Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 985/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 23 tháng 5 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH NĂM 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Xét đề nghị của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Tờ trình số 06/TTr-PCTT ngày 14 tháng 5 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2018 (kèm theo Phương án số 01/PA-PCTT ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh).

Điều 2. Các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

1. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện phương án này.

2. Các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các nội dung của Phương án liên quan đến Sở, Ban, ngành, địa phương mình.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐVP;
- Lưu: VT, PNN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kim Ngọc Thái

 

UBND TỈNH TRÀ VINH
BCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/PA-PCTT

Trà Vinh, ngày 14 tháng 5 năm 2018

 

PHƯƠNG ÁN

ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH NĂM 2018

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13;

Căn cứ Nghị định 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 07/4/2016 của UBND tỉnh về việc Ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Công văn số 782/UBND-NN ngày 12/3/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác tham mưu, điều hành phòng, chống thiên tai;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 435/UBND-NN ngày 17/02/2016 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và TKCN giai đoạn 2016-2020.

Nhằm giúp các ngành, các cấp trong tỉnh chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh xây dựng “Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2018” trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể sau:

I. Sự cần thiết của phương án

Tỉnh Trà Vinh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng ven biển nam bộ, nằm giữa hạ lưu hai con sông lớn là Sông Hậu và Sông Cổ Chiên, có đường bờ biển dài 65km. Phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre. Diện tích tự nhiên của tỉnh 2.341 km2.

Tỉnh có 09 đơn vị hành chính, bao gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện với 106 xã, phường, thị trấn, trong đó có 62 xã dễ bị tổn thương (phụ lục đính kèm), tập trung ở các xã ven biển thuộc huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải; các xã cù lao (Hòa Minh, Long Hòa, huyện Châu Thành) và các cồn, cù lao nhỏ nằm giữa các con sông lớn là sông Cổ Chiên và Sông Hậu thuộc các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Trà Vinh: Theo các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy xu hướng tăng dần của nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4. Theo đó hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái trung tính vào tháng 6, tháng 7 với xác suất trong khoảng 55-65%.

Bão và ATNĐ năm 2018, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN (từ 12-13 cơn). Vào các tháng cuối mùa (tháng 10, 11, 12) cần đề phòng những cơn bão, ATNĐ hoạt động ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Mực nước cao nhất trên các sông chính trong tỉnh Trà Vinh sẽ xuất hiện vào đầu tháng 4 ở mức xấp xỉ BĐI sau đó xuống dần trong các tháng tiếp theo và sẽ lên dần trong tháng 8, tháng 9 năm 2018. Trên sông Cổ Chiên tại Trạm Thủy văn Trà Vinh: 202cm, cao hơn báo động III: 22cm. Trên sông Hậu tại thị trấn Cầu Quan: 210cm, cao hơn báo động III: 20cm.

Do đó, để chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh xây dựng “Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2018” nhằm giúp cho các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh nâng cao nhận thức về công tác phòng chống thiên tai; chủ động hơn trong công tác ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và nhân dân; các hoạt động khắc phục hậu quả sau thiên tai.

II. Mục đích, yêu cầu.

- Nâng cao tính chủ động của các cấp chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;

- Đề xuất các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra;

- Hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu;

- Các ngành, các cấp trong tỉnh phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và TKCN;

- Có kế hoạch bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh;

- Nâng cao năng lực sơ tán, bảo vệ người và tài sản, bảo vệ sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc. Xác định nguồn lực ứng phó thiên tai, dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác PCTT;

- Xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, là nội dung quan trọng được lồng ghép trong nội dung các đề án, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực và địa phương;

- Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho mọi cán bộ, công chức, viên chức các cấp và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ sự diễn biến khó lường về thiên tai và cách phòng chống thiên tai, nâng cao cảnh giác và đề cao tinh thần trách nhiệm để chủ động chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho cơ quan, đơn vị, địa phương, cho bản thân gia đình và cho xã hội sẵn sàng phòng, chống khi thiên tai xảy ra.

III. Nội dung phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.

1. Các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.

Các loại thiên tai tương ứng cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh được xác định như sau:

1.1. Bão, áp thấp nhiệt đới.

- Trong những năm qua, bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) diễn biến phức tạp. Mặc dù ít bị đổ bộ trực tiếp nhưng khi xuất hiện trên biển Đông vào những tháng cuối năm (tháng 9 đến tháng 12) bão, ATNĐ đã gây ảnh hưởng không nhỏ sản xuất và đời sống, sinh hoạt của người dân, bão, ATNĐ gây mưa lớn kéo dài làm ngập úng cục bộ ở những vùng trũng thấp gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tài sản của người dân.

- Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp độ 3.

1.2. Lốc, sét.

- Lốc, sét là hiện tượng thiên tai bất thường, xảy ra bất ngờ và trong thời gian ngắn nên rất khó đề phòng. Từ năm 2010 đến 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra tổng cộng 36 cơn lốc làm sập hoàn toàn 384 căn nhà; tốc mái, siêu vẹo 475 căn nhà, tốc mái tol 04 phòng học, ngã trụ điện, đứt dây lưới điện, sét đánh làm chết 01 người và hư hỏng một số thiết bị viễn thông, thiệt hại hơn 9.795,9 triệu đồng.

- Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp độ 1.

1.3. Hạn hán và xâm nhập mặn.

- Hạn hán thường gây ảnh hưởng lớn khi xuất hiện đi đôi với xâm nhập mặn. Trong những năm gần đây tình hình luôn diễn biến rất phức tạp, mặn xâm nhập sớm và sâu kết hợp với nắng nóng kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất và đời sống, đặc biệt là tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, độ mặn trên các sông lớn luôn cao hơn trung bình nhiều năm và kéo dài. Độ mặn cao nhất ghi nhận tại Vàm Trà Vinh 14,6‰  (xuất hiện vào ngày 08/02/2016). Thiệt hại nặng nhất do hạn hán xảy ra vào mùa khô năm 2016 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của người dân, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

- Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp độ 1.

1.4. Nước dâng (triều cường).

- Triều cường thường dâng cao vào các tháng cuối năm, biên độ triều cao nhất ghi nhận tại vàm Trà Vinh là 1,91m (tháng 10/2013), tại Cầu Quan là 2,14m (tháng 10/2011). Triều cường dâng cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là các xã ven biển, ven sông lớn thuộc các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Kè. Ước thiệt hại từ năm 2010-2017 khoảng 133.662 triệu đồng.

- Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp độ 1.

1.5. Gió mạnh trên biển.

- Gió mạnh trên biển thường xuất hiện vào các tháng gió mùa Đông Bắc (từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm) ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân trong tỉnh. Hiện trên địa tỉnh có 1.226 tàu cá đang hoạt động đánh bắt trên biển, đa số các tàu cá có công suất nhỏ và hoạt động gần bờ.

- Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp độ 1.

1.6. Sạt lở.

- Sạt lở là loại hình thiên tai thường xảy ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng, bao gồm: sạt lở bờ sông và bờ biển. Sạt lở thường do các nguyên nhân: ngoại sinh (do nước), nội sinh (do biến động địa chất) và dân sinh (do khai thác khoáng sản bừa bãi hoặc thi công các công trình)… Sạt lở tại các bờ sông trong tỉnh đã làm mất đi một số diện tích đất ở, đất canh tác thậm chí phá hủy cả khu, cụm dân cư.

- Sạt lở bờ biển do sóng, thủy triều, nước biển dâng và dòng hải lưu gây ra. Sạt lở bờ biển dẫn đến hậu quả biển xâm thực vào đất liền, mất nhà ở, phá hủy môi trường. Hậu quả do sạt lở bờ biển ở tỉnh Trà Vinh biểu hiện rõ nét nhất là tại vùng biển xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải.

- Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp độ 1.

2. Xác định Khu vực và đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai.

2.1 Khu vực dễ bị tổn thương

Toàn tỉnh có 62 xã được xác định thuộc khu vực dễ bị tổn thương, tập trung chủ yếu ven biển, ven sông, cửa sông và các cù lao (chi tiết đính kèm phụ lục 1) cụ thể:

- Khu vực dễ bị tổn thương cao do bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường: các xã ven biển thuộc các huyện: Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải; các cù lao trên sông. Ngoài ra, các xã dọc các sông Cổ Chiên và sông Hậu cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

- Khu vực dễ bị tổn thương do hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước, lốc, sét do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, gần như rải rác ở mọi nơi trên địa bàn tỉnh.

2.2 Đối tượng dễ bị tổn thương

a) Con người

- Theo số liệu thống kê năm 2017 từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội: toàn tỉnh có 23.078 hộ nghèo, chiếm 8,41%, và 23.808 hộ cận nghèo, chiếm 8,68% so với hộ dân cư trên địa bàn tỉnh là các đối tượng gặp khó khăn về vấn đề nhà ở kiên cố, nên dễ bị tổn thương do thiên tai.

- Năm học 2017-2018, toàn tỉnh 203.177 học sinh các khối. Trong đó có 178.345 học sinh từ khối mẫu giáo đến Trung học cơ sở là các đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới.

- Người dân sống tại các khu vực ven sông, ven biển, vùng sâu, vùng xa, tại các cồn, cù lao thường gặp nhiều rủi ro do thiên tai, tùy vào mức độ và phạm vi ảnh hưởng của từng loại thiên tai, số người bị ảnh hưởng sẽ khác nhau.

b) Cơ sở hạ tầng

- Các công trình đê, kè như: Đê biển Hiệp Thạnh, kè Hiệp Thạnh, đê Hải Thành Hòa, đê Tả - Hữu sông Cổ Chiên thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng khi triều cường dâng cao;

- Các tuyến đường giao thông nông thôn thuộc các xã cù lao Long Hòa, Hòa Minh; các tuyến đường ven sông lớn, các bờ bao tại các cồn, các cù lao, bờ sông, bờ biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường.

- Các tàu đánh bắt của ngư dân đang hoạt động trên biển (1.226 tàu) cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng khi có gió mạnh trên biển.

c) Sản xuất

- Diện tích sản xuất hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tại các khu vực ven sông, ven biển là các đối tượng dễ bị thiệt hại bởi thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, sạt lở đất. Ngoài ra, hàng nghìn hecta diện tích đất trồng lúa có nguy cơ bị thiệt hại do hạn, mặn xâm nhập.

3. Các biện pháp ứng phó thiên tai

3.1 Biện pháp ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới (RRTT cấp độ 3 trở lên)

3.1.1 Hệ thống tổ chức chỉ đạo, chỉ huy.

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

- Chỉ huy cấp tỉnh: Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ban ngành liên quan.

- Chỉ huy cấp huyện: Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.

- Chỉ huy cấp xã: Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã.

c) Lực lượng ứng cứu: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Dân quân tự vệ và các lực lượng khác của tỉnh, huyện, xã.

d) Phương tiện, trang thiết bị: các loại xe, ca nô, tàu thuyền, xuồng, các loại phao, áo phao cứu sinh và các trang thiết bị chuyên dụng khác.

3.1.2 Công tác phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới.

a) Công tác phòng ngừa

- Triển khai thực hiện đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

- Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phối hợp với địa phương, báo, đài tổ chức tốt công tác thông tin, truyền thông, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống lụt bão, áp thấp nhiệt đới đến cán bộ địa phương và người dân, góp phần nâng cao ý thức, kiến thức để người dân chủ động hơn trong công tác phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới.

- Các Sở, ban, ngành tỉnh có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng cho công tác di dời dân khi có hiệu lệnh.

b) Công tác ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới

- Khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới (RRTT cấp độ 3), triển khai thực hiện công tác sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không đảm bảo an toàn; triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp.

- Các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh như: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục thủy sản phối hợp với các địa phương di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền trong địa bàn xã neo đậu an toàn;

- UBND các cấp chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng trong địa bàn xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới;

- Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất, vận động, kêu gọi người dân khẩn trương thu hoạch hoặc có biện pháp bảo vệ phù hợp;

- Các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai (công trình đê điều, công trình thủy lợi, công trình nhà tránh trú bão, công trình đường tránh trú bão,...); công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng;

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, trên biển, khu vực và tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và khu vực nguy hiểm khác;

- Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai;

- Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan và địa phương thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán;

- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai;

- Huy động khẩn cấp và tuân thủ quyết định chỉ đạo, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh chỉ huy các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai ứng phó thiên tai; huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới tại địa phương; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy và huy động nguồn lực tại địa phương; chịu trách nhiệm thực hiện chỉ huy, chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cấp tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện huy động các nguồn lực sau để ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới:

+ Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện;

+ Vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp huyện và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã nơi chịu ảnh hưởng của Bão, áp thấp nhiệt đới có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, huy động nguồn lực tại chỗ của địa phương để ứng phó kịp thời ngay khi bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo, chỉ huy của các cơ quan phòng chống thiên tai cấp trên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã huy động các nguồn lực tại cơ sở để ứng phó thiên tai, bao gồm các thành phần sau: Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện; Vật tư dự trữ do nhân dân chuẩn bị, vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp xã và tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

- Thực hiện các giải pháp công trình phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới:

+ Tiếp tục hoàn thiện dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp nâng cấp mở rộng Cảng cá Định An, huyện Trà Cú, tổng mức đầu tư 127,903 tỷ đồng.

+ Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá cửa Cung Hầu, tỉnh Trà Vinh, tổng mức đầu tư 61,348 tỷ đồng.

+ Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các công trình giao thông như: Đường tỉnh 915B, hoàn thiện đưa vào sử dụng đường 915 và hệ thống đường huyện, đường giao thông nông thôn. Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai dự án cầu Đại Ngãi, dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2), sửa chữa nâng cấp Quốc lộ 53.

c) Công tác di dời, sơ tán dân

Tùy theo mức độ, cường độ của Bão, áp thấp nhiệt đới. Các ngành, các cấp theo chức năng nhiệm vụ triển khai công tác di dời, sơ tán dân theo phương án, kịch bản ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 06/01/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh Trà Vinh - Cập nhật theo bản đồ ngập gây bởi nước dâng do bão mạnh, siêu bão).

Đính kèm phụ lục 2 - Dự kiến số dân cần di dời và điểm đến khi có bão, áp thấp nhiệt đới ứng với Rủi ro thiên tai cấp độ 3 ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Trà Vinh.

d) Công tác khắc phục hậu quả sau bão, áp thấp nhiệt đới

Triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân:

- Cấp cứu kịp thời người gặp nguy hiểm; tìm kiếm người, phương tiện mất tích;

- Tiếp tục sơ tán người ra khỏi nơi nguy hiểm, ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương;

- Lập các trạm cấp cứu tạm thời hoặc trưng dụng có thời hạn trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế tại khu vực có thiên tai để tiếp nhận cấp cứu người bị nạn;

- Xác định đối tượng cần được cứu trợ bao gồm cá nhân bị thương, hộ gia đình có người bị chết; hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, không có lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm khác có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe, đặc biệt quan tâm tới đối tượng dễ bị tổn thương;

- Điều động người, vật tư, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh để tham gia cứu chữa người bị nạn;

- Dựng các lán trại tạm thời cho người dân bị mất nhà ở;

- Cấp phát lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước sạch và nhu yếu phẩm thiết yếu.

Thống kê, đánh giá thiệt hại, nhu cầu cần cứu trợ:

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây ra. Đề xuất nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

- Kiến nghị hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

- Kiến nghị hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

- Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

- Lập kế hoạch và đề xuất sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng.

3.2 Biện pháp ứng phó lốc, sét (RRTT cấp độ 1)

Thiên tai do lốc, sét là loại hình thiên tai bất thường, diễn biến khó lường và mức độ ảnh hưởng có thể rất lớn, đe dọa tính mạng, thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh.

1. Hệ thống tổ chức chỉ đạo, chỉ huy

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

- Chỉ huy cấp huyện: Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.

- Chỉ huy cấp xã: Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã.

c) Lực lượng ứng cứu: Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện và các tổ chức, cá nhân tình nguyện huyện, xã.

d) Phương tiện, trang thiết bị: xe cứu thương, xe chuyên dùng của quân đội, điện lực.

2. Công tác ứng phó thiên tai do lốc, sét

a) Công tác phòng ngừa

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Đài Phát thanh truyền hình, Đài Truyền thanh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nguyên nhân tác hại của lốc, sét nhằm giúp người dân nâng cao khả năng phòng tránh kịp thời và hiệu quả. UBND huyện, thành phố chỉ đạo đài phát thanh, đài truyền thanh huyện, xã, phường thị trấn xây dựng chương trình kế hoạch và tổ chức tuyên truyền.

- Công ty Cổ trình Công trình đô thị Trà Vinh chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Điện lực Trà Vinh xây dựng phương án ứng phó sự cố thiên tai do lốc, sét làm đổ, ngã cây xanh, cây cổ thụ thiệt hại đến công trình, nhà cửa, điện lưới quốc gia ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực đô thị.

- Điện lực Trà Vinh tổ chức diễn tập khắc phục sự cố ngã, sập lưới điện.

b) Công tác ứng phó.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là các xã dễ bị tổn thương triển khai, phát động, kêu gọi nhân dân tổ chức chằng chống nhà cửa chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó lốc, sét.

- Ngay khi có bản tin cảnh báo lốc, sét từ các cơ quan chuyên môn. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo đài phát thanh truyền hình phát sóng, truyền tải các bản tin. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đài phát thanh, truyền thanh huyện, xã, phường, thị trấn trực tiếp phát thanh, cảnh báo thiên tai để người dân chủ động ứng phó kịp thời.

c) Công tác khắc phục hậu quả.

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thành lập đoàn công tác phối hợp cùng địa phương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại (nếu có) để triển khai công tác khắc phục, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.

- Công ty Cổ trình Công trình đô thị Trà Vinh chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả do lốc, sét gây ra trên phạm vi đô thị, đặc biệt là địa bàn Tp. Trà Vinh.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh điều động phương tiện, lực lượng phối hợp cùng Công ty Cổ trình Công trình đô thị Trà Vinh, Điện lực Trà Vinh tổ chức khắc phục hậu quả do lốc, sét gây ra.

- Sở Công Thương, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, cơ quan cấp dưới cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, phối hợp cùng Đoàn công tác, các tổ chức đoàn thể vận động an ủi, hỗ trợ, khắc phục hậu quả lốc, sét.

3.3 Biện pháp ứng phó thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn (RRTT cấp độ 1)

1. Hệ thống tổ chức chỉ đạo, chỉ huy

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

- Chỉ huy cấp huyện: Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.

- Chỉ huy cấp xã: Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã.

2. Công tác ứng phó thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn.

a) Công tác phòng, ngừa

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh căn cứ vào dự báo, cảnh báo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn từ các cơ quan chuyên môn, chỉ đạo Đài Phát thanh truyền hình, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân chủ động trong công tác ứng phó.

- Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn.

- Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác Công trình thủy lợi: Xây dựng kế hoạch vận hành công trình thủy lợi, chủ động tích nước phục vụ cho mùa khô.

- Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch nạo vét thủy lợi nội đồng, duy tu, sửa chữa, xây dựng mới kênh mương, các tuyến đê bao.

b) Công tác ứng phó.

- Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi:

+ Thực hiện lịch trình đóng mở các cửa cống đầu mối theo diễn biến độ mặn (lấy nước tối đa tại các vị trí cống đầu mối mặn chưa xâm nhập đến), phục vụ tốt công tác ngăn mặn, chống hạn.

+ Tăng cường công tác quan trắc nguồn nước trên các kênh rạch chính, tại vị trí các cống đầu mối và trong nội đồng, tiến hành đóng triệt để các cống đầu mối khi độ mặn >1 ‰, đồng thời tranh thủ mở cửa lấy nước phòng chống khô, hạn khi độ mặn giảm <1 ‰. Tổ chức vận hành hợp lý các cống đầu mối đến nội đồng theo hướng tích ngọt dần các cống ở vùng từ hạ nguồn dần lên phía thượng nguồn (mặn đến đâu đóng cống ngăn mặn tích ngọt đến đó); đảm bảo mực nước ngọt đệm trong nội đồng phải đạt cao trình ≥ +0.5m, trữ nước ngọt để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất hợp lý tiết kiệm theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực.

+ Phối hợp với địa phương huy động lực lượng giải tỏa các vật cản trên kênh rạch, đảm bảo dòng chảy thông thoáng, đủ điều kiện dẫn nước tưới từ công trình đến hệ thống kênh dẫn.

+ Tập trung triển khai thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp thường xuyên công trình thủy lợi năm 2018 để đảm bảo quá trình vận hành không xảy ra sự cố, hạn chế tối đa tình trạng rò rỉ, thất thoát nước.

+ Kiểm tra, đôn đốc việc triển khai phương án ngăn mặn, giữ ngọt tại các địa phương, tổng hợp các đề nghị của địa phương và báo cáo đề xuất về Sở Nông nghiệp và PTNT giải quyết.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Các địa phương thực hiện công tác nạo vét thủy lợi nội đồng chống hạn, mặn năm 2018 với tổng khối lượng 992.374 m3, kinh phí 16.870 triệu đồng.

c) Công tác khắc phục hậu quả.

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thành lập đoàn công tác phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tổ chức đánh giá tình hình thiệt hại (nếu có) và xác định đối tượng cần được hỗ trợ.

- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp Sở Tài Chính, UBMT Tổ quốc tỉnh Trà vinh, Hội Chữ Thập đỏ, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai công tác khắc phục, hỗ trợ người dân theo quy định.

3.4 Biện pháp ứng phó thiên tai do nước dâng (RRTT cấp độ 1)

Nước dâng (triều cường) thường xuyên ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Trà Vinh, xuất hiện vào các tháng cuối năm. Mức độ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân, đe dọa đến an toàn tuyến đê biển, đê cửa sông, đê bao ven sông lớn....

1. Hệ thống tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

b) Cơ quan ch huy:

- Chỉ huy cấp huyện: Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.

- Chỉ huy cấp xã: Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã.

2. Công tác ứng phó thiên tai do nước dâng.

a) Công tác phòng ngừa.

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh căn cứ vào dự báo, cảnh báo về tình hình triều cường từ các cơ quan chuyên môn, chỉ đạo Đài Phát thanh truyền hình, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh kêu gọi người dân chủ động ứng phó, tránh thiệt hại về tài sản.

- UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, bờ thửa, tổ chức thu hoạch sớm hoa màu, cây ăn trái.

- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động phát triển rừng phòng hộ ven biển; tổ chức gia cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao, bờ bao phòng chống triều cường đảm bảo sản xuất, bảo vệ các khu dân cư tập trung.

b) Công tác ứng phó.

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức trực, kiểm tra hệ thống đê biển, đê cửa sông, đê sông để có hướng xử lý kịp thời khi bị ảnh hưởng.

- Lực lượng ứng phó với nước dâng bao gồm: Quân sự, Biên phòng, Sở Nông nghiệp và PTNT, các ban ngành đoàn thể cấp huyện, xã sẵn sàng cho công tác ứng phó khi nước dâng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, cũng như làm sạt lở bờ biển, các tuyến đê bao.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn kêu gọi, vận động hoặc cưỡng chế người dân sống tại những khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, đe dọa đến tính mạng di dời đến nên ở an toàn.

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp công trình:

+ Tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Đê ven cửa sông Cổ Chiên bảo vệ khu dân cư thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tổng mức đầu tư 110,810 tỷ đồng.

+ Tiếp tục xây dựng dự án Kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tổng mức đầu tư 272,163 tỷ đồng.

+ Tiếp tục xây dựng dự án Kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh (Giai đoạn III), thị xã Duyên Hải, tổng mức đầu tư 225,921 tỷ đồng.

+ Nạo vét, nâng cấp hệ thống kênh trục chính cấp II và đê bao ngăn mặn vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn nghiêm trọng thuộc các huyện Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tổng mức đầu tư 40,236 tỷ đồng

- Dự án Chống xói lở, gây bồi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tổng mức đầu tư 36,530 tỷ đồng.

- Dự án gây bồi tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tổng mức đầu tư 36,265 tỷ đồng.

- Kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư ấp Chợ, thị trấn Định An huyện Trà Cú, tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng.

- Dự án nâng cấp hệ thống đê biển giai đoạn 2, tổng mức đầu tư 349,8 tỷ đồng.

c) Công tác khắc phục hậu quả.

- Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương tiến hành xử lý, gia cố các đoạn đê, bờ biển bị sạt lở (nếu có).

- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động lực lượng hỗ trợ công tác khắc phục sự cố hộ đê trong trường hợp sạt lở đê.

- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp Sở Tài Chính lập dự toán kinh phí đầu tư sửa chữa, khắc phục hậu quả do triều cường gây ra trình UBND tỉnh xin chủ trương thực hiện.

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thành lập đoàn công tác phối hợp với các ngành chức năng và địa phương hoặc chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tổ chức đánh giá tình hình thiệt hại và xác định đối tượng cần được hỗ trợ. Đồng thời phối hợp cùng các ngành chức năng triển khai công tác khắc phục, hỗ trợ người dân theo quy định.

3.5 Biện pháp ứng phó thiên tai do gió mạnh trên biển (RRTT cấp độ 1)

Gió mạnh trên biển có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân trên biển.

1. Hệ thống tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

b) Cơ quan ch huy:

- Chỉ huy cấp tỉnh: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh

- Chỉ huy cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.

- Chỉ huy cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã, phường, thị trấn.

2. Công tác ứng phó thiên tai do gió mạnh trên biển.

a) Công tác phòng ngừa

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng theo dõi, nắm bắt tình hình, các bản tin cảnh báo về gió mạnh trên biển.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở nông nghiệp và PTNT kêu gọi vận động và hỗ trợ các chủ phương tiện đánh bắt trang bị hệ thống thông tin liên lạc để có thể nắm bắt kịp thời các thông tin cảnh báo.

b) Phương án ứng phó.

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT thông báo bản tin cảnh báo đến các phương tiện đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, kịp thời vào nơi tránh trú an toàn

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng tổ chức trực và nắm bắt tình hình tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo về cơ quan cấp trên để có hướng xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

c) Công tác khắc phục hậu quả.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh triển khai công tác TKCN trong trường hợp tàu cá, tàu hàng, các phương tiện hoạt động trên biển gặp sự cố do gió mạnh, sóng lớn trên biển.

IV. Lực lượng, phương tiện phục vụ công tác PCTT.

- Lực lượng phục vụ công tác phòng, tránh ứng phó thiên tai được huy động từ các Sở, Ban ngành, tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn. Trong đó lực lượng nồng cốt là lực lượng Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng.

- Căn cứ vào tình hình diễn biến và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của thiên tai, Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh quyết định việc điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện cho các địa phương (Chi tiết đính kèm phụ lục 3).

- Phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, tránh, ứng phó thiên tai gồm có phương tiện, trang thiết bị cơ động, chi viện của các Sở, ban ngành tỉnh và phương tiện, trang thiết bị tại chỗ của các huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể:

+ Xe ô tô 244 chiếc; xe cứu thương 15 chiếc; xe tải 99 chiếc; tàu, xuồng các loại 374 chiếc; tàu tuần tra, trinh sát 6 chiếc; ca nô 7 chiếc; xe chuyên dùng quân đội 19 chiếc; xe chuyên dùng ngành giao thông 04 chiếc; xe khách các loại 40 chiếc, ...

Căn cứ vào tình hình và mức độ ảnh hưởng của thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan và địa phương huy động phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo nhu cầu cho người dân sơ tán.

(Chi tiết về lực lượng, phương tiện phụ lục 4 đính kèm)

V. Phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện.

- Đối với loại hình thiên tai ứng với rủi ro thiên tai cấp độ 3 (lốc, sét; xâm nhập mặn; triều cường; gió mạnh trên biển): UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án ứng phó thiên tai cấp xã, huyện và triển khai thực hiện phương án.

- Đối với loại hình thiên tai ứng với rủi ro thiên tai cấp độ 3 trở lên (bão, áp thấp nhiệt đới): UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện phương án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai cần tập trung lực lượng, phương tiện ứng cứu hiệu quả các khu vực xung yếu, di dời dân đến nơi an toàn để tránh xảy ra thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Trưởng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các Sở, Ban, ngành tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT & TKCN của đơn vị, địa phương mình thực hiện nhiệm vụ được phân công. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện theo nhiệm vụ và địa bàn được phân công phụ trách.

Các tổ chức, lực lượng đóng trên địa bàn tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn phải chịu sự điều động và chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, thành phố.

Ban chỉ huy PCTT & TKCN các ngành, các cấp thực hiện chế độ thông tin báo cáo kịp thời theo quy định.

Căn cứ phương án này và chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các Sở, Ban, ngành tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bổ sung, xây dựng hoàn chỉnh phương án ứng phó với thiên tai của đơn vị, địa phương mình.

VI. Nguồn lực thực hiện

Nguồn vốn từ các nguồn: Ngân sách Trung ương (Các đề án, Chương trình mục tiêu Quốc gia, Vốn vay ODA,... ngân sách địa phương, Quỹ Phòng, chống thiên tai, các nguồn tài trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Hàng năm các Sở, Ban, ngành tỉnh, các địa phương và các đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai; nhu cầu phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác PCTT, lập dự toán kinh phí cho lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt.

Trên đây là “Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2018”. Các ngành, các cấp cần cụ thể hoá phương án cho riêng ngành mình và đơn vị mình. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc các ngành, các cấp kịp thời báo cáo về Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo TW về PCTT(b/c);
- UBND tỉnh (b/c);
- Chi cục PCTTMN (b/c);
- TB, các PTB;
- Các thành viên BCH PCTT&TKCN tỉnh;
- Lưu: VP.

KT. TRƯỞNG BAN
P. TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC





Trần Trung Hiền

 

PHỤ LỤC 1:

DANH SÁCH CÁC XÃ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG KHI XẢY RA THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Đính kèm Phương án số: 01/PA-PCTT ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Trà Vinh)

TT

Huyện, thị xã và thành phố

1

Hiệp Thạnh

TX. Duyên Hải

2

Long Hữu

3

Long Toản

4

Thị trấn Long Thành

5

Trường Long Hòa

6

Dân Thành

7

Long Khánh

Huyện Duyên Hải

8

Ngũ Lạc

9

Đông Hải

10

Long Vĩnh

11

Mỹ Long Nam

Huyện Cầu Ngang

12

TT Mỹ Long

13

Mỹ Long Bắc

14

Vĩnh Kim

15

Hiệp Mỹ Đông

16

Hiệp Mỹ Tây

17

Hòa Minh

Huyện Châu Thành

18

Long Hòa

19

Hưng Mỹ

20

Phước Hảo

21

Hòa Thuận

22

Định An

Huyện Trà Cú

23

TT Định An

24

Kim Sơn

25

Lưu Nghiệp Anh

26

Long Đức

TP. Trà Vinh

27

Đức Mỹ

Huyện Càng Long

28

Đại Phước

29

Tân Hòa

Huyện Tiểu Cần

30

TT Cầu Quan

31

An Phú Tân

Huyện Cầu Kè

32

Ninh Thới

33

Hòa Tân

34

Kim Hòa

Huyện Cầu Ngang

35

Nhị Trường

36

Trường Thọ

37

Hiệp Hòa

38

Lương Hòa A

Huyện Châu Thành

39

Nguyệt Hóa

40

Song Lộc

41

Hàm Tân

Huyện Trà Cú

42

Hàm Giang

43

Đôn Xuân

44

Long Hiệp

45

Ngọc Biên

46

Tập Sơn

47

Phước Hưng

48

Đại Phúc

Huyện Càng Long

49

Nhị Long Phú

50

Nhị Long

51

Bình Phú

52

Phương Thạnh

53

Huyền Hội

54

Long Thới

Huyện Tiểu Cần

55

Tân Hùng

56

Ngãi Hùng

57

Hiếu Trung

58

Hùng Hòa

59

Tam Ngãi

Huyện Cầu Kè

60

Hòa Ân

61

Thông Hòa

62

Phong Phú

 

PHỤ LỤC 2:

DỰ KIẾN SỐ DÂN CẦN DI DỜI VÀ ĐIỂM ĐẾN KHI CÓ BÃO, ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI ỨNG VỚI RỦI RO THIÊN TAI CẤP ĐỘ 3 ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP ĐẾN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
ính kèm Phương án số 01/PA-PCTT ngày 14/5/2018 của BCH PCTT và TKCN tỉnh Trà Vinh)

STT

Huyện/ xã

Khu vực cần di dời

Số người cần di dời

Điểm đến dự kiến

Sức chứa

Phương tiện dự kiến

I

TP. Trà Vinh

 

1.200

 

 

 

1

Xã Long Đức

Cù lao Long Trị

1.200

UBND xã Long Đức

200

Ô tô, Tàu

Trường Tiểu học Long Đức B

400

Trường THCS Long Đức

400

Nhà dân kiên cố

200

II

Huyện Càng Long

 

2.557

 

3.400

 

1

Xã Đức Mỹ

Cồn Hô, Khu vực ven sông Cổ Chiên

1.057

Trường học cấp 1, 2 xã

800

Xe ô tô, xuồng các loại

Nhà hộ dân kiên cố.

