Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 1962

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HỘ LAO ĐỘNG, THƯỞNG TĂNG NĂNG SUẤT CHO NHỮNG NGƯỜI TƯ SẢN LÀM VIỆC TRONG XÍ NGHIỆP, CỬA HÀNG CÔNG TƯ HỢP DOANH

Sau khi được công nhận hợp doanh với Nhà nước, hầu hết những người tư sản là chủ cũ đều được sắp xếp công tác tùy theo khả năng từng người trong các xí nghiệp, cửa hàng công tư hợp doanh. Qua một thời gian lao động, số đông người tư sản đã tỏ ra có những cố gắng nhất định như: hoàn thành công tác giao phó, học tập nghề nghiệp, phát huy sáng kiến, xây dựng thái độ phục vụ nhân dân…

Để khuyến khích, giúp đỡ người tư sản tiếp tục phát huy khả năng lao động để tự cải tạo mình và đóng góp vào hoạt động của xí nghiệp, cửa hàng, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ ngày 24-11-1961 đã quyết định thi hành một số chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động và thưởng tăng năng suất cho những người tư sản làm việc trong các xí nghiệp, cửa hàng công tư hợp doanh. Cụ thể những chế độ và mức độ cần thi hành như sau:

I. VỀ CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI

a) Ốm đau:
- Khi ốm đau, người tư sản được đi khám bệnh, chữa bệnh tại các tổ chức Y tế của Nhà nước, theo chế độ áp dụng cho công nhân, viên chức trong xí nghiệp, cửa hàng công tư hợp doanh.

- Nếu ốm đau, mà phải nghỉ việc để điều trị, thì cũng được hưởng trợ cấp thay lương (theo chế độ áp dụng cho công nhân, viên chức trong xí nghiệp, cửa hàng). Riêng về tiền viện phí, khi nằm điều trị ở bệnh viện, hoặc tiền thuốc men khi điều trị ngoại trú (do y sĩ, bác sĩ quyết định) thì căn cứ vào hoàn cảnh sinh sống và thái độ lao động của từng người mà giải quyết như sau:

Những người nào mà hoàn cảnh sinh sống có khó khăn và có thái độ lao động tốt, thì được xét cấp hoặc toàn bộ (nếu hoàn cảnh sinh sống có khó khăn nhiều) hoặc một nửa (nếu hoàn cảnh sinh số khó khăn ít). Đối với những người tuy hoàn cảnh sinh sống có khó khăn nhưng thái độ lao động chưa tốt thì cũng được xét để cấp nhưng với mức độ thấp hơn.

Người nào mà hoàn cảnh sinh sống không khó khăn (đời sống còn cao hơn nhiều so với đời sống của công nhân, viên chức) thì nói chung là không cấp. Nhưng nếu là người có nhiều biểu hiện tốt trong lao động, thì cũng được xét cấp một phần để bồi dưỡng sức lao động.

Việc cấp tiền viện phí, tiền thuốc men trên do ban chấp hành công đoàn nơi người tư sản làm việc, nhận xét và đề nghị với Giám đốc xí nghiệp, cửa hàng.

b) Thai sản

- Khi có thai, người phụ nữ tư sản được đi khám thai, và khi sinh đẻ được nằm tại các tổ chức y tế của Nhà nước; trong khi sinh, thì được hưởng các khoản trợ cấp: về lương, tiền bồi dưỡng, tiền tã lót và các khoản phí tổn khác theo như chế độ áp dụng cho nữ công nhân, viên chức trong xí nghiệp, cửa hàng công tư hợp doanh.

- Trường hợp xẩy thai, đẻ non, đẻ sinh đôi, sinh ba, mất sữa, nuôi con mọn…thì cũng được hưởng các chế độ phụ cấp theo chế độ áp dụng cho nữ công nhân, viên chức trong xí nghiệp, cửa hàng.

Sau khi hết hạn nghỉ đẻ được hưởng lương, nếu bị ốm đau và được y sĩ, bác sĩ xét cần phải nghỉ thêm để điều trị, thì cũng được hưởng các chế độ đãi ngộ khi ốm đau như đã nêu trên (mục a)

c) Tai nạn lao động

Những người tư sản bị tai nạn lao động, trong khi làm nhiệm vụ cho xí nghiệp, cửa hàng thì được hưởng các chế độ đãi ngộ như chế độ áp dụng cho công nhân, viên chức trong xí nghiệp cửa hàng công tư hợp doanh.

- Nếu do tai nạn lao động, mà phải nằm điều trị ở bệnh viện, thì được hưởng các khoản trợ cấp thay lương, tiền thuốc men, bồi dưỡng, tiền phí tổn và tiền tàu xe đi bệnh viện và ở bệnh viện về.

- Nếu do tai nạn lao động mà thành cố tật, sức lao động sút kém, không còn khả năng lao động để tiếp tục nghề nghiệp cũ, mà phải chuyển sang học làm nghề mới, hoặc bị tàn phế phải thôi việc (về nhà hay vào trại an dưỡng) thì đều được hưởng các khoản trợ cấp về: thương tật, học nghề, thôi việc, trợ cấp tàn phế, và các khoản trợ cấp khác áp dụng cho các trường hợp đó.

- Nếu bị chết về tai nạn lao động thì thân nhân (cha mẹ, vợ con…) được hưởng những chế độ trợ cấp về tiền phí tổn chôn cất, tiền tuất.

Trường hợp chết do vết thương tái phát, cũng được hưởng quyền lợi như trên.

II. CHẾ ĐỘ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Người tư sản làm việc trong các xí nghiệp, cửa hàng công tư hợp doanh, được hưởng các chế độ về nghỉ những ngày lễ chính thức, ngày chủ nhật; được nghỉ phép hàng năm và được cấp tiền tàu xe như công nhân, viên chứ trong xí nghiệp, cửa hàng công tư hợp doanh.

Nếu do yêu cầu công tác trong xí nghiệp, cửa hàng, mà người tư sản trực tiếp tham gia sản xuất phải làm thêm giờ, thêm ê kíp hoặc làm việc những nơi có chất độc, nơi nguy hiểm, thì cùng được hưởng các chế độ phụ cấp và trang bị về các trường hợp này.

III. THƯỞNG TĂNG NĂNG SUẤT

Trong quá trình lao động những người tư sản, có những cố gắng trong sản xuất kinh doanh, những phát minh, sáng kiến kỹ thuật, đều được hưởng các chế độ khen thưởng như công nhân, viên chức trong xí nghiệp, cửa hàng. Người tư sản được tham gia phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa và đến kỳ sơ kết, tổng kết, nếu có thành tích được công nhân thừa nhận, thì được xí nghiệp, cửa hàng tuyên dương và khen thưởng (về tinh thần và vật chất)

Thông tư này áp dụng cho tất cả những người tư sản được chính thức xếp việc, hiện đang công tác trong các xí nghiệp, cửa hàng công tư hợp doanh hoặc được chuyển vào làm công tác trong các xí nghiệp, cửa hàng quốc doanh. Riêng đối với những người tư sản cải tạo trong xí nghiệp hợp tác, hoặc trong hợp tác xã (thủ công nghiệp và tiểu thương) thì không áp dụng thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày bàn hành; những quy định tạm thời của cácỦy ban hành chính địa phương trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Bộ Lao động chịu trách nhiệm giải thích và hướng dẫn thi hành thông tư này.

KT.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị