Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/TB-BGDĐT

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VINH HIỂN TẠI HỘI THẢO “TUYỂN DỤNG, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN TIẾNG ANH TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU GIẢNG DẠY MÔN TIẾNG ANH HIỆN NAY VÀ HƯỚNG TỚI VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA MỚI”

Ngày 22/01/2016, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tiếng Anh hiện nay và hướng tới thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Tham dự Hội thảo có đại diện của các Vụ, Cục, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo giáo viên trong toàn quốc. Hội thảo đã tiến hành thảo luận với 04 báo cáo tham luận và 12 lượt ý kiến phát biểu.

Sau khi nghe báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã kết luận như sau:

1. Để đáp ứng chương trình giáo dục tiểu học mới và yêu cầu đổi mới dạy học môn tiếng Anh ở trường tiểu học theo mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 và triển khai đại trà Chương trình tiếng Anh 10 năm từ năm 2018, đối với cấp tiểu học, tất cả học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 đều học tiếng Anh 4 tiết/tuần (kể cả trường dạy học 1 buổi trong ngày). Việc đảm bảo đủ số lượng giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học và đảm bảo chất lượng (trình độ, năng lực tiếng Anh) của đội ngũ giáo viên theo quy định là nhiệm vụ hết sức quan trọng, do đó các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cần chuẩn bị thật tốt đội ngũ ngay từ năm 2016.

2. Các sở giáo dục và đào tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Chỉ đạo cụ thể việc xây dựng Đề án vị trí việc làm ở từng trường hoặc theo cụm trường trong xã/huyện, trong đó đặc biệt chú ý về việc xây dựng kế hoạch, lộ trình tuyển đủ số giáo viên tiếng Anh để thực hiện dạy cho tất cả học sinh tiểu học từ năm học 2018-2019; có thể sử dụng giáo viên tiếng Anh dạy chung cho nhiều trường qui mô nhỏ hoặc gắn trường nhỏ với trường lớn.

b) Việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh thực hiện theo Nghị đinh số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức và Công văn số 1240/BGDĐT-NGCBQLCSGD ngày 27/2/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh tiểu học, trong đó cần lưu ý:

- Tuyển đủ giáo viên dạy môn tiếng Anh ở tiểu học trong định mức 1,2 giáo viên trong một lớp đối với lớp học 1 buổi trong ngày và 1,5 giáo viên trong một lớp đối với lớp học 2 buổi trong ngày để thực hiện dạy 4 tiết/tuần cho các lớp 3, 4, 5 theo lộ trình từng năm.

- Đối với giáo viên được tuyển dụng mới, phải được đánh giá năng lực tiếng Anh để đảm bảo chất lượng và năng lực tiếng Anh đạt chuẩn theo quy định (từ bậc 3, bậc 4 đối với giáo viên tiểu học trở lên). Không vì thiếu giáo viên mà tuyển những người không đạt chuẩn. Đảm bảo đến năm 2018, toàn bộ học sinh lớp 3 được học với giáo viên đạt chuẩn.

- Thực hiện tuyển dụng giáo viên tiếng Anh một cách linh hoạt, bên cạnh tuyển dụng trong biên chế, có thể sử dụng các hình thức hợp đồng lao động (trả lương bằng ngân sách nhà nước hoặc trả lương bằng nguồn đóng góp của cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động). Có phương án quản lý việc thuê/hợp đồng giáo viên tiếng Anh là người nước ngoài đến giảng dạy ở các trường theo quy định tại Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

- Tổ chức rà soát lại đội ngũ giáo viên tiếng Anh đang dạy cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông theo yêu cầu của khung năng lực ngoại ngữ; nếu có dôi dư, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học để tăng cường giảng dạy tiếng Anh ở trường tiểu học.

- Có thể sử dụng sinh viên tiếng Anh năm cuối của các cơ sở đào tạo giáo viên tham gia thực hiện một số hoạt động hỗ trợ công việc dạy học/giáo dục tại các trường tiểu học trên cơ sở hợp đồng theo kế hoạch cụ thể giữa cơ sở đào tạo và trường tiểu học (vừa hỗ trợ sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm vừa góp phần giúp địa phương tháo gỡ khó khăn khi chưa có đủ giáo viên tiếng Anh).

c) Về công tác bồi dưỡng, cần xác định lộ trình cụ thể và nội dung, hình thức bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho số giáo viên tiếng Anh hiện có. Để giải quyết đồng bộ giáo viên tiếng Anh ở cả 3 cấp học (TH, THCS, THPT) trên địa bàn, cần tổ chức bồi dưỡng “cuốn chiếu” theo cụm trường hoặc theo quận/huyện/thị xã/thành phố. Nơi nào giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định thì có thể tạm dừng việc dạy học tiếng Anh để giáo viên có thời gian tham gia bồi dưỡng tập trung. Để đảm bảo điều kiện học tập, trong thời gian giáo viên tham gia bồi dưỡng thì không phải giảng dạy tại trường phổ thông.

Hợp đồng chặt chẽ với các trường sư phạm để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng; Cần lựa chọn đơn vị bồi dưỡng riêng với đơn vị đánh giá đầu vào, đánh giá đầu ra để đảm bảo chất lượng bồi dưỡng.

Hướng dẫn giáo viên tăng cường tự học, tự bồi dưỡng thông qua các hoạt động chia sẻ, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ. Sử dụng linh hoạt 30 tiết dành cho địa phương và các tiết tự chọn trong quy định về bồi dưỡng thường xuyên giáo viên đối với giáo viên tiếng Anh (Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10/7/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên). Lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán, bồi dưỡng, xây dựng quy chế hoạt động và có chế độ, chính sách riêng của địa phương hoặc vận dụng linh hoạt các chế độ, chính sách hiện có (phụ cấp trách nhiệm, giảm định mức tiết dạy...) cho giáo viên cốt cán môn tiếng Anh tiểu học. Đến năm 2018, hoàn tất việc bồi dưỡng chuẩn hóa cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện có.

d) Làm tốt công tác đánh giá đội ngũ, thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về Chính sách tinh giản biên chế và Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách tinh giản biên chế để thay thế dần các giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học hiện có đã được tham gia các khóa bồi dưỡng mà vẫn không thể đạt chuẩn theo quy định.

3. Các trường sư phạm thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên tiếng Anh theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng và số lượng. Yêu cầu giảng viên phải tích cực, chủ động tự học, tự bồi dưỡng và học tập thông qua các hoạt động chia sẻ, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ. Cần xác định được các yêu cầu về phẩm chất và năng lực giảng viên sư phạm để định hướng phấn đấu cho giảng viên tiếng Anh, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của nghề nghiệp.

Có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường sư phạm với các cơ quan quản lí giáo dục các cấp để nắm bắt nhu cầu, triển khai xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học theo định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xây dựng chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học phù hợp Chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn năng lực tiếng Anh của giáo viên tiểu học.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ đó thiết lập hệ thống kết nối, chia sẻ giữa các trường sư phạm nòng cốt và của cả mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Trường Đại học sư phạm Hà Nội cần tổng kết thí điểm việc đào tạo giáo viên tiểu học dạy nhiều môn, trong đó có môn tiếng Anh để có cơ sở chỉ đạo nhân rộng.

4. Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020

Tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của từng cơ sở đào tạo giáo viên tiếng Anh để giao kế hoạch bồi dưỡng hàng năm, tránh tình trạng quá tải cho các cơ sở đào tạo và sự bị động về kế hoạch cử giáo viên đi bồi dưỡng của các địa phương.

Phối hợp với Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục rà soát toàn bộ các mô đun bồi dưỡng giáo viên, xây dựng chương trình bồi dưỡng và hệ thống các mô đun bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh các trường phổ thông.

5. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chức năng nhiệm vụ để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung trên.

Trên đây là thông báo ý kiến kết luận chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đề nghị các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo giáo viên căn cứ triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Các Vụ, Cục, CTr, DA thuộc Bộ (để t/h);
- Các sở giáo dục và đào tạo (để t/h);
- Các cơ sở đào tạo giáo viên (để t/h);
- Lưu: VT, NGCBQLCSGD.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Phạm Ngọc Phương