VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 159/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2002 |
THÔNG BÁO
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 159/TB-VPCP NGÀY 04 THÁNG 10 NĂM 2002 VỀ Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH ĐIỆN V
Ngày 23 tháng 9 năm 2002, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn năm 2001 2010 có xét triển vọng đến năm 2020 (quy hoạch điện V).
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, ngành: Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển, Văn phòng Chính phủ; các Tổng công ty: Điện lực, Dầu khí và Than; Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước các dự án đầu tư và các đồng chí phái viên của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi nghe Tổng công ty Điện lực Việt Nam báo cáo sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch điện V; ý kiến của Bộ Công nghiệp và của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến như sau:
1. Do phụ tải điện tăng cao so với dự báo khi xây dựng quy hoạch và tiến độ thi công các công trình nguồn điện và lưới điện không đáp ứng yêu cầu đề ra nên việc điều chỉnh Quy hoạch điện V là cần thiết.
- Tổng công ty Điện lực Việt Nam tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp để hoàn chỉnh báo cáo điều chỉnh Quy hoạch điện V, báo cáo Bộ Công nghiệp để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ.
- Hội đồng thẩm định nhà nước về các dự án đầu tư thẩm tra báo cáo điều chỉnh quy hoạch điện V, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 30 tháng 10 năm 2002 và chuẩn bị báo cáo trình Bộ Chính trị.
2. Bộ Công nghiệp và Tổng công ty Điện lực Việt Nam tập trung chỉ đạo thực hiện khẩn trương các công việc sau đây:
- Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Quy hoạch điện V.
- Đối với các dự án nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thuỷ điện cần thiết mở rộng hoặc tăng công suất, Tổng công ty Điện lực Việt Nam lập danh mục bổ sung và tiến hành lập báo cáo khả thi trình duyệt theo quy định hiện hành.
- Đối với dự án đường dây 500 KV Đà Nẵng - Thường Tín, Tổng công ty Điện lực Việt Nam khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình duyệt theo quy định hiện hành. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu đưa công trình này vào vận hành trong năm 2005.
- Bộ Công nghiệp phối hợp với các địa phương khẩn trương xem xét, giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ Công nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
- Bộ Công nghiệp và Tổng công ty Điện lực Việt Nam cần tổng kết, đánh giá tình hình sử dụng nguồn vốn ODA cho các dự án đầu tư phát triển ngành điện thời gian qua, từ đó rút ra các biện pháp sử dụng vốn ODA một cách tốt nhất và không cam kết những điều bất lợi cho ta. Tổng công ty Điện lực Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh chế tạo thiết bị điện phục vụ ngành điện, nhanh chóng giảm bớt tỷ lệ thiết bị, vật tư nhập ngoại.
- Ngành điện là ngành có khả năng thu hồi vốn. Vì vậy, khi xây dựng các dự án nguồn điện và lưới điện phải tính toán, cân nhắc kỹ hiệu quả bằng các nguồn vốn như: vay vốn tín dụng của các Ngân hàng Thương mại, vốn tín dụng xuất khẩu của người cung cấp thiết bị vật tư, mua thiết bị vật tư thanh toán chậm, phát hành trái phiếu công trình, huy động vốn của các thành phần kinh tế qua việc cổ phần hoá (đối với các dự án nguồn điện), huy động vốn qua thị trường chứng khoán... để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần vốn cho dự án đa mục tiêu.
- Trong tháng 11 năm 2002, Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tính toán, kiến nghị ban hành khung giá mua bán điện của các chủ đầu tư không thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam; công bố danh mục các dự án nguồn điện để kêu gọi đầu tư theo các hình thức như: Tổng công ty Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần, Công ty điện độc lập (IPP); đồng thời nghiên cứu đề xuất các biện pháp nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nguồn điện theo hình thức Công ty cổ phần.
Tổng công ty điện lực Việt Nam triển khai kế hoạch cổ phần hoá và sắp xếp lại doanh nghiệp theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
- Tổng công ty Điện lực Việt Nam cần tiếp tục tăng cường các biện pháp để giảm tổn thất điện năng, đồng thời nghiên cứu các biện pháp nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng tiết kiệm điện.
- Tổng công ty Điện lực Việt Nam khẩn trương chấn chỉnh, tăng cường cả về tổ chức và các bộ nhằm nâng cao năng lực về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
3. Về các kiến nghị của Tổng công ty Điện lực Việt Nam:
a. Về đề nghị phân cấp quyết định đầu tư các dự án ngành điện: Chính phủ sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng theo hướng phân cấp mạnh cho các Bộ, ngành, địa phương và các Tổng công ty; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư. Các dự án ngành điện sẽ được thực hiện theo hướng phân cấp này. Đối với các dự án ngành điện, Bộ Công nghiệp thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định một lần về các vấn đề kinh tế, kỹ thuật của dự án trước khi quyết định.
b. Đồng ý khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án vay vốn thương mại, Hội đồng thẩm định không nhất thiết yêu cầu chủ dự án có đủ các cam kết nguồn vốn vay, nhưng trước khi khởi công công trình nhất thiết phải có đủ cam kết của các tổ chức cho vay vốn.
c. Về nguyên tắc, đồng ý những dự án đã có trong quy hoạch thì không nhất thiết phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Bộ Công nghiệp trình Thủ tướng chính phủ duyệt trước danh mục những dự án ngành điện không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
d. Về nguyên tắc đồng ý các Ngân hàng Thương mại quốc doanh cho các dự án điện vay vốn tín dụng vượt 15% vốn tự có của Ngân hàng. Cơ chế này sẽ được xem xét, xử lý cho từng dự án cụ thể.
d. Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ thẩm định để phê duyệt quyết toán các công trình theo đề nghị của Tổng công Điện lực Việt Nam.
e. Bộ Công nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu tách hoạt động công tích ra khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh điện, trên cơ sở đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để có cơ chế hỗ trợ thích hợp cho ngành điện.
g. Cho phép Tổng công ty Điện lực Việt Nam được khai thác sử dụng thiết kế phù hợp của những nhà máy nhiệt điện than đang vận hành cho những dự án tương tự.
h. Bộ Công nghiệp khẩn trương giải quyết các kiến nghị về dự án điện Phú Mỹ 2.2 để nhà đầu tư khởi công công trình trong năm 2002.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan và Tổng công ty Điện lực Việt Nam biết, thực hiện.
| Văn Trọng Lý (Đã ký) |
- 1 Thông báo số 08/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về triển khai thực hiện quy hoạch điện VI do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1436/QĐ-TTg năm 2007 thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về Quy hoạch điện VI do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 145/TB-VPCP về ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quy hoạch, kế hoạch xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở của nhân dân vùng ngập lũ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1 Thông báo số 08/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về triển khai thực hiện quy hoạch điện VI do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1436/QĐ-TTg năm 2007 thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về Quy hoạch điện VI do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 145/TB-VPCP về ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quy hoạch, kế hoạch xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở của nhân dân vùng ngập lũ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành