THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 984/1999/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 984/QĐ-TTG NGÀY 25 THÁNG 10 NĂM 1999 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH TỔNG THỂ ĐẦU TƯ PHỤC HỒI, BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY KHU DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG VÀ KHÁNG CHIẾN "CHIẾN KHU VIỆT BẮC"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ;
Xét Tờ trình số 71/TTr-BVHTT ngày 05 tháng 6 năm 1999 của Bộ Văn hoá - Thông tin;
Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 4941 BKH/VPTĐ ngày 30 tháng 7 năm 1999,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể đầu tư phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến "Chiến khu Việt Bắc" với những nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi triển khai đề án: Trên địa bàn 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Hà Giang.
2. Mục tiêu:
a) Phục hồi, bảo tồn, tôn tạo để gìn giữ lâu dài các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến đã được xếp hạng tại "Chiến khu Việt Bắc".
- Điều tra cơ bản: Khảo sát đầy đủ và có hệ thống, xác định ranh giới, phạm vi bảo vệ, các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến trên địa bản 6 tỉnh Việt Bắc cũ.
- Phân loại các di tích và xác định phương thức phục hồi, bảo tồn, tôn tạo tương ứng.
- Xác định nội dung đầu tư cụ thể từng giai đoạn.
b) Phát huy giá trị văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh giữ nước và giữ gìn bản sắc cao quý của dân tộc; gắn việc phục hội, bảo tồn, tôn tạo di tích với xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, cảnh quan môi trường và các hoạt động văn hoá du lịch.
3. Quy hoạch các nhóm dự án:
a. Nhóm dự án đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy các di tích, gồm:
- Các dự án về di tích gốc.
- Các dự án dựng bia - biển những di tích gốc không phục chế.
- Các dự án về trưng bày bổ sung tại các di tích hiện có.
- Các dự án về sưu tầm, phục chế các hiện vật của các di tích để bổ sung, trưng bày tại mỗi di tích cụ thể.
- Các dự án về nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể.
b. Nhóm dự án đầu tư xây dựng các công trình có liên quan, gồm:
- Các dự án về xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông.
- Các dự án về du lịch.
- Các dự án về trồng rừng.
4. Vốn đầu tư và nguồn vốn:
- Tổng vốn đầu tư ước tính: 199,6 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư cho nhóm dự án tu bổ, phục hồi và phát huy các di tích là 64 tỷ đồng; vốn đầu tư cho nhóm các dự án xây dựng công trình có liên quan là 135,6 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư được xác định cụ thể trên cơ sở xem xét phê duyệt các dự án cụ thể.
- Nguồn vốn: Vốn đầu tư được huy động từ nhiều nguồn khác nhau
+ Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho xây dựng các công trình hạ tầng của khu di tích và phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích gốc ở khu vực 6 tỉnh Việt Bắc cũ sẽ được xem xét cụ thể khi phê duyệt từng dự án và được thể hiện trong kế hoạch Nhà nước hàng năm.
+ Vốn ngân sách Nhà nước thông qua các chương trình quốc gia (như trồng rừng, phát triển giao thông nông thôn...).
+ Vốn do các Bộ, ngành Trung ương đóng góp.
+ Vốn do các tỉnh tự huy động.
+ Vốn huy động nguồn viện trợ quốc tế, nguồn thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ để tái đầu tư và các nguồn vốn hợp lý khác.
5. Phương thức thực hiện:
- Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tinh và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tìm chọn vật liệu thích hợp để phục hồi, bảo tồn lâu dài các di tích.
- Bộ Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn, phê duyệt các thiết kế kỹ thuật tu bổ, phục hồi các di tích gốc.
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh có liên quan thực hiện các dự án về giao thông, du lịch, trồng rừng gắn với việc triển khai các chương trình quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từng tỉnh.
- Việc phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích được phân chia thành các giai đoạn gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và bảo vệ cảnh quan môi trường tại các khu di tích.
Điều 2. Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo và giám sát việc thực hiện toàn bộ đề án đảm bảo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng. Cụ thể là:
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh nêu trên chịu trách nhiệm rà soát để không bỏ sót các di tích trên địa bàn của tỉnh mình và lập dự án khả thi các công trình thành phần và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn.
Điều 3. Trong quá trình thực hiện cần quán triệt sâu sắc những quan điểm và đường lối của Đảng về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, tuân thủ những quy định hiện hành tại Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử của Nhà nước đã ban hành và thực hiện xã hội hoá một cách thích hợp.
Cùng với việc phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến "Chiến khu Việt Bắc", Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn cần có chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân, để nhân dân thiết thực tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử cách mạng.
Điều 4. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì cùng với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu phương án xây dựng Chiến khu Việt Bắc thu nhỏ, trình Thủ tướng Chính phủ.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 6. Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Thủ trưởng các Bộ, ngành khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này trong phạm vi chức năng và quyền hạn được giao.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1 Quyết định 1636/QĐ-TTg năm 2001 điều chỉnh điểm 1 Khoản 5 Điều 1 Quyết định 984/QĐ-TTg năm 1999 phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến Chiến khu Việt Bắc của Thủ tướng Chính phủ
- 2 Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 3 Quyết định 784/1997/QĐ-TTgA năm 1997 về việc xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử cách mạng "Chiến khu Việt Bắc" do Thủ tướng Chính phủ ban hành