Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 024-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 1960

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ BAN HÀNH DO NGHỊ ĐỊNH SỐ 004-TTG NGÀY 04-01-1960

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:

- Ông Bộ trưởng các Bộ
- Ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh
- Ông thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Thủ tướng phủ

Công cuộc khôi phục kinh tế ở miền Bắc nước ta đã hoàn thành thắng lợi. Kế hoạch 3 năm (1958-1960) cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa theo chủ nghĩa xã hội, đang trên đà tiến mạnh và vững chắc. Hiện nay kinh tế quốc doanh lớn mạnh và chiếm địa vị lãnh đạo trong nến kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế và văn hóa theo kế hoạch dài hạn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các ngành kinh tế, nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch hàng năm và kế hoạch dài hạn.

Đặc điểm của kinh tế xã hội chủ nghĩa là không có cạnh tranh, mà phát triển có kế hoạch, cân đối và nhịp nhàng, có sự quan hệ rất chặt chẽ giữa các ngành trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nông nghiệp cung cấp lương thực cho nhân dân, nguyên liệu cho công nghiệp và thủ công nghiệp. Sản xuất công nghiệp cần có nguyên liệu do nông nghiệp cung cấp và bản thân công nghiệp tự cung cấp lấy, hoặc nhiên liệu nhập khẩu nước ngoài. Nông nghiệp cần có phân bón, nông cụ cải tiến, máy móc nông nghiệp do công nghiệp cung cấp. Công nghiệp phát triển sẽ cung cấp thiết bị mới cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải v .v…. Về xây dựng cơ bản có quan hệ đến rất nhiều ngành sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng, quan hệ đến nguyên liệu, kim khí nhập khẩu nước ngoài, đồng thời có quan hệ đến thời gian hoàn thành công trình, thời gian sản xuất ra sản phẩm cung cấp cho thị trường. Kế hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp có quan hệ đến thu nhập quốc dân và kế hoạch lưu thông hàng hóa đảm bảo thị trường. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, lưu thông hàng hóa có quan hệ rất mật thiết với kế hoạch giao thông vận tải. Nếu giao thông vận tải không đảm bảo sẽ gây tình trạng ứ đọng, trở ngại cho việc phát triển các ngành kinh tế khác.

Nếu kế hoạch sản xuất công, nông nghiệp, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải không ăn khớp với nhau, hoặc một bộ phận nào trong kế hoạch không thực hiện đúng, sẽ gây trở ngại đến ngành khác, bộ phận khác, có khi sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện toàn bộ kế hoạch Nhà nước.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước thông qua chế độ hợp đồng kinh tế là khâu rất quan trọng để thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, Nhà nước, là cơ sở thúc đẩy những nguyên tắc của chế độ hạch toán kinh tế, một trong những nguyên tắc kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành bản điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC KÝ KẾT HỢP ĐỒNG VÀ THỰC HIỆN ĐÚNG HỢP ĐỒNG ĐÃ KÝ KẾT

- Các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước ký kết hợp đồng kinh tế và thực hiện đúng hợp đồng nhằm mục đích: tăng cường mối quan hệ kinh tế, tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa để cùng nhau đẩy mạnh sản xuất, xây dựng vận tải, cung cấp và tiêu thụ hàng hóa, trong việc đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước và đảm bảo thực hiện đầy đủ những nguyên tắc của chế độ hạch toán kinh tế.

Mỗi Bộ, mỗi xí nghiệp quốc doanh công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thương nghiệp, vận tải, xây dựng hoàn thành kế hoạch của ngành mình, mới chỉ là một bộ phận trong toàn bộ kế hoạch Nhà nước. Yêu cầu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, không phải chỉ hoàn thành bộ phận của kế hoạch. Không có và không thể có một xí nghiệp, cơ quan Nhà nước nào có thể đơn độc tiến hành hoàn thành kế hoạch của ngành mình được, nếu không có sự quan hệ và trách nhiệm lẫn nhau về mặt sản xuất, về cung cấp và tiêu thụ hàng hóa, về vận tải, về xây dựng…vì các ngành kinh tế xã hội chủ nghĩa có quan hệ với nhau rất mật thiết trong quá trình sản xuất. Do đó cần thiết phải thông qua chế độ hợp đồng kinh tế để tăng cường mối quan hệ giữa các ngành kinh tế với nhau, để tất cả các ngành tự mình phải cố gắng đồng thời thúc đẩy lẫn nhau cùng tiến lên hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ kế hoạch Nhà nước.

Việc ký kết hợp đồng kinh tế còn nhằm tăng cường trách nhiệm của từng xí nghiệp, cơ quan đối với Nhà nước trong việc sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường trách nhiệm lẫn nhau, giữa các xí nghiệp, các cơ quan trong việc sản xuất và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Quan hệ về hợp đồng không phải là việc riêng của hai bên đã ký kết, mà cả hai bên đều có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Nhà nước, trong việc thực hiện toàn bộ kế hoạch Nhà nước, đồng thời có trách nhiệm đối với ngành hạn trong việc thực hiện những điều đã ký kết. Việc ký kết hợp đồng, chẳng những vì kế hoạch của ngành mình, mà còn có trách nhiệm lẫn nhau, quyết tâm khắc phụ khó khăn hoàn thành đầy đủ hợp đồng đã ký kết. Hai bên ký kết cần thường xuyên trao đổi tin tức, giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng.

- Giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước và cũng chỉ trong phạm vi các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước phải tiến hành ký kết với nhau những hợp đồng kinh tế về sản xuất, về cung cấp và tiêu thụ hàng hóa, về vận tải, về xây dựng và bao thầu v .v…

Việc ký kết các loại hợp đồng này là một kỷ luật. Các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước bắt buộc phải ký kết hợp đồng kinh tế với nhau, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, hoặc chỉ tiêu trong kế hoạch của mỗi Bộ, khu, thành phố, tỉnh, không có chỉ tiêu trong kế hoạch của Bộ, khu, thành phố, tỉnh thì không có cơ sở để ký kết hợp đồng.

Chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hàng năm, hay dài hạn khi được Hội đồng Chính phủ thông qua, các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước phải tiến hành ký kết ngay các loại hợp đồng, không được để trì hoãn, mất thời gian tính thực hiện kế hoạch Nhà nước. Những chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, có liên quan với nhau giữa hai hay nhiều ngành, các ngành phải tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế, không được từ chối trong việc ký kết. Trì hoãn ký kết hợp đồng, hoặc từ chối ký kết hợp đồng là vi phạm kỷ luật của chế độ hợp đồng kinh tế.

II. NỘI DUNG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ

- Những điều khoản hai bên đã cam kết trong hợp đồng là cơ sở để thực hiện đúng hợp đồng, là cơ sở để xử lý, khi một bên không thi hành đúng hợp đồng. Các loại hợp đồng kinh tế có quan hệ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ hàng hóa, về vận tải, cần ghi những điểm căn bản sau đây: mặt hàng, số lượng hay trọng lượng, phẩm chất, quy cách, bao bì, thời gian hoàn thành, thời gian và địa điểm giao nhận, giá cả, điều kiện thanh toán, thể thức thanh toán, các điều khoản bồi thường, tên xí nghiệp cơ quan, chức trách người ký kết (sẽ ban hành thể lệ cụ thể). Ngoài ra, tùy đặc điểm và tính chất phức tạp của từng loại hợp đồng mà ghi thêm những điều cần thiết cho thích hợp và chặt chẽ.

- Hợp đồng từ trên một năm đến 5 năm là hợp đồng dài hạn và hợp đồng nguyên tắc có quan hệ đến hai hay nhiều ngành giữa nhiều Bộ, giữa trung ương và địa phương, giữa nhiều địa phương đều do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng, Tổng cục trưởng hoặc Tổng cục phó, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh có trách nhiệm ký kết, để làm cơ sở cho các xí nghiệp quốc doanh công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thương nghiệp, vận tải hoặc kiến trúc xây dựng v .v… trực thuộc ký kết hợp đồng cụ thể. Dựa trên cơ sở hợp đồng dài hạn và hợp đồng nguyên tắc trên, các Giám đốc hoặc Phó giám đốc xí nghiệp quốc doanh trung ương và địa phương, các Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở, các Trưởng hoặc Phó, ty, các Chủ nhiệm hoặc Phó chủ nhiệm công ty địa phương có trách nhiệm ký kết các loại hợp đồng ngắn hạn là hợp đồng cụ thể, từ một năm trở xuống. Hợp đồng ngắn hạn cũng có thể có trường hợp là hợp đồng nguyên tắc thì do các người có trách nhiệm ký kết hợp đồng nguyên tắc đứng ra ký kết. Nếu người có trách nhiệm ký kết hợp đồng, ủy quyền người khác ký thay phải có giấy tờ hợp lệ và phải chịu trách nhiệm như chính mình ký.

III. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Hợp đồng kinh tế hai bên ký kết có hiệu lực pháp lý. Mỗi bên đều phải coi trọng chữ ký của mình vì sau khi ký kết mỗi bên đều có trách nhiệm đối với Nhà nước, mặt khác có trách nhiệm đối với xí nghiệp, cơ quan mình đã ký kết. Tính chất pháp lý của hợp đồng là hai bên ký kết đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng, dù trong hoàn cảnh nào hai bên đều phải cố gắng vượt mọi khó khăn để hoàn thành hợp đồng đúng theo các điều khoản và thời hạn đã ký kết. Sau khi tính toán kỹ càng trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, hai bên tiến hành ký kết hợp đồng, không được tự ý thương lượng điều chỉnh hợp đồng có ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, hoặc một bên tự ý điều chỉnh hợp đồng, mà không có sự đồng ý của Hội đồng trọng tài cùng cấp, hoặc Hội đồng trọng tài trung ương.

Hợp đồng kinh tế được điều chỉnh hay hủy bỏ, chỉ khi nào Nhà nước điều chỉnh hay hủy bỏ các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu gặp những trở lực khách quan về thiên tai (lũ, lụt, bão, hạn hán v .v… không thể khắc phục nổi, hai bên ký kết hợp đồng có thể cùng nhau điều chỉnh hợp đồng trong phạm vi không ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, nhưng phải có sự đồng ý của Hội đồng trọng tài cùng cấp hoặc Hội đồng trọng tài trung ương.

- Để đảm bảo tính chất pháp lý của việc ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng, nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước, nếu một bên không thực hiện đúng hợp đồng, bên bị thiệt hại có quyền khiếu nại lên Hội đồng trọng tài cùng cấp, hoặc Hội đồng trọng tài trung ương. Hội đồng trọng tài các cấp căn cứ theo chủ trương của Chính phủ xét và quyết định những hình thức xử lý trong phạm vi quyền hạn của mình (xem Nghị định số 020-TTg ngày 14-01-1960 và Thông tư số 025-TTg ngày 22-01-1960)

Việc Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế và những nguyên tắc, thể lệ cụ thể về ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng, chứng tỏ nền kinh tế miền Bắc nước ta đang trên đà phát triển mạnh, vững chắc, đã đi vào kế hoạch hóa. Kinh tế phát triển theo kế hoạch, ràng buộc nhau bởi mối quan hệ khăng khít giữa các ngành kinh tế, do đó thông qua chế độ hợp đồng kinh tế, mà tăng cường mối quan hệ đó, tăng cường trách nhiệm cố gắng của các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, đảm bảo những nguyên tắc của chế độ hạch toán kinh tế thực hiện đầy đủ.

Thủ tướng Chính phủ mong các Bộ, Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh và các cơ quan trung ương nghiên cứu thật chu đáo bản điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế và Thông tư này, cần tổ chức học tập trong cán bộ, công nhân, nhân viên trong các xí nghiệp quốc doanh và trong ngành được thông suốt, để cho việc tiến hành ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng có kết quả tốt, làm cơ sở cho việc thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1960, tạo điều kiện thuận lợi tiến lên thực hiện kế hoạch 5 năm sắp tới.

Chế độ ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng là chủ trương mới có quan hệ đến tất cả các ngành kinh tế. Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên vừa thực hiện vừa phải rút kinh nghiệm kịp thời để bổ sung cho được đầy đủ hơn. Vì vậy các Bộ, Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh, Hội đồng trọng tài các cấp, các cơ quan trung ương một mặt phải tích cực chấp hành, mặt khác trong khi thực hiện kịp thời báo cáo những khó khăn và kinh nghiệm để Hội đồng trọng tài trung ương rút kinh nghiệm và hướng dẫn thi hành được chu đáo.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Hùng