Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1216-PC

Hà Nội , ngày 10 tháng 03 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC PHÁP CHẾ Ở CÁC BỘ VÀ CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG

BỘ TRƯỞNG THỦ TƯỚNG PHỦ

Kính gửi: các Bộ

Thi hành Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường công tác pháp chế, Vụ pháp chế trực thuộc Thủ tướng phủ đã được thành lập theo Nghị định số 504-TTg ngày 26-10-1957 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Thông tư số 506-TTg cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã hướng dẫn việc thành lập các cơ quan Pháp chế ở các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các Ủy ban hành chính địa phương.

Tới nay, một số Bộ đã thành lập Phòng hay Bộ phận Pháp chế, hoặc đã bước đầu chấn chỉnh các tổ chức pháp chế sẵn có. Nhưng nhìn chung, công tác pháp chế ở các Bộ còn yếu. Những bộ phận Pháp chế mới được xây dựng nhiều chưa có nội dung công tác rõ ràng hợp lý, còn gặp nhiều khó khăn trong lề lối làm việc. Ở một số Bộ thì công tác pháp chế chưa được chú ý đúng mức nên hoặc chưa thàn lập tổ chức pháp chế hoặc thử đặt rồi lại bỏ.

Căn cứ vào những kinh nghiệm bước đầu của các tổ chức pháp chế, chúng tôi xin góp một số ý kiến để giúp các Bộ quan niệm rõ về một số vấn đề chủ yếu trong việc kiện toàn các cơ quan pháp chế.

I. VỀ NỘI DUNG CÔNG TÁC CỦA CÁC TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

Theo Thông tư số 506-TTg thì bộ phận pháp chế ở các Bộ có 5 nhiệm vụ cụ thể:

- Nghiên cứu về mặt pháp lý các dự thảo luật lệ do các bộ phận chuyên môn hay cơ quan thuộc Bộ thảo ra để Bộ ban hành hoặc gửi lên cấp trên xét duyệt.

- Nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan đến công tác của Bộ; nghiên cứu góp ý kiến về mặt pháp lý vào các dự thảo luật lệ chung của các cơ quan khác gửi đến.

- Làm các thủ tục về ban hành các Nghị định Thông tư của Bộ.

- Góp ý kiến với các cơ quan thuộc Bộ và các cơ quan chính quyền đoàn thể sở quan để phổ biến trong cán bộ và nhân dân các luật lệ của Chính phủ và của Bộ ban hành.

- Sưu tầm các luật lệ, soát lại các văn bản của Bộ và cơ quan trực thuộc về mặt pháp lý, đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản ban hành không hợp lệ hoặc trái với các luật lệ hiện hành và các nguyên tắc pháp lý chung.

Trong những công tác trên, theo chúng tôi, các tổ chức pháp chế ở Bộ cần chú trọng những công tác chủ yếu sau đây:

1. Nghiên cứu góp ý kiến về mặt pháp lý vào các dự thảo luật lệ của Bộ.

Các bộ phận pháp chế hiện nay thường hay mắc mứu về nội dung của công tác nghiên cứu, góp ý kiến về mặt pháp lý. Cần hiểu nội dung và yêu cầu của việc nghiên cứu, góp ý kiến về mặt pháp lý là:

a) Nghiên cứu về tính hợp pháp của văn bản: xét xem văn bản có được ban hành trong phạm vi quyền hạn của cơ quan ban hành không, có theo những hình thức, thủ tục quy định không, có điểm nào về nội dung có trái với hiến pháp, luật, sắc lệnh, sắc luật, nghị định, thông tư của Chính phủ không, có điểm nào không ăn khớp với những quy định trong các văn bản của Bộ hay các ngành khác đã ban hành không? Nên quan niệm rõ ràng bộ phận pháp chế không phải tham gia ý kiến về nội dung đường lối chính sách của bản dự thảo, nhưng nói như thế không có nghĩa là bộ phận pháp chế không đi vào nội dung của văn bản vì qua việc nghiên cứu về mặt pháp lý như nói trên, bộ phận pháp chế có thể phát hiện những vấn đề cần sửa chữa, thêm bớt cho phù hợp với các luật lệ, các văn bản đã ban hành.

Quan niệm vấn đề một cách sâu rộng hơn, có thể nói bộ phận pháp chế sẽ thông qua việc đối chiếu bản dự thảo với các văn bản có tính chất luật lệ đã ban hành mà xét xem những quy định trong văn bản có phù hợp với những nguyên tắc pháp chế dân chủ không. Cụ thể là phải xem xét những quy định trong văn bản pháp luật có thể hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ không, có thể hiện nguyên tắc dân chủ tập trung và đường lối quần chúng của Đảng và Chính phủ không?

b) Xét xem văn bản có đáp ứng những yêu cầu về kỷ luật của các văn bản pháp quy của Nhà nước không? Các yêu cầu ấy là: văn bản phải trình bày vấn đề một cách rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu và không thể hiểu sai lạc ý nghĩa, không dài dòng, danh từ được chính xác, thống nhất.

2. Nghiên cứu các vấn đề pháp lý có liên quan đến công tác của Bộ.

Có nhiều vấn đề pháp luật thông thường mà mỗi khi giải quyết công tác hoặc nghiên cứu xây dựng một thể lệ, chế độ, cơ quan Nhà nước cần biết để làm cho đúng luật lệ. Trong các trường hợp ấy, cán bộ các ngành chuyên môn thường lúng túng. Có những vấn đề pháp lý cần phải đi sâu, nghiên cứu lâu, tham khảo nhiều tài liệu, mới có thể giải quyết được, nhất là đối với những vấn đề mà hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng cụ thể. Do đó, các bộ phận pháp chế không những có nhiệm vụ nghiên cứu và giúp đỡ Bộ giải quyết những vấn đề do Bộ (và các cơ quan nghiệp vụ) đề ra mà còn có trách nhiệm tự mình phát hiện những vấn đề cần phải có biện pháp thích đáng để giải quyết những yêu cầu cấp thiết hoặc lâu dài của công tác.

Những vấn đề pháp lý dù không thường hay quan trọng ở mỗi Bộ, mỗi cơ quan Nhà nước hiện nay không phải là ít. Chỉ cần cán bộ, công nhân, viên chức có tinh thần tôn trọng pháp luật và có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thì sẽ thấy có nhiều điều cần biết và bộ phận pháp chế sẽ do đó mà phát huy được tác dụng của mình.

3. Soát lại các văn bản pháp quy.

Thông tư số 506-TTg giao cho bộ phận pháp chế trách nhiệm phải soát lại về mặt pháp lý các văn bản của Bộ và cơ quan trực thuộc, và có quyền đề nghị bãi bỏ những văn bản ban hành không hợp lệ, hoặc trái với luật lệ hiện hành và các nguyên tắc pháp chế chung. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, khẩn trương và có ý nghĩa chính trị lớn. Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về sản xuất nông nghiệp và vụ Đông xuân đã nhận định rằng “những thể lệ và chế độ hiện nay đương rất phiền phức, không hợp lý, gây trở ngại nhiều trong hoạt động của các ngành các cấp, nhất là cấp dưới”, và có đề ra cho các ngành trách nhiệm soát lại các chế độ, thể lệ trong từng ngành để giảm bớt và sửa chữa lại cho hợp lý. Cho nên việc soát lại các văn bản pháp quy làm được kịp thời sẽ giúp Bộ sửa chữa được kịp thời những việc bất hợp lý hoặc thiếu sót trong việc ban hành các thể lệ, chế độ. Muốn làm được việc này, các Bộ cần đặt vấn đề và giao nhiệm vụ cho Văn phòng Bộ và các cơ quan trực thuộc Bộ, và nên có kế hoạch thích hợp để tiến hành có trọng tâm, trọng điểm.

4. Sưu tầm, tập hợp các luật lệ.

Để có thể tiến hành công tác nghiên cứu dự thảo pháp luật và phục vụ tốt công tác nghiệp vụ đồng thời để làm cơ sở cho việc nghiên cứu khoa học của ngành mình và của Ủy ban Khoa học Nhà nước, các bộ phận pháp chế phải đặc biệt quan tâm đến công tác sưu tầm tập hợp luật lệ, sắp xếp, làm thành mục lục, hồ sơ nguyên tắc.

Nguyên tắc là ngành nào sưu tầm tập hợp luật lệ của ngành ấy và những luật lệ chung có liên quan đến công tác của ngành. Để tránh những việc làm trùng nhau, và để công việc có thể tiến hành nhanh gọn, Vụ Pháp chế (Thủ tướng Phủ) cần giúp đỡ và phối hợp công tác các bộ phận pháp chế theo một kế hoạch chung. Trên cơ sở những tài liệu sưu tầm tập hợp được, cán bộ pháp chế cần tiến hành việc nghiên cứu học tập để nắm vững luật lệ chung và luật lệ riêng của ngành mình. Ngoài những luật lệ của nước nhà, các Bộ cũng cần giúp đỡ cho cán bộ pháp chế có điều kiện thu thập và học tập được những tài liệu lý luận và luật lệ có liên quan của các nước bạn nữa.

II. VỀ TỔ CHỨC VÀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA CÁC BỘ PHẬN PHÁP CHẾ

A. Tổ chức.

Như trên đã nói, vì sự quan trọng của công tác pháp chế, việc thành lập và kiện toàn các tổ chức pháp chế ở Bộ rất cần thiết. Tuy nhiên, do tính chất công tác của từng Bộ, nên yêu cầu của các Bộ về công tác pháp chế không phải nhất loạt như nhau. Nói chung, những Bộ quản lý các công tác kinh tế tài chính, quản lý các chế độ công nhân, công chức, thường xuyên phải vận dụng pháp luật, trực tiếp quan hệ với đông đảo quần chúng, cần đặc biệt chú trọng tăng cường công tác pháp chế ở ngành mình.

Tùy theo khối lượng công tác có thể đặt một hai cán bộ chuyên trách trực tiếp với Chánh phó văn phòng Bộ. Ở những Bộ có nhiều vấn đề phức tạp và khối lượng công tác pháp chế lớn, thì có thể thành lập Phòng, và ngoài Phòng Pháp chế ở Bộ, cũng có thể thành lập Bộ phận Pháp chế ở những đơn vị quan trọng.

Nhưng điều quan trọng là phải có cán bộ có đủ năng lực để làm công tác pháp chế. Ngoài trình độ văn hóa khá để có thể thảo thức được gọn, đúng, chính xác, cán bộ làm công tác pháp chế cần có trình độ chính trị khá, có những hiểu biết nhất định về nghiệp vụ của Bộ, và có những kiến thức chuyên môn nhất định về pháp lý dân chủ. Trong điều kiện hiện nay, ở một vài Bộ khó mà tìm được ngay những cán bộ có đủ các mặt như trên. Vì vậy các Bộ cần chọn cho được những cán bộ tương đối (có trình độ chính trị văn hóa khá, hoặc cán bộ có ít nhiều kiến thức pháp lý và có trình độ chính trị khá), và có kế hoạch phối hợp với Vụ Pháp chế (Thủ tướng Phủ) để giúp đỡ, bồi dưỡng, đào tạo họ thành người cán bộ pháp chế có thể làm việc được.

B. Chế độ công tác.

Chế độ công tác của bộ phận pháp chế ở Bộ nào sẽ do Bộ ấy căn cứ vào tình hình cụ thể mà định, trên những nguyên tắc sau đây:

1. Các bộ phận nghiệp vụ của Bộ có trách nhiệm hỏi ý kiến bộ phận pháp chế trong tất cả các trường hợp mà Thông tư số 506-TTg ngày 26-10-1957 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định là bộ phận pháp chế có nhiệm vụ nghiên cứu góp ý kiến như đã nhắc lại trên.

2. Các bộ phận nghiệp vụ cần trao đổi ý kiến với bộ phận pháp chế một cách kịp thời, không phải chỉ sau khi dự thảo đã làm xong mà cả trong quá trình dự thảo nữa.

3. Bộ phận pháp chế không thay thế các bộ phận nghiệp vụ trong việc dự thảo các văn bản pháp quy. Khi cần thiết, Bộ có thể quyết định các bộ phận nghiệp vụ và pháp chế cùng nhau bàn bạc và xây dựng dự thảo. Đối với vấn đề không có bộ phận nghiệp vụ nào chuyên trách thì Bộ có thể giao cho bộ phận pháp chế nghiên cứu và dự thảo.

4. Trong quá trình nghiên cứu về mọi vấn đề, bộ phận pháp chế có nhiệm vụ liên hệ chặt chẽ với các bộ phận nghiệp vụ liên quan để tranh thủ ý kiến và yêu cầu cung cấp tài liệu.

5. Các bộ phận pháp chế phải cố gắng hạn chế bị động và tranh thủ chủ động trong công tác: phải nắm vững nội dung công tác của mình, làm việc có chương trình kế hoạch, thường xuyên kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Các Bộ cần giúp đỡ cho bộ phận pháp chế có điều kiện nắm được chương trình công tác của Bộ, chủ yếu là những vấn đề có liên quan đến pháp luật để bộ phận pháp chế có thể căn cứ vào đó mà đặt hướng chuẩn bị phối hợp công tác với các bộ phận nghiệp vụ.

*

Dưới chế độ ta, đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ phải thông qua việc tuyên truyền giáo dục làm cho quần chúng nhân dân tự giác ủng hộ và chấp hành. Nhưng những đường lối chính sách đó cũng phải kinh qua hình thức pháp luật và dựa vào Nhà nước để đảm bảo cho mọi người phải tôn trọng và chấp hành một cách thống nhất, để góp phần bài trừ những hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, để trấn áp kẻ thù chống lại chế độ, chống lại nhân dân. Nền pháp chế dân chủ của chúng ta là một công cụ quan trọng để thực hiện chuyên chính vô sản, phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội. Hiện nay tổ chức của bộ máy Nhà nước còn nhiều điểm không hợp lý, không thích ứng với nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của công cuộc cách mạng. Nhiều thể lệ, chế độ còn không hợp lý, đã hạn chế việc phát huy khả năng tích cực sáng tạo của các cấp, các ngành. Nhiều luật lệ cần thiết lại chưa được nghiên cứu xây dựng để phục vụ kịp thời các yêu cầu phát triển và cải tạo nền kinh tế, phát triển văn hóa. Công tác kiện toàn tổ chức, phân cấp quản lý, xét lại các thể lệ chế độ cũ, xây dựng và ban hành các thể lệ chế độ mới cần thiết sẽ đặt ra trước mắt chúng ta nhiều vấn đề pháp lý cần giải quyết. Vì vậy chúng tôi đề nghị các Bộ cần soát lại công tác pháp chế của mình để có biện pháp kịp thời kiện toàn tổ chức pháp chế ở ngành mình.

KT. BỘ TRƯỞNG THỦ TƯỚNG PHỦ
THỨ TRƯỞNG





Phạm Văn Bạch