BỘ NÔNG LÂM | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 12-TT | Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 1957 |
VỀ KẾ HOẠCH LÃNH ĐẠO BẢO VỆ RỪNG TRONG KHAI THÁC
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM
Kính gửi: | -Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh |
Hội nghị tổng kết lâm nghiệp cuối năm 1956, nhận định việc khai thác trong năm qua nặng về đảm bảo mức kế hoạch, nhẹ về mặt bảo vệ rừng, do đó việc thực hiện các điều lệ kỹ thuật trong khai thác rất ít nơi chú ý.
Bổ khuyết thiếu sót trên, nhiệm vụ khai thác trong năm 1957 là: Khai thác phải đi đôi với bảo vệ, khai thác và bảo vệ là hai việc của một nhiệm vụ thống nhất.
Hoàn cảnh năm 1957 cũng còn nhiều khó khăn, nhưng cũng có nhiều thuận lợi căn bản như: vấn đề bảo vệ rừng đã được Đảng và Chính phủ chú ý nhiều hơn, khóa họp quốc hội vừa qua cũng có đề cập tới, Ủy ban và các cấp Đảng ở một số địa phương đã tỏ ý lo lắng trước tình trạng bừa bãi, nhân dân nhiều nơi đã bắt đầu có ý thức bảo vệ rừng. Ngoài ra đã có bản điều lệ tạm thời về lâm nghiệp làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện bảo vệ rừng.
Để bảo đảm đầy đủ nhu cầu gỗ của năm 1957 đồng thời thực hiện được tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, Bộ đề ra phương châm và kế hoạch lãnh đạo bảo vệ rừng trong khai thác gỗ củi năm 1957 như sau:
1) Giáo dục kết hợp với kỷ luật chặt chẽ, nhưng giáo dục là chính
2) Làm từ thấp đến cao, từ điểm ra diện, làm đâu chắc đấy.
Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục: Năm nay công tác tuyên truyền giáo dục về nhiệm vụ và nội dung bảo vệ rừng cần phải gây thành phong trào học tập rộng rãi trong cơ quan đoàn thể, đặc biệt là anh em sơn tràng.
Bộ, Khu và Ty đều có nhiệm vụ viết tài liệu tuyên truyền và học tập. Bộ sẽ liên lạc với ngành giáo dục đặt vấn đề in tài liệu cho Bình dân học vụ và tài liệu giáo khoa tiểu học.
Các Ty phải đặt kế hoạch sơ kết, tổng kết tình hình học tập và báo cáo về Bộ.
Việc lãnh đạo học tập này phải đi đôi với việc củng cố tổ sơn tràng, chủ yếu củng cố nề nếp sinh hoạt kiểm điểm. Ủy ban xã và Chấp hành nông hội xã sẽ theo dõi giúp đỡ thường xuyên các tổ sơn tràng để kịp thời giải quyết những khó khăn mắc mứu cũng như đôn đốc việc sinh hoạt cho đều đặn.
Đề cao thưởng phạt để bảo đảm việc thi hành điều lệ:
Song song với việc tuyên truyền giải thích cần phải đề cao tính chất pháp luật của điều lệ:
- Đối với những trường hợp cố ý vi phạm điều lệ thì tùy theo tính chất nặng nhẹ mà áp dụng những hình thức xử lý thích hợp. Mọi việc xử lý đều phải nhằm phát huy tác dụng giáo dục đối với quảng đại quần chúng.
- Đối với những trường hợp làm tốt cần phải có hình thức khen thưởng thiết thực. Bộ sẽ quy định chế độ khen thưởng thiết thực. Bộ sẽ quy định chế độ khen thưởng cụ thể gửi cho địa phương nghiên cứu áp dụng.
- Gây thành phong trào thi đua bảo vệ rừng giữa các tổ sơn tràng trong việc thực hiện điều lệ, giữa các xã có rừng trong việc giữ gìn rừng cũng như phát hiện kịp thời để ngăn ngừa những trường hợp vi phạm điều lệ.
Chỉ đạo riêng kết hợp lãnh đạo chung:
Để công tác lãnh đạo bảo vệ rừng được chắc chắn, cần phải có sự chỉ đạo chặt chẽ để rút kinh nghiệm. Những nơi có cán bộ của Bộ phối hợp việc chỉ đạo vẫn do Ty chịu trách nhiệm.
Trong tình trạng phổ biến khai thác còn bừa bãi hiện nay các tỉnh bắt đầu nên nhằm những nơi quan trọng nhất để giáo dục theo phương châm trên.
Cuối quý 2 tỉnh phải sơ kết được công tác chỉ đạo ít nhất ở một cơ sở và báo cáo về Bộ.
Kiểm tra theo dõi:
Nhiệm vụ theo dõi kiểm tra là của các Ty Nông lâm, Lâm nghiệp nhưng Ủy ban tỉnh cần đặt nhiệm vụ cho Ủy ban xã để phối hợp với nông hội kiểm tra việc thực hiện điều lệ và báo cáo về huyện, huyện sẽ tập hợp tình hình báo cáo lên Ủy ban tỉnh và ngành lâm nghiệp.
Chế độ báo cáo các Khu và Ty:
Hàng tháng trong báo cáo thường kỳ phải có mục riêng báo cáo tình hình lãnh đạo bảo vệ rừng.
Vấn đề bảo vệ rừng hiện nay rất khẩn cấp do tình hình phá rừng rất nghiêm trọng. Vì vậy đề nghị các Ủy ban đặc biệt chú ý tăng cường phương tiện về cán bộ, kinh phí,v.v… cho các ty Nông lâm để làm tròn nhiệm vụ.
K. T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM |
- 1 Thông tư 01-TCLN/TT năm 1960 quy định trách nhiệm bảo quản lâm sản do Tổng Cục Lâm Nghiệp ban hành.
- 2 Thông tư 17-NL/LN năm 1959 về vấn đề khai thác rừng do Bộ Nông Lâm ban hành.
- 3 Thông tư 01-TT/LB năm 1958 về chế độ tiền thưởng cho người phát hiện các vụ phạm pháp lâm nghiệp do Bộ Nông Lâm- Bộ Tài Chính ban hành.
- 4 Thông tư 04-NL-TT năm 1956 về việc áp dụng thể lệ khai thác gỗ củi do Bộ Nông nghiệp ban hành
- 1 Thông tư 17-NL/LN năm 1959 về vấn đề khai thác rừng do Bộ Nông Lâm ban hành.
- 2 Thông tư 01-TCLN/TT năm 1960 quy định trách nhiệm bảo quản lâm sản do Tổng Cục Lâm Nghiệp ban hành.
- 3 Thông tư 04-NL-TT năm 1956 về việc áp dụng thể lệ khai thác gỗ củi do Bộ Nông nghiệp ban hành
- 4 Thông tư 01-TT/LB năm 1958 về chế độ tiền thưởng cho người phát hiện các vụ phạm pháp lâm nghiệp do Bộ Nông Lâm- Bộ Tài Chính ban hành.