Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2017/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TẬP HUẤN CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ VÀ TRANG PHỤC ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG BẢO VỆ RỪNG CHUYÊN TRÁCH CỦA CHỦ RỪNG

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và trang phục đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và trang phục đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chủ rừng; lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chương II

TẬP HUẤN CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ

Điều 3. Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý bảo vệ rừng

1. Nội dung tập huấn

a) Kiến thức cơ bản của pháp luật có liên quan đến quản lý bảo vệ rừng;

b) Nghiệp vụ tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng;

c) Phương pháp lập hồ sơ ban đầu đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;

d) Nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rừng;

đ) Chuyên môn, nghiệp vụ khác.

2. Tài liệu tập huấn

a) Khung chương trình do Tổng cục Lâm nghiệp phê duyệt;

b) Nội dung tài liệu phải được bổ sung, cập nhật thường xuyên để đảm bảo phù hợp quy định và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

3. Hình thức tập huấn

a) Tập huấn lần đầu được áp dụng đối với người chưa được tập huấn nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng và đảm bảo theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này;

b) Tập huấn nâng cao được áp dụng đối với các đối tượng đã tham gia tập huấn lần đầu; nội dung tập huấn nâng cao để cập nhật, bổ sung kiến thức hoặc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ khác theo nhu cầu của chủ rừng.

Điều 4. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý bảo vệ rừng

1. Chủ rừng có trách nhiệm tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của mình. Vào quý IV hàng năm, chủ rừng có trách nhiệm đăng ký nhu cầu tập huấn gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Chi cục Kiểm lâm vùng (sau đây viết chung là Chi cục Kiểm lâm), hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm, kinh phí, nội dung đề nghị tập huấn;

b) Danh sách cá nhân tham gia tập huấn.

2. Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với chủ rừng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; thực hiện các nội dung sau:

a) Kiểm tra, tiếp nhận đề nghị của chủ rừng;

b) Phối hợp với các chủ rừng xây dựng kế hoạch tập huấn chung cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trên địa bàn;

c) Phân công cán bộ hoặc mời giảng viên biên soạn tài liệu và tập huấn;

d) Cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Huấn luyện nghiệp vụ quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ

Chủ rừng có trách nhiệm đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền tổ chức huấn luyện, cấp, đổi, cấp lại giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý công cụ hỗ trợ theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BCA ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Bộ Công an; Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BNNPTNT-BCA ngày 22 tháng 01 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Điều 6. Kinh phí

Kinh phí tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách do chủ rừng chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 9 Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng hoặc từ nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

Chương III

TRANG PHỤC

Điều 7. Trang phục của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách

1. Trang phục của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, gồm:

a) Quần áo mùa đông và quần áo mùa hè may theo mẫu thống nhất;

b) Phù hiệu "BẢO VỆ RỪNG" gắn trên mũ;

c) Ký hiệu "BẢO VỆ RỪNG" gắn trên cánh tay áo;

d) Các phụ kiện kèm theo trang phục.

2. Số lượng, niên hạn sử dụng

STT

Tên trang phục

Số lượng

Niên hạn sử dụng

1

Quần áo mùa hè

02 bộ

01 năm

2

Quần áo thu đông

01 bộ

02 năm

3

Áo bông

01 bộ

03 năm

4

Thắt lưng

01 chiếc

02 năm

5

Giày da

01 đôi

02 năm

6

Giày đi rừng

02 đôi

01 năm

7

Mũ mềm

01 chiếc

02 năm

8

Mũ cứng bảo hộ

01 chiếc

01 năm

9

Bít tất

02 đôi

01 năm

10

Áo mưa

01 bộ

02 năm

3. Tùy theo điều kiện thực tế và khí hậu của từng khu vực, chủ rừng quyết định việc cấp phát trang phục cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo số lượng, niên hạn sử dụng cho phù hợp.

Điều 8. Nguyên tắc quản lý, sử dụng trang phục

1. Trang phục được cấp cho người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và đã được tuyển dụng hoặc người có hợp đồng lao động với chủ rừng có thời hạn từ 24 tháng liên tục trở lên.

2. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách chỉ được sử dụng trang phục để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, không lợi dụng để vi phạm pháp luật.

3. Kiểu dáng, màu sắc trang phục của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách phải theo mẫu thống nhất được quy định tại Thông tư này.

Điều 9. Kinh phí

Kinh phí cấp phát trang phục cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách do chủ rừng chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 9 Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.

Điều 10. Chi tiết trang phục

1. Quần áo thu đông nam

a) Áo ngoài

Màu xanh rêu;

Kiểu áo khóa ngoài, cổ bẻ chữ K, nẹp cài 4 cúc; thân trước có 2 túi ốp ngoài, giữa bản túi có đố túi, góc đáy túi trên, nắp túi giữa vát nhọn, hai cạnh góc vuông, thân sau có sống sau và xẻ sau; 2 bên vai có gắn bật vai để đeo cấp hiệu; tay áo thiết kế kiểu tay áo vest, bác tay, tay áo bên trái có gắn ký hiệu "BẢO VỆ RỪNG"; đính cúc nhựa cùng màu vải; bên trong có lót áo cùng màu, thân áo được ép mex mùng.

b) Áo sơ mi trong

Màu trắng;

Kiểu áo sơ mi dài tay, khi mặc bỏ áo trong quần, cổ đức đeo cavat, thân trước bên trái có 1 túi ốp đáy, túi trên bên trong có cài bút, nẹp có 7 cúc nhựa màu trắng, tay áo có măng séc, góc măng séc trên có mổ thép tay; thân sau có cầu vai, mỗi bên chiết 1 ly.

c) Quần

Màu xanh rêu;

Kiểu quần âu, cạp rời, 2 túi chéo; thân trước mỗi bên có 2 ly lật về sườn; cửa quần may khóa kéo bằng nhựa cùng màu, đầu cạp có móc cài cúc, quai nhê; thân sau có chiết ly và hai túi sau viền, cài cúc nhựa, cạp quần có 6 dây đỉa.

2. Quần áo thu đông nữ

a) Áo ngoài

Màu xanh rêu;

Kiểu áo khóa ngoài, cổ bẻ chữ K, nẹp cài 4 cúc; thân trước có 2 túi ốp dưới, giữa bản túi có đố túi, góc đáy túi trên, nắp túi giữa vát nhọn, hai cạnh góc vuông, thân sau có xẻ sau và sống sau; 2 bên vai có gắn bật vai để đeo cấp hiệu; tay áo kiểu vest, có bác tay, tay áo bên trái có gắn ký hiệu "BẢO VỆ RỪNG"; đính cúc nhựa cùng màu; vải lót trong cùng màu; thân áo được ép mex mùng.

b) Áo sơ mi trong

Màu trắng;

Kiểu áo sơ mi dài tay, khi mặc bỏ áo trong quần, cổ đức đeo cavat, thân trước có chiết ly eo và ly sườn, nẹp có 6 cúc nhựa màu trắng, thân sau có chiết eo hai bên sườn, tay áo có măng séc vuông.

c) Quần

Màu xanh rêu;

Kiểu quần âu, cạp rời thân trước không ly, có 2 túi chéo 2 bên sườn, cửa quần may khóa kéo bằng nhựa cùng màu, đầu cạp có móc và cúc nhựa hãm bên trong; thân sau có chiết 2 bên cạp quần.

3. Áo bông

a) Áo bông nam

Màu xanh rêu;

Kiểu áo bông 3 lớp, cổ bẻ có kéo khóa ở giữa cổ; thân trước có hai túi ốp trên có nắp, bản túi có đố túi ở giữa, góc túi tròn, nắp túi giữa vát nhọn, hai cạnh nắp góc vuông, bên dưới có hai túi bổ chéo ở hai bên; áo có bật vai ở hai bên để đeo cấp hiệu; tay áo có sống tay, bụng tay, gấu tay áo có cá tay; thân sau có cầu vai làm xúp; sườn áo có chặn đỉa sườn, có dây đai thắt, có khóa nhựa ở đai áo; bên trong có bông trần ở thân trước, thân sau, tay áo, hai bên lót thân trước có bổ túi lót kéo khóa, bên trong cửa tay áo có bo mút cửa tay; nẹp áo bên trong kéo khóa, bên ngoài có 4 cúc nhựa cài ngoài áo cùng màu vải, tay áo bên trái có gắn ký hiệu "BẢO VỆ RỪNG".

b) Áo bông nữ

Màu xanh rêu;

Kiểu áo bông 3 lớp, cổ bẻ có kéo khóa ở giữa cổ; thân có 2 túi bổ chéo ở dưới eo áo; vai áo có bật vai để đeo cấp hiệu; tay áo kiểu vest có cá tay; thân sau có đề cúp, eo áo có chun ngầm, có cúc tăng giảm eo theo cỡ người; bên trong có lót bông trần, thân trước có túi lót, gấu tay áo bên trong bo mút; nẹp áo kéo khóa, có 4 cúc cùng màu vải bên ngoài; tay áo bên trái có gắn ký hiệu "BẢO VỆ RỪNG".

4. Bộ quần áo xuân hè nam

a) Áo

Màu xanh rêu;

Kiểu chiết gấu, bo đai, cổ đứng, thân trước có 2 túi ngực ốp ngoài, giữa bản túi có đố túi, góc đáy túi tròn, nắp túi giữa vát nhọn, hai cạnh góc vuông; nẹp có 7 cúc nhựa cùng màu vải; có cầu vai để đeo cấp hiệu; thân sau mỗi bên chiết 1 ly; hai bên sườn có mở xẻ đai, đính cúc. Áo dài tay, tay áo có măng séc tròn, có mổ thép tay nhọn; áo ngắn tay cửa tay úp vào trong; tay áo bên trái có gắn ký hiệu "BẢO VỆ RỪNG".

b) Quần

Màu xanh rêu;

Kiểu quần âu, cạp rời, 2 túi chéo, thân trước mỗi bên có 2 ly lật về sườn, cửa quần may khóa kéo bằng nhựa cùng màu, đầu cạp có móc cài cúc, quai nhê; thân sau có chiết ly, hai túi sau viền, cài cúc nhựa, cạp quần có 6 dây đỉa.

5. Bộ quần áo xuân hè nữ

a) Áo

Màu xanh rêu;

Kiểu áo chiết gấu, bo đai, thân trước có hai chiết vai, ngực áo có hai túi ốp nổi ngoài, giữa túi có đố túi, góc đáy túi trên, nắp giữa vát nhọn, 2 cạnh góc vuông; nẹp có cúc nhựa cùng màu vải; thân sau có cầu vai, mỗi bên có chiết 1 ly, 2 bên sườn có mở xẻ đai, đính cúc; có cầu vai để đeo cấp hiệu. Áo dài tay có măng séc trên, có mổ thép tay; áo ngắn tay cửa tay úp vào trong; tay áo bên trái có gắn ký hiệu "BẢO VỆ RỪNG".

b) Quần

Màu xanh rêu;

Kiểu quần âu, cạp rời thân trước không ly, có 2 túi chéo 2 bên sườn, cửa quần may khóa kéo bằng nhựa cùng màu, đầu cạp có móc và cúc nhựa hãm bên trong; thân sau có chiết 2 bên cạp quần.

6. Phụ kiện kèm theo trang phục

a) Ký hiệu Bảo vệ rừng: Hình tròn nền xanh cô ban, đường kính 85 mm, chính giữa hình ngôi sao vàng nền đỏ, hai bên ngôi sao in hình cành lá non màu vàng, phía trên cùng in chữ "BẢO VỆ RỪNG";

b) Phù hiệu: Hình tròn nền xanh cô ban, đường kính 35 mm, chính giữa có hình ngôi sao vàng nền đỏ, hai bên ngôi sao in hình bông lúa vàng, phía dưới hình bánh xe công lý có in chữ "BẢO VỆ RỪNG";

c) Biển tên: Hình chữ nhật, kích thước 18 x 70 mm, chất liệu bằng kim loại, nền màu xanh cô ban, bên trái có hình ký hiệu bảo vệ rừng, bên phải có dòng chữ ghi họ tên người sử dụng;

d) Cấp hiệu

Chất liệu: bằng dây dệt sợi, màu xanh cô ban;

Hình đa giác; kích thước chiều dài 130 mm, chiều rộng phần trên 45 mm, chiều rộng phần dưới 55 mm. Phần trên có gắn chốt kim loại màu vàng, có chữ BVR, phần dưới có gắn vạch đỏ ngang rộng 5mm. Cấp hiệu có 03 vạch là Đội trưởng bảo vệ rừng, có 02 vạch là nhân viên bảo vệ rừng có thời gian làm việc từ 5 năm trở lên, có 01 vạch là nhân viên bảo vệ rừng có thời gian làm việc dưới 5 năm;

đ) Ve áo: Hình bình hành, kích thước 55 x 32 mm, màu xanh cô ban, bên trong có cốt nhựa, giữa có phù hiệu bằng kim loại màu trắng bạc, phía mặt sau có ghim để cài trên đầu cổ áo;

e) Mũ mềm: Màu xanh rêu, kiểu mũ lưỡi trai, phía trên đỉnh mũ có các đường may chia làm 8 khoảng theo chiều dài mũ, hai bên cạnh mũ mỗi bên đính 3 ô thoáng. Phía trước có lưỡi trai cứng hình bán nguyệt, phía trên lưỡi trai có 1 ô để gắn sao. Phía sau có dây nhựa cùng màu vải để điều chỉnh độ rộng hẹp cho phù hợp với người sử dụng;

g) Mũ cứng bảo hộ: Phần cốt được làm bằng nhựa tổng hợp; vải lợp mũ màu xanh rêu; quai mũ được làm bằng chất liệu da hoặc nhựa tái sinh;

h) Ca vat: Màu xanh rêu, kiểu củ ấu may sẵn, có khóa kéo điều chỉnh độ rộng, hẹp theo yêu cầu của người sử dụng;

i) Thắt lưng: Chất liệu bằng da hoặc nhựa tổng hợp, màu nâu sẫm, bản rộng 35 mm; kiểu khoá có chốt cố định phía trong, màu vàng, ở giữa mặt khoá có in chữ BVR;

k) Giày da: Kiểu ngắn cổ, màu đen, buộc dây; giày nam đế cao 3 cm, giày nữ đế cao 5 cm;

l) Giày đi rừng: Chất liệu bằng vải màu xanh rêu, kiểu cao cổ, buộc dây;

m) Tất chân: Chất liệu cotton, màu xanh rêu.

7. Kèm theo Thông tư này mẫu trang phục và các phụ kiện kèm theo trang phục.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 5 năm 2017

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chủ rừng tổ chức thực hiện Thông tư này.

3. Chủ rừng, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ rừng phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời hướng dẫn./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Tổng cục Lâm nghiệp;
- Sở NN&PTNT, CCKL các tỉnh, TP;
- Các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN