BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 897/TB-BYT | Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN THỊ XUYÊN TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ CHỐNG KHÁNG THUỐC
Ngày 5/8/2014, tại khách sạn Melia, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã chủ trì Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020.
Tham dự Hội nghị có đại diện của Tổ chức Y tế thế giới, đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford - tại Việt Nam, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Vụ, Cục (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Dược, Cục Phòng chống HIV/AIDS. Thanh tra Bộ, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống kháng thuốc,…), đại diện Lãnh đạo bệnh viện trực thuộc Bộ. Lãnh đạo các Sở Y tế tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước và đại diện một số bệnh viện thuộc ngành, các trường đại học Y Hà Nội, đại học Dược Hà Nội - đại diện các báo, đài, các đơn vị truyền thông.
Sau khi nghe báo cáo của đại diện Tổ chức Y tế thế giới, Lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Lãnh đạo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số đơn vị về Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, thực trạng kháng thuốc trên thế giới và Việt Nam và các giải pháp nhằm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã có chỉ đạo như sau:
1. Ngày 21/6/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (QĐ số 2174/QĐ-BYT). Ngày 13/3/2014, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc (QĐ số 879/QĐ-BYT) và thành lập 9 Tiểu ban giám sát về kháng thuốc (QĐ số 2888/QĐ-BYT ngày 05/8/2014). Đây là một hoạt động quan trọng góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Các Sở Y tế, bệnh viện và các đơn vị liên quan căn cứ vào Kế hoạch chung của Bộ, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tại đơn vị, báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh).
2. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là cơ quan đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục liên quan để xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, giám sát sử dụng kháng sinh; Hoàn thiện các văn bản QPPL và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về kiểm soát bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, kỹ thuật về vi sinh lâm sàng, tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
3. Các đơn vị hướng dẫn thực hiện các quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị đã được Bộ Y tế ban hành. Cục KCB là đầu mối triển khai, kiểm tra các đơn vị thực hiện; thiết lập Hệ thống giám sát kháng thuốc quốc gia. Hiện nay, chúng ta đã có hệ thống, tuy nhiên đó chưa phải hệ thống cấp quốc gia và Hệ thống này cần phải được thiết lập một cách chính quy và bảo đảm độ tin cậy, chính xác của các kết quả xét nghiệm và số liệu báo cáo để xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống báo cáo cấp quốc gia. Một số bệnh viện đã có hệ thống công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giám sát về nhiễm khuẩn. Bộ Y tế cũng cần có một hệ thống để báo cáo trong toàn quốc và số liệu phải tin cậy.
4. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Cục YTDP để đánh giá dịch tễ một số bệnh như lao, HIV, sốt rét...
5. Hiện nay đã có các văn bản hướng dẫn việc bán kháng sinh theo đơn nhưng thực tế Việt Nam đang bán kháng sinh tràn lan, không kiểm soát. Cục Quản lý Dược nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo các nhà thuốc chỉ bán kháng sinh theo đơn, có phương án để cung ứng đủ thuốc trong danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại các bệnh viện, giám sát thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường, phối hợp với Thanh tra để thanh tra các nhà thuốc.
6. Vụ Truyền thông thi đua và Khen thưởng phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan chủ trì tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế, các nhà quản lý trong công tác phòng chống kháng thuốc; đề xuất ngày phòng chống kháng thuốc của Việt Nam vào năm 2015.
7. Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo chủ trì và phối hợp với các trường đại học Y, đại học Dược trong cả nước, các đơn vị liên quan xây dựng khung tài liệu đào tạo về vi sinh lâm sàng, đào tạo về kháng thuốc; ưu tiên bố trí kinh phí cho các nghiên cứu về kháng thuốc.
8. Các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để thực hiện kế hoạch quốc gia đạt được mục tiêu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra bệnh viện, nhà thuốc trên địa bàn.
9. Một số bệnh viện đã tập trung chỉ đạo, định hướng tốt về kiểm soát bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, các bệnh viện phải thực hiện nghiêm theo Thông tư 18/2009/TT-BYT ngày 14/10/2009 về hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Ban Giám đốc phải tập trung, quyết tâm thực hiện kế hoạch hành động, chống lây nhiễm chéo, có biện pháp nhằm giảm tỷ lệ kê đơn kháng sinh không hợp lý; Nâng cao vai trò của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa Vi sinh, khoa Dược,...; Giám đốc bố trí nguồn lực, nâng cấp các khoa phòng, đặc biệt là khoa Xét nghiệm hoặc Vi sinh,... nhằm nâng cao chất lượng các xét nghiệm, bảo đảm trả kết quả kịp thời và chính xác.
10. Nhiều nội dung khác trong kế hoạch chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai để đạt được mục tiêu đề ra.
11. Tài liệu Hướng dẫn sử dụng kháng sinh cần khẩn trương hoàn thiện, nghiệm thu và ban hành.
12. Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý môi trường y tế thuộc BYT để xây dựng các hướng dẫn, danh mục kháng sinh sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Đề nghị các Vụ/Cục, Thanh tra Bộ, SYT, các bệnh viện trực thuộc Bộ, Y tế ngành tổ chức quán triệt, phổ biến việc thực hiện kế hoạch chống kháng thuốc đạt mục tiêu
Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, Văn phòng Bộ xin thông báo ý kiến kết luận và chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên để các đơn vị biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Quyết định 3197/QĐ-BYT năm 2017 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2 Công văn 4972/BYT-KCB năm 2013 chủ động mua thuốc kháng vi rút để đảm bảo thuốc điều trị cho người bệnh mắc Cúm do Bộ Y tế ban hành
- 3 Quyết định 2174/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 do Bộ Y tế ban hành
- 4 Quyết định 112/QĐ-QLD năm 2013 về rút số đăng ký của thuốc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc do Cục quản lý dựợc ban hành
- 5 Thông tư 18/2009/TT-BYT hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành
- 6 Công văn 6435/QLD-TT về không tự ý mua thuốc kháng virus khi không có đơn của thầy thuốc do Cục Quản lý dược ban hành
- 1 Công văn 6435/QLD-TT về không tự ý mua thuốc kháng virus khi không có đơn của thầy thuốc do Cục Quản lý dược ban hành
- 2 Quyết định 112/QĐ-QLD năm 2013 về rút số đăng ký của thuốc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc do Cục quản lý dựợc ban hành
- 3 Công văn 4972/BYT-KCB năm 2013 chủ động mua thuốc kháng vi rút để đảm bảo thuốc điều trị cho người bệnh mắc Cúm do Bộ Y tế ban hành
- 4 Quyết định 3197/QĐ-BYT năm 2017 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành