đề án sản xuất rau an toàn.

+ Khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư: Hỗ trợ theo đề án phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.

+ Giống cây trồng, vật nuôi mới hiệu quả kinh tế cao: Ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần, cụ thể do liên ngành Tài chính, Khoa học công nghệ và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị.

- Về thuỷ lợi: Nguồn vốn và mức hỗ trợ cụ thể theo đề án quy hoạch thuỷ lợi đến năm 2010.

- Về giao thông: Nguồn vốn và mức hỗ trợ cụ thể theo đề án giao thông nông thôn.

- Về đường điện: Theo đề án quy hoạch phát triển lưới điện nông thôn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Chủ đề án phối hợp với các sở, ngành, huyện thị liên quan tiến hành xây dựng các dự án thành phần, các dự án ưu tiên (đã xác định trong quy hoạch) và trình duyệt theo quy định hiện hành của Nhà nước và của tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo tiến độ.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2007 đến 2015.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Công nghiệp, Xây dựng, Thương mại và Du lịch, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và Thị xã Hưng Yên; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Quán