BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 10-NV | Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 1964 |
Ngày 20 tháng 08 năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 84-TTg về việc áp dụng chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước. Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nội thương và Tổng cục Lương thực, Bộ Nội vụ ra thông tư này nhằm giải thích và quy định việc thi hành thông tư nói trên của Hội đồng Chính phủ.
1. Điều kiện để được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí:
- Điều 44 của điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đã quy định: “Công nhân, viên chức Nhà nước có đủ điều kiện về tuổi, tuy chưa đủ điều kiện về thời gian công tác nói chung, nhưng thời gian công tác liên tục đủ 15 năm, cũng được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí”. Như thế có nghĩa là công nhân, viên chức Nhà nước, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có thời gian công tác liên tục đủ 15 năm thì đương nhiên có quyền về an dưỡng tuổi già và được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí; khi có một số công nhân, viên chức sắp đến tuổi quy định trên thì cơ quan, xí nghiệp cần báo cho đương sự biết trước để cơ quan và đương sự cùng chuẩn bị những điều cần thiết cho đương sự về hưu được tốt. Trường hợp đặc biệt, nếu cơ quan, xí nghiệp xét thấy cần phải lưu lại một công nhân, viên chức đã đến tuổi về hưu mà còn đủ sức khoẻ, ở lại tiếp tục làm việc, thì phải có sự thoả thuận của người đó và được Bộ, ngành chủ quản (ở trung ương) hoặc Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh (ở địa phương) đồng ý, đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ xét duyệt.
- Có một số công nhân, viên chức hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 hoặc trong thời kỳ kháng chiến đã chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ, nên sức khoẻ bị giảm sút một cách không bình thường. Do đó, Thông tư số 84-TTg đã quy định: “Những công nhân, viên chức trên đây, dù chưa có đủ điều kiện về tuổi như đã quy định trong điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội, nhưng có đủ 15 năm công tác liên tục và nay vì ốm đau, già yếu mà mất sức lao động, thì cũng được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí”. Như thế có nghĩa là những công nhân, viên chức nam dù chưa đủ 60 tuổi, nữ dù chưa đủ 55 tuổi mà đã có đủ 15 năm công tác liên tục nhưng vì yếu đau, bệnh tật, mất sức lao động, không đảm bảo được công tác mà xin về nghỉ thì cũng được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí nếu được Bộ, ngành chủ quản (ở trung ương) hoặc Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh (ở địa phương) đồng ý. (Trường hợp thấy cần thiết sẽ đưa ra Hội đồng giám định y khoa).
- Việc định mức trợ cấp hưu trí, nói chung, vẫn căn cứ vào mức lương cao nhất mà công nhân, viên chức đã hưởng trong thời gian 10 năm trước khi về hưu như đã quy định trong điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội.
- Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, có một số cán bộ đã được giao một số chức vụ quan trọng, hoặc đã hoạt động lâu năm cho cách mạng, cho kháng chiến, nay vì sức khoẻ kém, khả năng bị hạn chế, phải chuyển sang làm việc nhẹ, hưởng lương thấp (không kể trường hợp người công nhân, viên chức bị thi hành kỷ luật), thì được xét, căn cứ vào những chức vụ đã được giao (không phải chỉ dựa vào một chức vụ cao nhất) và thời gian hoạt động cho cách mạng, cho kháng chiến để định lại mức lương làm cơ sở tính trợ cấp hưu trí.
Nếu có trường hợp kể trên, thì trước khi ra quyết định sửa đổi mức lương cho công nhân, viên chức về hưu, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan đoàn thể ở trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương phải trao đổi ý kiến với Bộ Nội vụ.
Mức lương được điều chỉnh chỉ có tác dụng để làm cơ sở tính trợ cấp hưu trí và để trợ cấp một tháng lương khi mới về hưu, chứ không dùng để trả lương tháng, nếu người công nhân, viên chức còn tiếp tục công tác.
3. Cách tính thời gian công tác liên tục để định tỷ lệ trợ cấp hưu trí.
Việc tính thời gian công tác liên tục cho công nhân, viên chức Nhà nước về hưu vẫn theo các quy định trong thông tư liên Bộ Nội vụ - Lao động số 09-TT-LB ngày 17-02-1962; Thông tư số 84-TTg sửa lại mấy điểm, nay giải thích như sau:
“Việc định mức trợ cấp hưu trí cần căn cứ vào tất cả thời giancông táccủa người công nhân, viên chức từ trước đến nay” tức là những quãng thời gian người công nhân, viên chức thực sự hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 (dù chưa thoát lý gia đình) hoặc trong thời kỳ kháng chiến đều được cộng lại để làm căn cứ định mức trợ cấp hưu trí, trừ quãng thời gian bị gián đoạn công tác vì yêu cầu của tổ chức (giản chính, giảm nhẹ biên chế, giải ngũ, phục viên) hoặc vì hoàn cảnh riêng (ốm đau, sinh đẻ, gia đình có khó khăn, v.v…) thì không được tính. Riêng những trường hợp công nhân, viên chức bị địch bắt mà phản bội (làm tay sai cho địch) và những trường hợp công nhân, viên chức phải ngừng việc vì bị kỷ luật đã nói ở các điểm 04 và 05 của thông tư liên Bộ Nội vụ - Lao động số 09-TT-LB ngày 17-02-1962, thì các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính địa phương cần trao đổi với Bộ Nội vụ để góp ý kiến giải quyết.
Đối tượng được áp dụng những điều quy định trong Thông tư số 84-TTg là:
a) Những công nhân, viên chức Nhà nước và quân nhân đã hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thuộc diện thi hành Thông tư số 03-NV ngày 01-02-1963 của Bộ Nội vụ về chế độ trợ cấp ưu đãi đối với công nhân, viên chức về hưu có công lao, thành tích lớn, thông báo số 22-TBHN ngày 12-07-1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Thông tư số 32-TT-TC ngày 14-10-1960 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về chính sách đối với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm. Đối với những người tham gia các tổ chức cách mạng khác (ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương và các tổ chức do Đảng lãnh đạo), trong khi giải quyết, nếu có gặp khó khăn, thì các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính địa phương sẽ phản ánh cho Bộ Nội vụ để góp ý kiến giải quyết từng trường hợp cụ thể.
b) Những công nhân, viên chức Nhà nước và quân nhân đã tham gia kháng chiến và đã được tặng thưởng huy chương Kháng chiến hoặc huy chương Chiến thắng từ hạng nhì trở lên trong kịp khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến. Đối với những người chưa được tặng thưởng huân chương hay huy chương mà đã có thời gian tối thiệu tham gia kháng chiến hay tham gia quân đội như đã quy định trong bản “thể lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến”, thì khi xét để cho được áp dụng Thông tư 84-TTg phải được sự đồng ý của Bộ, ngành chủ quản ở trung ương hay Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.
Thông tư 84-TTg đã quy định cụ thể về phần này; mặt khác, các Bộ Tài chính, Y tế, Nội thương và Tổng cục Lương thực sẽ có công văn hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của ngành và thủ tục thi hành, do đó Bộ Nội vụ chỉ hướng dẫn về đối tượng thi hành phần này:
- Các chế độ đãi ngộ cụ thể đối với công nhân, viên chức Nhà nước về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động về nhà ở, ăn, mặc, khám bệnh, chữa bệnh, v.v… được thi hành kể từ ngày điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội được ban hành.
- Những người mất sức lao động phải thôi việc mà chưa có đủ 5 năm công tác liên tục, chỉ hưởng trở cấp một lần theo điều 40 của điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội thì không được hưởng các điều quy định trong phần này.
Thông tư số 84-TTg ngày 20 tháng 8 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ có hiệu lực từ ngày ban hành. Nhưng Hội đồng Chính phủ còn nhắc các cơ quan, xí nghiệp cần soát lại những trường hợp đã cho về hưu hoặc cho thôi việc vì mất sức lao động từ ngày lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội được ban hành (01-01-1962) đến nay mà thấy trường hợp nào trái với những điều quy định trong thông tư này thì cơ quan đã ra quyết định trước có trách nhiệm xét và ra quyết định điều chỉnh lại. Những người được điều chỉnh mức trợ cấp chỉ được lĩnh theo mức mới từ ngày có quyết định điều chỉnh. Bộ Nội vụ hướng dẫn việc điều chỉnh đó như sau:
1. Có ba trường hợp cần điều chỉnh:
a) Những người có 15 năm công tác liên tục trở lên nhưng chưa đủ tuổi như đã quy định trong điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước, đã được các cơ quan, xí nghiệp cho thôi việc vì mất sức lao động, nay được điều chỉnh sang hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.
b) Những trường hợp tính thời gian công tác liên tục trái với quy định trong Thông tư 84-TTg, nay được tính lại để định tỷ lệ trợ cấp hưu trí.
c) Một số trường hợp đặc biệt được định lại mức trợ cấp hưu trí cho thoả đáng.
2. Biện pháp điều chỉnh:
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan đoàn thể trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương cần chỉ thị cho các cơ quan, xí nghiệp thuộc ngành mình, địa phương mình soát lại danh sách những công nhân, viên chức đã được về hưu và thôi việc vì mất sức lao động từ ngày điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội được ban hành đến nay xem có những trường hợp nào cần được điều chỉnh theo tinh thần trên đây thì làm bản đề nghị để Bộ, ngành chủ quản hoặc Ủy ban hành chính xét và ra quyết định.
Đối với cả hai trường hợp a và b thì các Bộ, ngành chủ quản và Ủy ban hành chính xét nếu đủ tiêu chuẩn và đã rõ ràng thì ra quyết định cho điều chỉnh. Riêng trường hợp thứ ba (c) (điều chỉnh mức trợ cấp) thì các Bộ, các ngành và các Ủy ban hành chính địa phương cần làm một bản dự kiến gửi Bộ Nội vụ góp ý kiến trước khi ra quyết định điều chỉnh. Nếu có những vấn đề cần cân nhắc thêm thì đề nghị cử cán bộ đến trực tiếp trao đổi với Bộ Nội vụ.
Việc thi hành chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động cho cán bộ kháng chiến và cán bộ hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là vấn đề thuộc về chính sách cán bộ, nó đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp do đó đề nghị các Bộ, các ngành, các địa phương lưu ý đầy đủ. Nếu trong quá trình thực hiện, các ngành, các địa phương còn gặp khó khăn, mắc mứu gì thì phản ánh cho Bộ Nội vụ để nghiên cứu và góp ý kiến giải quyết.
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
- 1 Thông tư 13/NV-1972 hướng dẫn và quy định cụ thể về tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước do Bộ nội vụ ban hành
- 2 Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10 tháng 6 năm 2015
- 3 Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10 tháng 6 năm 2015
- 1 Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 2 Thông tư 28-NV-1969 hướng dẫn thêm về việc cho cán bộ công nhân, viên chức về hưu và thôi việc vì mất sức lao động do Bộ Nội vụ ban hành
- 3 Thông tư 84-TTg năm 1963 áp dụng chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 4 Thông tư 03-NV năm 1963 hướng dẫn thi hành chế độ trợ cấp ưu đãi công nhân, viên chức Nhà nước có công lao, thành tích lớn, khi về hưu do Bộ Nội vụ ban hành
- 1 Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 2 Thông tư 03-NV năm 1963 hướng dẫn thi hành chế độ trợ cấp ưu đãi công nhân, viên chức Nhà nước có công lao, thành tích lớn, khi về hưu do Bộ Nội vụ ban hành
- 3 Thông tư 84-TTg năm 1963 áp dụng chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 4 Thông tư 28-NV-1969 hướng dẫn thêm về việc cho cán bộ công nhân, viên chức về hưu và thôi việc vì mất sức lao động do Bộ Nội vụ ban hành
- 5 Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10 tháng 6 năm 2015