Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2016/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2016

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước I-xra-en về việc thân nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự làm việc có thu nhập, ký tại Hà Nội ngày 25 tháng 8 năm 2015, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 7 năm 2016.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG





Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NHÀ NƯỚC I-XRA-EN VỀ VIỆC THÂN NHÂN THÀNH VIÊN CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO, CƠ QUAN LÃNH SỰ LÀM VIỆC CÓ THU NHẬP

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước I-xra-en, sau đây gọi là “các Bên ký kết”;

Với mong muốn nâng cao điều kiện sống cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự bằng cách cho phép thân nhân những người này thực hiện các hoạt động có thu nhập;

Đã thỏa thuận như sau:

ĐIỀU 1

Định nghĩa

Vì mục đích của Hiệp định này:

1. “Thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự”, được hiểu là người lao động của Nước cử không phải là công dân của Nước tiếp nhận hoặc không thường trú tại Nước tiếp nhận và được bổ nhiệm công tác tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ở Nước tiếp nhận.

2. Thân nhân bao gồm:

a) Vợ hoặc chồng;

b) Con chưa lập gia đình dưới 21 tuổi và đủ tuổi lao động theo quy định của Nước tiếp nhận, sống cùng một hộ với thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự; hoặc

c) Con chưa lập gia đình dưới 25 tuổi và đủ tuổi lao động theo quy định của Nước tiếp nhận, sống cùng một hộ với thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự đang theo học tại một trường đại học hoặc một cơ sở đào tạo sau đại học được các Bên ký kết công nhận; hoặc

d) Con chưa lập gia đình, bị khuyết tật về thể chất hoặc trí tuệ nhưng có khả năng làm việc, sống cùng một hộ với thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật về lao động của Nước tiếp nhận.

ĐIỀU 2

Cho phép tham gia hoạt động có thu nhập

1. Thân nhân của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự (sau đây gọi chung là “cơ quan đại diện”) của Nước cử sống cùng một hộ với thành viên cơ quan đại diện, sẽ được phép làm việc có thu nhập tại Nước tiếp nhận phù hợp với quy định pháp luật có liên quan của Nước đó và các quy định của Hiệp định này.

2. Nước tiếp nhận có quyền từ chối cho phép làm việc đối với một số công việc như:

a. Làm việc trong cơ quan nhà nước, bao gồm các công ty cổ phần nhà nước, quỹ, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước.

b. Các công việc liên quan đến an ninh quốc gia.

ĐIỀU 3

Thủ tục cho phép

1. Cơ quan đại diện Nước cử phải có văn bản gửi Cục Lễ tân Bộ Ngoại giao Nước tiếp nhận đề nghị cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện được làm việc có thu nhập. Trong văn bản đề nghị phải có những thông tin chứng minh người được đề nghị là thân nhân thành viên cơ quan đại diện và miêu tả loại công việc mà người đó dự định thực hiện.

2. Bộ Ngoại giao Nước tiếp nhận sau khi kiểm tra người được đề nghị đúng là thân nhân theo quy định tại Hiệp định này và căn cứ các quy định nội luật có liên quan, sẽ thông báo chính thức cho cơ quan đại diện của Nước cử trong thời hạn tối đa sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị về việc thân nhân đó có được phép làm việc có thu nhập hay không.

3. Thân nhân thành viên cơ quan đại diện được chấp nhận cho làm việc có thu nhập theo quy định tại khoản 2 Điều này phải làm thủ tục xin giấy phép lao động theo quy định pháp luật của Nước tiếp nhận.

ĐIỀU 4

Chấm dứt việc cho phép

Việc cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện được làm việc có thu nhập tại Nước tiếp nhận sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

1. Đương sự không còn quy chế thân nhân theo định nghĩa của Hiệp định này;

2. Nhiệm kỳ của thành viên cơ quan đại diện mà người được làm việc có thu nhập là thân nhân đã kết thúc;

3. Người được làm việc có thu nhập không được phép tiếp tục cư trú tại Nước tiếp nhận;

4. Thành viên cơ quan đại diện mà người được làm việc có thu nhập là thân nhân chết, phù hợp với quy định nội luật của mỗi Bên.

