Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 207/1999/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 1999 

 

THÔNG BÁO

VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI UỶ BAN QUỐC GIA VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM

Ngày 19 tháng 11 năm 1999, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã làm việc với lãnh đạo Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Cùng dự còn có các đồng chí Lê Thị Thu, Phó chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Phan Quang Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Thị Kim Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Nguyễn Khắc Thái, Phó Trưởng Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ; Trần Quốc Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe các đồng chí Hà Thị Khiết-Chủ tịch Uỷ ban và Nguyễn Đình Bin-Phó chủ tịch Uỷ ban báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Uỷ ban trong thời gian qua, ý kiến của đại diện các cơ quan dự họp và ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã kết luận như sau:

1/ Trong những năm vừa qua, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Uỷ ban có nhiều hoạt động tích cực để phát huy vai trò của phụ nữ ở trong nước và trên trường quốc tế như đã kiến nghị với Nhà nước ban hành một số chủ trương, chính sách đối với phụ nữ; tổ chức tốt việc phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện luật pháp, chính sách của Nhà nước đối với phụ nữ; tăng cường hợp tác quốc tế có hiệu quả thiết thực. Tuy vậy, hiện nay còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết trong quá trình thực hiện quyền bình đẳng nam nữ: tư tưởng trọng nam, coi nhẹ nữ còn nặng nề; nhiều phụ nữ nông thôn và miền núi còn phải làm việc quá sức; trong không ít gia đình phụ nữ còn bị coi thường, ... Vì vậy, cần phải tiếp tục cố gắng phấn đấu nhiều hơn, triển khai các biện pháp thích hợp nhằm thực hiện tốt hơn quyền bình đẳng nam nữ.

2/ Trong thời gian tới, các Bộ, ngành và các địa phương phải tiếp tục tạo điều kiện để phụ nữ tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện quyền bình đẳng nam nữ; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số công tác lớn sau đây:

a) Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần lồng ghép vấn đề giới trong việc xây dựng quy hoạch kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân và xây dựng Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2001-2010.

b) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam hướng dẫn các Bộ, ngành và các địa phương tiến hành tổng kết Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1997-2000 để có cơ sở xây dựng Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2001-2010.

c) Giao Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Chính phủ Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2001-2010 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2001-2010; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2001-2005 phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2001-2005.

3/ Trong thời gian tới, Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cần tiến hành một số công việc sau đây:

a) Tổng kết, đánh giá toàn diện về tình hình tổ chức bộ máy và hoạt động của Uỷ ban từ khi được thành lập đến nay, rút ra những mặt được và chưa được, kiến nghị giải pháp hoàn thiện tổ chức và cơ chế hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, không trùng lặp và phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước.

b) Chuẩn bị tốt việc tham gia Hội nghị quốc tế về phụ nữ tổ chức tại Niu-Oóc vào năm 2000.

c) Làm việc với Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập bộ phận giúp việc cho Uỷ ban và bổ sung thành viên của Uỷ ban.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết và thực hiện.

 

KT. BỘ TRƯỞNG,
 CHỦ NHIỆM VP CHÍNH PHỦ

PHÓ CHỦ NHIỆM



Trần Quốc Toản