Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2013

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI CUỘC HỌP TỔNG KẾT CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN NĂM 2012, KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NĂM 2013

Ngày 24 tháng 12 năm 2012, Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp tổng kết về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các Vụ: Khoa học công nghệ và Môi trường, Kế hoạch, Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Tài chính, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; các Tổng cục: Thủy sản, Lâm nghiệp; các Cục: Thú y, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Trồng trọt, Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; Trung tâm Tin học và Thống kê.

Sau khi nghe Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản báo cáo kết quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2012 và ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã kết luận như sau:

1. Đánh giá kết quả hoạt động năm 2012

Năm 2012 chủ trương coi tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ cũng như của ngành nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn.

Trên cơ sở chủ trương như vậy, năm 2012 toàn ngành đã có nhiều giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện. Kết quả, đã có nhiều chuyển biến tích cực ở cả trung ương và địa phương. Nhận thức được nâng cao, đã xây dựng được số lượng lớn các văn bản QPPL, Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Kỹ thuật…, triển khai nhiều nhiệm vụ thực tiễn trên nhiều lĩnh vực quan trọng: tăng cường quản lý các sản phẩm nhập khẩu chính ngạch bằng việc kiểm tra trực tiếp tại nước xuất khẩu trước khi nhập khẩu, tăng cường kiểm tra ở biên giới; quan tâm hơn đến quản lý sản phẩm tiểu ngạch và phòng chống buôn lậu. Ở trong nước, đã tiến hành quản lý sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp một cách hệ thống theo Thông tư 14; đồng thời xử lý kịp thời các sự cố ATTP; tăng cường xây dựng năng lực bộ máy quản lý nhà nước bao gồm xây dựng hệ thống các chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và hệ thống thanh tra chuyên ngành... Kết quả công tác năm 2012 tuy chưa đạt được mong đợi của nhân dân nhưng đã có sự cải thiện tích cực hơn năm trước. Bộ trưởng biểu dương cơ quan thường trực Cục Quản lý CL NLTS, Cục BVTV, Cục Chăn nuôi đã tích cực triển khai công tác quản lý CL VTNN, ATTP trong năm 2012 và đã đạt được một số kết quả rõ rệt. Mặc dù vậy vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:

- Nhận thức của một số cán bộ quản lý và một bộ phận người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng còn chưa đầy đủ dẫn đến chưa quan tâm, chủ động, tích cực triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất và tiêu dùng. Một số thành viên trong Ban chỉ đạo của Bộ về công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP chưa thực sự tham gia tích cực.

- Trong năm vừa qua các đơn vị đã tập trung nhiều vào việc xây dựng, ban hành nhiều văn bản hành lang pháp lý, triển khai thực hiện các biện pháp mang tính chất hành chính, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực khuyến khích người sản xuất, tiêu dùng, và cả xã hội tham gia vào công tác quản lý chất lượng VTNN, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

- Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại các đơn vị và địa phương còn chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả và ở mức độ khác nhau thể hiện ngay trong 63 tỉnh mới có 46 tỉnh gửi báo cáo kết quả công tác năm 2012 về Bộ.

- Năng lực bộ máy quản lý còn nhiều bất cập so với yêu cầu.

II. Kế hoạch trọng tâm năm 2013

Năm 2013 thống nhất tiếp tục xác định tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và của toàn ngành nông nghiệp và PTNT, đây cũng là một phần quan trọng của chương trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng. Phấn đấu trong năm giảm ít nhất 10% tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm các chỉ tiêu ATTP trong các sản phẩm nông lâm thủy sản có hại cho sức khỏe người tiêu dùng so với 2012; giảm 10% số cơ sở được đánh giá, kiểm tra xếp loại C; riêng Cục Thú y phấn đấu ở miền Bắc sẽ giảm 20% các cơ sở giết mổ không đạt yêu cầu về đảm bảo ATVSTP.

Các giải pháp cụ thể như sau:

1. Hoàn thiện, phổ biến, tuyên truyền giáo dục cơ chế chính sách, pháp luật quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản

- Trong năm vừa qua đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật cho cán bộ nhân dân rất hiệu quả. Trong năm 2013 tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các phương tiện, hình thức đa dạng, phong phú đặc biệt chú trọng đối tượng người sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng, động viên cả xã hội tham gia.

- Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và phổ biến triển khai thực hiện trong toàn xã hội, cụ thể trong năm 2013 hoàn thiện xây dụng Luật BVTV, hoàn thành cơ bản dự thảo Luật Thú y, 32 Thông tư và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hai Đề án Bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc; lưu ý đề xuất các chính sách cụ thể trong dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

- Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện, tăng lợi ích cho người dân, doanh nghiệp khi áp dụng và được chứng nhận, xác nhận sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn; tạo đầy đủ cơ sở pháp lý để quản lý, kiểm soát đảm bảo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

2. Tăng cường nguồn lực

- Tiếp tục củng cố hệ thống Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, rà soát, làm rõ và tham mưu trình ban hành sửa đổi Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và biên chế của Chi cục QLCL NLS&TS.

- Củng cố hệ thống thanh tra chuyên ngành: Thanh tra Bộ hướng dẫn các địa phương rà soát, lựa chọn công chức và tổ chức tập huấn, công nhận công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành để có thể triển khai ngay được công việc.

- Tiếp tục tăng cường trang bị phòng kiểm nghiệm, có phân công phân cấp cụ thể, quan tâm đến công tác xã hội hóa các phòng kiểm nghiệm. Phòng kiểm nghiệm trực tiếp thuộc Bộ, Sở NN&PTNT giải quyết các vấn đề phức tạp, kiểm tra kiểm chứng phòng kiểm nghiệm xã hội hóa, liên kết với quốc tế, đảm bảo cả hệ thống giám sát, kiểm nghiệm, xét nghiệm hoạt động theo các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

3. Triển khai công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản với phương châm: thường xuyên, quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, từ làm điểm nhân ra diện rộng, xã hội hóa, minh bạch hóa và theo thông lệ quốc tế. Các nhiệm vụ cụ thể gồm:

- Triển khai kiểm tra, đánh giá, phân loại theo Thông tư 14 trên diện rộng đối với các nhóm sản phẩm VTNN và nông lâm thủy sản, ưu tiên nhóm sản phẩm đang gây bức xúc về chất lượng, ATTP tại địa phương; chủ động công khai kết quả phân loại và xử lý kiên quyết theo đúng quy định đối với cơ sở xếp loại C.

- Kiên trì triển khai quản lý theo chuỗi trên cơ sở phân tích nguy cơ, đánh giá rủi ro; chọn 3 tỉnh làm điểm rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Tìm ra những điểm nguy cơ, khâu nguy cơ, vùng nguy cơ để tập trung kiểm soát. Đến cuối năm thông qua việc phân tích nguy cơ lập danh sách các sản phẩm theo mức độ nguy cơ (cao, thấp, vừa) có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cụ thể: Cục BVTV tập trung giám sát sản phẩm rau, quả, chè; Cục Chăn nuôi: thức ăn chăn nuôi; Cục Thú y: sản phẩm thịt gia súc, gia cầm; Cục Quản lý CL NLTS: sản phẩm thủy sản. Các Cục chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống cùng làm, cùng lấy mẫu phân tích, từ đó xác định cho cả nước cùng làm trên cơ sở xây dựng chương trình giám sát quốc gia đối với một số sản phẩm nguy cơ cao.

- Tiếp tục tăng cường kiểm soát nhập khẩu bao gồm nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch. Tiếp tục triển khai và mở rộng phạm vi thực hiện Thông tư 13, 25 (kiểm tra, giám sát từ xa và giám sát tại biên giới); trên cơ sở phân tích nguy cơ, xác định các sản phẩm nguy cơ cao, vùng/nước nguy cơ cao để tập trung kiểm tra, gia tăng tần suất kiểm soát, cấm nhập khẩu tùy theo mức độ vi phạm…; chú ý kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch và quyết liệt phòng chống buôn lậu.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành ATTP. Kết quả thanh tra chuyên ngành phải được xử lý theo luật pháp đồng thời phải được công khai, minh bạch để nhân dân được biết; trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, phải đưa ra cảnh báo cho nhân dân. Cơ quan đầu mối Cục Quản lý CL NLTS chủ trì, phối hợp với Tổng cục, Cục chuyên ngành thống nhất nội dung để thông báo cho nhân dân biết rõ, công khai minh bạch thông tin.

- Phối hợp giải quyết kịp thời các sự cố ATTP; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản của Bộ; yêu cầu thành viên đi họp đầy đủ và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ Bộ giao.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- TT. Nguyễn Thị Xuân Thu (để b/c);
- Các Vụ: KHCN&MT, KH, TCCB, PC, TC;
- Các Tổng cục: LN, TS;
- Các Cục: QLCLNLS&TS, TT, BVTV, CN, TY, CB TMNLTS&NM, Kinh tế hợp tác và PTNT;
- Thanh tra Bộ, VP Bộ; TT Tin học & TK;
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Việt