VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2017 |
Ngày 26 tháng 12 năm 2016, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Cao Đức Phát - Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, một số cơ quan thuộc Quốc hội, Trung ương Đảng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; tại đầu cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả công tác năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017, ý kiến phát biểu của các địa phương và cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận và chỉ đạo như sau:
Năm 2016, là năm đặc biệt khó khăn với ngành nông nghiệp. Thiên tai khốc liệt, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ lụt... xảy ra ở hầu khắp các vùng, miền trên cả nước; đồng thời, sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở 4 tỉnh miền Trung xảy ra đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp (giá trị thiệt hại nông nghiệp ước tính khoảng 1,7 tỷ USD, tương đương gần 1,0% GDP của cả nước), môi trường và đời sống của người dân ảnh hưởng; nhiều tài sản, nhà cửa của Nhân dân, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng.
Trong bối cảnh rất khó khăn đó, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, ngành nông nghiệp đã đoàn kết, đồng lòng cùng với cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai, nhân tai, giảm thấp nhất thiệt hại, khôi phục sản xuất và đã đạt được những kết quả quan trọng với mức tăng trưởng toàn ngành năm 2016 đạt khoảng 1,36% sau 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, đặc biệt bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân nông thôn.
Cơ bản nhất trí với những đánh giá được nêu trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như ý kiến tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; một số kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong năm 2016 là:
- Nông nghiệp nông thôn nước ta sau 30 năm đổi mới, đặc biệt trong những năm qua và năm 2016 vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong mọi hoàn cảnh, đóng góp rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, trong cân đối lương thực. Mặc dù năm 2016 gặp rất nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp trên 32 tỷ USD vào giá trị kim ngạch xuất khẩu và duy trì xuất siêu; trong đó có 10 mặt hàng đã đạt giá trị xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, đặc biệt giá trị xuất khẩu rau quả lần đầu tiên đạt trên 2,4 tỷ USD.
- Công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai được các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và toàn ngành nông nghiệp, trước hết là các đồng chí lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện kịp thời, khắc phục mọi khó khăn, xử lý hiệu quả mọi tình huống, qua đó đã giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
- Tái cơ cấu nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả bước đầu, trong đó một số địa phương triển khai thực hiện tốt như ở Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình,... Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Đời sống người nông dân tiếp tục được cải thiện.
- Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đạt được mục tiêu đề ra, đến nay cả nước đã có 2.235 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 88%.
- Công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng nông sản, vật tư nông nghiệp được tăng cường, cải thiện đáng kể, từng bước lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là của người nông dân, ngư dân, diêm dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong điều kiện thiên tai và nhân tai như trong năm vừa qua đã khắc phục khó khăn để tiếp tục phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, ngành nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém cần nghiêm túc nhìn nhận để khắc phục trong thời gian tới:
- Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, người dân nông thôn còn quá lớn, trong khi tỷ trọng kinh tế từ nông nghiệp thấp, đời sống đại bộ phận người lao động trong nông nghiệp dù cơ bản ổn định nhưng còn khó khăn.
- Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, phổ biến vẫn là kinh tế hộ. Việc quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đang tạo ra những rào cản đối với nhu cầu sản xuất quy mô lớn, là một trong những nguyên nhân chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
- Số doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít (chiếm tỷ trọng trên 1,0%), năng lực cạnh tranh hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chất lượng cao, dịch vụ tốt trong nông nghiệp, nhiều hợp tác xã hoạt động còn bất cập, thậm chí yếu kém.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiệu quả chưa cao, chưa có sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp, liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông còn yếu. Thương mại điện tử trong nông nghiệp phát triển chưa đáng kể.
- Đầu vào của nông nghiệp, nhất là chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được quản lý tốt. An toàn thực phẩm trong nông nghiệp còn chưa được kiểm soát triệt để, chưa nâng cao được nhận thức, đạo đức của người sản xuất, kinh doanh. Công tác thanh tra ở cấp cơ sở chưa quyết liệt, hiệu quả.
- Công tác sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường còn chậm, nhiều bất cập; quản lý, sử dụng đất đai ở các nông, lâm trường chưa chặt chẽ, còn lãng phí, hiệu quả chưa cao.
- Công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng (Công ty nông lâm nghiệp) ở một số địa phương chưa được coi trọng. Nạn phá rừng tự nhiên chưa được ngăn chặn triệt để, đây là vấn đề lớn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, nhất là nguy cơ sa mạc hóa Tây Nguyên.
- Xây dựng nông thôn mới chưa được quan tâm đúng mức ở một số địa phương, nhiều địa phương có nguồn lực nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; chưa chú trọng đến phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn; nợ xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn lớn.
- Cơ sở hạ tầng nông nghiệp chưa đồng bộ; nhiều hệ thống thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước, kênh mương xuống cấp nghiêm trọng nhưng thiếu nguồn lực để sửa chữa, duy tu bảo dưỡng tiềm ẩn nguy hiểm khi mưa lũ và lãng phí nguồn nước.
- Ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn chậm được cải thiện, nhất là các làng nghề, nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, khu chăn nuôi tập trung.
II. MỤC TIÊU NHIỆM VỤ NĂM 2017 VÀ THỜI GIAN TỚI
Là quốc gia có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp so với các nước trong khu vực; mặt khác, phần lớn dân số nước ta sống ở nông thôn, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp lớn, ngành nông nghiệp cần phát huy những lợi thế, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung phát triển theo một số định hướng sau:
- Phát triển nông nghiệp phải chú trọng về giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nhất là những sản phẩm chủ lực, thế mạnh.
- Khai thác được thế mạnh từ biển, tập trung phát triển thủy hải sản.
- Chủ động thích nghi, chống chịu được với các tác động của biến đổi khí hậu và tác động từ hoạt động khai thác sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn.
- Chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng về xuất khẩu nhưng trước hết phải phục vụ Nhân dân.
- Tập trung xây dựng nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tạo ra sản phẩm giá trị cao. Đồng thời hướng tới giải quyết vấn đề an sinh xã hội, nhất là đối với những người dân nghèo và đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
2. Nhiệm vụ năm 2017 và thời gian tới:
- Tập trung khắc phục nhanh hậu quả thiên tai: Khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu; tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017 đặc biệt, bảo đảm hiệu quả sản xuất, ổn định đời sống cho người nông dân; đảm bảo điều kiện học tập, khám chữa bệnh; chăm lo Tết Nguyên đán cho người dân vùng thiên tai, không để người dân đứt bữa, đói cơm.
- Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển hướng từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp thay vì sản lượng, số lượng. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt; giảm chi phí, nâng cao năng suất, từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Tổ chức lại hoạt động hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã, hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng xuất khẩu nhiều sản phẩm thô, giá trị thấp.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo đảm môi trường sống cho người dân nông thôn, trong đó tập trung nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
- Ưu tiên nguồn lực, khoa học kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là năng lực phòng chống, chống chịu với thiên tai. Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, giành nguồn lực thoả đáng cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Tập trung chỉ đạo một số sản phẩm nông nghiệp có khả năng xuất khẩu, bảo đảm vượt kế hoạch đề ra.
- Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển, nhất là về đất đai và quy hoạch đất lúa theo hướng bãi bỏ các thể chế, chính sách trói buộc, kìm hãm phát triển nông nghiệp, nông thôn, trước hết là những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục khai thác các cơ hội từ hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam để phát huy các thế mạnh các sản phẩm, bao gồm sản phẩm quốc gia, nhóm lợi thế địa phương, nhóm đặc sản vùng, miền.
- Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị phải quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp nông thôn, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển nông nghiệp nông thôn.
III. VỀ CÁC ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ:
1. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ nông nghiệp và PTNT và các Bộ ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; nghiên cứu đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
2. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó ưu tiên gói tín dụng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tăng hạn mức; tài sản thế chấp, cho phép doanh nghiệp được sử dụng tài sản là nhà lưới, nhà kính được hình thành trong quá trình đầu tư làm tài sản thế chấp.
3. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đánh giá các cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn, trước mắt là sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp; chủ động đề xuất các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất ngay từ những tháng đầu năm 2017.
4. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển thị trường, đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản.
5. Đồng ý việc bổ sung vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ phần dự phòng vốn đầu tư công trung hạn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xử lý một số nhiệm vụ cấp bách, khắc phục và chủ động ứng phó thiên tai. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Ngay sau Hội nghị, yêu cầu lãnh đạo các địa phương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, giám sát và báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành của Chính phủ về kết quả thực hiện ở các địa phương và chuẩn bị tổ chức sơ kết 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp để báo cáo, đề xuất định hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 111/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 452/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 429/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Thông báo 403/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 6 Luật đất đai 2013
- 7 Luật hợp tác xã 2012
- 1 Thông báo 403/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 429/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 452/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Thông báo 111/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Thông báo 27/TB-VPCP về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành