Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2022/TT-TANDTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC PHÂN CÔNG THẨM PHÁN GIẢI QUYẾT, XÉT XỬ VỤ ÁN, VỤ VIỆC THUỘC THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 02/2021/QH15;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13;

Căn cứ Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 55/2019/QH14;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao;

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định việc phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án hình sự, hành chính; vụ việc dân sự; yêu cầu mở thủ tục phá sản; đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (sau đây gọi là vụ việc).

2. Thông tư này áp dụng đối với Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán tại Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp.

Điều 2. Từ ngữ được sử dụng trong Thông tư

1. “Phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án” là việc Chánh án Tòa án quyết định giao hồ sơ vụ việc đã được Tòa án thụ lý cho Thẩm phán giải quyết, xét xử (sau đây gọi là phân công giải quyết án).

2. “Phân công giải quyết án chỉ định” là việc Chánh án Tòa án quyết định lựa chọn Thẩm phán để giải quyết, xét xử vụ việc khi thuộc trường hợp hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này.

3. “Phân công giải quyết án ngẫu nhiên” là việc Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ việc theo trình tự và phương pháp hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư này.

4. “Tổ Thẩm phán chuyên trách” gồm một số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập để giải quyết án theo lĩnh vực chuyên môn.

Điều 3. Nguyên tắc phân công giải quyết án

Việc phân công giải quyết án phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

1. Vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.

2. Công bằng, dân chủ, công khai, hợp lý và kịp thời.

3. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử.

Điều 4. Tiêu chí phân công giải quyết án

Việc phân công Thẩm phán giải quyết án phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

1. Số lượng, tính chất phức tạp của vụ việc được phân công cho các Thẩm phán giải quyết trong 01 năm tại mỗi Tòa án là tương đương nhau.

2. Phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm xét xử, giải quyết loại vụ việc đó. Đối với vụ việc có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên thì phân công Thẩm phán là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.

3. Phù hợp với vị trí công tác, chức vụ Thẩm phán đang đảm nhiệm.

4. Thẩm phán trong Tổ Thẩm phán chuyên trách; Thẩm phán trong Tòa chuyên trách thuộc lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên phân công giải quyết vụ việc thuộc lĩnh vực đó.

5. Thẩm phán giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Tòa án nhân dân cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện được phân công giải quyết án theo chỉ tiêu do Tòa án nhân dân tối cao quy định. Thẩm phán nữ trong thời gian 03 tháng trước khi nghỉ chế độ thai sản và 03 tháng sau khi hết thời gian nghỉ chế độ thai sản được phân công giải quyết án với chỉ tiêu tối đa bằng 50% so với Thẩm phán khác.

Điều 5. Những trường hợp Thẩm phán không được phân công giải quyết án

Tại thời điểm phân công giải quyết án, Thẩm phán thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không được phân công giải quyết án:

1. Thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc thay đổi theo quy định của pháp luật tố tụng đối với vụ việc đó.

2. Đang trong thời gian được cử đi biệt phái, công tác, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn có thời hạn từ 01 tháng liên tục trở lên.

3. Đang trong thời gian nghỉ phép, nghỉ chế độ thai sản, nghỉ điều trị bệnh hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ.

4. Đang trong thời gian bị kỷ luật, chờ xem xét kỷ luật hoặc thuộc trường hợp bị tạm dừng phân công giải quyết án theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

5. Trường hợp khác mà Thẩm phán không thể thực hiện được nhiệm vụ giải quyết, xét xử vụ việc.

Điều 6. Phương thức phân công giải quyết án

1. Phương thức phân công giải quyết án gồm phân công giải quyết án chỉ định và phân công giải quyết án ngẫu nhiên.

2. Phương thức phân công giải quyết án chỉ định được áp dụng đối với các vụ việc hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này.

3. Phương thức phân công giải quyết án ngẫu nhiên được áp dụng đối với các vụ việc hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư này.

4. Chánh án Tòa án có thể ủy quyền việc phân công giải quyết án cho Phó Chánh án Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng nhưng Chánh án Tòa án có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phân công giải quyết án tại Tòa án mình.

Điều 7. Lập danh sách vụ việc và danh sách Thẩm phán

1. Vụ việc Tòa án đã thụ lý phải lập thành danh sách; sắp xếp theo thứ tự thời gian thụ lý và phân chia theo từng loại vụ án, vụ việc (gọi là Danh sách vụ việc).

Danh sách vụ việc được chia thành vụ việc đủ điều kiện được phân công giải quyết án chỉ định và vụ việc được phân công giải quyết án ngẫu nhiên.

2. Thẩm phán thuộc trường hợp được phân công giải quyết án phải lập thành danh theo trình tự như sau (gọi là Danh sách Thẩm phán):

a) Lược bỏ Thẩm phán không được phân công giải quyết án theo hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 5 Thông tư này ra khỏi Danh sách Thẩm phán;

b) Sắp xếp Thẩm phán theo thứ tự Thẩm phán có số lượng vụ việc đang được giao giải quyết ít hơn đứng trước;

c) Trường hợp các Thẩm phán có số lượng vụ việc đang được giao giải quyết ngang nhau thì sắp xếp Thẩm phán có số lượng vụ việc đang tạm đình chỉ nhiều hơn đứng trước.

d) Trường hợp các Thẩm phán có số lượng vụ việc đang giải quyết ngang nhau; số lượng vụ việc đang tạm đình chỉ giải quyết ngang nhau thì sắp xếp Thẩm phán có số lượng vụ việc quá hạn luật định ít hơn đứng trước;

đ) Trường hợp các Thẩm phán có số lượng vụ việc đang giải quyết, vụ việc đang tạm đình chỉ, vụ việc quá hạn luật định ngang nhau thì sắp xếp Thẩm phán có số lượng vụ việc bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan trong thời hạn 01 năm kể từ ngày phân công ít hơn đứng trước;

e) Trường hợp các Thẩm phán có tiêu chí tại điểm b, c, d và đ khoản này như nhau thì sắp xếp tên Thẩm phán theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt (A, B, C...);

g) Trường hợp Thẩm phán thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi đối với vụ việc cụ thể thì phải được ghi chú trong Danh sách Thẩm phán.

3. Tại Tòa án có Tòa chuyên trách, Tổ Thẩm phán chuyên trách thì phải lập Danh sách Thẩm phán riêng tương ứng với từng Tòa chuyên trách, Tổ Thẩm phán chuyên trách. Thẩm phán đang công tác tại đơn vị không phải là Tòa chuyên trách thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán đó tham gia Danh sách Thẩm phán của ít nhất một Tòa chuyên trách.

Điều 8. Phân công giải quyết án chỉ định

Phân công giải quyết án chỉ định được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

1. Phân công Thẩm phán giải quyết án theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Vụ án hình sự phức tạp liên quan đến yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

b) Vụ việc liên quan đến bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; chính trị, đối ngoại, an ninh, tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

2. Phân công Thẩm phán làm thành viên Hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

3. Phân công Thẩm phán giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm còn dưới 01 tháng theo quy định của pháp luật hoặc trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Chánh án Tòa án.

4. Phân công giải quyết án trong trường hợp thay đổi Thẩm phán hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư này.

Điều 9. Phân công giải quyết án ngẫu nhiên

1. Vụ việc không thuộc trường hợp phân công giải quyết án chỉ định thì phải được phân công giải quyết án ngẫu nhiên theo hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Căn cứ Danh sách Thẩm phán và Danh sách vụ việc theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư này, tại mỗi lần phân công, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết án bằng phương thức ngẫu nhiên theo trình tự sau đây cho đến khi hết Danh sách vụ việc:

a) Thẩm phán có số lượng vụ việc đang giải quyết ít hơn sẽ được phân công trước;

b) Trường hợp các Thẩm phán có số lượng vụ việc đang giải quyết ngang nhau thì phân công cho Thẩm phán có số lượng vụ việc đang tạm đình chỉ giải quyết nhiều hơn trước;

c) Trường hợp các Thẩm phán có số lượng vụ việc đang giải quyết ngang nhau; số lượng vụ việc đang tạm đình chỉ giải quyết ngang nhau thì phân công cho Thẩm phán có số lượng vụ việc quá hạn luật định ít hơn trước;

d) Trường hợp các Thẩm phán có số lượng vụ việc đang giải quyết, vụ việc đang tạm đình chỉ, vụ việc quá hạn luật định ngang nhau thì phân công cho Thẩm phán có số lượng vụ việc bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan trong thời hạn 01 năm kể từ ngày phân công ít hơn trước;

đ) Trường hợp các Thẩm phán có tiêu chí tại điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 7 ngang nhau thì phân công cho Thẩm phán có tên đứng trước trong bảng chữ cái tiếng Việt trước;

e) Trường hợp Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc thuộc hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này thì phải phân công vụ việc tiếp theo trong Danh sách vụ việc.

3. Lần phân công giải quyết án tiếp theo, căn cứ vào Danh sách Thẩm phán đã được cập nhật thông tin đến thời điểm phân công án để tiếp tục phân công giải quyết án bằng phương thức ngẫu nhiên theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này.

Ví dụ: Tòa án huyện Y có 05 Thẩm phán trong Danh sách Thẩm phán. Thẩm phán A đang giải quyết 10 vụ việc, trong đó, có 03 vụ việc đang tạm đình chỉ, 02 vụ việc quá hạn luật định; 02 vụ việc bị hủy sửa. Thẩm phán B đang giải quyết 12 vụ việc, trong đó, có 03 vụ việc đang tạm đình chỉ, không có vụ việc quá hạn luật định, không có vụ việc bị hủy sửa. Thẩm phán C đang giải quyết 12 vụ việc, trong đó, có 01 vụ việc đang tạm đình chỉ, không có vụ việc quá hạn luật định; không có vụ việc bị hủy sửa. Thẩm phán D đang giải quyết 12 vụ việc, trong đó, có 01 vụ việc đang tạm đình chỉ, có 01 vụ việc quá hạn luật định, không có vụ việc bị hủy sửa. Thẩm phán Đ đang giải quyết 12 vụ việc, trong đó, không có vụ việc đang tạm đình chỉ, có 01 vụ việc quá hạn luật định, có 01 vụ việc bị hủy sửa.

Ngày 01/12/2022, Tòa án thụ lý 09 vụ việc được đánh số từ 01 đến 09. Danh sách Thẩm phán được sắp xếp theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này là Thẩm phán A, B, C, D, Đ. Chánh án Tòa án quyết định phân công giải quyết án bằng phương thức ngẫu nhiên theo thứ tự như sau:

- Lần 1: Thẩm phán A vụ án số 01; Thẩm phán B vụ án số 02; Thẩm phán C vụ án số 03; Thẩm phán D vụ án số 04; Thẩm phán Đ vụ án số 05.

- Lần 2: Thẩm phán A vụ án số 06; Thẩm phán B vụ án số 07; Thẩm phán C vụ án số 08; Thẩm phán D vụ án số 09.

Ngày 03/12/2022, Tòa án thụ lý 11 vụ việc được đánh số từ 10 đến 20. Danh sách Thẩm phán được sắp xếp theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này là Thẩm phán A, Đ, B, D, C (do Thẩm phán D có thêm 01 vụ việc tạm đình chỉ). Chánh án Tòa án quyết định phân công giải quyết án ngẫu nhiên theo thứ tự như sau:

- Lần 1: Thẩm phán A vụ án số 10; Thẩm phán Đ vụ án số 11; Thẩm phán B vụ án số 12; Thẩm phán D vụ án số 13; Thẩm phán C vụ án số 14.

- Lần 2: Thẩm phán A vụ án số 15; Thẩm phán Đ vụ án số 16; Thẩm phán B vụ án số 17; Thẩm phán D vụ án số 18; Thẩm phán C vụ án số 19.

- Lần 3: Thẩm phán A vụ án số 20.

Điều 10. Tổ chức phân công giải quyết án ngẫu nhiên

1. Việc phân công giải quyết án ngẫu nhiên được thực hiện theo phương pháp thủ công hoặc phương pháp tự động.

2. Tại các Tòa án đáp ứng được điều kiện về trang thiết bị công nghệ thông tin thì thực hiện phân công án ngẫu nhiên theo phương pháp tự động dưới sự hỗ trợ của phần mềm và thiết bị điện tử. Trường hợp phân công giải quyết án theo phương thức tự động thông qua thiết bị điện tử thì Danh sách vụ việc và Danh sách Thẩm phán phải được xử lý để việc phân bổ Thẩm phán giải quyết án phải hoàn toàn tự động, ngẫu nhiên để không ai có thể tác động vào việc phân công giải quyết án.

3. Trường hợp tại Tòa án không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện phân công giải quyết án ngẫu nhiên theo phương pháp tự động thì việc phân công giải quyết án ngẫu nhiên theo phương pháp thủ công do bộ phận hành chính tư pháp, công chức, người lao động Tòa án thực hiện theo quyết định của Chánh án Tòa án.

Điều 11. Phân công giải quyết án trong trường hợp thay đổi Thẩm phán

Vụ việc đã được Chánh án Tòa án phân công nhưng Thẩm phán được phân công thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi; không thể tiếp tục giải quyết, xét xử theo đúng thời hạn pháp luật quy định vì lý do khách quan thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác giải quyết theo phương thức chỉ định.

Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán, Chánh án Tòa án

1. Thẩm phán phải kịp thời thông báo cho Chánh án Tòa án hoặc bộ phận lập Danh sách Thẩm phán khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự thay đổi số lượng vụ việc đang được giao giải quyết; vụ việc đang tạm đình chỉ; vụ việc quá hạn luật định; vụ việc bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan trong thời hạn 01 năm đến ngày báo cáo;

b) Thuộc trường hợp hướng dẫn tại Điều 5 và Điều 11 Thông tư này.

2. Khi tổ chức phân công giải quyết án, Chánh án Tòa án thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức công tác tiếp nhận, thụ lý các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật;

b) Phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này;

c) Xác định và quyết định các trường hợp Thẩm phán không được phân công giải quyết án;

d) Công khai kết quả phân công giải quyết án bằng phương thức chỉ định và ngẫu nhiên theo hình thức phù hợp tại Tòa án;

đ) Giám sát tiến độ, đôn đốc các Thẩm phán giải quyết các vụ việc được phân công đảm bảo đúng thời hạn pháp luật quy định.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Vụ Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng phần mềm phân công giải quyết án ngẫu nhiên theo phương thức tự động dưới sự hỗ trợ của thiết bị điện tử để áp dụng chung, thống nhất tại các Tòa án.

3. Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc phân công giải quyết án tại các Tòa án. Trường hợp phát hiện vi phạm thì báo cáo, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét trách nhiệm, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị thì phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2023.


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công an;
- Hội Luật gia Việt Nam;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Các PCA, các TP TANDTC;
- Các đơn vị thuộc TANDTC;
- TAND và TAQS các cấp;
- Công báo 02 bản (để đăng Công báo);
- Lưu: VT TANDTC.

CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình