Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-TC/TVHC

Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 1962

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC THU, CHI CỦA NHÀ TRẺ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

-Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Các cơ quan đoàn thể trung ương
- Tòa án nhân dân tối cao
- Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố
- Các Sở, Ty Tài chính

Thông tư liên bộ số 18-TT/LB ngày 18/10/1961 hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 126-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cải tiến chế độ giữ trẻ đã có quy định rõ về chi phí của các nhà trẻ. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thêm về công tác quản lý thu, chi của các nhà trẻ như sau:

I. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ THU CHI CỦA NHÀ TRẺ

a) Quản lý thu, chi của nhà trẻ theo lối bù trừ chênh lệch.

b) Phải giữ sổ sách kế toán riêng và phải có dự toán và quyết toán thu chi riêng.

c) Phần trợ cấp cho nhà trẻ được trích ở quỹ phúc lợi tập thể (thuộc dự toán của cơ quan, xí nghiệp…) theo một tỷ lệ quy định so với thực chi quỹ tiền lương.

d) Việc quản lý thu, chi của nhà trẻ do cơ quan, xí nghiệp tổ chức nhà trẻ chịu trách nhiệm; cơ quan tài chính có trách nhiệm giám đốc chi tiêu của nhà trẻ theo đúng chế độ tiêu chuẩn. Trong khi chờ đợi Chính phủ giao nhiệm vụ cho một cơ quan quản lý thống nhất toàn bộ thu, chi của nhà trẻ, tạm thời các cơ quan tài chính xét duyệt và điều hòa kế hoạch, thu chi của nhà trẻ để có thể đảm bảo được tỷ lệ chung đã quy định.

II. NỘI DUNG THU, CHI CỦA NHÀ TRẺ

1. Thu - gồm các khoản thu sau đây:

a) Tiền góp hàng tháng của nữ cán bộ, công nhân, viên chức có con gửi ở nhà trẻ của cơ quan, xí nghiệp theo quy định trong Thông tư số 18-TT/LB ngày 18/10/1961. Nữ cán bộ, công nhân viên chức có con gửi ở nhà trẻ của cơ quan, xí nghiệp nào thì do cơ quan, xí nghiệp đó trực tiếp trừ vào lương hàng tháng và chuyển sang số thu của nhà trẻ.

b) Tiền trợ cấp chênh lệch giữa thu và chi cho nhà trẻ của cơ quan, xí nghiệp – (phần trợ cấp của cơ quan, xí nghiệp, nói chung, không được vượt quá tỷ lệ % đã quy định so với số thực chi quỹ lương của cơ quan, xí nghiệp).

Ngoài ra, các xí nghiệp có quỹ phúc lợi của xí nghiệp có thể trích một phần để chi thêm cho việc phát triển nhà trẻ theo quy định trong Chỉ thị số 126-TTg ngày 01/4/1961 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Chi - gồm các chi phí thường xuyên cho nhà trẻ:

a) Tiền lương cấp bậc và phụ cấp lương của nhân viên giữ trẻ (phụ trách nhà trẻ, bảo mẫu, y tá…)

b) Tiền bảo hiểm xã hội, y tế, vệ sinh, trợ cấp con, trợ cấp khó khăn, phúc lợi tập thể (ăn, ở, giữ trẻ) của nhân viên nhà trẻ.

c) Tiền thuê nhà và sửa chữa nhỏ của nhà trẻ.

d) Tiền chi về hành chính của nhà trẻ (công vụ phí thường xuyên, bất thường…)

e) Tiền mua sắm và sửa chữa đồ đạc cho nhà trẻ.

Riêng khoản chi về trang bị cho nhà trẻ hiện nay liên Bộ Nội vụ - Lao động – Y tế - Tài chính - Tổng công đoàn đang nghiên cứu quy định lại. Trong khi chờ đợi, các cơ quan, xí nghiệp vẫn thi hành theo Thông tư số 568-TC/HCP ngày 16/9/1955 của Bộ Tài chính.

Các khoản chi sau đây không tính vào chi phí thường xuyên của nhà trẻ:

- Tiền chi về xây dựng cơ bản mới và trang bị lúc đầu cho nhà trẻ do kinh phí kiến thiết cơ bản của cơ quan, xí nghiệp chi.

- Tiền chi về sửa chữa lớn cho nhà trẻ do kinh phí sửa chữa lớn của cơ quan, xí nghiệp trả.

Ngoài ra theo Chỉ thị số 126-TTg ngày 01/4/1961 của Thủ tướng Chính phủ các xí nghiệp có thể trích thêm phần nào quỹ phúc lợi của xí nghiệp để xây dựng thêm nhà trẻ.

III. LẬP VÀ XÉT DUYỆT DỰ TOÁN, QUYẾT TOÁN

1. Hàng năm, hàng quý, cơ quan có nhà trẻ phải lập dự toán, quyết toán thu chi có phân tích từng khoản thu chi theo chế độ dự quyết toán hiện hành để xin trợ cấp chênh lệch. Số tiền trợ cấp chênh lệch cho nhà trẻ sẽ ghi vào mục III: quỹ xã hội (mục lục dự toán 1962), tiết “trợ cấp nhà trẻ”.

Ở các xí nghiệp quốc doanh tiền trợ cấp chênh lệch cho nhà trẻ, theo Nghị định số 43-CP ngày 16/9/1960 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 186-UB/TC ngày 20/1/1961 của Ủy ban kế hoạch Nhà nước quy định, được thanh toán vào lỗ lãi ngoài kinh doanh.

Đối với các nhà trẻ liên cơ số tiền chênh lệch giữa thu và chi của nhà trẻ liên cơ phải phân bổ cho các cơ quan xí nghiệp theo số lượng các cháu được gửi ở nhà trẻ liên cơ.

Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 10 và 11/01/1962 Bộ Y tế có nhiệm vụ phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ quản lý chung toàn bộ thu, chi của nhà trẻ.

Trong khi chờ đợi xúc tiến thực hiện quyết định ấy, cơ quan tài chính ở cấp nào, tạm thời chịu trách nhiệm xét duyệt và điều hòa kế hoạch thu chi của nhà trẻ ở cấp đó để đảm bảo chi tiêu không được quá phạm vi tỷ lệ % đã quy định so với thực chi quỹ lương của cấp đó. Đối với các xí nghiệp trực thuộc các Bộ trung ương, việc quản lý sẽ do Bộ chủ quản xét duyệt và điều hòa trong phạm vi tỷ lệ % đã quy định so với thực chi quỹ lương của Bộ đó.

IV. SO SÁNH THU, CHI

Để theo dõi, kiểm tra tình hình thu chi của nhà trẻ và việc sử dụng số tiền của Nhà nước đã trợ cấp nhà trẻ được tốt, từng thời gian (năm, quý, tháng) các cơ quan, xí nghiệp có nhà trẻ phải mở sổ sách cần thiết để ghi chép đầy đủ, rành mạch, theo hướng dẫn trong Thông tư và mẫu quy định thống nhất đính kèm theo Thông tư này.

1. Một sổ thu tiền gửi trẻ của nữ cán bộ, công nhân viên chức (mẫu số 1)

2. Một sổ chi của nhà trẻ (mẫu số 2)

(Mẫu sổ không đăng Công báo).

Ngoài ra, đối với những nhà trẻ đã có đủ điều kiện tổ chức việc ăn uống, tắm giặt cho các cháu, các nữ cán bộ, công nhân, viên chức có con gửi phải đóng góp tiền ăn, tiền củi than đun nước, nấu ăn, tiền xà phòng để giặt tã lót, tắm cho các cháu. Mức đóng góp do nhà trẻ cùng với các nữ cán bộ công nhân, viên chức có con gửi ở nhà trẻ bàn bạc quy định và phải có sổ sách thu chi riêng về các khoản ấy.

Trong khi thi hành, nếu gặp khó khăn, trở ngại gì, đề nghị các Bộ, các cơ quan, các ngành, các cấp phản ảnh cho Bộ Tài chính biết để kịp thời nghiên cứu góp ý kiến giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính