Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC HOÀN THIỆN BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 VÀ DỰ KIẾN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Ngày 31 tháng 5 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc hoàn thiện Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (Báo cáo). Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

1. Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, cắt giảm các dự án và hoàn thiện Báo cáo theo tinh thần Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Cơ bản đồng ý với kết cấu dự thảo Báo cáo; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2021, Thông báo số 123/TB-VPCP ngày 26 tháng 5 năm 2021, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, tiếp tục rà soát kỹ, tập trung hoàn thiện Báo cáo; trong đó, lưu ý một số nội dung sau:

a) Đối với đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020: đánh giá kỹ, ngắn gọn, súc tích sâu sắc, phản ánh đúng thực chất, khách quan tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để làm rõ hơn kết quả đạt được, hạn chế tồn tại, nguyên nhân (nhất là các nguyên nhân chủ quan như về thể chế, chưa phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cá nhân...); các bài học kinh nghiệm rút ra phải sâu sắc, đúng thực tiễn và có tính định hướng phát huy rõ ràng.

b) Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, cần thể hiện được các nội dung sau:

- Bối cảnh, tình hình xây dựng kế hoạch.

- Quan điểm chỉ đạo: phát huy thành tích đạt được, bài học quý, cách làm hay để phát huy, khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa đầu tư phát triển các vùng kinh tế động lực, hỗ trợ vùng khó khăn thực hiện không gian phát triển an sinh xã hội; bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “xin- cho”; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

- Mục tiêu cần đạt được của kế hoạch;

- Định hướng đầu tư; phương án phân bổ;

- Giải pháp thực hiện, trong đó lưu ý các giải pháp về lãnh đạo chỉ đạo; phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm; về cơ chế, chính sách; các giải pháp khắc phục những hạn chế tồn tại của giai đoạn trước.

- Dự kiến các kết quả đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025;

- Tổ chức thực hiện.

c) Đối với các đề xuất kiến nghị: bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chủ thể (Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ).

d) Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 1,44 triệu tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1,43 triệu tỷ đồng.

đ) Đối với số vốn còn lại chưa phân bổ, cần xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, có giải trình đầy đủ, thuyết phục, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau: các dự án đường bộ cao tốc, đường thủy nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến kết nối vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; bố trí đủ để thu hồi các khoản ứng trước và thanh toán các nhiệm vụ, dự án thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương khi có chủ trương, ý kiến của Bộ Chính trị, Quốc hội; các mục tiêu phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai; vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn nước ngoài và vay ưu đãi của các nhà tài trợ; các dự án an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập; các nhiệm vụ quốc phòng từ nguồn lợi nhuận sau thuế thuế của Tập đoàn công nghiệp viễn thông quân đội theo kết luận của Bộ Chính trị...

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để tiếp tục rà soát, cắt giảm dự án (nhất là đối với 4 bộ và 16 địa phương tăng số lượng dự án) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2021 và quy định tại Nghị quyết số 973/2020/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát các dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư để cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết; đối với các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cần báo cáo giải trình rõ lý do, sự cần thiết và hiệu quả đầu tư; xem xét kỹ lưỡng, chặt chẽ ngân sách đã phân bổ và rà soát cắt giảm dự án xuống dưới 5.000 dự án để tập trung trọng tâm, trọng điểm và không kéo dài, dàn trải, chia cắt manh mún...

4. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gửi báo cáo Chính phủ trước ngày 02 tháng 6 năm 2021 để trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2021 và xin ý kiến các cơ quan của Đảng, Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

5. Trường hợp cần thiết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì làm việc với các cơ quan của Đảng, Quốc hội về Báo cáo nêu trên để tạo sự đồng thuận trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP, PTTg Lê Minh Khái, PTTg Lê Văn Thành;
- Các Bộ: KHĐT, TC, GTVT, NNPTNT, Tư pháp, Y tế;
- Ngân hàng Nhà nước VN;
- Tòa án NDTC;
- Viện Kiểm sát NDTC;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, CN, NN, QHQT, KGVX, NC;
- Lưu: VT, KTTH (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân