VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 295/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP BÀN VỀ ĐỀ ÁN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG ĐỐI VỚI CÁC HUYỆN CÓ TỶ LỆ NGHÈO CAO ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
Ngày 14 tháng 10 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng – Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ thực hiện các chương trình giảm nghèo đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo dự thảo Đề án cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Cùng dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các thành viên Tổ công tác xây dựng Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng trình bày dự thảo Tờ trình về cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện nghèo, ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:
I. Cùng với việc phát huy những thành tựu đã đạt được của công tác xóa đói giảm nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, phân công các Bộ, ngành và các địa phương tham gia xây dựng Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao, nhằm đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội và phát triển bền vững (nêu tại các Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 17 tháng 7 năm 2008 và Thông báo số 239/TB-VPCP ngày 04 tháng 9 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ). Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là một vấn đề lớn trong Chương trình công tác của Chính phủ, nhất là trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi phải có sự thống nhất về quan điểm, nhận thức, chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao, mới có thể đạt được mục tiêu, góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tuy nhiên, đến nay các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, được phân công theo dõi quản lý thực hiện chương trình, chính sách, dự án liên quan đến mục tiêu giảm nghèo chưa có báo cáo đánh giá các hoạt động, kết quả thực hiện các chương trình, chính sách, dự án trên địa bàn các huyện nghèo; Ủy ban nhân dân 7 tỉnh gồm: Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Trị, Lâm Đồng, chưa có báo cáo tổng hợp đánh giá thực trạng tình hình đói nghèo, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thực hiện giảm nghèo phù hợp với đặc thù của từng huyện.
Phó Thủ tướng nêu rõ thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là công tác trọng tâm của chính quyền các cấp, việc chậm trễ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao cần phải khắc phục, yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương nêu trên cần kiểm điểm, chấn chỉnh việc không nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công.
II. Để chuẩn bị nội dung báo cáo, trình Chính phủ thảo luận và quyết định triển khai thực hiện trong Phiên họp tháng 10 năm 2008, yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo tổ công tác xây dựng Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất, khẩn trương thực hiện các công việc sau đây:
1. Hoàn thiện Đề án cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:
a) Về đánh giá thực trạng và nguyên nhân nghèo, cần đánh giá tình hình và phân tích sâu hơn, để đưa ra giải pháp phù hợp với thực tế theo một số nội dung sau:
- Thực trạng về điều kiện tự nhiên (diện tích đất đai canh tác, diện tích rừng, đồi trọc, núi đá …); điều kiện sản xuất (nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trồng và bảo vệ rừng …);
- Thực trạng về cơ sở hạ tầng (đánh giá số lượng và chất lượng, mức độ đáp ứng yêu cầu, bảo đảm đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu, về nhà ở của đồng bào …)
- Tình hình định canh, định cư, các tập tục, thói quen canh tác của đồng bào dân tộc;
- Đánh giá về nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng;
- Đánh giá thu nhập và mức sống của dân cư trên địa bàn; mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào về y tế, giáo dục, văn hóa.
- Đánh giá việc chỉ đạo của chính quyền các cấp về thực hiện các chương trình, dự án thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.
b) Về phạm vi, mục tiêu:
- Về phạm vi: Thực hiện đối với 61 huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào cuối năm 2006.
Thời gian thực hiện, chia thành 3 giai đoạn: từ nay đến năm 2010, giai đoạn từ năm 2011 – 2015 và giai đoạn từ năm 2016 – 2020.
- Mục tiêu: Thực hiện các cơ chế, chính sách đối với huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất nhằm xây dựng và phát triển nông thôn mới với kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn có hiệu quả; hỗ trợ giảm nghèo nhanh hơn và bền vững, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo bằng tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh, đến năm 2020 bằng tỷ lệ hộ nghèo bình quân của vùng.
c) Về chủ trương và giải pháp: Trên cơ sở các chính sách hiện hành, rà soát, đề xuất sửa đổi, nâng mức cho phù hợp với điều kiện thực tế ở các huyện nghèo; đồng thời nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù mới, lồng ghép có hiệu quả trên địa bàn. Định hướng theo 4 nhóm giải pháp sau:
- Phục vụ và phát triển sản xuất, bao gồm cả quy hoạch lại dân cư ở những nơi cần thiết để đầu tư có hiệu quả; giải quyết vấn đề đất canh tác, phát triển, bảo vệ và khai thác rừng; các giải pháp khuyến nông, khuyến lâm … phát triển dịch vụ hỗ trợ.
- Tăng cường đầu tư củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng thiết yếu, tập trung các công trình phục vụ sản xuất và đời sống.
- Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó tăng cường các giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ và xuất khẩu lao động.
- Chính sách đào tạo và thu hút cán bộ, có chính sách khuyến khích các huyện tổ chức các tổ công tác liên ngành tăng cường cho xã thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo.
d) Về tổ chức thực hiện:
- Ủy ban nhân dân 20 tỉnh có các huyện có tỷ lệ nghèo cao phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình giảm nghèo chỉ đạo các huyện xây dựng Đề án cụ thể trên địa bàn gửi về Bộ kế hoạch và Đầu tư thẩm tra; trên cơ sở đó ban hành quyết định phê duyệt đề án, thành lập Ban chỉ đạo triển khai trên địa bàn huyện; chỉ đạo các ban, ngành và phối hợp các tổ chức đoàn thể cùng cấp tổ chức thực hiện.
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình giảm nghèo các chương trình giảm nghèo thẩm tra các đề án của 61 huyện nghèo; phối hợp với Bộ Tài chính bố trí và phân bổ kinh phí thực hiện các đề án ngay từ năm 2009.
2. Căn cứ vào dự thảo Đề án cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã hoàn thiện theo các nội dung nêu trên, soạn thảo và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trình Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, các địa phương biết và thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |