Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 99/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: ĐIỀU CHỈNH BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 20/1998/QĐ-UB NGÀY 30 THÁNG 6 NĂM 1998 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;
Căn cứ Quyết định số 20/1998/QĐ-UB ngày 30 tháng 6 năm 1998 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định về bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2003/NQ-HĐ ngày 13 tháng 2 năm 2003 của Hội đồng nhân dân Thành phố khóa XII (kỳ họp thứ 8 từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 2 năm 2003);
Theo đề nghị của Liên ngành: Sở Tài chính Vật giá, Sở Địa chính - Nhà đất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế Thành phố và Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung một số Điều của Quyết định số 20/1998/QĐ-UB ngày 30 tháng 6 năm 1998 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định về bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố, như sau:

1/ Sửa đổi Điều 4 như sau:

a- Giá đất làm căn cứ lập phương án bồi thường thiệt hại đất nông nghiệp, lâm nghiệp tại các xã thuộc huyện ngoại thành:

a.1- Giá bồi thường thiệt hại đất nông nghiệp, lâm nghiệp khi Nhà nước thu hồi, bằng giá đất nông nghiệp, lâm nghiệp hạng 1, nhân với hệ số (K) quy định dưới đây, trừ đi phần chênh lệnh giữa giá đất nông nghiệp, lâm nghiệp hạng 1 và giá đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị thu hồi theo hạng.

Giá đất nông nghiệp, lâm nghiệp theo hạng được xác định trên cơ sở khung giá quy định tại Quyết định số 33/1998/QĐ-UB ngày 10 tháng 9 năm 1998 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

a.2- Hệ số (K) làm căn cứ xác định giá bồi thường thiệt hại tại các xã thuộc các huyện ngoại thành được quy định như sau:

- Đất nông nghiệp tại các xã ven đô thuộc các huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm: K=2,7.

- Đất nông nghiệp tại các xã loại 1 thuộc các huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm: K=2,6.

- Đất nông nghiệp tại các xã loại 2 thuộc các huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm và xã loại 1 của huyện Đông Anh: K=2,5.

- Đất nông nghiệp tại các xã còn lại thuộc huyện Đông Anh: K=2,4.

- Đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở các xã đồng bằng loại 1 thuộc huyện Sóc Sơn: K=2,3.

- Đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở các xã đồng bằng loại 2 thuộc huyện Sóc Sơn: K=2,2.

- Đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở các xã còn lại thuộc huyện Sóc Sơn: hệ số K=2,0.

Đối với dự án thu hồi đất thuộc địa giới hành chính của nhiều xã có hệ số K khác nhau thì phần diện tích đất của dự án nằm trên địa phận xã nào áp dụng theo hệ số K của xã đó theo đúng quy định trên.

Việc phân loại xã căn cứ vào quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Ngoài phần bồi thường trên, các trường hợp bị thu hồi đất còn được nhận các khoản hỗ trợ theo quy định tại Mục a/b/ Khoản 3/ Điều này.

b- Giá đất làm căn cứ lập phương án bồi thường thiệt hại đất nông nghiệp trong nội thành, nội thị trấn:

Giá đất nông nghiệp trong nội thành, nội thị được xác định theo vị trí, theo khu vực và quá trình thực hiện đô thị hóa. Cụ thể như sau:

b.1- Giá đất nông nghiệp trong nội thành.

b.1.1- Khu vực thuộc các phường của quận Hoàn Kiếm (trừ phường Phúc Tân), quận Ba Đình (trừ phường Phúc Xá), quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng (trừ các phường tại tiết b.1.2), phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ:

- Các thửa đất tiếp giáp với đường phố có đặt tên, mức giá áp dụng từ 550.000 đồng/m2 đến 800.000 đồng/m2.

- Các thửa đất nằm ở các vị trí còn lại, mức giá áp dụng từ 350.000 đồng/m2 đến 500.000 đồng/m2.

b.1.2- Khu vực thuộc các phường: Vĩnh Tuy, Minh Khai, Mai Động, Thanh Lương, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ, Tân Mai, Tương Mai, Trương Định, Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng; phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm; phường Phúc Xá, quận Ba Đình; phường Quảng An, Yên Phụ, Bưởi, quận Tây Hồ, áp dụng theo cácmức giá sau đây:

- Các thửa đất tiếp giáp với đường phố có đặt tên, mức giá áp dụng từ 400.000 đồng/m2 đến 550.000 đồng/m2.

- Các thửa đất nằm ở các vị trí còn lại, mức giá áp dụng từ 200.000 đồng/m2 đến 350.000 đồng/m2.

b.1.3- Khu vực thuộc các phường: Quan Hoa, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy; các phường: Phương Liệt, Khương Mai, Khương Trung, Thượng Đình, quận Thanh Xuân; phường Nhật Tân, Tứ Liên, quận Tây Hồ áp dụng theo các mức giá sau đây:

- Các thửa đất tiếp giáp với đường phố có đặt tên, mức giá áp dụng từ 250.000 đồng/m2 đến 400.000 đồng/m2.

- Các thửa đất nằm ở các vị trí còn lại, mức giá áp dụng từ 150.000 đồng/m2 đến 200.000 đồng/m2.

b.1.4- Các khu vực còn lại thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ áp dụng chung (cho các vị trí khác nhau) mức giá từ 130.000 đồng/m2 đến 150.000 đồng/m2.

b.2- Giá đất nông nghiệp trong nội thị trấn:

- Giá đất nông nghiệp trong các thị trấn: Cầu Diễn, Văn Điển, Gia Lâm, Đức Giang, áp dụng chung mức giá là: 150.000 đồng/m2.

- Giá đất nông nghiệp trong các thị trấn còn lại, áp dụng chung theo mức giá là: 130.000 đồng/m2.

c- Xác định và quyết định phê duyệt giá đất nông nghiệp.

Căn cứ các quy định trên đây và thực tế sử dụng đất, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) xác định và quyết định phê duyệt giá đất nông nghiệp làm căn cứ lập phương án bồi thường cho từng dự án cụ thể.

Trường hợp dự án thu hồi đất trên địa bàn nhiều quận, huyện, Ủy ban nhân các dân quận (huyện) cần trao đổi, thống nhất về mức giá, đảm bảo tính khả thi trước khi xác định và phê duyệt.

d- Giá đất vườn liền kề với đất ở trong nội thành, nội thị, khu dân cư nông thôn được xác định bằng 30% giá bồi thường đất ở do Ủy ban nhân dân Thành phố quy định, nhưng không thấp hơn giá bồi thường đất nông nghiệp trong cùng khu vực.

e- Được nhận tiền bồi thường theo mức giá trên, các trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp trong nội thành, nội thị trấn không được nhận các khoản hỗ trợ theo quy định tại Mục a/ b/ Khoản 3/ Điều này.

2- Điều chỉnh Điều 10 như sau:

Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cho cây trồng, vật nuôi để thông báo mức giá chuẩn bồi thường sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản bình quân hàng năm. Căn cứ thông báo mức giá chuẩn trên, Ủy ban nhân dân quận (huyện) quyết định đơn giá bồi thường trên một đơn vị diện tích (1m², 1 sào, 1 ha) hoặc từng loại cây trồng, vật nuôi cho từng dự án cụ thể.

3- Điều chỉnh, bổ sung Điều 12 như sau:

Hỗ trợ cho các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp tại các xã ngoại thành như sau:

a- Điều chỉnh chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.

Trong khi Thành phố chưa lập quỹ hỗ trợ tạo việc làm, Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp trực tiếp cho lao động nông nghiệp, được xác định theo m² đất nông nghiệp thực tế thu hồi, áp dụng chung một mức là 25.000 đồng/m2 (Hai mươi lăm ngàn đồng một mét vuông).

Khi Nhà nước lập quỹ hỗ trợ tạo việc làm, khoản tiền trên được nộp vào quỹ chung và sử dụng theo các mục tiêu cụ thể.

b- Bổ sung chính sách hỗ trợ "đặc biệt" khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để đảm bảo ổn định đời sống cho người sản xuất:

+ 35.000 đồng/m² đối với các xã thuộc các huyện Từ Liêm, Thanh Trì.

+ 30.000 đồng/m² đối với các xã thuộc các huyện Gia Lâm, Đông Anh.

+ 20.000 đồng/m² đối với các xã đồng bằng thuộc huyện Sóc Sơn.

+ 15.000 đồng/m² đối với các xã trung du thuộc huyện Sóc Sơn.

c- Bổ sung chính sách giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp.

Trường hợp sử dụng đất nông nghiệp để chuyển mục đích sử dụng, thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh, ngay từ khi nghiên cứu, lập dự án đầu tư, Chủ đầu tư có trách nhiệm lập và thỏa thuận với chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) về phương án đào tạo, sử dụng lao động tại chỗ theo hướng: mỗi hét ta đất nông nghiệp bị thu hồi tạo điều kiện để đào tạo, tuyển dụng lao động vào làm việc trong dự án tối thiểu là 10 lao động trong độ tuổi.

d- Bổ sung chính sách hỗ trợ thiệt hại khi Nhà nước trưng dụng tạm thời đất nông nghiệp.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị trưng dụng tạm thời thì được bồi thường thiệt hại về tài sản trên đất, đồng thời được hỗ trợ một khoản như sau:

Tiền hỗ trợ do bị trưng dụng tạm thời

=

Chi phí hỗ trợ đào tạo, chuyển nghề (25.000 đ/m²)

x

Diện tích đất bị trưng dụng tạm thời

x

Số năm trưng dụng + 3 năm phục hóa

20 năm

4- Bổ sung Điều 14 như sau:

Người sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp hợp pháp khi bị thu hồi, trưng dụng, nếu thực hiện bàn giao đúng tiến độ do Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận (huyện) đề ra thì được hưởng 3.000 đồng/m² nhưng không quá 3.000.000 đồng/ chủ sử dụng đất hợp pháp.  

5- Đối tượng được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ về đất khi thu hồi.

Toàn bộ tiền bồi thường, hỗ trợ về đất, tiền thưởng tiến độ theo quy định tại Quyết định này được trả trực tiếp cho người sử dụng đất hợp pháp, hợp lệ khi Nhà nước thu hồi đất.

Việc trích tiền bồi thường, hỗ trợ về đất, tiền thưởng tiến độ để hỗ trợ cho người thuê đất, mượn đất, sử dụng đất đấu thầu do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định trên cơ sở thống nhất của chủ sử dụng đất.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các phương án bồi thường, hỗ trợ đã có Quyết định phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không điều chỉnh theo Quyết định này. Đối với dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng dở dang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) căn cứ thực tế để quyết định việc bồi thường, hỗ trợ.

Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện); các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như điều 2,
- Thủ tướng Chính phủ,
- Thường trực Thành ủy,
- Thường trực HĐND,
- Đ/c Bí thư Thành ủy,
 (để báo cáo)
- Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Bộ Tài chính. LĐ-TB & XH,
- Bộ Nông nghiệp & PTNT,
- Thanh tra Nhà nước,
- Văn phòng Chính phủ,
- Các Phó chủ tịch UBND TP
- Văn phòng Thành ủy
- Các PVP, TCV, TD, THKT,
 Nth,
- Lưu VT
 

T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên