Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 319/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ BẮC TRUNG BỘ GIAI ĐOẠN 2010-2020

Ngày 17 tháng 8 năm 2019, tại tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ giai đoạn 2010-2020 (Hội nghị). Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, Lê Đinh Sơn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh và đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương: Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải; Ủy ban Dân tộc; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân của 17 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ; các cơ quan nghiên cứu; một số hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp tiêu biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau.

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công tác phối hợp, chuẩn bị tổ chức Hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã chuẩn bị và tổ chức tốt Hội nghị. Hội nghị đã đánh giá sâu sắc, toàn diện những kết quả đã đạt được sau 10 năm xây dựng nông thôn mới của vùng, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các mục tiêu, giải pháp xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, làm căn cứ để xác định được mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện xây dựng nông thôn mới của cả nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030.

Trong gần 10 năm qua, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có nhiều điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả nước cùng với nhiều sáng kiến đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới đã và đang triển khai rất hiệu quả như Chương trình mỗi xã một sản phẩm, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở những địa bàn khó khăn.

Sau 09 năm xây dựng nông thôn mới, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là vùng đứng đầu của cả nước trong thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, với những cách làm đột phá, sáng tạo và phát huy các nguồn lực khác nhau. Đến hết tháng 7 năm 2019, toàn vùng có có 2.402/3.474 xã (69,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 83,59% (cao nhất trong cả nước); có 10/17 tỉnh, thành phố đã đạt và vượt mục tiêu được giao đến 2020. Bình quân tiêu chí/xã đạt 17,4 tiêu chí, vượt xa mức bình quân chung của cả nước; từ đầu năm 2018, cả vùng không còn xã dưới 05 tiêu chí; toàn vùng đã có 42 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (chiếm 48,27% tổng số đơn vị cấp huyện đã được công nhận của cả nước).

Trong thời gian qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn của vùng cơ bản hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, kinh tế nông thôn trong khu vực phát triển đa dạng, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, các vùng sản xuất chuyên canh ngày càng hình thành nhiều, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất; đời sống vật chất của người dân ngày càng cao, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, giữa các địa phương có sự chênh lệch khá lớn, vùng Bắc Trung bộ vẫn còn một số huyện đến nay chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới; một số địa phương mặc dù có điều kiện thuận lợi nhưng việc huy động nguồn lực và kết quả xây dựng nông thôn mới còn rất hạn chế, chưa có giải pháp hiệu quả để xây dựng nông thôn mới gắn kết hài hòa với đô thị hóa, một số nơi, nông thôn thay đổi theo chiều hướng bê tông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị truyền thống của vùng thôn quê đặc trưng; chịu sức ép lớn của ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, sinh hoạt; còn tiềm ẩn về an ninh, trật tự an toàn xã hội, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, một số nơi có biểu hiện hài lòng với kết quả đã đạt được.

II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

Cơ bản, nhất trí với báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn sau năm 2020. Để phấn đấu đạt những mục tiêu cao hơn, các địa phương trong vùng cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ cơ quan, địa phương liên quan cần tập trung vào các nhiệm vụ sau.

1. Các tỉnh, thành phố cần chủ động rà soát, đề xuất các mục tiêu cụ thể về xây dựng nông thôn mới để đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo để phát huy các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các tỉnh, thành phố cần lưu ý một số nội dung.

a) Rà soát lại kế hoạch thực hiện và có giải pháp nỗ lực tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình đến năm 2020 để hoàn thành đạt hiệu quả cao nhất, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ; tập trung triển khai tổng kết các phong trào thi đua và Chương trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; nâng cao chất lượng công tác thẩm định, xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tránh chạy theo thành tích.

b) Đánh giá lại một cách cụ thể hiệu quả thực hiện Chương trình và tiền đấu giá quyền sử dụng đất cho xây dựng nông thôn mới; cần có giải pháp để phát huy vai trò chủ thể, tự nguyện của người dân trong xây dựng nông thôn mới, không huy động quá sức dân. Tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách đã có, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách còn thiếu để nâng cao kết quả thực hiện Chương trình.

c) Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình, trong đó tập trung vào các nội dung:

- Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, cảnh quan đặc thù nông thôn, văn hóa truyền thống, cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường;

- Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, huyện; chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản hiện đại cấp huyện; ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu;

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công ích, như: Y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể thao để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân nông thôn, đưa chất lượng các dịch vụ công ích ở nông thôn tiệm cận với mức chất lượng ở đô thị, đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, bài trừ tệ nạn xã hội và an ninh trật tự ở nông thôn;

- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường nông thôn, khuyến khích phân loại rác thải tại nguồn, xử lý nước thải sinh hoạt cụm dân cư nông thôn, tái sử dụng chất thải nông nghiệp đảm bảo đúng quy định về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, cải tạo cảnh quan môi trường; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn;

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng khung khổ pháp lý cho thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới, hoàn thành trong năm 2020 để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2021, trong đó cần rà soát kỹ các mục tiêu của từng vùng và mục tiêu chung cho cả nước, đảm bảo chất lượng, khả thi và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng nông thôn thịnh vượng; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các Bộ, ngành, các địa phương đối với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ở tất cả các cấp (tỉnh, huyện, xã và thôn/bản) và ở các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) để nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn cho triển khai thực hiện giai đoạn sau năm 2020; nghiên cứu, đề xuất cơ chế theo dõi và giám sát ngay từ khi bắt đầu và liên tục trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới, nghiên cứu đề xuất đưa tỉnh Hà Tĩnh là tỉnh chỉ đạo điểm về xây dựng “Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Về công tác điều hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới để tổ chức thành công chuỗi sự kiện tổng kết Chương trình và tập trung xây dựng khung khổ Chương trình cho giai đoạn tới; cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá việc xây dựng nông thôn mới, công tác thẩm định xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở các cấp trong quá trình thực hiện để kịp thời động viên, khuyến khích những cách làm hay, điển hình tiên tiến, chấn chỉnh những biểu hiện chạy theo thành tích, đảm bảo việc thực hiện chương trình đi vào thực chất, cần chú trọng công tác khen thưởng để kịp thời động viên, ghi nhận những nỗ lực của tập thể, cá nhân trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức thành công các sự kiện bên lề Hội nghị toàn quốc như liên hoan văn hóa, văn nghệ, triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

4. Về việc tổ chức các Hội nghị tổng kết vùng: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị vùng Duyên Hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam từ ngày 06 đến 07 tháng 9 năm 2019; chuẩn bị tổ chức Hội nghị vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ tại tỉnh Bạc Liêu (dự kiến vào cuối tháng 9 năm 2019). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Nam, Bạc Liêu chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, chương trình, rà soát kịch bản, báo cáo tham luận, tập trung tổng kết những bài học kinh nghiệm, thảo luận mục tiêu, định hướng và đề xuất các giải pháp và chính sách để tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- PTTgCP Vương Đình Huệ;
- Các Bộ: NNPTNT, KHĐT, LĐTBXH;
- Thành viên BCĐ TW các Chương trình MTQG;
- UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH và BTB;
- UBND các tỉnh: Quảng Nam, Bạc Liêu, Hậu Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: QHĐP, KGVX, TH, TKBT;
- Lưu: VT, NN(3b). Hg

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng