Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 204/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở

Ngày 30 tháng 7 năm 2008 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng chính sách Xã hội.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Xây dựng và ý kiến các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:

Trong những năm qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều tổ chức, đoàn thể và cộng đồng xã hội cùng tham gia giúp đỡ, nhờ vậy một bộ phận không nhỏ hộ nghèo đã có nhà ở ổn định, đời sống từng bước được cải thiện, nâng cao.

Tuy nhiên, đến nay còn nhiều hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Để giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, cần sự phối hợp hỗ trợ của Nhà nước và của cộng đồng.

Để thực hiện mục tiêu xoá nhà ở tạm, dột nát trên phạm vi toàn quốc, các Bộ, cơ quan cần tập trung thực hiện một số việc sau đây:

1. Bộ Xây dựng:

- Tập trung hoàn thiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, theo nguyên tắc đảm bảo công bằng xã hội, trong đó ưu tiên đối tượng là người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn, huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng, của từng hộ gia đình và sự hỗ trợ của Nhà nước thực hiện Chương trình.

Nội dung của Đề án cần bổ sung nêu rõ những vấn đề sau:

- Quy định rõ các đối tượng hộ gia đình được hỗ trợ, xếp thứ tự ưu tiên… làm cơ sở cho các địa phương bình xét, xác định danh sách cụ thể;

- Nêu rõ tiêu chí, yêu cầu về quy mô, tính bền vững của nhà ở xây dựng hỗ trợ;

- Xác định các nguồn kinh phí xây dựng nhà ở hỗ trợ (hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, tín dụng ưu đãi, cộng đồng, dòng họ, gia đình);

- Tổng kết, nêu rõ các mô hình hỗ trợ để đảm bảo sự lồng ghép có hiệu quả giữa các chương trình, tránh sự trùng lặp (chương trình thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chương trình tôn nền vượt lũ; chương trình di dân tái định cư; quy hoạch khu dân cư; các cơ quan, đoàn thể làm nhà tình nghĩa; Chương trình “Nhà Đại đoàn kết” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì…);

- Xác định rõ cách làm: hộ gia đình tự làm là chủ yếu, cộng đồng hỗ trợ, chính quyền quản lý, các đoàn thể kiểm tra;

- Về mức hỗ trợ: ngân sách Trung ương hỗ trợ từ 06 đến 07 triệu đồng cho 01 nhà, (07 triệu đồng đối với những nơi vận chuyển khó khăn); cho vay ưu đãi từ 07 đến 08 triệu đồng cho 01 nhà; đối với những nơi nhà ở thuộc diện di dời, khu quy hoạch tập trung có thể cho vay nhiều hơn; chương trình thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ mức hỗ trợ 07 triệu đồng cho 01 nhà;

- Quy định rõ cách tổ chức thực hiện, trách nhiệm của Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư, dòng họ, gia đình, các đoàn thể…; Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì chỉ đạo, theo dõi triển khai thực hiện Đề án, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chủ trì vận động sự đóng góp của toàn xã hội để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo với tên gọi “Nhà Đại đoàn kết”.

Trên cơ sở đó Bộ Xây dựng cần chủ động:

- Phối hợp với các Bộ, các cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn các tiêu chí, rà soát, thống kê số lượng đối tượng thuộc phạm vi chính sách hỗ trợ;

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo vùng thiên tai, lũ lụt, đời sống khó khăn;

- Phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội xây dựng cơ chế cho vay để hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở, đặc biệt tại các khu vực thực hiện chương trình tôn nền vượt lũ, tái định cư tập trung theo quy hoạch…

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cân đối ngân sách, phân bổ đủ kinh phí phù hợp với kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

3. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào thiểu số nghèo, đời sống khó khăn hoàn thành vào năm 2010, mức hỗ trợ nhà ở từ ngân sách Trung ương 07 triệu đồng cho 01 nhà.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho vay để hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở.

5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì cùng các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác vận động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở.

6. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30 tháng 8 năm 2008.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo các Bộ, các cơ quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải;
- Các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UB Dân tộc;
- UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- VPCP: BTCN, các PCN: Trần Quốc Toản, Văn Trọng Lý, Phạm Văn Phượng, các Vụ: TH, KTTH, KGVX, ĐP, TTĐT;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Trần Quốc Toản