Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 155/2012/TT-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2012

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỆ PHÍ CHỨNG MINH NHÂN DÂN MỚI

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/2/1999 của Chính phủ quy định về Chứng minh nhân dân; Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/2/1999;

Căn cứ Quyết định số 446/QĐ-TTg ngày 11/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án sản xuất, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí Chứng minh nhân dân mới, như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí Chứng minh nhân dân mới theo quy định tại Quyết định số 446/QĐ-TTg ngày 11/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân mới, phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

3. Các trường hợp không phải nộp lệ phí

a) Công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Uỷ ban dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;

b) Công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;

c) Trường hợp cấp đổi Chứng minh nhân dân mới do Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.

Điều 2. Mức thu lệ phí

Đơn vị tính: Đồng/CMND

Số TT

Các trường hợp

Cấp mới

Cấp đổi

Cấp lại

1

Thu nhận ảnh trực tiếp (ảnh thu qua camera)

30.000

50.000

70.000

2

Thu nhận ảnh gián tiếp (chưa tính tiền chụp ảnh)

20.000

40.000

60.000

Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí Chứng minh nhân dân mới bằng 50% mức thu quy định tại Điều này.

Điều 3. Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí

Lệ phí Chứng minh nhân dân mới là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý và sử dụng như sau:

1. Cơ quan thu lệ phí là cơ quan cấp Chứng minh nhân dân mới được trích để lại 30% số tiền lệ phí thu được để chi cho công việc thu lệ phí theo quy định. Số tiền trích để lại cho cơ quan thu lệ phí được xác định là 100% và phân bổ như sau:

a) Cơ quan thu lệ phí được trích 85% phục vụ công tác cấp, quản lý và thu lệ phí Chứng minh nhân dân mới.

b) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trực thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội được trích 15% để phục vụ việc quản trị, vận hành hệ thống các trung tâm dữ liệu Chứng minh nhân dân mới.

Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an quận, huyện trực thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý tính toán số tiền được trích để lại và tỷ lệ trích chuyển quy định tại Thông tư này, lập giấy uỷ nhiệm chi từ tài khoản tạm giữ tiền lệ phí để chuyển tiền cho đơn vị thụ hưởng. Kho bạc nhà nước căn cứ giấy uỷ nhiệm chi chuyển tiền về tài khoản tiền gửi của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trực thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội.

2. Số tiền còn lại 70% cơ quan thu lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành. Việc quản lý, sử dụng số tiền này để thực hiện Dự án “sản xuất, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân” thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 4. Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/11/2012.

2. Những nơi chưa có điều kiện triển khai cấp Chứng minh nhân dân mới thì tiếp tục thực hiện chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí Chứng minh nhân dân theo quy định hiện hành.

3. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng và công khai chế độ thu lệ phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ.

4. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp lệ phí và cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

5. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn bổ sung./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Công báo;
- Website chính phủ;
- Uỷ ban nhân dân, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, (CST5)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà