Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ

*******

Số: 08/2002/TT-BYT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội , Ngày 20 tháng 06 năm 2002

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC HỢP TÁC, ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC KHÁM, CHỮA BỆNH BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Điều lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật này;
Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12/11/1996: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 09/6/2000 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 06/3/2000 của Chính phủ về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp; Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 của Chính phủ về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện;
Căn cứ Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân, Nghị định số 60/CP ngày 29/1/1994 của Chính phủ về cụ thể hóa một số điều của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân;
Sau khi có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 3393/BKH-LĐVX ngày 30/5/2002, Bộ Y tế hướng dẫn việc hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại Việt Nam như sau:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Các tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đầu tư vào lĩnh vực khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại Việt Nam dưới các loại hình tổ chức và hình thức đầu tư như sau:

1. Loại hình tổ chức:

1.1. Bệnh viện Y học cổ truyền.

1.2. Phòng chẩn trị y học cổ truyền.

2. Các hình thức đầu tư:

2.1. 100% vốn nước ngoài.

2.2. Liên doanh.

2.3. Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Điều 2. Tổ chức Việt Nam được hợp tác đầu tư với nước ngoài để thành lập cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài là:

1. Bệnh viện y học cổ truyền, cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền là đơn vị sự nghiệp có thu của Việt Nam.

2. Bệnh viện y học cổ truyền, Trung tâm y dược học cổ truyền, Phòng chẩn trị y học cổ truyền bán công, dân lập, tư nhân được thành lập theo Luật Doanh nghiệp

3. Các đối tượng thuộc Điều 2 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 3. Bệnh viện y học cổ truyền, Phòng chẩn trị y học cổ truyền (sau đây gọi chung là cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền) có vốn đầu tư của nước ngoài phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân và những quy định khác của pháp luật có liên quan, thực hiện các quy định về chuyên môn kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành.

Điều 4. Quy trình thẩm định dự án và thẩm quyền cấp Giấy phép đầu tư áp dụng theo các quy định tại khoản 1 Điều 109 và khoản 1 Điều 114 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy phép đầu tư chỉ được phép hoạt động chuyên môn sau khi được Bộ Y tế sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề.

Điều 5. Cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được hoạt động trong phạm vi chuyên môn được Bộ Y tế cho phép. Giá khám chữa bệnh, giá các loại xét nghiệm, giá thuốc phải phù hợp và được niêm yết công khai.

Điều 6. Cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài phải làm lại thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề mới trong những trường hợp sau:

- Thay đổi hình thức đầu tư hoặc thay đổi loại hình tổ chức.

- Tách hoặc sáp nhập cơ sở.

- Thay đổi địa điểm hành nghề.

- Giấy chứng nhận hết hạn sử dụng.

Trong khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề còn giá trị, nếu thay đổi chủ đầu tư, thay đổi Giám đốc, cơ sở phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế Giám đốc mới phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp do Bộ Y tế cấp.

Điếu 7. Cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài phải nộp phí, lệ phí thẩm định để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN, PHẠM VI HÀNH NGHỀ CỦA CÁC CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH Y HỌC CỔ TRUYỀN CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 8. Điều kiện chung.

1. Cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài phải áp dụng các phương pháp của y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chẩn đoán, điều trị mang lại hiệu quả và an toàn cao cho bệnh nhân.

2. Có trang thiết bị hiện đại, đang được sử dụng trên thế giới phù hợp với từng loại hình đầu tư. Hạ tầng cơ sở và đội ngũ nhân viên y tế đủ trình độ, phù hợp với trang thiết bị hiện đại và phạm vi hoạt động chuyên môn.

3. Cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài phải có đủ điện, nước, công trình vệ sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý chất thải theo đúng quy định.

4. Giám đốc cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền do Bộ Y tế cấp. Trưởng khoa lâm sàng, cận lâm sàng, khoa dược của cơ sở phải là bác sĩ, dược sĩ hoặc lương y, lương dược có chuyên khoa phù hợp có đủ 5 năm thực hành chuyên khoa và có đủ những điều kiện khác theo quy định của pháp luật; các thầy thuốc nhân viên y tế làm việc tại cơ sở cũng phải có trình độ chuyên khoa phù hợp.

5. Có đội ngũ nhân viên đảm bảo yêu cầu hoạt động.

6. Bảng giá khám bệnh, chữa bệnh, giá thuốc, giá các xét nghiệm phải phù hợp và được niêm yết công khai.

7. Những người nước ngoài trực tiếp khám chữa bệnh phải được Bộ Y tế Việt Nam kiểm tra, xác nhận trình độ chuyên môn; nếu không giao tiếp được bằng tiếng Việt Nam thì người phiên dịch phải có trình độ chuyên môn.

Điều 9. Ngoài những điều kiện chung theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này, bệnh viện y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài phải có đủ các điều kiện cụ thể sau:

1. Điều kiện:

1.1. Giám đốc phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền do Bộ Y tế Việt Nam cấp.

1.2. Bệnh viện có ít nhất 20 giường nội trú.

1.3. Tổ chức bệnh viện ít nhất phải có các khoa, phòng sau:

a) Khoa khám và điều trị ngoại trú (trong đó có bộ phận cấp cứu).

Cơ sở gồm: Phòng hành chính, Phòng cấp cứu và các phòng khám, điều trị ngoại trú với diện tích ít nhất 20 mét vuông, được kê 2 bàn khám và 2 giường điều trị ngoại trú.

Các phòng khám phải được trang bị đủ bàn ghế, dụng cụ khám bệnh, phải có huyết áp kế đồng hồ, nhiệt kế đo nhiệt độ. Phòng cấp cứu phải có bình oxy (có đồng hồ), tủ thuốc cấp cứu (có đủ cơ số thuốc theo quy định), cáng vận chuyển bệnh nhân, nẹp cố định các loại, tủ hấp và bơm tiêm.

b) Khu nội trú gồm khoa nội, ngoại, phụ, nhi, ngũ quan, châm cứu dưỡng sinh.

- Mỗi khoa ít nhất phải có: buồng hành chính, buồng thủ thuật và các buồng cho bệnh nhân nội trú với tiêu chuẩn bình quân ít nhất 4 mét vuông sàn/1giường bệnh nội trú và các trang thiết bị sau:

+ Đủ bàn, ghế làm việc cho thầy thuốc, tủ đựng hồ sơ bệnh án.

+ Xe đẩy cấp phát thuốc, cân.

- Các khoa nội trú phải có buồng cấp cứu. Trang bị của buồng cấp cứu gồm có tủ thuốc cấp cứu có đủ cơ số thuốc cấp cứu theo quy định, huyết áp kế đồng hồ, nhiệt kế đo nhiệt độ, bình oxy (hoặc túi oxy), cáng, đồng hồ đếm mạch, tủ sấy, bơm tiêm các loại.

Buồng bệnh phải có quạt hoặc điều hòa nhiệt độ đảm bảo đủ ấm cho bệnh nhân vào mùa đông và đủ mát cho bệnh nhân vào mùa hè. Mỗi giường bệnh nội trú phải có một tủ đầu giường, một phích đựng nước. Mỗi bệnh nhân nội trú phải có ít nhất hai bộ quần áo bệnh viện để thay đổi.

Tùy theo điều kiện, bệnh viện có thể có một hoặc nhiều khoa nội trú.

c) Khoa dược phải có phòng hành chính, kho dược liệu, khu vực sơ chế, khu vực bào chế, quầy thuốc, đảm bảo các yêu cầu sau:

- Quầy thuốc: khu vực quầy thuốc phải thoáng mát, đủ ánh sáng, tránh được ẩm và côn trùng, có bàn làm việc của nhân viên và ghế ngồi chờ cho bệnh nhân, tủ thuốc chia ô, cân các loại, bàn quầy.

- Kho dược phải thoáng mát chống được ẩm và côn trùng, có giá kệ và dụng cụ đựng thuốc.

- Khu vực sơ chế, bào chế phải bố trí khu riêng có đủ nước sạch để rửa, bếp và dụng cụ sao tẩm, dao cầu, thuyền tán, cân. Khuyến khích đầu tư các loại máy hiện đại để nâng cao chất lượng khám và điều trị.

d) Khoa cận lâm sàng:

Tùy theo điều kiện của từng cơ sở nhưng ít nhất phải có: Phòng hành chính, phòng sinh hóa, phòng vi sinh, phòng X - quang, phòng điện tim, siêu âm. Các phòng phải có đủ trang thiết bị để đảm bảo các kinh nghiệm cơ bản cho bệnh nhân.

e) Bộ phận tổ chức, hành chính, tổng hợp kế hoạch.

f) Bộ phận tài chính, vật tư (bao gồm cả kho vật tư)

Các bộ phận theo quy đinh tại điểm e và f trên phải được bố trí độc lập có đủ tiêu chuẩn và điều kiện để hoạt động và phục vụ bệnh nhân.

h) Giao thông nội viện phải đảm bảo yêu cầu đi lại cho bệnh nhân, nhân viên và bảo đảm thuận tiện cho việc vận chuyển bệnh nhân cấp cứu.

k) Bệnh viện phải có ít nhất 40% đất lưu không (đất không xây dựng) để làm sân, vườn. Diện tích xây dựng tối đa chỉ chiếm 60% khuôn viên của bệnh viện.

Điều 10. Phạm vi hoạt động chuyên môn của bệnh viện y học cổ truyền: Trên cơ sở đề nghị của bệnh viện, căn cứ vào cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, Bộ Y tế sẽ xem xét và cho phép phạm vi hoạt động chuyên môn cụ thể.

Điều 11. Ngoài những điều kiện chung quy định tại điều 8 của Thông tư này, phòng chẩn trị y học cổ truyền có vốn đầu tư của nước ngoài phải có đủ các điều kiện cụ thể sau:

1. Giám đốc phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền do Bộ Y tế Việt Nam cấp.

2. Giấy phép đầu tư.

3. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị:

3.1. Có ít nhất hai phòng đủ tiêu chuẩn và điều kiện của phòng khám bệnh.

3.2. Có khu vực bào chế thuốc y học cổ truyền với trang thiết bị phù hợp để bào chế thuốc phục vụ bệnh nhân:

- Kho dược liệu: phải thoáng mát chống được ẩm và côn trùng, có giá kệ và dụng cụ đựng thuốc.

- Khu vực sơ chế, bào chế: Khu vực sơ chế, bào chế phải bố trí khu riêng có đủ nước sạch để rửa, bếp và dụng cụ sao tẩm, dao cầu, thuyền tán, cân.

- Quầy thuốc: Khu vực quầy thuốc phải thoáng mát, đủ ánh sáng, tránh được ẩm và côn trùng, có bàn làm việc của nhân viên và ghế ngồi chờ cho bệnh nhân, tủ thuốc chia ô, cân các loại, bàn quầy.

3.3. Có khu vực cho bệnh nhân ngồi chờ khám với tiện nghi phù hợp.

3.4. Có bộ phận cận lâm sàng đảm bảo về nhân lực cũng như trang bị như dự án đã được duyệt.

3.5. Có tủ thuốc cấp cứu và phương tiện cấp cứu theo quy định. Thầy thuốc, nhân viên của Phòng chẩn trị phải được tập huấn về kỹ thuật cấp cứu phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cho phép.

Điều 12. Phạm vi hoạt động của Phòng chẩn trị y học cổ truyền.

1. Khám chữa bệnh ngoại trú bằng các phương pháp của y học cổ truyền phù hợp phạm vi cho phép và trình độ thầy thuốc của phòng khám.

2. Bào chế dược liệu sống thành thuốc phiến, được bán những thành phẩm thuốc y học cổ truyền đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký cho sản xuất lưu hành để phục vụ trực tiếp cho bệnh nhân. Nếu có bào chế một số dạng đóng gói sẵn thì công thức phải đăng ký và được Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) nơi Phòng chẩn trị đặt trụ sở cho phép bằng văn bản.

Chương 3:

THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ VÀ ĐỦ ĐIỂU KIỆN HÀNH NGHỀ

Điều 13. Tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

1. Tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho người nước ngoài:

- Có bằng tốt nghiệp bác sĩ y học cổ truyền do trường Đại học hoặc Học viện Trung y đào tạo cấp. Kiến thức chuyên môn vững, được Bộ Y tế Việt Nam thẩm định, kiểm tra xác nhận.

- Có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp.

- Có thời gian thực hành ít nhất 5 năm tại các cơ sở y học cổ truyền hợp pháp.

- Có đạo đức nghề nghiệp được Sở Y tế tỉnh nơi đang công tác xác nhận.

- Có đủ sức khỏe để hành nghề (có Giấy chứng nhận đủ sức khỏe của bệnh viện đa khoa tỉnh).

- Không có tiền án, tiền sự, không bị kỷ luật về vi phạm quy chế chuyên môn.

- Hiểu biết và cam kết thực hiện đúng pháp luật của Việt Nam và những quy chế chuyên môn do Bộ Y tế Việt Nam ban hành.

2. Tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền cho người Việt Nam: Thực hiện theo Thông tư số 04/2002/TT-BYT ngày 29 tháng 5 năm 2002 của Bộ Y tế hướng dẫn xét cấp chứng chỉ hành nghề y dược học.

Điều 14. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền:

1. Đối với người nước ngoài:

a) Công văn của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nước ngoài xin đăng ký hành nghề.

b) Đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền tại Việt Nam.

c) Sơ yếu lý lịch có dán ảnh.

d) Lý lịch tư pháp.

đ) Bằng tốt nghiệp chuyên môn.

e) Giấy xác nhận thời gian thực hành.

f) Giấy phép hành nghề của nước ngoài.

g) Giấy xác nhận đủ sức khỏe của bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

h) Bản cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

(Các loại giấy tờ quy định trên phải được dịch ra tiếng Việt Nam và được công chứng)

1. Có 3 ảnh cỡ 3 cm x 4 cm.

2. Đối với người Việt Nam: Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của người Việt Nam làm việc trong các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo Thông tư số 04/2002/TT-BYT ngày 29 tháng 5 năm 2002 của Bộ Y tế hướng dẫn xét cấp chứng chỉ hành nghề y dược.

Điều 15. Hồ sơ xin xác nhận đủ trình độ chuyên môn của người nước ngoài để làm việc trong các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại Việt Nam gồm có:

1. Công văn của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nước ngoài xin làm việc.

2. Đơn đề nghị xác nhận đủ trình độ chuyên môn.

3. Sơ yếu lịch có dán ảnh.

4. Lý lịch tư pháp.

5. Bằng tốt nghiệp chuyên môn.

6. Giấy xác nhận thời gian thực hành.

7. Giấy phép hành nghề của nước ngoài.

8. Giấy xác nhận đủ sức khỏe do bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện trở lên xác nhận.

9. Bản cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

(Các loại giấy tờ quy định trên phải được dịch ra tiếng Việt Nam và được công chứng)

10. Giấy phép lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cấp.

11. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề của cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hoặc quyết định thành lập cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của cơ quan có thẩm quyền.

12. Giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho cơ sở thuê lao động là thầy thuốc nước ngoài.

13. Có 3 ảnh cỡ 4 cm x 6 cm.

Điều 16. Hồ sơ xin xác nhận đủ trình độ chuyên môn để làm việc trong các cơ sở y học cổ truyền có vốn đầu tư của nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 13 của Điều 15 Thông tư này.

Điều 17. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề:

1. Công văn đề nghị Bộ Y tế thẩm định của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Giấy phép đầu tư.

3. Dự án đầu tư.

4. Điều lệ doanh nghiệp.

5. Xác nhận sử dụng mặt bằng hợp pháp.

6. Sơ đồ bố trí mặt bằng.

7. Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc.

8. Danh sách trích ngang của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên chuyên môn.

9. Các loại giấy tờ khác chứng minh cơ sở có đủ điều kiện quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 11 của Thông tư này tùy theo loại hình đầu tư.

Điều 18. Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề và hồ sơ xin xác nhận đủ trình độ chuyên môn để làm việc trong các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của Việt Nam, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề gửi về Sở Y tế tỉnh. Sở Y tế xem xét và gửi về Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài, cấp Giấy chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và xác nhận đủ trình độ chuyên môn để làm việc trong các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại Việt Nam cho người nước ngoài.

Giúp Bộ trưởng Bộ Y tế có Hội đồng thẩm định. Thành phần Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định.

Vụ Y học cổ truyền là cơ quan thường trực của Hội đồng.

Điều 19. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, Giấy chứng chỉ hành nghề, Giấy xác nhận đủ trình độ chuyên môn quy định trong Thông tư này có giá trị 5 năm. Trước khi hết hạn 6 tháng cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài, người được cấp Giấy chứng chỉ hành nghề hay Giấy xác nhận đủ trình độ chuyên môn phải làm đơn gửi Bộ Y tế mới được xem xét gia hạn. Thời gian gia hạn mỗi lần không quá 5 năm.

Chương 4:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH Y HỌC CỔ TRUYỀN CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI, NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 20. Ngoài quyền và nghĩa vụ được quy định trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài hành nghề y dược học cổ truyền tại Việt Nam có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Quyền:

Cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền được phép tổ chức nhà thuốc cung cấp thuốc y học cổ truyền cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú.

Nhân viên y tế hoạt động trong các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài được tham gia hoạt động theo quy định tuyển sinh của Nhà nước để nâng cao chuyên môn; tham gia sinh hoạt và bồi dưỡng chuyên môn của ngành, được dự các lớp tập huấn nhằm cập nhật kiến thức do Sở Y tế tỉnh hoặc Bộ Y tế tổ chức.

Các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền và cá nhân làm việc trong các cơ sở này nếu có nhiều thành tích trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân sẽ được khen thưởng theo quy định chung của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Nghĩa vụ:

Giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của cơ sở.

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế, tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Phải treo biển hiệu đúng quy định, niêm yết công khai giá khám chữa bệnh, giá thuốc, phạm vi hành nghề đã được duyệt. Cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài phải xây dựng bảng giá viện phí để báo cáo Bộ Y tế phê duyệt.

- Thuốc mới; phương pháp chữa bệnh mới khi chưa được phép của Bộ Y tế Việt Nam chưa được áp dụng vào khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

- Có nghĩa vụ tham gia phòng chống dịch, tham gia các chương trình y tế quốc gia.

- Thực hiện đầy đủ các quy chế chuyên môn của Bộ Y tế Việt Nam quy định, thực hiện chế độ phụ cấp nghề nghiệp và các quy định khác của pháp luật Việt Nam như các đơn vị y tế nhà nước của Việt Nam.

- Mọi tài liệu có liên quan đến hoạt động của cơ sở phải viết hoặc dịch ra tiếng Việt.

Chương 5:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH Y HỌC CỔ TRUYỀN CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 21. Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài trong phạm vi toàn quốc.

Sở Y tế tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong địa bàn đó của tỉnh.

Điều 22. Các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất khi được yêu cầu về Sở Y tế tỉnh, Bộ Y tế.

Chương 6:

KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 23. Bộ Y tế, Sở Y tế định kỳ tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy chế chuyên môn, những quy định của pháp luật đối với các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 24. Các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài có nghĩa vụ tạo điều kiện và thực hiện những yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra; có quyền khiếu nại về quyết định của Đoàn thanh tra.

Điều 25. Các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân người nước ngoài hành nghề y dược học cổ truyền tại Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ những quy định của Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam; nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành; nếu gây thiệt hại cho bệnh nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam:

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với những quy định trong Thông tư này đều bãi bỏ.

Điều 27. Lãnh đạo các vụ, cục, văn phòng, Thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, Giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo Bộ Y tế (Vụ Y học cổ truyền) để được hướng dẫn giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Văn Truyền