Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 05/TC-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 8 năm 1981

 

THÔNG CÁO

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VIỆC TRANH CHẤP VỀ RUỘNG ĐẤT Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong thời gian qua ở nhiều quận, huyện đã xảy ra tình hình tranh chấp về ruộng đất giữa các cơ quan, tổ chức với công dân, hoặc giữa các công dân với nhau; nhưng việc xem xét giải quyết của nhiều địa phương chưa được thống nhất, làm cho nhân dân phải đi lại khiếu nại đến nhiều ngành ở quận, huyện và thành phố, vừa mất nhiều thời gian cho nhân dân, vừa làm cho nhiều ngành phải nghiên cứu xem xét nhưng không thuộc chức năng của ngành mình giải quyết.

Để giải quyết các việc tranh chấp về ruộng đất được thống nhất chung ở thành phố theo quy định của Nhà nước, căn cứ theo tinh thần quyết định số 201/CP ngày 1 tháng 7 năm 1980 của Hội đồng Chánh phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước;

Ủy ban nhân dân thành phố nhắc lại một số điểm về thẩm quyền giải quyết các việc tranh chấp về ruộng đất của Hội đồng Chánh phủ như sau:

1) Các việc tranh chấp về ruộng đất giữa các cơ quan Nhà nước, các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã, các đoàn thể nhân dân (gọi tắt là cơ quan, tổ chức) với nhau đều do hệ thống cơ quan chấp hành của Nhà nước (Ủy ban nhân dân) từ huyện đến cấp thành phố giải quyết sau khi lấy ý kiến của cơ quan quản lý ruộng đất và của cơ quan, tổ chức chủ quản sử dụng ruộng đất đó.

a) Nếu việc tranh chấp xảy ra đối với ruộng đất nằm trong một quận, huyện, thì Ủy ban nhân dân quận, huyện đó xét và giải quyết. Nếu các bên đương sự thấy việc giải quyết chưa thoả đáng thì có quyền đưa lên Ủy ban nhân dân thành phố xét và giải quyết.

b) Nếu việc tranh chấp xảy ra đối với ruộng đất nằm trong hai quận, huyện, thì Ủy ban nhân dân hai quận, huyện đó cùng họp với nhau để giải quyết, nếu không thống nhất thì đưa lên Ủy ban nhân dân thành phố xét và giải quyết.

2) Các vụ tranh chấp xảy ra giữa các công dân với nhau hoặc giữa một bên là cơ quan, tổ chức và một bên là công dân, sẽ do Toà án nhân dân xét xử;

Đối với các vụ tranh chấp trong nội bộ nhân dân với nhau, nhất là những việc tranh chấp có tính chất điều chỉnh ruộng đất giữa các hộ với nhau (căn cứ vào nhân khẩu và diện tích bình quân đầu người) thì Ủy ban nhân dân phường, xã bàn bạc với hợp tác xã hoặc nơi chưa có hợp tác xã thì bàn bạc với Nông hội để lãnh đạo nhân dân thương lượng với nhau trên tinh thần đoàn kết nhân nhượng và giúp đỡ lẫn nhau giải quyết có lý có tình. Nếu Ủy ban nhân dân phường, xã giải quyết không xong thì đưa lên Ủy ban nhân dân quận, huyện giải quyết, khi cần thiết lắm mới đưa ra Toà án Nhân dân xét xử.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Danh