Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 0289/TM-DM

Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2005

 

THÔNG BÁO

HƯỚNG DẪN HỒ SƠ CẤP PHÉP XUẤT KHẨU HÀNG DỆT MAY SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ, EU VÀ THỔ NHĨ KỲ

Căn cứ Thông tư 03/2003/TT-BTM ngày 05/06/2003 hướng dẫn việc cấp visa hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ theo Hiệp định Dệt may Việt Nam – Hoa Kỳ;
Căn cứ Thông báo số 6494/TM-XNK ngày 24/12/2004 của Bộ Thương mại hướng dẫn việc xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU năm 2005;
Căn cứ Thông báo 0099/TM-DM ngày 13/01/2005 của Bộ Thương mại hướng dẫn việc xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ năm 2005;
Để tạo thuận lợi cho thương nhân trong việc làm thủ tục xin cấp phép xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường Hoa Kỳ, EU và Thổ Nhĩ Kỳ;
Sau khi thống nhất ý kiến với Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Thương mại hướng dẫn thủ tục cấp phép xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam kể từ ngày 03/03/2005 như sau:

1. Đối với những lô hàng xuất khẩu hàng dệt may khách hàng nhập khẩu yêu cầu có Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), hồ sơ xin cấp phép xuất khẩu gồm có:

1.1 Đơn xin cấp Giấy phép xuất khẩu (Visa/Export Licence) (theo mẫu của từng thị trường và do người đứng đầu thương nhân hoặc người được uỷ quyền hợp pháp ký tên, đóng dấu);

1.2 Hoá đơn thương mại hoặc Export Licence theo mẫu được khai hoàn chỉnh (bản gốc) (do người đứng đầu thương nhân hoặc người được uỷ quyền hợp pháp ký tên, đóng dấu);

1.3 Thông báo giao hạn ngạch bản chính của Bộ Thương mại (đối với thị trường Hoa Kỳ);

1.4 Tờ khai hải quan hàng xuất khẩu đã xác nhận thực xuất của Hải quan cửa khẩu (bản sao do người đứng đầu thương nhân hoặc người được uỷ quyền hợp pháp ký tên, đóng dấu);

- Đối với các lô hàng giao máy bay, thương nhân được nộp chậm bản sao tờ khai hải quan hàng xuất khẩu đã xác nhận thực xuất của Hải quan cửa khẩu trong vòng 15 ngày kể từ ngày được cấp Visa /Export Licence. Sau thời hạn 15 ngày, nếu doanh nghiệp không nộp bản sao tờ khai hải quan hàng xuất khẩu đã xác nhận thực xuất, các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực sẽ không cấp Visa /Export Licence cho các lô hàng dệt may xuất khẩu tiếp theo.

1.5 Chứng từ vận tải: thương nhân có thể xuất trình một trong những chứng từ vận tải sau: (bản sao do người đứng đầu thương nhân ký tên, đóng dấu)

- Vận tải đơn (Bill of Lading, Airway bill); hoặc

- Biên lai nhận hàng của Đại lý giao nhận (Forwarder Cargo Receipt hoặc Cargo Receipt) nếu trên chứng từ này có ghi rõ ngày giao hàng (on board), tên phương tiện vận chuyển và ngày dự kiến khởi hành (ETD);

- Đối với các lô hàng giao máy bay, thương nhân được nộp chậm bản sao Airway bill trong vòng 15 ngày kể từ ngày cấp Visa /Export Licence. Sau thời hạn 15 ngày nói trên, nếu thương nhân không nộp bản sao Airway Bill, các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực sẽ không cấp Visa /Export Licence cho các lô hàng dệt may xuất khẩu tiếp theo.

1.6 Chứng từ nộp lệ phí hạn ngạch theo quy định của Bộ Tài chính (nếu có);

1.7 Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho lô hàng xin cấp giấy phép xuất khẩu (Visa/Export Licence) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp (bản sao do người đứng đầu thương nhân hoặc người được uỷ quyền hợp pháp ký tên, đóng dấu).

1.8 Các chứng từ khác (nếu có) do Bộ Thương mại quy định căn cứ vào loại hạn ngạch do liên Bộ Thương mại – Bộ Công nghiệp giao theo các tiêu chí khác nhau.

2. Đối với những lô hàng xuất khẩu hàng dệt may khách hàng nhập khẩu không yêu cầu Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hoặc chấp nhận Visa thay cho C/O, ngoài những chứng từ yêu cầu tại các điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5, 1.6, và 1.8 nêu trên, yêu cầu thương nhân bổ sung Tờ khai nhập khẩu nguyên liệu của Hải quan và/hoặc Hoá đơn mua nguyên liệu trong nước do Bộ Tài chính phát hành (bản sao do người đứng đầu thương nhân ký hoặc người được uỷ quyền theo luật định ký tên, đóng dấu).

3. Thời gian giải quyết hồ sơ:

3.1 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh giải quyết trong vòng 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ;

3.2 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu giải quyết trong vòng 4 giờ làm việc kể từ khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

3.3 Đối với thương nhân không phải là lần đầu làm thủ tục xuất khẩu mà cung cấp hồ sơ không hợp lệ thì thời gian được giải quyết hồ sơ có thể tăng lên 12 giờ làm việc kể từ khi nhận được bộ hồ sơ bổ sung và hợp hợp lệ đối với Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí minh và 8 giờ làm việc đối với các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực khác.

4. Cấp lại giấy phép xuất khẩu bị mất hoặc thất lạc:

Trường hợp hoá đơn thương mại bản gốc có đóng dấu Visa bị thất lạc hoặc hư hỏng, việc cấp lại Visa mới được thực hiện như sau:

- Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực thông báo cho Ban Điều hành hạn ngạch Dệt may số Visa bị thất lạc;

- Ban Điều hành hạn ngạch Dệt may xác nhận với Hải quan Hoa Kỳ và đề nghị Hải quan Hoa Kỳ huỷ nếu visa đó chưa được sử dụng và yêu cầu Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực cấp lại Visa mới cho thương nhân. Trường hợp Visa bị hư hỏng, thương nhân phải trả lại bản Visa gốc cho Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực;

- Trường hợp Hải quan Hoa Kỳ xác nhận Visa đã được sử dụng, Ban Điều hành hạn ngạch Dệt may và Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực sẽ không cấp visa mới và phạt trừ hạn ngạch gấp 3 lần số lượng đã cấp trên Visa nếu phát hiện thương nhân khai báo không trung thực để sử dụng Visa hai lần.

5. Một số điều cần lưu ý khi thực hiện:

a. Thương nhân khi giao dịch với khách hàng nhập khẩu nên tìm hiểu rõ khách hàng có yêu cầu cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hay không. Nếu khách hàng nhập khẩu yêu cầu Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thì nên quy định trong hợp đồng xuất khẩu.

b. Thương nhân nhập nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng gia công xuất khẩu phải lưu mẫu vải đã được Hải quan niêm phong để đáp ứng yêu cầu kiểm tra của các cơ quan liên ngành Bộ Thương mại – Bộ Công nghiệp – Tổng cục Hải quan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi cần thiết.

c. Trong quá trình làm thủ tục cấp phép xuất khẩu hàng dệt may, các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực thông báo Bộ Thương mại (Ban Điều hành hạn ngạch Dệt may) các trường hợp nghi vấn. Bộ Thương mại sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, gia công của thương nhân để đảm bảo hàng sản xuất tại Việt Nam.

d. Trường hợp hàng dệt may đã được thông quan nhưng không xuất khẩu và Hải quan đã thu hồi bản gốc tờ khai xuất khẩu, đề nghị thương nhân trả lại Visa cho Bộ Thương mại (nếu đã cấp). Nếu thương nhân cố tình sử dụng bản sao tờ khai xuất khẩu sau khi Hải quan đã thu hồi bản gốc để xin Visa sẽ bị phạt hạn ngạch 3 lần số lượng hàng đã đăng ký trên Tờ khai hải quan hàng xuất khẩu bị thu hồi.

e. Mười (10) ngày một lần, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thông báo cho Bộ Thương mại (Ban Điều hành hạn ngạch Dệt may) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam những lô hàng bán thành phẩm dệt may nhập khẩu vào Việt Nam lắp ráp để xuất khẩu.

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông báo cho Bộ Thương mại (Ban Điều hành hạn ngạch Dệt may) những trường hợp cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho các lô hàng bán thành phẩm dệt may nhập khẩu vào Việt Nam lắp ráp để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

- Bộ Thương mại (Ban Điều hành hạn ngạch Dệt may) thông báo cho Tổng cục Hải quan những trường hợp có số lượng xin cấp Visa/Export Licence ghi trong đơn xin cấp phép xuất khẩu thấp hơn số lượng hàng ghi trên tờ khai xuất khẩu.

f. Các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực khi làm thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu yêu cầu thương nhân xuất trình bản chính của các chứng từ nêu tại điểm 1.4, 1.7 và điểm 2 nêu ở trên để đối chiếu với bản sao, tránh việc sao không đúng với bản chính cho mục đích gian lận thương mại.

g. Trong trường hợp việc xin cấp phép xuất khẩu bị từ chối, các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực phải thông báo rõ lý do nếu đối tượng xin cấp phép yêu cầu.

Bộ Thương mại thông báo thương nhân và các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực biết và thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị báo cáo Bộ Thương mại xem xét, xử lý.

 

 

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Lê Danh Vĩnh