Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
BỘ GIÁO DỤC
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-TT/LB

Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 1976

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC CON LIỆT SĨ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trong những năm chiến tranh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm thi hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước, các địa phương, các ngành, các đoàn thể, nhiều trường học, nhiều giáo viên đã chăm lo đến việc nuôi dạy các con liệt sĩ. Nhiều cháu đã trưởng thành và lập được thành tích trong chiến đấu, sản xuất và công tác. Nhiều cháu ở lứa tuổi còn nhỏ đã được nuôi dạy ngày một tốt hơn. Số cháu đang đi học và trở thành con ngoan, trò giỏi ngày một nhiều. Tuy nhiên, so với yêu cầu chung thì việc chăm sóc và giáo dục các con liệt sĩ đang còn những hạn chế nhất định.

Ngày nay, đất nước ta đã hoàn toàn giải phóng và thống nhất. Cách mạng đã phát triển sang một giai đoạn mới – giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội – có những thuận lợi mới để chăm lo toán diện cho các con liệt sĩ về phẩm chất, đạo đức, kiến thức văn hoá, khoa học cũng như sức khoẻ, nghề nghiệp.

Chấp hành chỉ thị số 223-CT/TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư trung ương Đảng về công tác thương binh và xã hội sau chiến tranh và Quyết định số 60-CP ngày 5-4-1976 của Hội đồng Chính phủ bổ sung một số điểm về chính sách đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bộ giáo dục và Bộ Thương binh và xã hội hướng dẫn việc chăm sóc và giáo dục các con liệt sĩ trong tình hình mới như sau.

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

Tại Quyết định số 60-CP, Hội đồng Chính phủ đã chỉ rõ: “chăm sóc, giáo dục các con liệt sĩ là vừa để thể hiện đền ơn trả nghĩa những người đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, vừa nhằm bồi dưỡng, đào tạo các con liệt sĩ thành những người con mới xã hội chủ nghĩa, những người lao động có văn hoá, có chuyên môn kỹ thuật giỏi, những cán bộ cá đạo đức và tài năng để xây dựng đất nước”.

“... Trong việc chăm sóc, giáo dục con liệt sĩ, đi đôi với việc giáo dục văn hoá và nghề nghiệp, phải chú trọng giáo dục các cháu về phẩm chất, đạo đức cách mạng để các cháu phát huy được truyền thống vẻ vang của gia đình mình”.

Đây là những phương hướng cũng là những yêu cầu cơ bản cần phải phấn đấu để đạt tới. Phần lớn các con liệt sĩ hiện nay đều còn nhỏ đang ở độ tuổi văn hoá. Cùng với việc nuôi dưỡng các cháu thật chu đáo, việc chăm sóc và giáo dục các cháu cần phấn đấu theo những mục tiêu sau đây:

1. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả các con liệt sĩ đến tuổi đi học đều được đi học và học tập tốt. Kiên quyết không để một cháu nào đến tuổi học mà không được đi học, hoặc đang độ tuổi học mà phải bỏ học. Chú ý đầy đủ đến các con liệt sĩ mồ coi cả cha mẹ, các con liệt sĩ ở miền núi, ở vùng mới giải phóng, các con liệt sĩ tàn tật.

2. Đảm bảo cho các con liệt sĩ học đạt chất lượng tốt; nâng cao dần tỷ lệ con liệt sĩ học giỏi; học khá ; không để một cháu nào học kém; đảm bảo cho các cháu mỗi năm lên một lớp, không phải châm chước về sức học, đạt kết quả cao trong các kỳ thi hết cấp, tạo cơ sở vững vàng cho các cháu vào học tiếp ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề sau này phục vụ tốt trong các ngành khoa học kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân.

3. Bồi dưỡng chu đáo chho các con liệt sĩ về phẩm chất và đạo đức cách mạng; giúp các cháu xác định đúng đắn động cơ và thái độ học tập, đức tính khiêm tốn, giản dị, đoàn kết, chan hoà với tập thể, xây dựng lý tưởng và hoài bão cách mạng, phấn dấu trở thành những con ngoan, trò giỏi, những đội viên, đoàn viên thực sự gương mẫu.

II.MỘT SỐ VIỆC CẦN TIẾN HÀNH

1. Xây dựng tình thương yêu, chan hoà giữa các giáo viên, các học sinh với các con liệt sĩ học tại các trường:

Các trường tổ chức học tập rộng rãi trong các cán bộ, giáo viên và trong học sinh những gương phấn đấu hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các gia đình liệt sĩ. Trên cơ sở đó, phát động trong các giáo viên phong trào đỡ đầu các con liệt sĩ. Mỗi giáo viên nhận chăm sóc một hoặc hai cháu, đi sát tâm tình, dìu dắt các cháu trong học tập, sinh hoạt, tu dưỡng. Phát động trong học sinh phong trào kết bạn với các con liệt sĩ để giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt và lao động làm cho các cháu học sinh và các cháu con liệt sĩ thân yêu nhau như anh em trong một gia đình.

Thường xuyên tổ chức chu đáo việc kèm cặp các con liệt sĩ ở lớp và ở nhà, trong năm học và trong các dịp nghỉ hè ở tất cả các lớp về những môn còn yếu, nhất là ở những lớp cuối cấp II, cấp III.

Chú ý dìu dắt và phát huy vai trò của các con liệt sĩ trong các hoạt động tập thể ở nhà trường, ở địa phương; đưa các cháu làm quen với những công việc tập thể, qua đó bồi dưỡng dần dần năng lực tổ chức cho các cháu dễ dàng đảm nhận một cách chủ động những việc do tập thể và xã hội phân công.

2.Kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các đoàn thể trong việc chăm sóc và giáo dục các con liệt sĩ:

Để việc nuôi dưỡng và giáo dục các con liệt sĩ được toàn diện, ngày càng có chất lượng cao, các trường cử một cán bộ tham gia ban thương binh và xã hội xã, chủ động quan hệ với chính quyền, các đoàn thể và với gia đình các cháu, đặt kế hoạch hợp đồng chặt chẽ và thường xuyên nuôi dạy các cháu:

- Chính quyền có chủ trương, kế hoạch và biện pháp chỉ đạo các ngành, các giới ở địa phương thực hiện công tác này và thực hiện chu đáo các khoản trợ cấp cho các cháu;

- Các trường chăm lo việc dạy dỗ và kèm cặp các cháu;

- Các đoàn thể Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội liện hiệp phụ nữ hỗ trợ chính quyền, nhà trường và gia đình trong việc đi sát, quản lý các cháu trong sinh hoạt, học tập và lao động.

Nếu các con liệt sĩ nào có những biểu hiện không đúng về học tập hoặc về tính tình, tác phong thì các giáo viên tìm hiểu ngay nguyên nhân, kịp thời liên hệ với chính quyền, các đoàn thể và gia đình các cháu có biện pháp giáo dục cụ thể, giúp các cháu phấn đấu vươn lên.

3.Tổ chức chu đáo việc quản lý các con liệt sĩ đang học ở các trường:

Các trường lập cho mỗi cháu một phiếu đăng ký là con liệt sĩ kèm vào học bạ. Phiếu này lập một lần để dùng hết bậc phổ thông, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã hoặc của các phòng thương binh và xã hội, do các giáo viên chủ nhiệm quản lý và bàn giao theo khi các cháu lên lớp, chuyển cấp, chuyển trường; không yêu cầu các cháu hoặc gia đình phải khai báo hàng năm.

Các trường phối hợp với cơ quan y tế tổ chức những đợt khám sức khoẻ cho các con liệt sĩ, phát hiện và điều trị kịp thời các cháu ốm yếu, tạo điều kiện cho các cháu đủ sức học tập đến nơi đến chốn.

Các trường cấp III, ngoài việc dạy văn hoá, cần chủ động giúp các con liệt sĩ xác định phương hướng về ngành nghề và tạo điều kiện cho các cháu phấn đấu theo phương hướng đã xác định. Đối với những con liệt sĩ ở xa trường, nhà trường quan hệ với các đoàn thể ở địa phương tổ chức chu đáo việc ăn ở tại chỗ để các cháu được hoàn toàn yên tâm học tập.

Hàng năm, các trường cùng với Đoàn thanh niên và cơ quan thương binh và xã hội tổ chức các trại hè cho các con liệt sĩ với nội dung giải trí và ôn tập về văn hoá.

4. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ đã quy định đối với các con liệt sĩ đang đi học:

Đối với các con liệt sĩ đang đi học, Nhà nước đã quy định những chế độ cụ thể trong quy chế tuyển sinh, trong việc được mượn đủ sách giáo khoa , được miễn đóng góp các khoản xây dựng trường lớp, được cấp thêm phẩm, học bỗng.... các trường cần phổ biến cụ thể các chế độ này và hàng năm thực hiện chu đáo, kịp thời để động viên các cháu nỗ lực học tập.

Một số con liệt sĩ đã tốt nghiệp cấp II nhưng chưa đủ điều kiện để vào học tiếp cấp III theo quy chế của Bộ giáo dục thì các trường cấp II có thể cho các cháu dự thính lại lớp cuối cấp để chuẩn bị cho các cháu năm sau vào học cấp III. Những con liệt sĩ đã tốt nghiệp cấp III thi vào đại học nhưng chưa đủ điểm thì các Ty, Sở thu xếp cho các cháu được vào học các lớp dự bị đại học.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Chăm sóc và giáo dục các con liệt sĩ - một công tác bồi dưỡng thanh niên, thiếu niên, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt cho sau này- có một nội dung sâu sắc và toàn diện, đòi hỏi các cấp, các ngành, các trường phải phấn đấu bền bỉ, liên tục trong nhiều năm. Cơ quan giáo dục và cơ quan thương binh và xã hội các cấp cần tăng cường mối quan hệ thường xuyên chặt chẽ giữa hai ngành để giúp các Uỷ ban nhân dân chỉ đạo thật chu đáo công tác này.

1. Cần thường xuyên bồi dưỡng và củng cố nhận thức cho đội ngũ cán bộ và giáo viên các trường về vấn đề này, làm cơ sở tốt cho việc chuyển biến thành những hành động thực tế. Động viên toàn ngành sẵn sàng chăm lo cho các con liệt sĩ với tấm lòng thương yêu nhất. Làm tốt việc dạy dỗ con liệt sĩ chính là củng cố và nâng cao chất lượng dạy và học của từng giáo viên, từng lớp, từng trường.

2. Các, Sở, Ty Giáo dục và các Ty, Sở Thương binh và xã hội cần giúp các Uỷ ban nhân dân lập một quy hoạch toàn diện, lâu dài về việc chăm sóc, giáo dục. đào tạo, sử dụng các con liệt sĩ của tỉnh, thành phố theo phương hướng và yêu cầu do Hội đồng Chính phủ đã đề ra từ đó đặt thành kế hoạch phấn đấu hàng năm.

3. Thường xuyên tranh thủ sự cộng tác chặt chẽ của các ngành, các giới, đưa việc chăm sóc, giáo dục các con liệt sĩ thành một phong trào rộng khắp trong địa phương. Đặc việc dạy dỗ các con liệt sĩ thành một tiêu chuẩn thi đua của từng giáo viên, từng lớp, từng trường; phát hiện và bồi dưỡng những điển hình tốt. Hàng năm, tổ chức những hội nghị rút kinh nghiệm , mở rộng phong trào, biểu dương kịp thời, khen thưởng xứng đáng những đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích.

Nhận được thông tư này, đề nghị các Uỷ ban nhân dân chỉ đạo các Ty. Sở giáo dục và các Ty, Sở thương binh và xã hội đặt kế hoạch kịp thời thực hiện, phấn đấu để công tác chăm sóc và giáo dục các con liệt sĩ ở địa phương nhanh chóng đạt được mục đích và các yêu cầu do Hội đồng Chính phủ đã đề ra.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Kiện

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

THỨ TRƯỞNG

Hồ Trúc