Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 12/2010/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2010

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC XÂY DỰNG, CẤP THƯ XÁC NHẬN, CẤP THƯ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN THEO CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN SẠCH TRONG KHUÔN KHỔ NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUY ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chung

1. Thông tư này quy định việc chuẩn bị, trình tự, thủ tục xem xét, xác nhận, phê duyệt các tài liệu dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto tại Việt Nam.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư xây dựng và thực hiện dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam (sau đây gọi là các bên xây dựng dự án Cơ chế phát triển sạch).

3. Khi xây dựng, triển khai các dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch, các bên liên quan ngoài việc thực hiện quy định của Thông tư này còn phải tuân thủ các quy định về lĩnh vực xây dựng, hình thức xây dựng, điều kiện đối với dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch tại Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch; các quy định của pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Danh mục từ viết tắt

1. Cơ chế phát triển sạch (CDM).

2. Dự án đầu tư theo CDM (dự án CDM).

3. Tài liệu ý tưởng dự án theo CDM (PIN).

4. Văn kiện thiết kế (DD).

5. Văn kiện thiết kế dự án theo CDM (PDD).

6. Chương trình các hoạt động theo CDM (PoA).

7. Hoạt động chương trình (CPA).

8. Văn kiện thiết kế Chương trình các hoạt động theo CDM (PoA-DD).

9. Văn kiện thiết kế Hoạt động chương trình (CPA-DD).

10. Ban Chỉ đạo thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto (Ban Chỉ đạo).

11. Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu).

Điều 3. Những lĩnh vực xây dựng, đầu tư dự án CDM

Dự án CDM được xây dựng, đầu tư trong các lĩnh vực sau đây:

1. Sản xuất năng lượng.

2. Chuyển tải năng lượng.

3. Tiêu thụ năng lượng.

4. Nông nghiệp.

5. Xử lý chất thải.

6. Trồng rừng và tái trồng rừng.

7. Công nghiệp hóa chất.

8. Công nghiệp chế tạo.

9. Xây dựng.

10. Giao thông.

11. Khai mỏ hoặc khai khoáng.

12. Sản xuất kim loại.

13. Phát thải từ nhiên liệu (nhiên liệu rắn, dầu và khí).

14. Phát thải từ sản xuất và tiêu thụ Halocarbons và Sulphur hexafluoride.

15. Sử dụng dung môi.

16. Các lĩnh vực khác theo quy định của quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Điều 4. Chuẩn bị dự án CDM

1. Các bên xây dựng dự án CDM xây dựng Văn kiện dự án CDM trên cơ sở yêu cầu của nhà đầu tư theo 1 trong 2 cách như sau:

a) Xây dựng PIN trình cấp có thẩm quyền cấp Thư xác nhận sau đó tiếp tục xây dựng PDD hoặc PoA-DD cùng CPA-DD chung và CPA-DD thực tế;

b) Xây dựng PDD hoặc PoA-DD cùng CPA-DD chung và CPA-DD thực tế trình cấp có thẩm quyền cấp Thư phê duyệt.

2. Các bên xây dựng dự án CDM được chủ động hoặc thông qua tổ chức tư vấn có liên quan để lựa chọn hình thức đầu tư, công nghệ và phương thức phân chia lợi ích thích hợp có được từ dự án CDM.

3. Khi xây dựng PDD hoặc PoA-DD cùng CPA-DD chung và CPA-DD thực tế, các bên xây dựng dự án CDM kết hợp với nhà đầu tư nước ngoài và Tổ chức nghiệp vụ được chỉ định đánh giá dự án trước khi gửi Ban Chấp hành quốc tế về CDM để đăng ký theo quy định.

4. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày dự án bắt đầu hoạt động, các bên xây dựng dự án CDM phải báo cáo bằng văn bản tới Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu về ngày bắt đầu hoạt động của dự án hoặc kế hoạch phát triển dự án CDM theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này.

5. Trước thời điểm gửi tài liệu dự án CDM ít nhất 6 tháng, các bên xây dựng dự án CDM phải thông báo bằng văn bản tới Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu về dự kiến triển khai dự án CDM tại Việt Nam.

Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp Thư xác nhận PIN

1. 18 (mười tám) bộ tiếng Việt và 03 (ba) bộ tiếng Anh PIN (theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này).

2. Văn bản của các bên xây dựng dự án CDM đề nghị xem xét và cấp Thư xác nhận PIN (theo mẫu quy định tại Phụ lục 3a kèm theo Thông tư này).

Điều 6. Trình tự, thủ tục, thời gian cấp và hiệu lực của Thư xác nhận PIN

1. Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận PIN hợp lệ, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định cấp Thư xác nhận PIN.

2. Trong thời hạn không quá 6 ngày làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo có ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản.

3. Thời hạn thông báo ý kiến nhận xét, đánh giá của Ban Chỉ đạo về việc cấp Thư xác nhận PIN:

a) Trường hợp được 2/3 số thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí, trong vòng 3 ngày làm việc, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Thư xác nhận PIN cho các bên xây dựng dự án;

b) Trường hợp cần bổ sung, điều chỉnh hoặc không đủ 2/3 số thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí, trong vòng 2 ngày làm việc, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thông báo cho các bên xây dựng dự án về tình trạng PIN (thời gian các bên xây dựng dự án bổ sung, điều chỉnh không được tính trong tổng thời hạn xem xét, cấp Thư xác nhận PIN).

4. Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định việc cấp Thư xác nhận PIN.

5. Tổng thời hạn xem xét cấp Thư xác nhận PIN quy định tại Điều này không quá 15 ngày làm việc.

6. Thư xác nhận PIN có hiệu lực trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày cấp.

Điều 7. Hồ sơ đề nghị cấp Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD

1. 18 (mười tám) bộ tiếng Việt và 18 (mười tám) bộ tiếng Anh PDD hoặc PoA-DD (theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này).

2. Văn bản của các bên xây dựng dự án CDM đề nghị xem xét cấp Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD (theo mẫu quy định tại Phụ lục 3b kèm theo Thông tư này).

3. Văn bản nhất trí đề nghị xem xét phê duyệt tài liệu dự án CDM của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự án được đầu tư xây dựng (theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này).

4. Trường hợp các dự án CDM thành lập cơ quan điều phối là cơ quan nhà nước thì phải có văn bản nhất trí của Bộ, cơ quan ngang Bộ có chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực các dự án CDM hoạt động.

5. Bản sao có chứng thực văn bản nhận xét của các bên liên quan trực tiếp chịu tác động từ các hoạt động dự án (theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này).

6. Bản sao có chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường hoặc Phiếu xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường tùy thuộc vào quy mô, loại hình dự án theo quy định hiện hành có liên quan.

7. Bản sao có chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với những dự án có quy mô lớn theo hình thức đầu tư CDM.

8. Đối với các dự án phát điện lên lưới điện quốc gia phải có văn bản nhất trí nguyên tắc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc đấu nối lên lưới điện quốc gia.

9. Các loại giấy phép liên quan (nếu có) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đối với các dự án từng lĩnh vực cụ thể theo quy định hiện hành.

10. Báo cáo kỹ thuật hoặc dự thảo báo cáo thẩm định PDD hoặc PoA-DD của Tổ chức nghiệp vụ được Ban chấp hành quốc tế về CDM chỉ định (nếu có).

Điều 8. Trình tự, thủ tục, thời gian xem xét, cấp và hiệu lực của Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD

1. Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ PDD hoặc PoA-DD hợp lệ, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo.

2. Trong thời hạn không quá 16 ngày làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo có ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản (theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này).

3. Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá của thành viên Ban Chỉ đạo gửi các bên xây dựng dự án CDM giải trình chi tiết các nội dung liên quan (thời gian các bên xây dựng dự án CDM có văn bản giải trình chi tiết không được tính trong tổng thời gian xem xét Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD).

4. Trong thời hạn không quá 9 ngày làm việc kể từ khi nhận được giải trình chi tiết của các bên xây dựng dự án, Ban Chỉ đạo tổ chức phiên họp có sự tham dự của các bên xây dựng dự án CDM để giải trình các nội dung liên quan và bỏ phiếu đánh giá đối với PDD hoặc PoA-DD.

5. Thời hạn thông báo ý kiến nhận xét, đánh giá của Ban Chỉ đạo về việc cấp Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD:

a) Trường hợp được 2/3 trở lên số thành viên Ban Chỉ đạo thông qua, trong thời hạn không quá 6 ngày làm việc, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định cấp Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD;

b) Trường hợp phải bổ sung, điều chỉnh, trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thông báo các bên xây dựng dự án bổ sung, điều chỉnh các nội dung liên quan (thời gian bổ sung, điều chỉnh không được tính trong tổng thời hạn xem xét, cấp Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD).

6. Trong thời hạn không quá 6 ngày làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định cấp Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD.

7. Tổng thời hạn xem xét cấp Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD quy định tại Điều này không quá 45 ngày làm việc.

8. Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD được gửi tới các bên xây dựng dự án CDM, cơ quan nghiệp vụ quốc tế được chỉ định và thông báo cho các cơ quan có liên quan của Việt Nam.

9. Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD có hiệu lực trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày cấp.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2010 và thay thế Thông tư số 10/2006/TT-BTNMT ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xây dựng dự án Cơ chế phát triển sạch trong khuôn khổ Nghị định Thư Kyoto.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình xem xét, đăng ký, xác nhận và phê duyệt tài liệu dự án CDM theo quy định tại Thông tư này.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân các cấp và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và thực hiện dự án CDM theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành các quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Văn Đức