BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 06-NV | Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 1969 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VỀ NGUYÊN TẮC PHÂN CÔNG VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN HÀNH CHÍNH HUYỆN, XÃ
Kính gửi : Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Qua cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân huyện, xã và các cấp tương đương nhiệm kỳ 1967-1969, các Ủy ban hành chính huyện, xã đã được tăng cường thêm một bước. Việc phân công trong Ủy ban hành chính đã hợp lý hơn so với các nhiệm kỳ trước, lề lối làm việc cũng đã có nhiều tiến bộ, do đó Ủy ban hành chính đã phát huy được vai trò và tác dụng của mình trong việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác của Nhà nước ở địa phương.
Tuy vậy, cấu tạo, phân công và lề lối làm việc của Ủy ban hành chính huyện, xã hiện nay cũng còn bộc lộ một số khuyết và nhược điểm: việc phân công ở một số nơi thể hiện chưa quán triệt các mặt công tác, chưa tập trung vào mặt quản lý kinh tế; có nơi vì một số ủy viên năng lực quá yếu, không đảm đương nổi nhiệm vụ, nên trong một nhiệm kỳ phải thay đổi lại sự phân công hai, ba lần; có ủy viên còn kiêm nhiệm nhiều việc, có ủy viên không được phân công phụ trách một ngành nào mà chỉ được biệt phái về cơ sở làm nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc; chế độ trách nhiệm của các ủy viên, chưa được xác định rõ ràng, ngoài bộ phận thường trực, các ủy viên khác ít tham gia đóng góp vào sự lãnh đạo chung của Ủy ban hành chính; lề lối làm việc cũng chưa thể hiện được nguyên tắc tập thể lãnh đạo chung, phân công phụ trách; tác phong công tác của các ủy viên chưa thật sự sâu sát. Nhìn chung sự hoạt động của Ủy ban hành chính hiện nay chưa mạnh, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.
Để khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm trên đây, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ hiện nay và trong thời gian tới, Bộ Nội vụ hướng dẫn về nguyên tắc phân công và lề lối làm việc của Ủy ban hành chính huyện, xã như sau:
I. NGUYÊN TẮC PHÂN CÔNG CỦA ỦY BAN HÀNH CHÍNH HUYỆN, XÃ
Hiện nay nhiệm vụ của nhân dân ta ở miền Bắc là vừa đẩy mạnh sản xuất, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chiến đấu chống Mỹ cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Mặt khác, thực hiện phương hướng phát triển kinh tế, nhiệm vụ trước mắt của Nhà nước ta là đi đôi với việc phát triển kinh tế trung ương, phải ra sức xây dựng kinh tế địa phương và đẩy mạnh việc phân cấp quản lý kinh tế-tài chính. Nhiệm vụ đó đề ra cho chính quyền các cấp nói chung và chính quyền cấp huyện, xã nói riêng những trách nhiệm mới toàn diện hơn, nặng nề hơn.Vì vậy, Ủy ban hành chính huyện, xã nhiệm kỳ 1969-1971 cần được tăng cường cán bộ có chất lượng để bảo đảm Ủy ban hành chính khóa mới mạnh dạn hơn khóa trước, đảm đương được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng hiện nay; riêng cấp huyện, không nên đưa cán bộ trực tiếp làm công tác ở cơ sở vào Ủy ban hành chính.
Về số lượng ủy viên Ủy ban hành chính huyện, xã thì tùy tình hình, đặc điểm và yêu cầu công tác của mỗi địa phương để bầu, nhưng không vượt quá số lượng ủy viên mà luật đã quy định. Bộ phận thường trực Ủy ban hành chính huyện nên bầu từ 4 đến 6 người; bộ phận thường trực Ủy ban hành chính nên bầu từ 3 đến 4 người trong đó nhiều nhất có 2 phó chủ tịch.
Việc phân công trong Ủy ban hành chính huyện, xã cần bảo đảm những nguyên tắc sau đây: Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, trực tiếp của Đảng; kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu và nhiệm vụ với trình độ, khả năng của cán bộ, giữa nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài, giữa yêu cầu của việc phụ trách ngành và phụ trách cơ sở; đồng thời phải chúýđến tình hình, đặc điểm của địa phương để tiến hành phân công cho tốt.
Phương hướng phân công Ủy ban hành chính huyện, xã cụ thể như sau:
1.Bộ phận thường trực của Ủy ban hành chính huyện mỗi người vừa phụ trách một khối công tác, vừa phụ trách một cụm hoặc một vùng. Bộ phận thường trực của Ủy ban hành chính xã mỗi người vừa phụ trách một khối công tác, vừa làm trưởng ban chuyên môn, vừa phụ trách thôn hoặc bản, hợp tác xã hoặc một số đội sản xuất.
2. Các Ủy viên khác của Ủy ban hành chính huyện mỗi người vừa phụ trách một ngành, vừa phụ trách một xã hoặc một hợp tác xã. Các ủy viên khác của Ủy ban hành chính xã phụ trách thôn hoặc bản; hợp tác xã hoặc một số đội sản xuất và tùy theo nhu cầu công tác của địa phương, khả năng của cán bộ, có thể được phân công làm trưởng hay phó ban chuyên môn của xã hoặc phụ trách một số công tác.
II. CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ỦY VIÊN ỦY BAN HÀNH CHÍNH HUYỆN, XÃ
1. Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện, xã:
Chủ tịch Ủy ban hành chính lãnh đạo công tác của Ủy ban hành chính; phụ trách công tác kế hoạch; trực tiếp nắm và chỉ đạo công tác trọng tâm của huyện, xã.Chủ tịch Ủy ban hành chính có nhiệm vụ:
a) Quán xuyến chung công việc của Ủy ban hành chính. Hàng ngày tuy đi sâu vào chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác trọng tâm (sản xuất, chiến đấu và tổ chức đời sống), nhưng phải quan tâm đến việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các mặt công tác khác; điều hòa, phối hợp các mặt công tác khác phục vụ cho công tác trọng tâm, thông qua việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác trọng tâm và đẩy mạnh các mặt công tác khác.
b) Chỉ đạo lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch của huyện, xã; chỉ đạo các hợp tác xã lập và thực hiện kế hoạch.
c) Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết của Hội động nhân dân cùng cấp và chỉ thị, nghị quyết của cơ quan Nhà nước cấp trên.
Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện còn có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động kiện toàn chính quyền xã, chỉ đạo việc củng cố và kiện toàn các ban quản trị hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, đồng thời hướng dẫn chính quyền cơ sở bảo đảm quyền làm chủ của xã viên trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp,hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng. Chủ tịch Ủy ban hành chính xã, ngoài các nhiệm vụ trên đây, còn phải trực tiếp phụ trách nông thôn hoặc bản, hợp tác xã hoặc một số đội sản xuất.
2. Phó chủ tịch Ủy ban hành chính huyện, xã:
Phó chủ tịch giúp chủ tịch lãnh đạo công tác của Ủy ban hành chính (như luật đã quy định).
a) Với cương vị phụ trách một khối công tác, trong phạm vi luật pháp của Nhà nước, các phó chủ tịch Ủy ban hành chính huyện, xã nhiệm vụ : nắm chắc nội dung công tác và tình hình của các ngành trong khối; trực tiếp giải quyết công việc do các ngành trong khối đề nghị chủ động giải quyết những vấn đề đã có chủ trương của Ủy ban hành chính hoặc đưa ra tập thể Ủy ban hành chính hay bộ phận thường trực của Ủy ban hành chính bàn bạc và giải quyết những yêu cầu của các ngành, các xã và hợp tác xã ngoài phạm vi quyền hạn của mình; chủ động đề xuất những vấn đề lớn và mới đưa ra tập thể Ủy ban hành chính hay bộ phận thường trực của Ủy ban hành chính bàn bạc và quyết định; lãnh đạo các ngành trong khối hoàn thành tốt nhiệm vụ.
b) Với cương vị phụ trách một cụm hoặc một vùng, các phó chủ tịch Ủy ban hành chính huyện có nhiệm vụ: hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra, đôn đốc các xã, hợp tác xã trong cụm hoặc vùng chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chấp hành điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; tổ chức và thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất; trực tiếp nghe báo cáo của các xã trong cụm hoặc vùng theo chế độ đã được Ủy ban hành chính quy định và truyền đạt những chủ trương công tác mới cho các xã (trong trường hợp không triệu tập cán bộ xã lên huyện họp); hướng dẫn, giúp đỡ chính quyền cơ sở về kiện toàn tổ chức và cải tiến lề lối làm việc.
c) Với cương vị phụ trách thôn hoặc bản, hợp tác xã hoặc một số đội sản xuất; các phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã có nhiệm vụ: trực tiếp chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác của Nhà nước ở cơ sở đó; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chấp hành điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra, đôn đốc các hợp tác xã xây dựng và thực hiện kế hoạch và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất.
