Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/1997/TT-TCKT

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 1997

THÔNG TƯ

CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 05/1997/TT-TCKT NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG KINH PHÍ LÁN TRẠI TRONG CÁC ĐƠN VỊ ĐIỀU TRA THĂM DÒ ĐỊA CHẤT

Căn cứ Thông tư Liên Bộ Tài chính - Tổng cục Địa chất số 501/LB ngày 31/12/1983 và số 27/LB ngày 1/7/1988;
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính (tại công văn số 1822/TC-TCDN ngày 3 tháng 6 năm 1997 của Bộ Tài chính), Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc sử dụng kinh phí lán trại trong các đơn vị điều tra thăm dò địa chất như sau:

I- NGUYÊN TẮC CHUNG:

- Kinh phí lán trại là khoản chi để đảm bảo chỗ ở, chỗ làm việc cho những công nhân, viên chức địa chất làm việc ở thực địa xa cơ sở Đoàn hay Liên đoàn, xa khu dân cư, để thực hiện các đề án điều tra thăm dò địa chất. Không áp dụng đối với các đề án thực hiện trong thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư tập trung.

- Kinh phí lán trại được tính trong dự toán đề án điều tra, thăm dò địa chất theo quy định tại Thông tư 27/LB ngày 1/7/1988 của Liên Bộ Tài chính - Tổng cục Mỏ địa chất (trước đây), về tỷ lệ kinh phí lán trại: tạm thời áp dụng theo tỷ lệ chi phí nhà ở tạm của công nhân xây dựng (quy định tại Thông tư 04/TTLB ngày 10/9/1996 của Liên Bộ Xây dựng - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính) tính bằng 2% giá trị dự toán đề án địa chất.

- Việc quản lý chi tiêu kinh phí lán trại thực hiện theo các chế độ, thể lệ tài chính hiện hành. Nếu tiết kiệm được chi phí lán trại tạm thì được đưa vào quỹ phúc lợi của đơn vị hoặc được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp.

II- NỘI DUNG SỬ DỤNG KINH PHÍ LÁN TRẠI

Kinh phí lán trại được sử dụng vào các công việc sau:

- Làm nhà lưu động, nhà ở tạm tại nơi làm việc cho công nhân, viên chức điều tra thăm dò địa chất.

- Trả những chi phí về thuê mướn nhà hoặc chi cho công nhân viên chức tự lo chỗ ở và làm việc trong những ngày họ đi lưu động xa nơi đóng quân, đơn vị không có điều kiện làm lán trại lưu động.

III- ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC CHI

- Công nhân viên chức (kể cả lao động hợp đồng ngắn hạn) làm việc ở các tổ, đội, nghiên cứu khảo sát, thăm dò, lập bản đồ địa chất, địa vật lý, thuỷ văn, điều tra địa chất biển, trắc địa v.v... phải đi lưu động, không có nơi ở làm việc ổn định được hưởng các quyền lợi nói tại mục II.

- Trường hợp trong thời gian đi làm việc lưu động ở thực địa, không có điều kiện làm lán trại mà phải tự túc chỗ ở hay thuê nhà ở thì căn cứ vào nguồn kinh phí lán trại được trích hàng năm với số người thực tế đi lưu động, thủ trưởng đơn vị quyết định mức chi lán trại tạm cụ thể và khoán cho cán bộ công nhân viên đi lưu động nhưng tối đa không vượt quá mức chi về tiền trọ đã quy định trong chế độ công tác phí hiện hành.

IV- HẠCH TOÁN KINH PHÍ LÁN TRẠI

- Sau khi nghiệm thu thanh toán bước địa chất, đơn vị trích kinh phí lán trại ghi:

Nợ TK 511.4: Doanh thu về giá trị bước địa chất hoàn thành.

Có TK 41: Kinh phí lán trại.

- Khi xây dựng nhà lưu động, nhà ở tạm cho cán bộ công nhân viên các tổ đội địa chất, ghi:

Nợ TK 241: Xây dựng cơ bản dở dang.

Có các TK 111, 112

- Khi quyết toán chuyển sang tài sản cố định (nếu đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định).

Nợ TK 211: Tài sản cố định hữu hình

Có TK 241: Xây dựng cơ bản dở dang

Đồng thời kết chuyển nguồn kinh phí lán trại sang nguồn vốn cố định ghi:

Nợ TK 416: Kinh phí lán trại,

Có TK 411: Nguồn vốn kinh doanh.

- Khi chi đi lưu động tự lo nơi ở và làm việc ghi:

Nợ TK 416: Kinh phí lán trại,

Có các TK: 111, 112, 152...

Hàng quý, năm các đơn vị địa chất có trách nhiệm báo cáo quyết toán tình hình sử dụng kinh phí lán trại theo các quy định hiện hành.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/1997 và thay thế Thông tư 301/LB ngày 1/8/1988 của Tổng cục Mỏ Địa chất và áp dụng cho các đơn vị sử dụng vốn điều tra thăm dò địa chất thuộc Bộ Công nghiệp.

Nguyễn Minh Thông

(Đã ký)