200

Hội trường UBND xã

200

Nhà quản lý cống Cái Hóp

100

Nhà thờ

400

2

Xã Đại Phước

Khu vực ven sông Cổ Chiên

1.500

Trường học cấp 2, 3

1.000

Xe ô tô

Nhà thờ Bãi Xan

400

Nhà trẻ Trại Luận

200

Nhà QL Cống Láng Thê

100

III

Huyện Châu Thành

sông Cổ Chiên

24.546

 

41.000

 

1

Xã Hưng Mỹ

Cồn Cò, Cồn Nạn

517

Trụ sở UBND xã Hòa Lợi, Trường THPT Hòa Lợi và các nhà kiên cố

2.000

Xe tải

2

Xã Hòa Minh

Toàn xã

13.539

- UBND xã Hòa Lợi

- Trường cấp 2, 3 Hòa Lợi

- Chùa Phật Tâm, Qui Nông, Chùa Liên Bửu

- Trường Chính trị

- UBND xã Hòa Thuận

- Trường Đại học Trà Vinh

20000

Tàu, phà, xe ô tô, xe tải

3

Xã Long Hòa

Toàn xã

10.280

- UBND xã Phước Hảo

- Trường cấp 1, 2 Phước Hảo

- Khối Hành chính huyện Châu Thành: UBND huyện, các phòng, ban, công an huyện, quân sự

- Trường ĐH Trà Vinh

15000

Tàu, phà, xe ô tô, xe tải

4

Xã Hòa Thuận

Ven sông lớn

123

Trụ sở UB Xã, các nhà kiên cố

2.000

Xe tải

5

Xã Phước Hảo

Ven sông lớn

87

Trụ sở UBND xã Phước Hảo, các điểm trường và các nhà kiên cố.

2.000

Xe tải

IV

Huyện Cầu Ngang

 

78

 

78

 

1

Xã Mỹ Long Bắc

Cồn Bần

78

Khu tái định cư

78

Xe ô tô, tàu

V

TX. Duyên Hải

 

791

 

4.600

 

1

Xã Hiệp Thạnh

Khu vực ven biển

220

Trường cấp 1, 2: UBND xã Hiệp Thạnh. Nhà dân kiên cố; Trụ sở BND ấp

1.300

Xe ô tô, tàu, xuồng các loại

2

Xã Trường Long Hòa

Khu vực ven biển

419

Trường cấp 1, 2; UBND xã Trường Long Hòa; nhà dân kiên cố

1.700

Xe ô tô, tàu, xuồng các loại

3

Xã Dân Thành

Khu vực ven biển

152

Trường cấp 1, 2: UBND xã Dân Thành: Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải

1.600

Xe ô tô, tàu, xuồng các loại

VI

Huyện Duyên Hải

 

5.176

 

16.105

 

1

Xã Đông Hải

Khu vực ven biển

1.655

Trụ sở ấp, xã, Nhà Thờ Trường học

1.655

Xe gắn máy

2

Xã Long Vĩnh

Khu vực ven biển

1.400

Trường học, Đồn Biên phòng, nhà dân kiên cố. Chùa Trà Côn

8.750

Xe ô tô, tàu biên phòng

3

Xã Ngũ Lạc

Khu vực ngoài Láng

710

Nhà Văn hóa, Trường học, UBND xã

2.300

Tàu, ghe

4

Xã Long Khánh

Ấp Phước Hội, Long Khánh, Tân Thành, Cái Đôi, Vĩnh Khánh, Tân Khánh, Đình Cư

1.411

UBND xã, trường học, Trung tâm hành chính xã

3.400

Ô tô; Xe máy, Tàu ghe

VII

Huyện Trà Cú

 

1.150

 

2.000

 

1

TT. Định An

Khu vực ven biển

1.150

UBND TT, các trường học trong TT, Cảng cá Định An

2.000

Xe ô tô, xe tải, tàu, xuồng các loại

VIII

Huyện Cầu Kè

 

10.000

 

10.000

 

1

Xã Hòa Tân

Cồn An Lộc

2.000

Trụ sở HĐND, UBND xã, Trường học Chông Nô 3

2.000

Xe ô tô, tàu, xuồng các loại

2

Xã An Phú Tân

Cù lao Tân Qui

8.000

UBND xã, trường học, Trụ sở công ty lương thực Cầu Kè chi nhánh An Phú Tân

8.000

Xe ô tô, tàu, xuồng các loại

IX

Huyện Tiểu Cần

 

1.610

 

4.000

 

1

Xã Tân Hòa

Khu vực sông Hậu

513

UBND xã, trường học

2.000

Xe ô tô, xuồng các loại

2

TT. Cầu Quan

Khu vực sông Hậu

1.097

UBND thị trấn, trường học

2.000

Xe ô tô, xuồng các loại

 

PHỤ LỤC 3:

LỤC LƯỢNG DỰ KIẾN PHỤC VỤ CÔNG TÁC PCTT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Đính kèm Phương án số 01/PA-PCTT ngày 14/5/2018 của BCH PCTT và TKCN tỉnh Trà Vinh)

STT

Đơn vị

Lực lượng nồng cốt

Ban, ngành, Đoàn thể

Quân sự

Biên Phòng

Lực lượng Dân quân

Thành viên BCH PCTT

Cơ quan khác

A

Sở, Ban ngành tỉnh

 

