Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 264/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ, BAN CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP, CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Ngày 15 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Thường trực các Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về tiến độ và kế hoạch Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002, sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị và tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe Thường trực các Ban chỉ đạo báo cáo về tiến độ và kế hoạch Tổng kết, sơ kết các hội nghị và một số đề xuất, kiến nghị để chuẩn bị cho các hội nghị của Ban chỉ đạo trong thời gian tới, ý kiến phát biểu các đồng chí Thường trực các Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã kết luận như sau:

A. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Nội dung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và khu vực nông thôn, miền núi. Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Việc tổng kết các nội dung này sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng văn kiện trình Trung ương và Đại hội Đảng toàn quốc. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổng kết sớm so với kế hoạch sẽ góp phần xây dựng khung khổ chính sách cho xây dựng nông thôn mới sau năm 2020 và lựa chọn các nội dung để đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng các cấp. Đây là các nội dung quan trọng, giúp Trung ương, Chính phủ đúc kết được những thành tựu, hạn chế trong triển khai các chính sách thời gian qua, hoạch định chính sách trong giai đoạn tới nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực trong thời gian qua của Thường trực các Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tích cực, nỗ lực triển khai các nội dung theo kế hoạch tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002, sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị và tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

B. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

I. Về triển khai kế hoạch tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể là nhiệm vụ rất quan trọng. Sản phẩm của tổng kết Nghị quyết là báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; dự thảo Tờ trình và Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Để đảm bảo chất lượng và tiến độ triển khai kế hoạch tổng kết Nghị quyết, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

a) Tiếp tục bám sát kế hoạch tổng kết tại Quyết định số 212/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch và Đề cương tổng kết. Đối với các Bộ, ngành, địa phương chưa tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản đôn đốc khẩn trương tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) và các cơ quan liên quan tổng hợp các tập thể, cá nhân có thành tích báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất khen thưởng trong Hội nghị toàn quốc theo quy định.

c) Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng và thực hiện phát sóng phim tài liệu về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết.

d) Hoàn thiện lại kịch bản Hội nghị tổng kết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo hướng:

- Chủ trì Hội nghị: Thủ tướng Chính phủ;

- Về hình thức hội nghị: Tổ chức hội nghị theo hình thức bán tập trung (trực tuyến và tập trung) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội; kết hợp tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể hợp tác xã, Lễ tôn vinh các hợp tác xã, cá nhân điển hình trong phong trào phát triển hợp tác xã và Triển lãm thành tựu phát triển hợp tác xã bên lề Hội nghị Tổng kết Nghị quyết;

- Về thành phần tham dự: Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng ở Trung ương; thành viên Ban Chỉ đạo; Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố; các Sở, ban, ngành liên quan của các tỉnh/thành phố; một số đối tác phát triển của Việt Nam (ADB, WB, UNDP, các Đại sứ quán quan tâm đến lĩnh vực hợp tác xã), một số doanh nghiệp điển hình liên kết với hợp tác xã; một số hợp tác xã nổi bật, điển hình, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan truyền thông báo chí trung ương và địa phương;

- Về nội dung Hội nghị: Bổ sung nội dung thi đua khen thưởng (cấp Nhà nước, Chính phủ và cấp bộ) cho tập thể, cá nhân có thành tích; phim tài liệu về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết;

- Về thời gian tổ chức Hội nghị tổng kết: Tổ chức vào trung tuần tháng 10 năm 2019 (thời điểm sau hội nghị trung ương và trước kỳ họp quốc hội) để Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tham dự được đầy đủ;

- Về kỷ yếu cho Hội nghị cần bao gồm các nội dung: Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW; báo cáo các chuyên đề: 15 chuyên đề theo Quyết định số 212/QĐ-TTg; một số bài phát biểu tham luận của các bộ, ngành liên quan (đặc biệt là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam);

đ) Có văn bản gửi Bộ Tài chính để bố trí kinh phí tổng kết Nghị quyết, trong đó xây dựng lại dự toán theo hướng không tổ chức Đoàn công tác đi khảo sát nước ngoài và bổ sung thêm kinh phí cho các nội dung: Xây dựng và phát sóng phim tài liệu về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết; khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; họp báo và đưa tin về Hội nghị tổng kết Nghị quyết.

e) Chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai xây dựng và công bố sách trắng về hợp tác xã năm 2019.

g) Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển lãm khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

2. Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho hoạt động tổng kết Nghị quyết trên cơ sở dự toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng lại.

3. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan có liên quan chuẩn bị và chủ trì tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX đối với khu vực hợp tác xã phi nông nghiệp trong tháng 9 năm 2019;

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ, ngành liên quan hoàn thiện số liệu sách trắng về hợp tác xã;

c) Hoàn thành các báo cáo chuyên đề tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX (báo cáo xây dựng mô hình hợp tác xã, kinh nghiệm quốc tế, chính sách và dịch vụ công; các báo cáo và chuyên đề được giao trong Quyết định 212/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 02 năm 2019);

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lễ Tôn vinh hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc. Hoàn thiện các kết luận của Diễn đàn pháp lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển lãm khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

4. Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp cá nhân, tập thể có thành tích báo cáo Thủ tướng Chính phủ để khen thưởng trong Hội nghị toàn quốc về tổng kết Nghị quyết.

5. Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và phát sóng phim tài liệu về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết.

6. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, các địa phương được giao theo dõi thực hiện nghiêm túc việc tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW tại địa phương theo phân công của Ban chỉ đạo.

II. Về tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

1. Cơ bản đồng ý chủ trương công tác chuẩn bị, dự kiến lịch tổ chức và các sự kiện bên lề của các Hội nghị vùng và Hội nghị toàn quốc về tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Trên cơ sở đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kịch bản chi tiết, có kế hoạch và lộ trình cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo (tài liệu, tham luận, truyền thông, họp báo, xây dựng phim tài liệu, phóng sự, công tác thi đua khen thưởng..); thống nhất có triển lãm Chương trình OCOP tại Hội nghị tổng kết và các hội nghị chuyên đề.

2. Đồng ý thời điểm tổ chức Hội nghị toàn quốc theo hình thức tập trung tại tỉnh Nam Định trong tháng 12 năm 2019 và các hoạt động bên lề (Hội thảo chuyên đề, tổ chức thăm quan thực tế, triển lãm OCOP...). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định xây dựng kế hoạch tổ chức cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo.

3. Hệ thống sản phẩm của Hội nghị tổng kết toàn quốc phải bao gồm: Dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình của Thủ tướng Chính phủ; khung khổ của Chương trình nông thôn mới sau 2020, khung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025; các đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách, ban hành bộ tiêu chí mới (chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), làm rõ chỉ tiêu nông thôn mới không chỉ là xã, mà cả thôn, bản/huyện và tỉnh; khung khổ bộ chính sách, định hướng xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020, hệ thống bộ máy tổ chức Văn phòng điều phối các cấp, năm 2020 sẽ tập trung xây dựng khung khổ Chương trình để sang năm 2021 có đủ cơ sở pháp lý triển khai.

4. Về thành phần đại biểu mời tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và mời Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị; mời các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Thường trực Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các Bộ, ban ngành, và các tổ chức chính trị xã hội; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; các đối tác phát triển của Việt Nam, các đại sự quán các nước song phương có nhiều kinh nghiệm đã hỗ trợ Việt Nam; các doanh nghiệp, hợp tác xã, các điển hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các Bộ, ngành có liên quan làm tốt công tác truyền thông về Hội nghị, các chuỗi sự kiện và hoạt động gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình; phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020 gắn với Hội nghị tổng kết toàn quốc. Đôn đốc các địa phương tiến hành tổng kết đảm bảo chất lượng và tiến độ; biểu dương tỉnh Lâm Đồng là địa phương đầu tiên của cả nước đã sớm hoàn thành tổng kết ở cấp huyện, xã và tổ chức hội nghị của tỉnh trong tháng 7 năm 2019.

6. Đài truyền hình Việt Nam, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trước, trong và sau các Hội nghị vùng, Hội thảo chuyên đề và đặc biệt là Hội nghị toàn quốc.

III. Về việc chuẩn bị Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tập trung hoàn thiện các báo cáo (báo cáo tổng hợp, báo cáo chuyên đề) phục vụ Hội nghị; dự thảo hồ sơ Đề án (báo cáo sơ kết, dự thảo tờ trình, dự thảo kết luận).

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, khảo sát thực tế một số địa phương còn lại theo kế hoạch 59/KH-BĐMDN ngày 28 tháng 3 năm 2019.

2. Về tổ chức 02 Hội nghị chuyên đề

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị chuyên đề (hoặc tọa đàm) về sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp gắn với bố trí đất ở, đất sản xuất cho người lao động, người dân sinh sống tại chỗ, rà soát các chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do và các hộ nghèo thiếu đất sản xuất đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; ưu tiên bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất và dân di cư tự do, giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị chuyên đề về mô hình sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp.

3. Bộ Tài chính báo cáo đánh giá về việc cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp (khó khăn, vướng mắc, cơ chế chính sách, ưu điểm, nhược điểm...), đề ra giải pháp, kiến nghị để có thể hoàn thành tốt việc sắp xếp, đổi mới gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp;

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đánh giá về mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, giải thể công ty nông, lâm nghiệp (khó khăn, vướng mắc, cơ chế chính sách, ưu điểm, nhược điểm, tỷ lệ vốn góp của nhà nước...); đề ra giải pháp, kiến nghị để có thể hoàn thành tốt việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp.

5. Hoàn thành báo cáo và tổ chức Hội nghị sơ kết tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai vào cuối tháng 8 năm 2019.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan, Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTgCP;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các Bộ, cơ quan: KHĐT, NNPTNT, TC, NV, LĐTBXH, TNMT, UBDT;
- UBND các tỉnh: Gia Lai, Nam Định;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- Các Thành viên BCĐ ĐM, PTKTTT, HTX;
- Các thành viên BCĐ TW các CT MTQG;
- Các thành viên BCĐ ĐM&PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, các Vụ: NN, KGVX, ĐMDN, KTTH, TCCV, TH; Cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT, NN (2).Hg

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục