BỘ THUỶ LỢI | VIỆT |
Số: 16-TT/TL | Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 1959 |
HƯỚNG DẪN VIỆC MUA SẮM, SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN CÁC KHOẢN TRANG BỊ BẢO HỘ LAO ĐỘNG
Để ngăn ngừa những hiện tượng nguy hiểm có thể gây ra tai nạn lao động và để giảm bớt những ảnh hưởng tai hại do điều kiện vật lý hoặc do phải tiếp xúc với các loại hơi độc, chất độc, bụi bậm dơ bẩn, có hại đến sức khỏe trong khi làm việc, thì một mặt phải thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức về an toàn kỹ thuật, vệ sinh công nghiệp và vệ sinh thường thức cho cán bộ, công nhân; nhưng mặt khác mà cũng là một biện pháp cần thiết phải cung cấp các khoản trang bị cần thiết để cán bộ, công nhân dùng trong khi làm việc.
Bộ đã ban hành Nghị định số 169-NĐ/TL ngày 21-4-1959 và Nghị định số 187-NĐ/TL ngày 4-5-1959 quy định thống nhất chế độ trang bị bảo hộ lao động cho một số nghề cần thiết trong ngành Thủy lợi, nhưng nếu không có trách nhiệm đầy đủ trong việc mua sắm, sử dụng và bảo quản trang bị thì sẽ tốn nhiều tiền của nhân dân mà tác dụng bảo hộ lao động vẫn bị hạn chế hoặc có khi ngược lại còn gây trở ngại trong khi làm việc.
Bộ hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:
1. Cần thống nhất những nhận thức cơ bản về trang bị bảo hộ lao động.
Trang bị bảo hộ lao động là một trong những biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của cán bộ, công nhân trong khi làm việc. Nhưng trang bị bảo hộ lao động không phải là một điều kiện tất yếu có thể tiêu trừ mọi nguy cơ tai nạn lao động và bệnh tật trong khi làm việc.
Mỗi nghề có một đặc tính riêng của nó. Nắm được quy luật của nghề nghiệp, phát hiện được những nhân tố có hại trong nghề nghiệp để xây dựng những biện pháp kỹ thuật, phương sách vệ sinh và những cơ sở thiết bị đảm bảo nhất thì nhất định mới có đủ khả năng ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh tật. Trang bị bảo hộ lao động sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong những trường hợp thật cần thiết mà các biện pháp kỹ thuật, các phương sách vệ sinh và các cơ sở thiết bị còn chưa đủ đảm bảo an toàn.
Vì vậy, không nên quá thiên về mặt trang bị mà coi nhẹ việc nâng cao nhận thức tư tưởng và những biện pháp kỹ thuật, thiết bị… thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện công tác của mỗi người trong mỗi nghề. Và lại càng không nên cứ ỷ lại mong chờ cấp trên cấp phát trang bị, vì trong hoàn cảnh nước ta chưa thể trang bị đầy đủ cho mọi ngành, mọi nghề một cách hoàn thiện với những hình thức quy mô, mà mỗi người phải phát huy sáng kiến, sử dụng những phương tiện thô sơ nhất, ít tốn tiền, để tự giải quyết những thứ bản thân chúng ta có thể tự giải quyết được, miễn làm sao đạt được yêu cầu bảo đảm vệ sinh công nghiệp và giảm bớt được nguy cơ tai nạn lao động. Nhà nước cũng hết sức cố gắng để mua sắm những thứ trang bị thật cần thiết, cấu tạo phức tạp, tốn nhiều tiền hoặc không thể sử dụng các phương tiện thô sơ mà làm nên được.
2. Nguyên tắc về việc mua sắm, sử dụng vào bảo quản trang bị:
Trang bị bảo hộ lao động rất cần thiết, nhưng nếu không có trách nhiệm đầy đủ trong việc mua sắm, sử dụng đúng và bảo quản, thì nhiều khi tốn nhiều tiền nhưng tác dụng sẽ bị hạn chế hoặc có khi ngược lại còn gây trở ngại cho cán bộ, công nhân trong khi làm việc. Vì vậy Bộ nêu lên một số điểm gợi ý giúp các cơ quan, đơn vị nghiên cứu áp dụng như sau:
a) Việc mua sắm trang bị:
Trước khi mua sắm trang bị, các cơ quan, đơn vị cần dựa vào tổ chức Công đoàn, động viên tính tích cực sáng tạo và nhiệt tình xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức để bàn bạc kỹ kế hoạch mua sắm trang bị, xác định rõ loại trang bị nào cơ quan, đơn vị phải xuất tiền mua, loại trang bị nào anh chị em có thể tự làm được, chỉ cần cơ quan, đơn vị giúp đỡ một phần về nguyên liệu hoặc một ít phương tiện cần thiết (kể cả tiền) và loại nào anh chị em có khả năng hoàn toàn tự giải quyết lấy. Những trang bị mà cơ quan, đơn vị phải xuất tiền mua thì cũng phải kết hợp với Công đoàn, cân nhắc kỹ loại trang bị nào cần thiết cấp phát cho đơn vị, cho tổ, toán, đội công tác, loại nào cần trang bị cho từng cá nhân, nắm vững nhu cầu từng loại, cần bao nhiêu, mua bấy nhiêu, không cần mua sắm thừa để hư hỏng.
Nghị định số 187-NĐ/TL ngày 4-5-1959 của Bộ đã quy định các loại trang bị đối với từng loại công việc, nhưng khi mua sắm trang bị, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu nắm vững tính chất của công việc, yêu cầu bảo vệ như thế nào, để khi mua về có thể dùng được, vừa đảm bảo yêu cầu bảo vệ lao động, vừa gọn gàng thích hợp với động tác làm việc của người sử dụng. Những nhân viên mua sắm trang bị bảo hộ lao động phải thông thạo mặt hàng, nắm vững quy cách của các loại trang bị. Đối với những loại trang bị chưa có quy cách nhất định, thì trước khi mua sắm phải lấy ý kiến anh chị em công nhân, trước hết là những người sẽ sử dụng loại trang bị ấy, để anh chị em bàn bạc phác họa hình thức trang bị phải như thế nào cho thích hợp, tuyệt đối không nên tự ý mua sắm, nếu công nhân không dùng được sẽ gây lãng phí. Về phẩm chất các loại trang bị cũng cần chọn lọc kỹ, có những loại trang bị tuy hình thức thì giống nhau, nhưng do tính chất nghề nghiệp, nên phẩm chất trang bị có thể khác nhau. Ví dụ: những công việc thường phải tiếp xúc với các loại hoá chất, điện khí thì trang bị găng tay bằng cao su nhưng những công việc bốc đá hộc, xây đá, bỏ kè v.v… thì phải sử dụng găng tay bằng bố mềm vừa bền mà vừa thuận tiện cho công việc.
Vì vậy, trang bị bảo hộ lao động phải hợp quy cách đồng thời bảo đảm phẩm chất, thích hợp với tính chất và đặc điểm của từng nghề.
b) Việc sử dụng trang bị:
Nghị định số 187-NĐ/TL của Bộ ngày 4-5-1959 đã quy định các loại trang bị và thời gian sử dụng từng loại. Thời gian sử dụng như vậy, chỉ nên coi là tiêu chuẩn dự toán và để lãnh đạo việc sử dụng bảo quản các thứ đã được trang bị cho tốt. Có thể những trường hợp trang bị dùng vào việc này thì bền nhưng dùng vào việc khác thì chóng hỏng, chóng mục, vì vậy, các cơ quan, đơn vị không nên lệ thuộc vào thời gian quy định mà không cấp phát đủ cho công nhân dùng.
Trước khi cắt đặt công nhân làm những công việc có tính chất nguy hiểm, hại sức khoẻ thuộc loại được trang bị bảo hộ lao động, cơ quan đơn vị phải kiểm tra lại tình hình trang bị nếu trang bị thiếu hay hư hỏng phải kịp thời bổ sung, sửa chữa. Các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kiểm điểm việc cấp phát sử dụng trang bị bảo hộ lao động, ngăn ngừa hiện tượng chủ quan, ngại khó không triệt để sử dụng trang bị, làm cho việc sử dụng trang bị bảo hộ lao động trở thành thói quen trong khi làm việc.
Những người điều khiển sản xuất, nếu vì thiếu trách nhiệm, không chăm lo đầy đủ đến vấn đề trang bị, để xảy ra tai nạn hoặc để ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ của công nhân, cán bộ, tuỳ theo lỗi nặng hay nhẹ sẽ được xử lý thích đáng. Đối với công nhân, cán bộ cũng vậy, nếu làm những công việc đã có trang bị mà không triệt để sử dụng, tuỳ theo tính chất khuyết điểm mà có biện pháp kỷ luật để giáo dục.
Những trường hợp vì thiếu trách nhiệm, để hư hỏng, mất mát trang bị đã được cấp phát, thì trước hết đơn vị cũng phải mua sắm lại để anh chị em có dùng nhưng đứng về mặt pháp lý thì tuỳ trường hợp cụ thể, người làm hư hỏng mất mát trang bị phải đền bằng tiền hoặc bằng hiện vật. Những trường hợp nói trên phải được cơ quan Công đoàn đồng cấp thống nhất ý kiến trước khi chính quyền quyết định.
Đối với những người thuê mướn làm việc tạm thời và đối với dân công phục vụ, nếu cơ quan, đơn vị sử dụng làm những công việc nguy hiểm có hại nhiều đến sức khỏe, thì cơ quan, đơn vị có thể cho mượn những trang bị cần thiết để dùng trong khi làm việc và hướng dẫn cho anh chị em cách sử dụng. Những loại trang bị thường thức (khẩu trang, yếm che…) thì hướng dẫn cho anh chị em tự mua sắm để dùng.
c) Việc bảo quản trang bị:
Trang bị cấp phát cho cá nhân hay đơn vị đều là tài sản của Nhà nước. Nếu cấp phát cho cá nhân thì cá nhân có trách nhiệm giữ gìn, giặt rũ, khâu vá. Nếu cấp phát cho đơn vị thì đơn vị phải cắt cử người bảo quản.
Các cơ quan, đơn vị cần có sổ sách kiểm kê, theo dõi các loại trang bị đã mua sắm cấp phát. Cá nhân hay đơn vị được cấp phát phải làm biên nhận trang bị. Cơ quan cấp phát phải giữ biên lai kèm với sổ kiểm kê. Những trang bị đã có sẵn cũng phải tiến hành kiểm kê lại và tiến hành điều chỉnh trang bị để sử dụng thích hợp. Các cơ quan chủ quản phải thường xuyên nắm vững nhu cầu trang bị của từng đơn vị, cần cái gì cấp phát cái ấy, cần bao nhiêu cấp phát bấy nhiêu và có trách nhiệm điều hoà phân phối trang bị để tránh tình trạng nơi này không cần dùng để ở kho mà nơi khác đang cần lại phải mua sắm thêm tốn tiền. Thứ nào không thể điều hoà được thì mới phải mua sắm thêm.
Khi cá nhân cần thay đổi các thứ trang bị hư hỏng, mất phẩm chất không dùng được nữa thì phải lấy hiện vật đội hiện vật. Nếu đơn vị xin thay đổi trang bị thì phải được Hành chính và Công đoàn đồng cấp cùng thoả thuận. Những trường hợp để mất hoặc hư hỏng đồ dùng đã được cấp phát, người sử dụng phải kịp thời báo cáo cho đơn vị biết.
Đối với các công trường, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phải nộp lại cho cơ quan chủ quản các thứ trang bị đã được cấp phát, kèm theo biên bản ghi rõ những thứ đã nhận, những thứ hiện còn và phẩm chất của mỗi loại, để các cơ quan chủ quản phân phối cho các công trường khác. Nơi nào nộp không đủ không có lý do chính đáng thì phải bồi hoàn.
Trên đây, Bộ chỉ hướng dẫn một số nguyên tắc, các cơ quan, đơn vị tùy theo thực tế của cơ quan, đơn vị mình mà đặt kế hoạch vận dụng cho thích hợp, cốt làm thế nào tránh khỏi lãng phí sức người, sức của đồng thời bảo đảm được tính mệnh và sức khoẻ của công nhân và cán bộ trong khi làm việc.
Hiện nay vì khả năng có hạn, việc nghiên cứu cũng chưa quán triệt hết mọi ngành, mọi nghề, vì vậy những cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng công nhân, cần chú ý nhiều đến công tác bảo hộ lao động, tích cực phát huy tác dụng của các chính sách sẵn có, đồng thời góp phần xây dựng các chính sách mới bổ sung dần dần để công tác bảo hộ lao động ngày càng được hoàn thiện hơn. Từ nay các cơ quan, đơn vị không nên tự ý mua sắm các thứ trang bị cho những công việc chưa có quy định chính thức của Bộ. Nếu có những công việc cần thiết phải có trang bị mà chưa có quy định thì cơ quan đơn vị đề nghị kịp thời và chờ văn bản chính thức của Bộ mới thực hiện.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ LỢI |
- 1 Nghị định 187-NĐ/TL năm 1959 quy định chế độ trang bị bảo hộ lao động đối với cán bộ, công nhân, viên chức làm những công việc đặc biệt nguy hiểm và có hại nhiều đến sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Thuỷ Lợi ban hành.
- 2 Nghị định 169-NĐ/TL năm 1959 quy định các khoản trang bị cho cán bộ, công nhân, viên chức làm việc ở các đoàn, đội khảo sát địa hình, địa chất trong khi công tác do Bộ trưởng Bộ Thuỷ Lợi ban hành.
- 3 Thông tư 3871-CN năm 1958 về việc tăng cường công tác bảo hộ lao động do Phủ Thủ tướng ban hành
- 4 Thông tư 18-LĐTT năm 1958 về việc trang bị bảo hộ lao động do Bộ Lao Động ban hành.