3. Ủy viên thư ký Ủy ban hành chính huyện, xã:
a) Lãnh đạo văn phòng Ủy ban hành chính giải quyết công việc hàng ngày của Ủy ban hành chính dưới sự lãnh đạo của chủ tịch và các phó chủ tịch (như luật đã quy định).
b) Giúp chủ tịch Ủy ban hành chính chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cùng cấp và của Ủy ban hành chính.
c) Thay mặt chủ tịch, các phó chủ tịch Ủy ban hành chính (trường hợp chủ tịch và các phó chủ tịch bận hoặc đi công tác vắng), tiếp dân và giải quyết những đơn từ khiếu nại, tố giác của nhân dân gửi đến hoặc trực tiếp đến trình bày với Ủy ban hành chính.
Ủy viên thư ký được Ủy ban hành chính phân công phụ trách một khối công tác, phụ trách cơ sở, thì trách nhiệm phụ trách khối và các cơ sở của ủy viên thư ký giống như trách nhiệm của các phó chủ tịch.
4. Ủy viên khác của Ủy ban hành chính huyện, xã:
a) Tham gia đóng góp vào sự lãnh đạo chung của Ủy ban hành chính, và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ đã được Ủy ban hành chính phân công, theo đúng luật pháp và chủ trương của Ủy ban hành chính.
b) Theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra, đôn đốc các xã, hợp tác xã, đội sản xuất chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chấp hành điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất.
c) Có kế hoạch, biện pháp cụ thể lãnh đạo cán bộ trong ngành hoặc ban chuyên môn hoàn thành tốt công tác, và chỉ đạo thực hiện tốt công tác của chính quyền ở cơ sở do mình phụ trách.
III. CẢI TIẾN LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN HÀNH CHÍNH HUYỆN, XÃ
Nội dung cải tiến lề lối làm việc của Ủy ban hành chính huyện, xã như sau:
1. Bảo đảm thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập thể lãnh đạo, phân công phụ trách. Trước hết, cần đưa chế độ sinh hoạt của Ủy ban hành chính vào nền nếp như luật đã quy định; thực hiện mọi việc quan trọng của Nhà nước ở địa phương đều do tập thể bàn bạc và quyết định; thực sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt cũng như trong lề lối làm việc, thực hiện phương pháp làm việc có chương trình, kế hoạch hàng tháng, hàng quý; tránh cục bộ, bản vị hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm tham gia vào sự lãnh đạo chung của Ủy ban hành chính.
2.Coi trọng việc củng cố, xây dựng tổ chức và tăng cường chỉ đạo cụ thể cho cơ sở (xã, hợp tác xã, đội sản xuất và các tổ chức chuyên môn). Riêng các ủy viên Ủy ban hành chính huyện khi xuống cơ sở không nên chỉ thiên về đôn đốc thực hiện công tác trước mắt mà phải quan tâm đến việc giúp đỡ cơ sở về mọi mặt. Cần tăng cường truyền đạt trực tiếp cho cơ sở, tránh quan liêu giấy tờ; tránh những cuộc họp không cần thiết để khỏi bận rộn cho cơ sở.
3. Bảo đảm chỉ đạo toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, đồng thời phải chú ý thúc đẩy các mặt công tác khác.
4. Coi trọng sơ kết, tổng kết công tác để nâng cao năng lực tổ chức và chỉ đạo thực hiện của Ủy ban hành chính và các cơ quan chuyên môn giúp việc.
Trên đây Bộ hướng dẫn một số điểm về nguyên tắc phân công, chế độ trách nhiệm và lề lối làm việc của Ủy ban hành chính huyện, xã để áp dụng chung cho các huyện, xã toàn miền Bắc. Đề nghị của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố hướng dẫn cụ thể cho các huyện, xã thực hiện. Riêng đối với miền núi, nhất là vùng núi rẻo cao, do đặc điểm tình hình và yêu cầu công tác nên cấu tạo và phân công Ủy ban hành chính huyện, xã có thể có điểm khác với miền đồng bằng. Đề nghị của Ủy ban hành chính các khu tự trị và các tỉnh nghiên cứu vận dụng cho sát hợp với tình hình của địa phương, nhưng không trái với tinh thần cơ bản đã nêu trong thông tư của Bộ.
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |