Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 215/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 27 tháng 6 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh. Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số kiến nghị; phát biểu của các Phó Thủ tướng, của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và ý kiến của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, đánh giá cao và biểu dương nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về những thành tựu đạt được thời gian qua có ý nghĩa đối với sự phát triển của Thành phố và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh chung của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế - xã hội của Thành phố tiếp tục phát triển: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,47%; trong đó công nghiệp tăng 6,9%, dịch vụ tăng 7,7%, nông nghiệp tăng 5,9%; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 99,4% trong cơ cấu kinh tế; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 11,3%; xuất khẩu tăng 8%; thu ngân sách tăng 8,1%; lượng khách quốc tế tăng trên 12%; thu hút đầu tư trong nước đạt khá, đã cấp phép thành lập mới 16.844 doanh nghiệp. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Thành phố đã chủ động thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, chương trình kích cầu đầu tư; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; là địa phương đi đầu của cả nước về hội nhập quốc tế.

Thành phố đã làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là trong bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chuyển biến tích cực; đã thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tuy tăng trưởng kinh tế đạt khá nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra; mô hình sản xuất còn dựa trên các sản phẩm, công nghệ có giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa chưa cao; còn để xảy ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội. Ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, triều cường gây ngập úng đang là trở ngại ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

II. VNHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Phát huy kết quả đạt được và kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, cần có quyết tâm chính trị cao hơn, phát huy mạnh mẽ nội lực, thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước và là một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực và châu Á. Nhấn mạnh một số điểm:

1. Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 đã đề ra; đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách vượt trội, có tác động lan tỏa phát triển đối với khu vực Đông Nam Bộ và cả nước, tạo động lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó lưu ý:

- Đẩy mạnh triển khai xây dựng chính quyền điện tử, Thành phố thông minh, năng động kết nối từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ vào chuỗi giá trị sản xuất và phân phối trong nước và quốc tế. Xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, môi trường an ninh, an toàn, đặc biệt lưu ý đến sự hài lòng của người dân, tạo lập những lợi thế và sự hấp dẫn để có khả năng cạnh tranh với các thành phố lớn khu vực châu Á;

- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, chú trọng thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, đưa Thành phố phát triển lên tầm cao mới. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; là trung tâm thu hút đầu tư và khởi nghiệp của cả nước; phấn đấu đến năm 2020, số doanh nghiệp của Thành phố chiếm 50% cả nước.

- Phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động nội lực, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, tiếp tục đổi mới, xã hội hóa mạnh mẽ các lĩnh vực dịch vụ công, nhất là y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; tập trung xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế chất lượng cao, hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế;

- Phát triển kinh tế thị trường hài hòa, bền vững, phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ có giá trị gia tăng cao và sản phẩm dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, củng cố, phát triển hệ thống bán lẻ, siêu thị hàng hội địa gắn với giải quyết tốt việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

2. Rà soát, loại bỏ các “quy hoạch treo”, quản lý tốt quy hoạch, nâng cao tầm nhìn và đổi mới công tác quy hoạch, bảo đảm quy hoạch là sự hòa quyện các yếu tố hoạch sản xuất, thương mại, dịch vụ, hạ tầng đô thị, giao thông, môi trường và văn hóa có sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Khu vực nông thôn cần có sự gắn bó hữu cơ với quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối tốt và bổ sung cho nhau. Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành “Thành phố đáng sống”.

3. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường vai trò, động lực của Thành phố trong xây dựng chính sách liên kết phát triển, cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh, tạo sự gắn bó và sức mạnh chung để cùng phát triển; chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

4. Cùng với phát triển kinh tế, quan tâm và thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; giải quyết tốt nhà ở xã hội; xây dựng xã hội an toàn, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn.

III. VMỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ

1. Về việc phân cấp, ủy quyền; cơ chế tài chính đặc thù; tổ chức bộ máy; đầu tư kết cấu hạ tầng; quản lý đất đai; cơ chế chỉ định thầu; cơ chế đầu tư khu đô thị cảng Hiệp Phước và việc cấp phép xây dựng: Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an, Nội vụ phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng:

a) Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Thành phố khẩn trương tổng hợp, đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b) Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Giao các Bộ, ngành chức năng phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đề xuất cho phép làm thí điểm theo Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định;

c) Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành Trung ương: Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp, đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Về thực hiện thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng ý về chủ trương; Thành phố làm việc với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn chỉnh Đề án gửi Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định, trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2016.

3. Về việc thành lập Phòng Pháp chế tại các Sở ngành: Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề nghị của Thành phố, đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 năm 2016.

4. Về sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thực hiện các dự án lớn trên địa bàn: Thành phố chủ động rà soát, lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư; làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

5. Về thủ tục đầu tư xây dựng: Đồng ý về chủ trương; giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề xuất theo hướng rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Về việc bổ sung quy hoạch cầu thay thế bến phà Bình Khánh, bến phà Cát Lái: Đồng ý về chủ trương; giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

7. Về chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng khai thác công trình, dự án bến bãi đậu xe: Giao Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

8. Về cơ chế tài chính các dự án đường sắt đô thị: Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 148/TTg-KTN ngày 25 tháng 01 năm 2016.

9. Về xây dựng Trung tâm điều hành giao thông đô thị Thành phố; bổ sung Dự án hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm: Đồng ý về nguyên tắc; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Thành phố thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

10. Về đầu tư các Bệnh viện cửa ngõ Thành phố (nhóm A) từ nguồn ngân sách địa phương: Đồng ý về chủ trương; các Bộ Y tế, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan phối hợp với Thành phố khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định.

11. Về xử lý nhà, đất do các cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1334/TTg-KTN ngày 11 tháng 8 năm 2015.

12. Về khó khăn, vướng mắc trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành liên quan đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

13. Về biên chế, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và các chế độ chính sách đối với cán bộ chiến sĩ công an nhân dân: Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù, tạo điều kiện đối với các địa bàn trọng điểm, phức tạp trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

14. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 111/TB-VPCP ngày 02 tháng 6 năm 2016.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: KH&ĐT, TC, GTVT, NN&PTNT, TN&MT, XD, TT&TT, GD&ĐT, YT, KH&CN, LĐ-TB&XH, NV, CA, TP, NHNNVN;
- Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, PL, KTTH, KTN, KGVX, ĐMDN, NC, TCCV, V.I, QHQT;
- Lưu: VT, V.III (3b). Lâm

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM



Mai Tiến Dũng