Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC - NAM

Ngày 23 tháng 02 năm 2017, Tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, ngành: Giao thông vận tải, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải - CTCP (Tư vấn).

Sau khi nghe báo cáo của Tư vấn, ý kiến của đại diện các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:

Đánh giá cao sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng của Bộ Giao thông vận tải và Tư vấn về tổng quan hiện trạng các loại hình giao thông trên tuyến Bắc - Nam và dự báo nhu cầu vận tải để khẳng định sự cần thiết đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, từ đó đề xuất các phương án đầu tư, cơ chế chính sách cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư Dự án.

Đây là dự án quan trọng quốc gia, vì vậy cần thực hiện bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

1. Một số mục tiêu chính và yêu cầu đối với Dự án như sau:

a) Hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn;

b) Kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, qua 20 tỉnh, thành phố; kết nối các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, cảng biển nhằm phát triển kinh tế - xã hội những khu vực có đường cao tốc chạy qua nói riêng và cả đất nước nói chung;

c) Giảm thiểu áp lực và khai thác có hiệu quả hơn tuyến Quốc lộ 1;

d) Phù hợp với nguồn lực của đất nước, định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải;

đ) Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (hiện nay năng lực cạnh tranh của Việt Nam ở mức thấp: 76/140 quốc gia); nâng cao năng lực hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc;

e) Bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn xã hội;

g) Đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

2. Về phương án đầu tư: Giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tư vấn hoàn thiện 2 phương án (nhà nước hỗ trợ 63.000 tỷ đồng và 70.000 tỷ đồng), báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết định trước khi trình Quốc hội. Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước dành chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và một phần cho đầu tư, phần còn lại (khoảng 70% tổng mức đầu tư) huy động từ nguồn xã hội hóa.

3. Để bảo đảm tiến độ triển khai Dự án, yêu cầu:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Dự án theo quy định. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành theo quy định, mời thêm các chuyên gia có kinh nghiệm về kinh tế, kỹ thuật.

b) Giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tư vấn chủ động lập các dự án đầu tư thành phần để triển khai xây dựng ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến.

c) Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện cơ chế đặc thù, trong đó có cơ chế huy động vốn đầu tư xã hội hóa, trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt theo thẩm quyền.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: GTVT, KH&ĐT, TC, XD, TN&MT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, QHQT, QHĐP, V.I, TH;
- Lưu: VT, CN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục