Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-TT

Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 1967

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤCCON LIỆT SĨ, CON THƯƠNG BINH, CON QUÂN NHÂN TẠI NGŨ Ở CÁC TRƯỜNG HỌC

Từ trước đến nay, ngành giáo dục đã cùng với các ngành, các đoàn thể nhân dân tham gia thực hiện chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, đặc biệt là đối với con liệt sĩ ở các trường hợp, đạt được một số kết quả tốt.

Trong những năm gần đây, để tham gia cuộc vận động thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ do Bộ Nội vụ phát động, ngành ta đã xây dựng được một số trường học điển hình về chăm sóc giáo dục con liệt sĩ, con thương binh như trường Đồng - tiến, huyện Khoái - châu (Hưng – yên), trường Nhân – nghĩa, huyện Lý – nhân (Nam – hà), trường An – lâm, huyện Nam – sách (Hải – dương) và một số trường khác nữa. Ở các trường này, trước đây có nhiều liệt sĩ học kém, hạnh kiểm chưa tốt, nhưng nhờ cán bộ giảng dạy thấm nhuần được tinh thần chính sách, có nhiệt tình thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ và dạy dỗ dần dần các em sửa được những nết xấu, trở thành những học sinh gương mẫu, tiên tiến đạt được tiêu chuẩn 5 tốt, nhiều em là cháu ngoan Bác Hồ.

Những kết quả trên đây chẳng những góp phần thực hiện tốt chính sách thương binh liệt sĩ mà còn có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua 2 tốt trong ngành giáo dục.

Tuy nhiên, số trường chăm sóc và dạy dỗ tốt các con liệt sĩ, con thương binh chưa nhiều. Qua nắm tình hình các trường hiện nay thì thấy: nhiều con liệt sĩ học kém, số đông nằm trong diện trung bình và yếu, số giỏi và khá còn ít. Có một số em học quá kém, phải học lại lớp nhiều lần. Có một số em đang tuổi học vì gia đình gặp khó khăn phải thôi học. Còn một số em hạnh kiểm chưa tốt.

Sở dĩ có tình hình trên đây là do trước đây việc chăm sóc và giáo dục con liệt sĩ, con thương binh chưa được quan tâm đúng mức. Ngày 17-5-1965, Hội đồng Chính phủ đã ban hành thông tư số 51-TTg/NC, trong đó nêu rõ thái độ và phương hướng giải quyết về một số chính sách cụ thể đối với thương binh và gia đình liệt sĩ như sau : “Trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, thương binh và liệt sĩ là những người đã hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Nhân dân ta, Nhà nước ta có trách nhiệm tạo cho thương binh và gia đình liệt sĩ có một đời sống tốt, làm cho thương binh và gia đình liệt sĩ luôn luôn được yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần”. Cũng trong thông tư nói trên, trong mục Một số chế độ ưu đãi đối với thương bình, gia đình liệt sĩ và gia đình thương binh tàn phế, Hội đồng Chính phủ đã quy định “… Đặc biệt đối với các con liệt sĩ, các Ủy ban hành chính địa phương có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, để các cháu được ăn học chu đáo…”, “Để thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, Bộ Nội vụ, các ngành có liên quan, các đoàn thể nhân dân phải quan tâm đầy đủ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ”.

Để đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, và nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Bộ hướng dẫn cụ thể thêm một số chế độ nhằm thực hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với con liệt sĩ, con thương binh đang học ở các trường và hướng dẫn nội dung giáo dục và chăm sóc con liệt sĩ, thương binh, con quân nhân tại ngũ ở các trường học.

I. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ THÊM MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH

A. Chế độ học phí, học phẩm, học bổng.

1. Các con liệt sĩ, quân nhân từ trần, quân nhân mất tích đang học ở các lớp mẫu giáo, vỡ lòng, học ở các trường phổ thông cấp I, II, III đều được miễn học phí (theo chế độ hiện hành).

Các em thuộc các gia đình nói trên đang học cấp II còn được cấp học phẩm và sách giáo khoa. Các em học cấp III còn được cấp thêm học bổng bằng tiền theo mức toàn phần (theo chế độ hiện hành).

2. Các con thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật tàn phế thuộc hạng đặc biệt, hạng 1 (cũ) và con thương binh, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước bị thương vì chiến đấu, tàn phế thuộc hạng 8, 7, 6 (mới) đang được học ở các lớp mẫu giáo, vỡ lòng, học ở các trường phổ thông cấp I, II, III đều được ưu tiên xét miễn hoặc giảm học phí.

Các em thuộc các loại gia đình nói trên đang học cấp II còn được ưu tiên xét cấp học phẩm và sách giáo khoa, và các em học cấp III còn được ưu tiên xét cấp học bổng theo mức toàn phần.

3. Các con thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật (cũ) hạng 2, 3, 4, 5; thương binh, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước bị thương vì chiến đấu (mới) hạng 5, 4, 3, 2, 1 đang học ở các lớp mẫu giáo, vỡ lòng, học ở các trường phổ thông cấp I, II, III nếu hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn về đời sống thì hoặc được ưu tiên xét giảm học phí; hoặc ưu tiên xét cấp học phẩm, sách giáo khoa đối với các em học cấp II; hoặc ưu tiên xét cấp học bổng cho các em học cấp III, tùy theo từng trường hợp cụ thể.

4. Các chế độ đã quy định trên đây do ngân sách của sở, ty giáo dục đài thọ. Nến ngân sách này không đủ, sẽ trích trong khoản trợ cấp khó khăn cho gia đình liệt sĩ (theo nghị định số 14-CP ngày 3-2-1962 của Hội đồng Chính phủ) và khoản trợ cấp khó khăn cho thương binh (theo thông tư số 51-TTg/NC ngày 19-5-1965 của Thủ tướng Chính phủ) để hỗ trợ thêm trong những trường hợp đặc biệt sau đây.

a) Về học phí : Ở các lớp mẫu giáo, vỡ lòng và cấp 1 phổ thông, nếu có đông con em thuộc các loại gia đình nói trên, được miễn học phí mà có ảnh hưởng nhiều đến thu nhập hàng tháng của giáo viên, thì kể từ em thứ 5 trở lên, số tiền học phí sẽ trích trong 2 khoản trợ cấp khó khăn cho thương binh, gia đình liệt sĩ nói trên để giải quyết.

b) Về học phẩm, học bổng: Ở các trường phổ thông cấp II, cấp III nếu có đông các em thuộc các loại gia đình nói trên, được cấp học phẩm, học bổng mà quỹ học phẩm, học bổng không còn đủ để cấp theo như quy định hiện hành thì sau khi được Ủy ban hành chính huyện xét, sẽ trích trong 2 khoản trợ cấp khó khăn cho thương binh, gia đình liệt sĩ nói trên để cấp thêm học phẩm, học bổng cho số em còn thiếu.

Thủ tục xét cấp như sau : hàng năm, trước khi khai giảng, các sở, ty cần có kế hoạch hướng dẫn cho các phòng giáo dục huyện để hướng dẫn các lớp mẫu giáo, vỡ lòng, các trường phổ thông cấp I, II, III thống kê các con liệt sĩ, con thương binh, v.v… phân loại cụ thể và tổng hợp số tiền cần sử dụng đến 2 khoản trợ cấp trên đây theo 2 mẫu kê khai (đính kèm theo thông tư này) ([1])

Để đảm bảo việc cấp phát được chính xác, và khỏi nhầm lẫn các đối tượng, Hội đồng nhà trường cần liên hệ chặt chẽ với ban, tổ thương binh phục viên ở xã, hợp tác xã để kê khai. Các bản kê khai đều phải thông qua Ủy ban hành chính xã trước khi báo cáo lên huyện. Phòng giáo dục huyện sẽ liên hệ với phòng tổ chức dân chính huyện để xét lập bản thống kê chung trước khi báo cáo lên Ủy ban hành chính huyện, Ủy ban hành chính huyện sẽ xét duyệt và báo cáo lên Ủy ban hành chính để ra quyết định trợ cấp theo từng năm học. Các sở, ty cần phối hợp với các ban tổ chức dân chính để quản lý số tiền này và có kế hoạch phân phối cho các huyện, xã trong cả năm học.

B. Chế độ đóng góp xây dựng trường, sở, xây dựng hầm hố phòng không.

Con của các liệt sĩ, quân nhân từ trần, quân nhân mất tích đang học ở các trường mẫu giáo, vỡ lòng, các trường phổ thông cấp I, II, III thì gia đình được miễn các khoản đóng góp để xây dựng trường sở, xây dựng hầm hố phòng không ở nhà trường.

II. NỘI DUNG GIÁO DỤC VÀ CHĂM SÓC CON LIỆT SĨ, CON THƯƠNG BINH

1. Về mặt nhận thức

Cần tổ chức cho cán bộ lãnh đạo nhà trường và các giáo viên học tập, quán triệt chính sách thương binh, liệt sĩ (có thể tham gia học tập với địa phương trong cuộc vận động thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ hoặc có thể tổ chức học tập riêng) để nâng cao sự hiểu biết về chính sách, qua đó mà tăng thêm nhiệt tình tham gia thực hiện chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ ở địa phương nói chung và đối với con liệt sĩ, con thương binh đang học ở các trường nói riêng, coi đây là một nhiệm vụ mà ngành giáo dục phải cùng với các ngành, các giới có trách nhiệm cùng làm và phải làm một cách thường xuyên.

Đối với con liệt sĩ, con thương binh, chúng ta phải nhận thức rằng các em có thù sâu đối với đế quốc và phong kiến, các em yêu tha thiết chế độ mà cha, mẹ các em đã hy sinh tính mạng hoặc hy sinh xương máu để giành lấy. Vì vậy, chăm sóc, giáo dục tốt các con liệt sĩ, con thương binh chẳng những thể hiện lòng biết ơn của cán bộ, giáo viên nhà trường đối với liệt sĩ, thương binh mà còn nhằm đào tạo các em trở thành những người lao động tốt, người công dân tốt để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có nhận thức được vấn đề này thì mới thấy được hết trách nhiệm của mình và mới có nhiệt tình chăm sóc con liệt sĩ, con thương binh về mọi mặt.

2. Về nội dung và biện pháp quản lý học tập.

Phải nắm chắc tình hình đời sống, tình hình học tập của từng con liệt sĩ, con thương binh học tại trường để có kế hoạch giúp đỡ một cách cụ thể.

Phải phân công giáo viên phụ đạo, kèm cặp, đặc biệt đối với những em học kém và hạnh kiểm chưa tốt, nhằm tạo điều kiện cho các em ngày càng tiến bộ.

Đối với các em còn tuổi đi học, vì hoàn cảnh nào đó mà thôi học, thì kịp thời tìm hiểu nguyên nhân, cùng địa phương có biện pháp giải quyết tích cực và vận động các em học trở lại.

Đối với các em lớn tuổi đang học cấp II, III cần châm chước tuổi, giúp đỡ các em học đến nơi, đến chốn và thi hết cấp, nhất là các em gái.

Đối với các em gặp khó khăn về đời sống, có ảnh hưởng đến học tập, thì phát hiện kịp thời với địa phương và cùng với địa phương tìm biện pháp giúp đỡ các em giải quyết khó khăn, yên tâm học tập.

Tổ chức các con liệt sĩ, con thương binh (và con quân nhân tại ngũ) thành một tổ trong từng lớp (nếu số lượng các em có nhiều). Tổ này do đoàn, đội phụ trách, dưới sự hướng dẫn giúp đỡ tích cực của giáo viên. Trường học tạo điều kiện cho các em sinh hoạt đều đặn để các em sẽ động viên giúp đỡ nhau tiến bộ về mọi mặt, phát huy được truyền thống cách mạng của cha, mẹ các em để làm nòng cốt thúc đẩy mọi công tác của nhà trường và của địa phương đề ra.

Vào dịp các ngày lễ lớn như kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, ngày thành lập Quân đội 22-12, v.v… nhà trường tổ chức họp mặt toàn thể các em con thương binh, con liệt sĩ (và con quân nhân tại ngũ) đang học tại trường để động viên khuyến khích các em học tập tốt, công tác tốt, luôn luôn khiêm tốn để xứng đáng với truyền thống cách mạng cao quý của cha, mẹ các em.

Làm thế nào với nhiệt tình thương yêu chăm sóc của thày giáo, các con liệt sĩ, con thương binh sẽ chóng tiến bộ, học giỏi, không có em nào học kém, phải học lại lớp, hạnh kiểm chưa tốt. Hướng phấn đấu là các trường phải dạy dỗ các em tốt, bảo đảm các em mỗi năm lên một lớp, với chất lượng tốt, thi chuyển cấp bảo đảm tỷ lệ 100% mà không phải châm chước về sức học.

Đi đôi với việc chăm sóc và giáo dục tốt con liệt sĩ, con thương binh chúng ta cũng cần quan tâm hơn đối với con quân nhân tại ngũ và tạo điều kiện thuận lợi để các em học tập ngày càng tiến bộ, góp phần tích cực động viên cha của các em yên tâm làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh, chịu đựng gian khổ, chiến thắng bọn xâm lược Mỹ ngoài tiền tuyến. Ngày 15-11-1965, Hội đồng Chính phủ đã ban hành thông tư số 227-CP về chính sách đối với gia đình quân nhân, trong phần chính sách chung có nêu rõ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, quân nhân là những người xung phong ra tiền tuyến, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Nhân dân ta, Nhà nước có trách nhiệm giúp đỡ gia đình những quân nhân về mặt vật chất và tinh thần, tạo điều kiện để người quân nhân được yên tâm làm tròn nhiệm vụ. Phải làm cho các cơ quan Nhà nước, cán bộ và nhân dân thấy hết tinh thần đó, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với gia đình quân nhân…” Vì vậy. để thể hiện sự quan tâm của ngành giáo dục đối với các gia đình quân nhân tại ngũ, Bộ quy định một số chế độ ưu đãi và nội dung chăm sóc, giáo dục các con quân nhân tại ngũ như sau :

1. Các con quân nhân tại ngũ đang học ở các lớp mẫu giáo, vỡ lòng, các trường phổ thông cấp I, II, III nếu hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn về đời sống, thì hoặc được ưu tiên xét giảm học phí, hoặc ưu tiên xét cấp học phẩm và sách giáo khoa đối với các em học cấp II, hoặc ưu tiên xét cấp học bổng cho các em học cấp III tùy theo trường hợp cụ thể (như quy định ở điểm 3 của mục A trong thông tư này).

2. Việc chăm sóc và giáo dục các con quân nhân tại ngũ trong các trường học cũng được tiến hành như đối với con liệt sĩ, con thương binh đã hướng dẫn ở trên.

Ngoài việc chăm sóc, giáo dục con liệt sĩ, con thương binh, con quân nhân tại ngũ, các trường học cần sưu tầm các gương hy sinh oanh liệt của các liệt sĩ ở địa phương và thành tích chiến đấu dũng cảm của các đồng chí thương binh để tổ chức học tập, phát huy truyền thống cách mạng trong các con liệt sĩ, con thương binh nói riêng và trong các em học sinh nói chung. Nhà trường phối hợp chặt chẽ với đoàn thể thanh niên, phụ nữ, Mặt trận để săn sóc và bổ túc văn hóa cho con liệt sĩ không còn có điều kiện đi học ở các trường phổ thông; tổ chức thăm hỏi, động viên và giúp đỡ thiết thực các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân tại ngũ mà đời sống gặp nhiều khó khăn; tham gia trồng cây, sửa sang các nghĩa trang liệt sĩ, v.v….

Tóm lại, trường học phải biết lấy việc chăm sóc, giáo dục con liệt sĩ, con thương binh, con quân nhân tại ngũ và tham gia việc chấp hành chính sách thương binh, liệt sĩ ở địa phương mà giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, chí căm thù đế quốc Mỹ trong hàng ngũ giáo viên và các em học sinh; nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “2 tốt” trong các trường học.

Để thực hiện tốt thông tư này, các sở, ty cần xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban hành chính địa phương và tích cực phối hợp với ban tổ chức dân chính, các ngành, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, Mặt trận để có hướng dẫn cụ thể cho các trường học tích cực tham gia thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ.

Trong quá trình thực hiện, Bộ yêu cầu Ủy ban hành chính các cấp, các sở, ty báo cáo thường xuyên về Bộ kết quả công tác và những kinh nghiệp tốt để Bộ kịp thời phổ biến cho các nơi khác học tập và cùng tham gia.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

([1]) Mẫu kê khai không in vào công báo