 

 

 

 

1

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng

 

79

 

 

 

2

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

676

 

 

 

 

3

Sở GTVT

 

 

 

 

 

4

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh

 

 

 

27

 

B

Huyện/ xã

 

 

 

 

 

I

TP. Trà Vinh

 

 

 

30

 

1

Cấp Thành phố

136

 

141

 

 

II

Huyện Càng Long

 

 

 

30

 

1

Lực lượng cấp huyện

127

 

150

 

 

III

Huyện Cầu Ngang

 

 

 

30

 

1

Lực lượng cấp huyện

140

 

496

 

 

IV

Huyện Cầu Kè

 

 

 

30

 

1

Lực lượng cấp huyện

127

 

130

 

 

2

Xã Hòa Tân

 

 

 

 

 

3

Xã An Phú Tân

 

 

 

 

 

V

TX. Duyên Hải

 

 

 

36

 

1

Lực lượng cấp huyện

133

 

255

 

 

VI

Huyện Duyên Hải

 

 

 

30

 

1

Lực lượng cấp huyện

132

 

248

 

 

2

Long Vĩnh

 

 

 

 

38

3

Đông Hải

 

 

 

35

 

4

Ngũ Lạc

 

 

 

 

118

5

Long Khánh

 

 

 

130

 

VII

Huyện Trà Cú

 

 

 

30

 

1

Lực lượng cấp huyện

130

 

186

 

 

VIII

Huyện Châu Thành

 

 

 

30

 

1

Lực lượng cấp huyện

130

 

450

 

 

IX

Huyện Tiểu Cần

 

 

 

30

 

1

Lực lượng cấp huyện

127

 

430

 

 

Tổng

1.858

79

2.486

468

156

 

PHỤ LỤC 4:

PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ CÔNG TÁC PCTT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Đính kèm Phương án số 01/PA-PCTT ngày 14/5/2018 của BCH PCTT và TKCN tỉnh Trà Vinh)

STT

ĐƠN VỊ

Phương tiện

Xe các loại

Ghe, tàu các loại

Loại xe

Số lượng (chiếc)

Loại ghe, tàu

Tải trọng (tấn)

Số lượng (chiếc)

A

Huyện/Thành Phố

 

 

 

 

 

I

TP. Trà Vinh

 

 

 

 

 

1.1

Quân sự

Xe ô tô

12

Tàu

 

12

II

Huyện Càng Long

 

 

 

 

 

2.1

Quân sự huyện

Xe ô tô

21

Xuồng các loại

 

17

III

Huyện Cầu Kè

 

 

 

 

 

3.1

Quân sự huyện

Xe ô tô

16

Tàu

 

6

 

 

 

 

Xuồng các loại

 

28

IV

Huyện Cầu Ngang

 

 

 

 

 

4.1

Quân sự huyện

Xe ô tô

65

Tàu

 

15

 

 

 

 

Xuồng các loại

 

89

V

TX. Duyên Hải

 

 

 

 

 

5.1

Quân sự

Xe ô tô

17

Tàu

 

2

 

 

Xe đặc chủng

2

Xuồng các loại

 

28

VI

Huyện Duyên Hải

 

 

 

 

 

6.1

Quân sự

Xe ô tô

11

Tàu

 

1

 

 

 

 

Xuồng các loại

 

5

6.2

Xã Đông Hải

Xe gắn máy

440

 

 

 

6.3

Xã Long Vĩnh

ô Tô

10

Tàu

 

7

6.4

Xã Ngũ Lạc

 

 

Tàu, ghe

 

43

6.5

Xã Long Khánh

Xe tải, xe máy

46

Tàu, ghe

 

5

VII

Huyện Châu Thành

 

 

 

 

 

7.1

Quân sự

Xe ô tô

19

Tàu

 

8

 

 

 

 

Xuồng các loại

 

23

7.2

Công thương

Xe tải

20

 

 

 

7.3

Xã Hòa Minh

 

 

Tàu

5-15 Tấn

8

 

 

Phà

90CV

3

7.4

Xã Long Hòa

 

 

Tàu

5-10 Tấn

10

 

 

Phà

90CV

1

7.5

Xã Hưng Mỹ

 

 

Tàu

5-10

5

VIII

Huyện Trà Cú

 

 

 

 

 

8.1

Quân sự huyện

Xe ô tô

12

Xuồng các loại

 

12

8.2

UBND huyện

ô tô

3

 

 

 

8.3

Điện lực

xe ô tô

2

 

 

 

8.4

Thị trấn Định An

Xe tải: 1 T

10

 

 

 

IX

Huyện Tiểu Cần

 

 

 

 

 

 

Quân sự huyện

Xe ô tô

34

Xuồng các loại

 

15

B

Các Sở, Ban ngành

 

 

 

 

 

1

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Xe đặc chủng

4

Tàu

60 tấn

2

Ô tô chở quân

13

Xuồng các loại

 

31

Xe cứu thương

2

 

 

 

2

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng

Ô tô các loại

15

Tàu tuần tra

100CV

3

Ô tô bán tải

5

Tàu trinh sát

 

3

 

 

Xuồng máy

 

3

 

 

Ca nô

 

7

3

Sở Giao Thông và Vận tải

Xe tải

20

Tàu khách >= 30 khách

 

4

Xe ủi

1

Xà Lan

300-500T

2

Xe cẩu

1

 

 

 

Xe Ban

1

 

 

 

Xe Lu

1

 

 

 

Xe Khách

40

 

 

 

4

Sở Y tế

Xe cứu thương

13

 

 

 

5

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh

Xe ô tô

1