Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28-NV

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1969

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THÊM VỀ VIỆC CHO CÁN BỘ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VỀ HƯU VÀ THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG

Hiện nay ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước có một số cán bộ, công nhân, viên chức đã đến tuổi về hưu nhưng vẫn còn làm việc. Trong số này, có số ít người là cán bộ khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân lành nghề vì chưa có người thay thế nên vẫn còn được giữ lại, còn số đông thì không phải do yêu cầu của sản xuất, công tác, nhưng cơ quan, xí nghiệp vẫn chưa cho về nghỉ. Ngoài ra, lại còn một số người ốm đau lâu ngày, đã được điều trị, điều dưỡng nhưng sức khỏe vẫn không phục hồi, cần được nghỉ việc.

Để bảo đảm quyền nghỉ ngơi của cán bộ, công nhân, viên chức đã đến tuổi về hưu hoặc ốm đau không còn khả năng làm việc, sau khi đã trao đổi ý kiến với Bộ Lao động, Bộ Nội vụ ra thông tư này hướng dẫn thêm về việc cho cán bộ, công nhân, viên chức về hưu và thôi việc vì mất sức lao động như sau:

1. Cán bộ, công nhân, viên chức đến tuổi về hưu như đã quy định ở điều lệ bảo hiểm xã hội (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi), thì cơ quan, xí nghiệp cần sắp xếp cho về nghỉ việc. Những cơ quan, xí nghiệp có cán bộ, công nhân, viên chức đến tuổi về hưu mà chưa để anh chị em về nghỉ việc thì chưa được điều động, tuyển dụng người thay thế.

2. Chỉ trong trường hợp thực cần thiết, đối với một số cán bộ chính trị, khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ và công nhân lành nghề tuy đã đến tuổi về hưu nhưng vẫn còn khỏe mạnh, mà cơ quan, xí nghiệp chưa có người thay thế thì mới được giữ lại tiếp tục làm việc. Cơ quan, xí nghiệp cần tích cực bố trí hoặc đào tạo người thay thế để sau một thời gian ngắn có thể để cho người đã đến tuổi về hưu được về nghỉ việc.

Trong trường hợp này, các cơ quan, xí nghiệp của địa phương phải báo cáo với Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố và chỉ được giữ người đến tuổi về hưu ở lại làm việc sau khi đã được Ủy ban đồng ý và đương sự cũng tự nguyện ở lại. Các cơ quan, xí nghiệp của Trung ương thì phải báo cáo với bộ, ngành chủ quản và được Bộ, ngành chủ quản đồng ý, đồng thời báo cho Bộ Nội vụ biết (đối với những cán bộ thuộc diện trung ương quản lý thì các bộ, các ngành ở trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương phải xin ý kiến của Ban tổ chức Trung ương).

3. Những người ốm đau lâu ngày, đã được điều trị, điều dưỡng nhiều lần mà sức khỏe vẫn không còn khả năng làm việc thì cơ quan, xí nghiệp cần cho đi khám sức khỏe ở Hội đồng giám định y khoa để giải quyết cho về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động theo chế độ hiện hành.

4. Những cán bộ đã tham gia cách mạnh từ trước 19/8/1945 và những công nhân, viên chức kháng chiến đã có tứ 15 năm công tác liên tục trở lên, đã được tặng thưởng huân chương hoặc huy chương Kháng chiến, huân chương hoặc huy chương Chiến thắng, nếu được Hội đồng giám định y khoa kết luận là ốm đau, mất sức lao động không thể tiếp tục làm việc được nữa, thì dù chưa đủ tuổi quy định cũng được nghỉ việc và huởng trợ cấp hưu trí như đã quy định ở thông tư số 84-TTg ngày 20/8/1963 của Hội đồng Chính phủ. Việc giải quyết cho những người này về nghỉ việc vẫn thi hành như đã hướng dẫn tại Thông tư 24-NV ngày 27/9/1967 của Bộ Nội vụ.

5. Các cơ quan, xí nghiệp của địa phương và các xí nghiệp của Trung ương đóng tại địa phương vẫn nộp kinh phí bảo hiểm xã hội (bằng 1% so với quỹ lương) cho Ủy ban hành chính địa phương, hàng năm lập và gửi đến Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trước ngày 20 tháng 11 danh sách những cán bộ, công nhân, viên chức, nam từ 55 tuổi trở lên, nữ từ 50 tuổi trở lên và danh sách những người dưới mức tuổi đó nhưng ốm đau lâu ngày, không làm việc được, để Ủy ban lập kế hoạch cho cán bộ, công nhân, viên chức về hưu và thôi việc vì mất sức lao động và lập dự toán chi về quỹ hưu trí hàng năm (đối với những công nhân, viên chức làm nghề đặc biệt năng nhọc, có hại đến sức khỏe thì cần kê danh sách nam từ 50 tuổi trở lên, nữ từ 45 tuổi trở lên). Các Bộ, các ngành và các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương vẫn nộp kinh phí bảo hiểm xã hội (bằng 1% sơ với quỹ lương) cho Bộ Nội vụ thì gửi danh sách những cán bộ, công nhân, viên chức thuộc diện nói trên cho Bộ Nội vụ (mẫu danh sách kèm theo thông tu này)(1).

Để việc thực hiện chính sách được đúng đắn, giúp cho cán bộ, công nhân, viên chức được yên tâm, vui vẻ nghỉ việc, các cơ quan, xí nghiệp cần làm tốt những việc sau đây:

- Đối với những người đã đủ tiêu chuẩn về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động mà đến nay vẫn chưa về nghỉ cơ quan, xí nghiệp cần tích cực sắp xếp để anh chị em có thể về nghỉ việc sớm.

- Đối với những người sắp đến tuổi về hưu thì từ nay trở đi, cơ quan, xí nghiệp cần thông báo từ năm trước để anh chị em có thì giờ chuẩn bị công việc riêng của mình; trong thời gian đó cơ quan, xí nghiệp cần đi sát, làm tốt công tác tư tưởng để anh chị em thông suốt và cần tìm hiểu xem anh chị em có khó khăn gì thì hết sức giúp đỡ với khả năng hiện có để anh chị em vui vẻ về nghỉ. Sau khi thôi việc, người nào còn phải nuôi con nhỏ, vợ con chưa có công việc làm thì cơ quan, xí nghiệp cần tích cực sắp xếp công việc làm cho vợ con họ để tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống gia đình.

- Những người chưa có chỗ ở thì cơ quan, xí nghiệp cần bàn bạc với chính quyền, đoàn thể địa phương giúp đỡ chỗ ở. Trong khi chưa có chỗ ở, cán bộ, công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động vẫn được tiếp tục ở trong nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp và vẫn được hưởng mọi tiêu chuẩn, chế độ về phúc lợi xã hội như đã quy định ở thông tư số 84-TTg ngày 20/8/1963 của Hội đồng Chính phủ. Những người không có nơi nương tựa muốn được vào nhà an dưỡng thì cơ quan, xí nghiệp cần báo cáo với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hoặc với Bộ Nội vụ nếu là cán bộ, công nhân, viên chức của các bộ, ngành ở Trung ương) để thu nhận anh chị em vào các cơ sở an dưỡng của Bộ Nội vụ.

- Trước khi cho cán bộ, công nhân, viên chức về nghỉ việc, cơ quan, xí nghiệp cần giải quyết đầy đủ mọi quyền lợi, chế độ cho anh chị em.

Những người có nhiều thành tích trong công tác, sản xuất cần được động viên khen thưởng. Những người có nhiều tiến bộ trong công tác mà từ năm 1960 đến nay chưa được nâng bậc lương thì cơ quan, xí nghiệp cần chú ý giải quyết thoả đáng cho anh chị em trong dịp nâng bậc hàng năm của đơn vị.

- Cơ quan, xí nghiệp cần hướng dẫn và giúp đỡ người về nghỉ việc làm đầy đủ các thủ tục, giấy tờ theo thể lệ hiện hành. Nếu cần phải trao đổi ý kiến với các ngành có liên quan thì cơ quan, xí nghiệp cần cử cán bộ đi liên hệ, không nên để anh chị em phải tự đi lo liệu lấy. Về phía ban thương binh - xã hội (hoặc ban tổ chức dân chính) địa phương, khi đã nhận được hồ sơ hợp lệ cán bộ, công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động thì cần giải quyết nhanh chóng, cấp phát kịp thời để trước khi anh chị em nghỉ việc đã nhận được sổ trợ cấp và các khoản trợ cấp lần đầu, quý đầu theo quy định hiện hành, không nên để họ đã về địa phương rồi mà vẫn chưa được lĩnh tiền, lĩnh sổ.

- Sau khi anh chị em đã nghỉ việc rồi, cơ quan, xí nghiệp vẫn còn phải thường xuyên theo dõi, nếu anh chị em còn có khó khăn thì cần tích cực giúp đỡ. Những người có nghề chuyên môn sau khi thôi việc, muốn đi làm thêm thì cơ quan, xí nghiệp có các công việc nhẹ phải thuê nhân công ở ngoài thì cần dành cho cán bộ, công nhân, viên chức đã thôi việc vì mất sức lao động làm để tăng thêm thu nhập. Những xí nghiệp có nhiều người thôi việc vì mất sức lao động, nếu có điều kiện (như có những việc nhẹ, việc gia công mà thiếu người làm) thì cần giúp đỡ họ tổ chức những cơ sở sản xuất nhỏ theo hình thức hợp tác xã và tạo điều kiện thuận lợi cho họ sản xuất.

- Đối với những anh chị em đã về nghỉ ở đia phương thì cơ quan, xí nghiệp thỉnh thoảng nên có thư thăm hỏi động viên. Trong những dịp liên hoan, tổng kết công tác hoặc các đợt học tập chính trị, nếu có điều kiện thì nên mời anh chị em về tham dự để bồi dưỡng tư tưởng, chính trị. Làm được như vậy, anh chị em sẽ yên tâm, phấn khởi về nghỉ ngơi và luôn luôn gắn bó với tổ chức cũ của mình.

- Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần quan tâm chỉ đạo ban thương binh – xã hội và các ngành có trách nhiệm, như y tế, ngân hàng, tài chính, lương thực, thương nghiệp,v.v... thực hiện đầy đủ và kịp thời mọi quyền lợi, chế độ đã được Nhà nước quy định cho người về hưu và mất sức lao động, nhất là cần làm tốt việc cấp phát trợ cấp hàng quý, việc khám bệnh, chữa bệnh, việc cung cấp lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng, và tăng cường công tác quản lý đời sống đối với cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân đã về nghỉ việc như đã hướng dẫn tại thông tư số 23-NV ngày 26/9/1968 của Bộ Nội vụ, để giúp đỡ anh chị em mau chóng ổn định đời sống sau khi về nghỉ.

Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, các ngành ở Trung ương và các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh phổ biến kỹ thông tư này cho tất cả các cơ quan, xí nghiệp thuộc ngành mình, địa phương mình để các đơn vị liên hệ, kiểm điểm xem trước đây khi giải quyết cho cán bộ, công nhân, viên chức nghỉ việc, nếu có thiếu sót thì cần rút kinh nghiệm và có kế hoạch bổ khuyết để từ nay về sau phải thực hiện cho tốt.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc





(1) Không đăng mẫn danh sách.