Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 154-BTN/QLHC

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ HỢP ĐỒNG KINH DOANH

Để các hợp đồng kinh doanh được tôn trọng và thực hiện đầy đủ, góp phần vào việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, phát triển nền kinh tế quốc dân, ngày 11-04-1956 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh nhằm quy định một số nguyên tắc về thể thức ký kết và trách nhiệm thi hành.

Bộ cũng đã có thông tư số 1002 ngày 15-06-1956 giải thích bản điều lệ nói trên. Nhưng trong thời gian qua nhiều hợp đồng ký kết không theo đúng các nguyên tắc đã quy định. Một số hợp đồng ký kết giữa cơ quan Nhà nước, quốc doanh hay hợp tác xã với tư doanh, nhất là các hợp đồng gia công đặt hàng có nhiều thiếu sót, thiếu cụ thể, không quy định rõ phẩm phất quy cách, giá cả, điều kiện, giao nhận, thời gian giao nhận hoặc đặt điều kiện quá khả năng của đôi bên, hoặc không đăng ký hợp đồng theo như điều lệ đã quy định. Do vậy, đã xẩy ra nhiều vụ lợi dụng sơ hở không thi hành nghiêm chỉnh hợp đồng làm trở ngại cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và thiệt hại rất lớn cho công quỹ.

Rồi đây các đơn vị kinh doanh quốc doanh đều đi vào kinh tế hạch toán, việc phân cấp quản lý kinh doanh sẽ được tiến hành thì việc quan hệ buôn bán giữa các đơn vị kinh doanh ngày càng phát triển, việc ký kết hợp đồng kinh doanh giữa các đơn vị kinh doanh ngày càng nhiều. Do vậy chế độ hợp đồng kinh doanh cần được quy định cụ thể và việc chấp hành cần được hướng dẫn cụ thể và đầy đủ hơn.

Để việc ký kết và việc thực hiện hợp đồng được nghiêm chỉnh, Bộ giải thích thêm một số điểm ghi trong bản điều lệ hợp đồng.

I. - MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

- Bản điều lệ hợp đồng kinh doanh được ban hành nhằm mục đích:

1) Đề cao tinh thần trách nhiệm của đôi bên ký kết trong việc thực hiện đúng đắn và đầy đủ những điều cam kết đảm bảo những quan hệ tốt giữa các đơn vị kinh doanh.

2) Góp phần làm cho các hoạt động kinh tế quốc dân dần dần đi vào tổ chức và kế hoạch.

3) Bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, của quốc doanh và hợp tác xã đồng thời cũng bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tư doanh.

II. - NỘI DUNG HỘI ĐỒNG

Để tránh mọi sự hiểu lầm và mọi sự lợi dụng có thể xẩy ra, hợp đồng kinh doanh cần có một nội dung đầy đủ và cụ thể như đã ghi ở điều 5 của bản điều lệ.

Hợp đồng phải quy định cụ thể, có giới hạn:

a) Sự việc cam kết, nhất là các điều khoản về quy cách, phẩm chất, công thức, về ngày giờ địa điểm, cách thức giao nhận, thanh toán.

b) Số lượng, giá cả, tổng trị giá của hợp đồng.

c) Thời gian thi hành.

d) Trách nhiệm của đôi bên trong việc thi hành và những đảm bảo cần thiết, như vấn đề ký quỹ.

e) Điều kiện về bồi dưỡng trong trường hợp một bên không thực hiện đầy đủ hợp đồng.

Hợp đồng là một văn bản về pháp lý cho nên nó càng phải minh bạch về tinh thần cũng như về lời văn, phải ghi rõ ý định cam kết của đôi bên không để hiểu lầm. Hợp đồng phải được ký kết trên tinh thần thỏa thuận và phải được xây dựng trên cơ sở thực tế, hợp với khả năng và phương tiện kinh doanh của đôi bên. Mỗi khi ký hợp đồng với tư doanh, cơ quan Nhà nước, quốc doanh, hợp tác xã phải điều tra kỹ khả năng thực hiện hợp đồng của tư doanh không để bị động sau khi ký kết. Sau khi ký kết phải theo dõi kiểm tra việc thực hiện. Mặt khác cơ quan quốc doanh, hợp tác xã cũng phải xét lại kỹ và nắm vững khả năng phương tiện và nhu cầu thực tế của mình khi ký kết để tránh những tình trạng thực hiện chậm trễ hoặc không thực hiện được.

III. – CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG

Căn cứ trên mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế, hợp đồng kinh doanh chia làm 3 loại:

1) Hợp đồng ký kết giữa cơ quan Nhà nước với quốc doanh, hợp tác xã hoặc giữa quốc doanh hợp tác xã với nhau.

2) Hợp đồng ký kết giữa cơ quan Nhà nước, quốc doanh, hợp tác xã với tư doanh.

3) Hợp đồng ký kết giữa tư doanh với nhau.

II. THỦ TỤC KÝ KẾT VÀ ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG

A. – Ký kết hợp đồng

Người ký hợp đồng về phía cơ quan, xí nghiệp quốc doanh, hay hợp tác xã phải là thủ trưởng của cơ sở trực tiếp kinh doanh. Nếu là cán bộ thì phải được cơ quan, quốc doanh, hợp tác xã ủy quyền bằng giấy tờ (giấy ủy quyền kèm theo hợp đồng).

Về phía tư doanh người ký kết hợp đồng phải là người trưởng ban quản trị chủ xí nghiệp, chủ hiệu có đăng ký kinh doanh công thương nghiệp, hay người thay mặt được chủ xí nghiệp, chủ hiệu, ban quản trị ủy quyền hợp pháp.

Người ủy quyền và người được ủy quyền ký kết có trách nhiệm như nhau trong việc thực hiện hợp đồng.

B. – Đăng ký hợp đồng:

Để đề cao tinh thần trách nhiệm thực hiện hợp đồng và để cơ quan công thương theo dõi kịp thời tình hình, hoạt động của các thành phần kinh tế ở địa phương, bản điều lệ đã quy định thể thức đăng ký hợp đồng tại cơ quan Thương nghiệp địa phương hoặc tại Ủy ban Hành chính huyện được cơ quan Thương nghiệp ủy quyền.

Cơ quan phụ trách đăng ký hợp đồng có trách nhiệm xét duyệt về thủ tục về nội dung sự việc cam kết, về giá cả, theo dõi việc thực hiện hợp đồng nếu xét cần.

Việc đăng ký là một đảm bảo về pháp lý của hợp đồng. Chỉ sau khi đăng ký, hợp đồng mới có giá trị về pháp lý. Cho nên các cơ quan, xí nghiệp, quốc doanh kiểm tra những hợp đồng đã ký kết nhất là ký với tư doanh để đem đăng ký cho hợp lệ.

- Đối với loại hợp đồng ký kết giữa cơ quan quốc doanh, hợp tác xã với nhau, thì Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một quy chế riêng.

- Đối với những hợp đồng thuộc loại thứ 2 và 3, nhất định phải đăng ký. Tuy vậy, những hợp đồng có giá trị nhỏ không bắt buộc phải đăng ký tại cơ quan Thương nghiệp nhưng phải được Ủy ban Hành chính xã hoặc khu phố thị thực thì mới có giá trị. Trước đây đã quy định:

- Ở 3 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định hợp đồng kinh doanh có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên và các nơi khác từ 80 vạn trở lên mới phải đăng ký. Nhưng căn cứ vào tình hình kinh doanh hiện nay và trên cơ sở thực tế hợp đồng đã ký kết, Bộ thấy cần quy định lại là:

- Ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định mức độ giá trị hợp đồng phải đăng ký là 1 triệu đồng trở lên. Ở các nơi khác 50 vạn đồng.

Việc đăng ký phải làm nhanh chóng và tránh phiền phức.

V. - VẤN ĐỀ BẢO ĐẢM HỢP ĐỒNG

Hợp đồng được bảo đảm căn bản là ở lòng thành thật và tin cậy lẫn nhau của đôi bên ký kết. Nhưng để đề cao thêm tinh thần tôn trọng hợp đồng, bản điều lệ (Điều 10) có quy định việc bảo đảm hợp đồng. Hợp đồng có thể bảo đảm bằng tiền, bằng hàng hóa hoặc có 2 người bảo đảm (tùy theo hai bên thỏa thuận). Nếu bảo đảm bằng tiền thì số tiền bảo đảm phải ký quỹ vào Ngân hàng quốc gia Việt Nam (không có lãi) và chỉ được rút ra sau khi thanh toán toàn bộ hợp đồng.

Riêng đối với hợp đồng gia công, đặt hàng ký kết giữa cơ quan quốc doanh, hay hợp tác xã với tư doanh thì tư doanh cần phải bảo đảm bằng tiền ký quỹ vào Ngân hàng để bảo vệ quyền lợi của Quốc gia. (Chỉ thị số 949/SX3 ngày 19-12-1957 của Bộ Thương nghiệp về gia công ký quỹ).

VI. – TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG VÀ BỒI THƯỜNG

Mỗi bên ký kết hợp đồng đều phải tôn trọng và có trách nhiệm thực hiện tốt hợp đồng.

Nếu một bên hoặc cả hai bên vì lý do chính đáng mà không thực hiện được hợp đồng thì phải cùng nhau thỏa thuận gia hạn thêm và phải được sự chấp nhận của cơ quan đăng ký hợp đồng.

Nếu hai bên cùng nhau xin hủy bỏ hợp đồng thì phải cùng nhau nộp đơn tại cơ quan đăng ký hợp đồng để cơ quan này xét định. Trường hợp cơ quan này không chấp nhận thì hai bên vẫn có trách nhiệm thực hiện hợp đồng đầy đủ và đúng thời hạn. Nếu hai bên không thực hiện, cơ quan phụ trách đăng ký có thể lập biên bản đưa tòa án xét xử.

Đối với trường hợp bồi thường thì tùy theo những điều cam kết trong hợp đồng mà áp dụng.

Trường hợp các tranh chấp giữa cơ quan, quốc doanh hợp tác xã với tư doanh, hoặc giữa tư doanh với nhau thì trước tiên đưa ra cơ quan thương nghiệp phụ trách đăng ký hợp đồng giải quyết, cơ quan công thương sẽ làm trọng tài để hai bên thương lượng nhưng cuối cùng sẽ có ý kiến quyết định. Nếu một bên hoặc cả hai bên chưa đồng ý với kết luận của cơ quan thương nghiệp thì cơ quan này lập biên bản và đưa vấn đề sang Tòa án nhân dân sơ thẩm xét xử.

Trường hợp hai bên kiện ngay trước tòa án thì tòa án cũng đưa hồ sơ sang cơ quan thương nghiệp hòa giải trước.

Trường hợp xét thấy việc không thực hiện hợp đồng là do âm mưu gây thiệt hại cho kế hoạch Nhà nước thì cơ quan thương nghiệp không hòa giải mà phải lập biên bản đưa ngay vấn đề sang tòa án xét xử.

Đối với các hợp đồng do Ủy ban Hành chính xã hay khu phố thị thực nếu xảy ra tranh chấp cũng đưa cơ quan Công thương làm trọng tài giải quyết như trên.

Trên đây là những điều lệ thấy cần thiết bổ sung để các địa phương nghiên cứu thi hành đầy đủ.

Thông tư này thay thế thông tư số 1.002 ngày 15-06-1956 của Bộ.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Quốc Thịnh