BỘ NỘI THƯƠNG | VIỆT |
Số: 14-NT | Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 1973 |
Ngày15-5-1971 Bộ Nội thương đã ban hành thông tư số 09-NT về chế độ tiền thưởng hoàn thành nhiệm vụ cho nhân viên kinh doanh thương nghiệp và ăn uống công cộng.
Tuy mới thực hiện năm 1971, chế độ tiền thưởng trên đã phát huy tác dụng tốt: khuyến khích nhân viên thương nghiệp phấn đấu nâng cao chất lượng công tác và năng suất lao động, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch ở nhiều đơn vị kinh doanh.
Tuy nhiên, nội dung chính sách còn những mặt tồn tại như: chưa phân rõ các nguồn tiền thưởng khác nhau, chưa thể hiện rõ yêu cầu tăng năng suất lao động gắn chặt với nâng cao chất lượng công tác.
Căn cứ vào các chế độ tiền thưởng của Nhà nước trong thông tư số 3-LĐ ngày 22-1-1957 và thông tư số 24-LĐ ngày 30-11-1957 của Bộ Lao động, sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ có liên quan và được sự thỏa thuận của Bộ Lao động (tại công văn số 56-LĐTL ngày 6-2-1973), Bộ Nội thương ra thông tư này tạm thời quy định chế độ thưởng thường xuyên cho nhân viên kinh doanh thương nghiệp và ăn uống công cộng nhằm mục đích khuyến khích mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, cải tiến công tác kinh doanh để nâng cao năng suất lao động với chất lượng công tác tốt, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch lưu chuyển hàng hóa của ngành.
Chế độ tiền thưởng này áp dụng cho nhân viên trực tiếp kinh doanh thuộc lực lượng lao động thường xuyên, đang hưởng lương theo thời gian trong các cửa hàng (và các đơn vị tương đương) kinh doanh thương nghiệp, ăn uống công cộng, bao gồm:
- Cửa hàng thu mua,
- Cửa hàng bán buôn, bán lẻ,
- Cửa hàng ăn uống công cộng và khách sạn,
- Trạm kinh doanh, đơn vị kho trực thuộc công ty, chi nhánh bán buôn.
Ở các cửa hàng mà các cán bộ, nhân viên nghiệp vụ quản lý hàng ngày có tham gia lao động vào các công việc trực tiếp kinh doanh (mua, bán hàng, đóng gói, chọn lọc hàng hóa...) và được phân loại là nhân viên trực tiếp kinh doanh, theo quyết định số 242-TCTK ngày 3-11-1971 của Tổng cục Thống kê, thì những người đó cũng được hưởng chế độ tiền thưởng này.
Những đối tượng sau đây không thuộc diện thi hành chế độ tiền thưởng:
- Những công nhân sản xuất, chế biến đang hưởng lương sản phẩm, lương khoán hoặc hưởng chế độ thưởng tăng năng suất quy định cho công nhân sản xuất, theo thông tư số 380-NT ngày 1-7-1969 của Bộ Nội thương;
- Những người làm việc tạm thời theo chế độ lương công nhật, hợp đồng, học việc và học sinh thực tập.
(Đối với cán bộ, nhân viên quản lý, công tác ở cửa hàng, công ty, tổng công ty sẽ có chế độ tiền thưởng riêng).
II. ĐIỀU KIỆN VÀ MỤC ĐÍCH TIỀN THƯỞNG CHUNG CHO CỬA HÀNG
Để đảm bảo hiệu quả kinh tế một cách vững chắc, việc thưởng tăng năng suất cho nhân viên kinh doanh thương nghiệp ở cửa hàng phải thực hiện qua 2 bước:
Bước 1: Trích tiền thưởng chung cho cửa hàng;
Bước 2: Cửa hàng xét thưởng cho cá nhân.
Việc trích tiền thưởng chung cho cửa hàng chỉ tiến hành khi cửa hàng đạt 2 điều kiện:
1. Hoàn thành vượt mức kế hoạch lưu chuyển hàng hóa. (hoặc định mức doanh thu về ăn uống, phục vụ);
2. Hoàn thành vượt định mức năng suất lao động bình quân.
Mức trích tiền thưởng chung này nhiều hay ít phụ thuộc vào 2 yếu tố:
- Tốc độ vượt định mức năng suất lao động bình quân của cửa hàng;
- Tính chất khác nhau của các ngành hàng; và được quy định cụ thể như sau:
Đối với các cửa hàng nông sản, thực phẩm và kinh doanh ăn uống công cộng thì cứ 1% vượt định mức năng suất lao động bình quân, đơn vị được trích tiền thưởng bằng 0,6% quỹ lương và cao nhất không được quá 10%.
Đối với các cửa hàng công nghệ phẩm, vật liệu xây dựng thì cứ 1% vượt định mức năng suất lao động, đơn vị được trích tiền thưởng bằng 0,5% quỹ lương và cao nhất không được quá 8% (Quỹ lương để làm cơ sở trích tiền thưởng là quỹ lương cấp bậc và phụ cấp khu vực, nếu có).
III. TIÊU CHUẨN THƯỞNG CHO CÁ NHÂN VÀ CÁCH TÍNH
Việc xét thưởng cho cá nhân chỉ tiến hành trong trường hợp cửa hàng đủ 2 điều kiện được trích tiền thưởng và xác định xong khoản tiền thưởng trích chung cho đơn vị.
Mức tiền thưởng của cá nhân vừa phụ thuộc vào mức trích thưởng chung của đơn vị, vừa phụ thuộc vào trình độ và sự nỗ lực chủ quan của mỗi người.
1. Tiêu chuẩn thưởng cho cá nhân.
Tiêu chuẩn thưởng quy định cho cá nhân bao gồm 2 mặt số lượng và chất lượng lao động , cụ thể là:
1. Phải hoàn thành vượt định mức lao động của cửa hàng giao;
2. Phải đảm bảo ngày công tiêu chuẩn;
3. Phải chấp hành tốt chính sách thương nghiệp, quản lý tốt tiền hàng, tài sản của đơn vị và có thái độ phục vụ tốt đối với khách hàng.
Dưới đây là sự hướng dẫn về tiêu chuẩn chất lượng quy định cụ thể cho một vài loại nhân viên trong cửa hàng:
a. Nhân viên thu mua:
- Thu mua đúng chính sách Nhà nước quy định và đảm bảo đúng quy cách, phẩm chất hàng hóa;
- Có tinh thần khắc phục khó khăn, bám sát sản xuất , góp phần phục vụ tốt công nghiệp sản xuất phát triển ;
- Giữ gìn tốt hàng hóa về số lượng và chất lượng trong khi hàng chưa giao nộp vào kho không để mất mát, hư hao quá mức quy định.
b. Nhân viên bán hàng:
- Bán hàng đúng chính sách, tiêu chuẩn, phương thức, giá cả do Nhà nước quy định;
- Cân, đong, đo, đếm chính xác và thanh toán tiền hàng, tem phiếu sòng phẳng, minh bạch với nhân dân, với cửa hàng;
- Thái dộ phục vụ khách hàng niềm nở, chu đáo, chân thật, thực hiện đầy đủ các quy tắc và tiêu chuẩn vệ sinh đã quy định.
c. Nhân viên nấu bếp, chế biến thức ăn:
- Đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng trong thức ăn, không để thức ăn bị ôi thiu, biến chất, đảm bảo kỹ thuật chế biến;
- Giữ gìn tốt lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, vật liệu không để hư hỏng lãng phí, bảo đảm tiêu chuẩn cho người ăn.
d. Nhân viên phục vụ bàn
- Giữ gìn vệ sinh nhà ăn, bàn ăn, bát đĩa, dụng cụ sạch sẽ;
- Thái độ phục vụ niềm nở, chu đáo, chân thật, phục vụ kịp thời và thuận tiện cho khách hàng;
- Quản lý tốt tiền hàng, tem phiếu, không để nhầm lẫn, mất mát.
e. Nhân viên bảo quản, giao nhận áp tải tiếp liệu, vận chuyển, đóng gói, chọn lọc.
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ kịp thời cho kinh doanh;
- Giữ gìn tốt hàng hóa vì số lượng và chất lượng trong quá trình bảo quản, vận chuyển… không để hàng giảm phẩm chất, hư hao quá mức quy định;
- Thực hiện đúng các nguyên tắc, chế độ, thủ tục quy định cho phần công việc thuộc mình phụ trách (bảo quản, vận chuyển, giao nhận…).
- Căn cứ theo sự hướng dẫn này và tình hình phân công lao động cụ thể chất lượng chi tiết cho từng loại lao động của mình.
Những người vi phạm 1 trong những điều sau đây thì nhất thiết không được thưởng:
- Không hoàn thành vượt dịnh mức lao động được giao;
- Ngày công thực tế dưới 22 ngày/tháng;
- Vi phạm chính sách thương nghiệp; tham ô hoặc để mất tài sản hàng hóa do thiếu tinh thần trách nhiệm.
2. Cách tính tiền thưởng cho cá nhân.
Trước hết phải căn cứ vào mức độ đạt các tiêu chuẩn nói trên, tiến hành xếp người được thưởng thành 3 loại:
- Loại I: gồm những người hoàn thành vượt mức lao động từ 8% trở lên và các mặt khác có những biểu hiện xuất sắc, có thái độ phục vụ tốt được nhiều khách hàng khen; có hành động dũng cảm bảo vệ hàng hóa khi bị thiên tai, địch họa; có nhiều cố gắng khi được giao các nhiệm vụ khó khăn…, hệ số tính thưởng loại này là 1,4.
- Loại II: gồm những người hoàn thành vượt mức lao động từ 3 đến 8% và đạt các tiêu chuẩn chất lượng khá. Hệ số tính thưởng loại này là 1,2.
- Loại III: gồm những người hoàn thành vượt mức lao động từ 3% trở xuống và đạt các tiêu chuẩn khác ở mức độ bình thường, hệ số tính thưởng là 1.
Khi xếp loại cụ thể, nếu gặp trường hợp có người vượt mức lao động cao, do chạy theo chỉ tiêu số lượng nên tiêu chuẩn chất lượng sút kém thì có thể xếp xuống loại dưới và ngược lại đối với những người vượt mức lao động không cao nhưng chất lượng công tác rất tốt thì có thể xếp lên loại trên.
Sau đó theo kết quả xếp loại những người được thưởng mà tính ra tiền thưởng của từng người bằng công thức sau đây:
Tiền thưởng | = | Tiền lương theo hệ số tính thưởng | x | Đơn giá tính thưởng |
Trong đó:
Tiền lương theo | = | Lương cấp bậc (1 ngày | x | Số ngày công thực tế | x | Hệ số tính thưởng |
Đơn giá tính thưởng | = | Khoản tiền thưởng trích chung cho cửa hàng |
Tổng cộng tiền lương theo hệ số tính thưởng |
(Bộ sẽ có công văn hướng dẫn việc tính toán này bằng ví dụ cụ thể)
1. Để thực hiện được chế độ này, các tổng công ty, công ty phải phân bổ đều đặn và kịp thời hàng quý cho cửa hàng 2 chỉ tiêu cơ bản: kế hoạch lưu chuyển hàng hóa và năng suất lao động bình quân.
Mặt khác cửa hàng phải tổ chức tốt việc định mức lao động cho từng nhân viên trực tiếp kinh doanh trong đơn vị theo công văn hướng dẫn của Bộ số 3117 NT/TCLĐ ngày 27-11-1972. Nơi chưa có điều kiện làm như trên thì áp dụng khoản mức bằng cách lấy kế hoạch lưu chuyển hàng hóa chung của đơn vị phân bổ lại cho từng cá nhân. Dù định mức hay khoán mức thì mức giao cho cá nhân cộng lại không được thấp hơn kế hoạch chung của đơn vị.
2. Tiền thưởng này là loại tiền thưởng thường xuyên được hạch toán vào thành phần của tổng quỹ tiền lương theo nghị định số 14-CƠ QUAN ngày 1-2-1961 của Hội đồng Chính phủ (mới được nhắc lại trong chỉ thị số 33-TTg ngày 5-2-1972 của Thủ tướng Chính phủ). Vì vậy hàng năm chỉ lập kế hoạch lao động tiền lương các Tổng công ty, Cục, Sở, Ty thương nghiệp cần dự trù tỷ lệ tiền thưởng này trong chỉ tiêu quỹ tiền lương trên nguyên tắc tốc độ tăng năng suất lao động bình quân phải cao hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân. Khi đăng ký và xin rút tiền ở Ngân hàng để trả lương hoặc chi tiền thưởng phải chấp hành đúng chế độ kiểm soát và cấp phát quỹ lương hiện hành đồng thời phải thí điểm để tiến tới áp dụng chế độ cấp phát quỹ lương theo mức độ hoàn thành kế hoạch kinh doanh quy định trong thông tư số 34-TTg ngày 26-4-1963 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Việc thưởng tăng năng suất cho nhân viên trực tiếp kinh doanh thương nghiệp cần tiến hành hàng tháng mới có tác dụng kích thích mạnh, nhưng hiện nay việc giao mức từng tháng cho một số đối tương còn có khó khăn, nên các cửa hàng có thể cho thưởng tháng, quý hoặc vụ tùy theo thời hạn của các mức đã giao ở đơn vị mình.
4. Để việc xét thưởng theo chế độ này được nhanh chóng, nay giao cấp trên trực tiếp của cửa hàng thẩm quyền quyết định việc trích tiền thưởng chung cho cửa hàng, đồng thời giao cho cửa hàng trưởng xét và quyết định việc thưởng cho cá nhân trong đơn vị mình. Các Tổng công ty và Cục, Sở, Ty thương nghiệp có trách nhiệm thẩm tra lại các quyết định này, nếu phát hiện sai sót phải kịp thời đình chỉ hoặc thu hồi.
Riêng đối với những đơn vị trình độ quản lý quá kém thì Tổng công ty, Cục, Sở, Ty cần thông qua các quyết định xét thưởng của cửa hàng trước khi đem thi hành.
Trên đây Bộ chỉ quy định những điểm chủ yếu về nội dung chính sách. Từng đơn vị căn cứ và đó để xây dựng thành điều lệ hoặc nội quy cụ thể áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.
Các Tổng công ty, Cục, Sở, Ty thương nghiệp phải tổ chức chỉ đạo và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện ở cơ sở, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót, đảm bảo chấp hành đúng đắn chế độ đã quy định. Trong quá trình thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn, thanh niên và các cơ quan quản lý tổng hợp cùng cấp (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Lao động, Tài chính, Ngân hàng).
Thông tư này thay thế cho thông tư số 09-NT ngày 11-5-1971 của Bộ Nội thương và thi hành ngày 1-5-1973.
| BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG |
- 1 Thông tư 31-TTg năm 1962 thi hành chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, thưởng tăng năng suất cho những người tư sản làm việc trong xí nghiệp, cửa hàng công tư hợp doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Chỉ thị 83-TTg năm 1961 về việc đẩy mạnh việc thi hành chế độ lương theo sản phẩm và một số chế độ tiền thưởng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- 3 Thông tư 24-LĐ/TT năm 1957 hướng dẫn việc mở rộng thực hiện chế độ thưởng tăng năng suất do Bộ Lao động ban hành
- 1 Thông tư 31-TTg năm 1962 thi hành chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, thưởng tăng năng suất cho những người tư sản làm việc trong xí nghiệp, cửa hàng công tư hợp doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 24-LĐ/TT năm 1957 hướng dẫn việc mở rộng thực hiện chế độ thưởng tăng năng suất do Bộ Lao động ban hành
- 3 Chỉ thị 83-TTg năm 1961 về việc đẩy mạnh việc thi hành chế độ lương theo sản phẩm và một số chế độ tiền thưởng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.