ĐIỀU 5

Quyền ưu đãi, miễn trừ tài phán về dân sự và hành chính

Phù hợp với các quy định có liên quan trong Công ước Viên ngày 18 tháng 4 năm 1961 về quan hệ ngoại giao hoặc theo quy định của tập quán quốc tế thể hiện trong Công ước Viên ngày 24 tháng 4 năm 1963 về quan hệ lãnh sự Nước cử từ bỏ các quyền ưu đãi, miễn trừ tài phán về dân sự và hành chính đối với mọi hoạt động liên quan trực tiếp đến công việc có thu nhập mà thân nhân thành viên cơ quan đại diện được phép thực hiện tại Nước tiếp nhận. Việc từ bỏ các quyền ưu đãi, miễn trừ về dân sự và hành chính không bao gồm việc từ bỏ miễn trừ thi hành án đối với người được hưởng ưu đãi miễn trừ, mà phải có sự từ bỏ riêng về vấn đề này.

ĐIỀU 6

Quyền ưu đãi, miễn trừ tài phán về hình sự

Trong trường hợp thân nhân thành viên cơ quan đại diện được hưởng quyền miễn trừ tài phán về hình sự tại Nước tiếp nhận theo quy định tại Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao hoặc theo tập quán quốc tế thể hiện trong Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự:

1. Các quy định về ưu đãi miễn trừ tài phán về hình sự của Nước tiếp nhận vẫn được áp dụng đối với các công việc liên quan đến hoạt động có thu nhập.

2. Tuy nhiên, trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng trong khi thực hiện hoạt động có thu nhập, theo đề nghị bằng văn bản của Nước tiếp nhận, Nước cử phải xem xét nghiêm túc việc từ bỏ quyền ưu đãi miễn trừ về tài phán hình sự tại Nước tiếp nhận. Trong trường hợp nước cử từ chối từ bỏ quyền ưu đãi miễn trừ, các Bên sẽ giải quyết theo quy định tại Điều 8.

3. Việc từ bỏ quyền miễn trừ tài phán về hình sự không đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền miễn trừ thi hành án mà cần phải có một sự từ bỏ riêng về vấn đề này.

ĐIỀU 7

Chế độ thuế và bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao hoặc theo các quy định tập quán quốc tế thể hiện trong Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, thân nhân thành viên cơ quan đại diện được phép làm việc có thu nhập tại Nước tiếp nhận theo Hiệp định này phải thực hiện chế độ thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định của Nước tiếp nhận đối với các hoạt động có thu nhập của mình.

ĐIỀU 8

Giải quyết tranh chấp

Mọi tranh chấp giữa các Bên ký kết liên quan đến việc thực hiện và giải thích Hiệp định này sẽ được giải quyết qua đường ngoại giao.

ĐIỀU 9

Hiệu lực và việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định

1. Hiệp định có hiệu lực sau ba mươi (30) ngày kể từ ngày các Bên ký kết nhận được thông báo cuối cùng qua kênh ngoại giao về việc đã hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định của mỗi nước để Hiệp định có hiệu lực.

2. Việc sửa đổi Hiệp định được các Bên thỏa thuận thông qua trao đổi Công hàm giữa các Bên ký kết. Việc sửa đổi sẽ có hiệu lực theo thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Hiệp định này có giá trị vô thời hạn. Mỗi Bên ký kết có thể vào bất cứ thời điểm nào thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết kia qua đường ngoại giao quyết định chấm dứt Hiệp định này. Hiệp định sẽ chấm dứt hiệu lực sau sáu (06) tháng kể từ khi Bên ký kết kia nhận được thông báo.

Làm tại Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2015 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Do Thái và tiếng Anh. Các văn bản có giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng để đối chiếu.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




VŨ HỒNG NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NHÀ NƯỚC I-XRA-EN




TZIPI HOTOVELY
THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO