Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 145/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2001

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH XÂY DỰNG CỤM, TUYẾN DÂN CƯ VÀ NHÀ Ở CỦA NHÂN DÂN VÙNG NGẬP LŨ Ở CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 8 tháng 10 năm 2001, tại tỉnh Long An, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn về vấn đề quy hoạch, kế hoạch xây dựng cụm, tuyến dân cư, đê bao bảo vệ các thị xã, thị trấn, thị tứ và nhà ở của nhân dân vùng ngập sâu tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang và lãnh đạo các Bộ, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Văn phòng Chính phủ cùng đại diện một số cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Xây dựng báo cáo về chương trình, kế hoạch xây dựng cụm, tuyến dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001-2005; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về quy hoạch kiểm soát lũ, ổn định dân cư vùng lũ và báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An về quy hoạch xây dựng nhà ở vùng ngập lũ của tỉnh; ý kiến của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến như sau:

I. Về công tác cứu trợ, cứu đói và khắc phục hậu quả lũ lụt 2001:

1. Liên tục trong 2 năm 2000 và năm 2001, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ bị lũ lớn, mức độ ngập lụt sâu, diện rộng và kéo dài gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.

Đảng bộ, chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể, các lực lượng vũ trang và nhân dân vùng ngập lũ đã có nhiều cố gắng, chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng, tài sản của dân, tổ chức di dời, tổ chức giữ trẻ, cứu trợ và khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra.

2. Lũ lụt còn kéo dài, hậu quả thiệt hại do lũ lụt gây ra cho các địa phương sẽ còn rất lớn. Uỷ ban nhân dân các tỉnh cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện một số việc cấp bách sau đây:

- Bằng các biện pháp phù hợp, Uỷ ban nhân dân các tỉnh tiếp tục tổ chức tốt việc bảo vệ tính mạng của nhân dân vùng ngập lũ, nhất là trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, về tài sản của nhân dân, của Nhà nước. Các địa phương phải tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác cứu trợ, chăm sóc y tế cho nhân dân. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải thường xuyên nắm chắc tình hình và trực tiếp chỉ đạo việc cứu đói, không để hộ dân nào trong vùng ngập lũ bị đói. Phải xem đây là nhiệm vụ chính trị chủ yếu của Đảng bộ, Chính quyền, các đoàn thể nhân dân vùng bị lũ lụt.

Các tỉnh chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương và các nguồn cứu trợ khác để thực hiện việc cứu trợ; nếu thiếu phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Uỷ ban nhân dân các cấp phải chỉ đạo tốt việc quản lý và tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ, đảm bảo cứu trợ, cứu đói kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực thất thoát.

- Phải chuẩn bị kế hoạch để khi nước rút tiến hành ngay việc tu sửa, khôi phục trường lớp, các cơ sở y tế và các công trình phúc lợi cấp bách, bảo đảm việc học hành của học sinh, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, chủ động phòng, chống dịch bệnh phát sinh, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Chuẩn bị phương án, kế hoạch tu sửa, khôi phục các công trình giao thông, thuỷ lợi cấp bách; bố trí lịch thời vụ sản xuất hợp lý, chuẩn bị đủ giống và các điều kiện cần thiết khác để khi nước nút bắt tay ngay vào sản xuất vụ Đông xuân năm 2001-2002 có hiệu quả.

Bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội vùng bị lũ lụt, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, quản lý tốt thị trường vùng bị ngập lũ.

II. Về công tác quy hoạch, kế hoạch xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở của nhân dân vùng thường xuyên bị ngập lụt.

Lũ đến với đồng bằng sông Cửu Long là quy luật thường xuyên, để chung sống với lũ an toàn, ổn định và ngày càng phát triển nhanh về mọi mặt, cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch tổng thể, đồng bộ trong cả vùng, trong đó đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch thuỷ lợi, giao thông, quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch xây dựng cụm, tuyến dân cư trong vùng ngập lũ. Trong đó việc xây dựng tuyến, cụm dân cư vượt lũ là yêu cầu rất bức xúc.

1. Về Công tác quy hoạch: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về hệ thống thuỷ lợi (tiêu thoát lũ, thau chua, xổ phèn, ngăn mặn, giữ ngọt...) đáp ứng các yêu cầu của chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của vùng; cập nhật, bổ sung, điều chỉnh lại quy hoạch kiểm soát lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với diễn biến lũ lụt và các vấn đề mới nẩy sinh, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh và bền vững về kinh tế-xã hội của vùng.

Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống công trình thoát lũ cho vùng Tứ giác Long Xuyên; đẩy nhanh việc nghiên cứu để có kết luận và sớm triển khai đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát lũ vùng Đồng Tháp Mười.

Trên cơ sở quy hoạch về thuỷ lợi, các quy hoạch về giao thông, xây dựng, cụm, tuyến dân cư, nhà ở của dân, điện, nước... phải được tiếp tục cập nhật, bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch thuỷ lợi, quy hoạch kiểm soát lũ, nhằm bảo đảm yêu cầu tiêu thoát lũ, đồng thời bảo đảm các công trình cơ sở hạ tầng ít bị hư hại khi lũ lụt xẩy ra hàng năm.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán chặt chẽ quy hoạch các tuyến đường bộ trong vùng, xác định khẩu diện, vị trí cầu trên các lộ giao thông phù hợp với hệ thống kênh trục thuỷ lợi và các giải pháp công trình thích hợp (vượt lũ, cần cạn, đường tràn thoát lũ...) để vừa bảo đảm giao thông vừa không ảnh hưởng dòng chảy và làm nâng cao mực nước lũ.

2. Về xây dựng các cụm, tuyến dân cư.

Trên cơ sở quy hoạch thuỷ lợi, giao thông, các tỉnh khẩn trương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch cụm, tuyến dân cư để bắt tay ngay vào xây dựng trong năm 2002 và phấn đấu đến năm 2004 cơ bản hoàn thành. Xây dựng cụm, tuyến dân cư, trường học, trạm xá trong vùng ngập lũ phải bảo đảm không bị ngập lụt so với mức nước lũ năm 1961 và năm 2000, nhưng không làm cản trở dòng chảy, không phá vỡ quy hoạch chung, phù hợp với yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, bảo đảm an toàn, ổn định và phát triển bền vững.

- Đối với các thị xã, thị trấn, thị tứ đông dân cư: Kết hợp đầu tư nâng nền cục bộ và làm đê bao bảo vệ khu dân cư, cùng với các giải pháp cấp thoát nước, vệ sinh môi trường và các công trình phúc lợi công cộng cấp thiết, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi.

- Đối với các cụm trung tâm xã: Thực hiện giải pháp tôn nền vượt lũ là chủ yếu với quy mô phù hợp khoảng từ 3-5 ha, trong đó có trụ sở xã, trường học, trạm xã, chợ, nhà ở... và để phù hợp với điều kiện sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, có thể tổ chức các cụm dân cư với quy mô khoảng 2-3 ha cho khoảng 100-120 hộ dân, gắn với đồng ruộng, thuận tiện trong sản xuất của nhân dân và bố trí các công trình phúc lợi.

- Tuyến dân cư phải xây dựng trên cơ sở tuyến kênh trục, kênh cấp 1 và các trục lộ giao thông là chính. Trên các tuyến bố trí các cụm dân cư. Cụm dân cư có thể được bố trí mở một hoặc cả hai bên trục kênh, trục đường, có thể ở liên tục hoặc từng đoạn trên tuyến, để phù hợp với quy hoạch thoát lũ và điều kiện cụ thể của từng vùng.

- Đối với đê bao bảo vệ sản xuất và sinh hoạt của dân có diện tích lớn (cho cả ấp, cả xã, cả huyện), phải được quy hoạch cụ thể, không làm tự phát tràn lan, có lợi tại chỗ, nhưng gây thiệt hại chung. Quy hoạch và xây dựng đê bao này phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt cụ thể cho từng tỉnh trên cơ sở quy hoạch thuỷ lợi và quy hoạch kiểm soát lũ chung của cả vùng.

III. Về cơ chế đầu tư, chính sách nhà ở

1. Ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến dân cư, đê bao thị xã, thị trấn, cụm dân cư trung tâm cụm xã và các công trình phúc lợi công cộng tại các cụm dân cư. Cho vay tín dụng ưu đãi để xây dựng các cụm dân cư trong xã như cho vay kiên cố hóa kênh mương.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Quỹ Hỗ trợ phát triển và Uỷ ban nhân dân các tỉnh bị ngập lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng cơ chế cho vay phù hợp.

2. Để giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho các hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo vùng ngập lũ, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng chính sách cho vay ưu đãi phù hợp, theo hướng trả góp nhiều năm.

3. Các dự án xây dựng cụm, tuyến dân cư cấp bách trong năm 2001-2002, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phải lập và trình duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi mà chỉ cần trình duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán theo quy định và cho phép được áp dụng hình thức chỉ định thầu để thực hiện. ứng trước một phần vốn để triển khai thực hiện ngay trong đầu năm 2002. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc này.

4. Miễn thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng tuyến, cụm dân cư.

IV. Về tổ chức thực hiện:

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch xây dựng các cụm, tuyến dân cư, gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2001.

2. Trước mắt, Bộ Xây dựng làm việc cụ thể với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân các tỉnh vùng ngập lũ, xác định, lựa chọn các công trình xây dựng cụm, tuyến dân cư, đê bao bảo vệ các khu dân cư tập trung cấp bách ở vùng ngập sâu, phù hợp với quy hoạch để đầu tư trước trong năm 2001-2002 trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có kế hoạch cân đối bố trí vốn để thực hiện, trong kế hoạch năm 2002, bố trí khoảng 500 tỷ đồng cho chương trình cấp thiết này.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long biết, thực hiện./.’

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VP CHÍNH PHỦ
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý