Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2017/TT-TANDTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2017

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC PHIÊN TÒA

Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Để áp dụng đúng và thống nhất việc tổ chức phiên tòa;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao;

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa,

Điều 1. Ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa

Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức phiên tòa.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 và thay thế Thông tư số 01/2014/TT-CA ngày 28 tháng 4 năm 2014 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nội quy phiên tòa.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị thì phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn kịp thời.


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Công an;
- Hội Luật gia Việt Nam;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Các PCA, các TP TANDTC;
- Các đơn vị thuộc TANDTC;
- Các TAND và TAQS các cấp;
- Công báo 02 bản (để đăng Công báo);
- Lưu: VT (TANDTC, Vụ PC&QLKH). A...

CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình

QUY CHẾ

TỔ CHỨC PHIÊN TÒA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy chế tổ chức phiên tòa này quy định về nguyên tắc tổ chức phiên tòa, nội quy phòng xử án, việc bảo vệ phiên tòa và thực hiện các quyết định của Chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử.

2. Quy chế tổ chức phiên tòa này được áp dụng đối với các phiên tòa, phiên họp trong quá trình Tòa án xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử và giải quyết vụ việc dân sự, phá sản; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 2. Nguyên tắc tổ chức phiên tòa

1. Phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm và thành phần những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp hoãn phiên tòa thì thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa phải ghi rõ trong giấy báo mở lại phiên tòa.

2. Phiên tòa được tổ chức công khai, trừ trường hợp cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự, bị cáo thì Tòa án có thể xét xử kín.

3. Việc tổ chức phiên tòa phải bảo đảm các yêu cầu về an ninh, trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án; bảo đảm cho việc xét xử được tiến hành bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; góp phần tuyên truyền, giáo dục công dân chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của đời sống xã hội, nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.

4. Tòa án có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức phiên tòa; mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện để Tòa án tổ chức phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật.

5. Đối với các phiên tòa xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, việc tổ chức phiên tòa còn phải bảo đảm thân thiện, phù hợp và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Điều 3. Nội quy phòng xử án

1. Nội quy phòng xử án bao gồm nội quy phiên tòa theo quy định tại Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 234 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 153 của Luật Tố tụng hành chính và các quy định sau đây:

a) Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa phải ngồi đúng vị trí trong phòng xử án;

b) Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký phiên tòa phải mặc trang phục xét xử theo đúng quy định;

c) Tòa án ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.

2. Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị Chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án hoặc khu vực xét xử, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký phiên tòa khi xét xử không mặc đúng trang phục thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý trách nhiệm theo Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân hoặc bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

3. Trước khi khai mạc phiên tòa, Thư ký phiên tòa phải ổn định trật tự, kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập, phổ biến nội quy phiên tòa và thực hiện các thủ tục khác theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Điều 4. Việc bảo vệ phiên tòa và thực hiện các quyết định của Chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử

Lực lượng Cảnh sát bảo vệ phiên tòa và các lực lượng khác làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành các quyết định của Chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử về việc buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án, khu vực xét xử; tạm giữ người gây rối trật tự phiên tòa hoặc quyết định khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Việc niêm yết Bảng nội quy phòng xử án

Bảng nội quy phòng xử án phải có các nội dung tại Điều 3 của Quy chế này và được niêm yết công khai tại phòng xử án.