Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 429/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH SÓC TRĂNG

Ngày 21 tháng 11 năm 2016 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về phát triển kinh tế - xã hội và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc với có đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Biểu dương và đánh giá cao nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng thời gian qua. Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 9%/năm; thu ngân sách tăng 12,66%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.800 USD, tăng gần 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Trong điều kiện khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hận, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nhưng kinh tế - xã hội năm 2016 vẫn phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,37%; xuất khẩu tăng 23,21%; mức bán lẻ hàng hóa tăng 18%; sản lượng thủy hải sản tăng 8%; thu ngân sách tăng 17,65%. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chính sách người có công và đồng bào dân tộc được quan tâm; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn chưa tạo được bước đột phá mới để phát triển, nhất là chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đất đai rộng lớn và màu mỡ, giao thông thuận lợi, nguồn lao động; tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp so với các tỉnh trong khu vực, đời sống nhân dân còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ nghèo của đồng bào dân tộc Khmer tuy có giảm nhưng vẫn còn cao.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế, nỗ lực hơn nữa để sớm đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số trọng tâm công tác sau:

1. Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2016, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho những năm tiếp theo. Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm chi, chống lãng phí.

2. Triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Tỉnh thực hiện các Nghị quyết số 19, 35, 60 của Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh. Khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tại địa phương; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước với nhiều hình thức đầu tư nhất là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

3. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, tăng cường liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương như cảng biển nước sâu, trồng cây ăn quả đặc sản, vùng nguyên liệu nuôi tôm; phát triển du lịch gắn với sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

4. Tái cơ cấu mạnh mẽ nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; thu hút doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa, giải quyết tốt việc làm và phát triển đội ngũ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

5. Huy động, sử dụng tốt nguồn vốn xã hội để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, đảm bảo đời sống của nhân dân; phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ nghèo, thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo ở các huyện khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer gắn với việc phát triển nông, lâm, ngư nghiệp.

6. Tập trung xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, thích ứng với kinh tế thị trường; cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những rào cản gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh; đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác tôn giáo, dân tộc.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về vốn đầu tư Dự án Cảng cá Trần Đề: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí một phần vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã được giao của Bộ để khởi công Dự án; Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí bổ sung số vốn còn thiếu của Dự án cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bảo đảm hoàn thành Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về đầu tư Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, Sóc Trăng): Đồng ý sử dụng nguồn vốn dư từ dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua khu vực Tây Nguyên); giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 01 năm 2017.

3. Về vốn đầu tư Dự án Xây dựng Hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt các địa bàn xung yếu tỉnh Sóc Trăng: Đồng ý giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp vào danh mục các dự án sử dụng vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về hỗ trợ vốn dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế từ thành phố Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa tỉnh Sóc Trăng: Tỉnh hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và bố trí vốn trong kế hoạch được giao để thực hiện. Đối với số vốn còn thiếu, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bảo đảm Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trước năm 2020 để phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

5. Về cơ chế sử dụng 50% nguồn tăng thu năm 2015 để đầu tư xây dựng công trình đường vào khu hành chính Tỉnh và cải cách tiền lương năm 2016: Đồng ý giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, CN, NN, TH;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Huyền

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng