Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2013/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 2013

THÔNG TƯ

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KIỂM ĐỊNH VIÊN KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009; Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;

Căn cứ Biên bản ngày 15 tháng 3 năm 2013 của Hội đồng thẩm định Chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 6 năm 2013.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc các Đại học Quốc gia, Đại học vùng; Giám đốc các học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; Giám đốc các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- UBVHGDTNTN-NĐ của Quốc hội;
- Hội đồng Quốc gia giáo dục;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan trực thuộc CP;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cục KTrVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục KTKĐCLGD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Ga

CHƯƠNG TRÌNH

ĐÀO TẠO KIỂM ĐỊNH VIÊN KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 18 /2013/TT-BGDĐT ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. MỤC TIÊU

1.Mục tiêu chung

Chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp nhằm trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và thái độ để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của người làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kiến thức

Ng­ười học được trang bị:

- Những kiến thức cơ bản về đảm bảo chất lượng (ĐBCL) và kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục;

- Những hiểu biết về tổ chức và hoạt động ĐBCL và KĐCL GDĐH và TCCN của Việt Nam, của các tổ chức quốc tế và khu vực;

- Những hiểu biết về hệ thống tiêu chuẩn và quy trình đánh giá chất lượng GDĐH và TCCN của Việt Nam;

- Các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam liên quan đến ĐBCL và KĐCL GDĐH và TCCN.

b) Về kỹ năng

Người học được cung cấp:

- Kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo và các tư liệu liên quan;

- Kỹ năng phỏng vấn, quan sát, thu thập và xử lý thông tin trong quá trình đánh giá ngoài;

- Kỹ năng làm việc độc lập, tư duy phản biện;

- Kỹ năng xây dựng và triển khai kế hoạch đánh giá ngoài;

- Kỹ năng làm việc nhóm và lãnh đạo nhóm; tổ chức, điều hành, phối hợp các hoạt động đánh giá ngoài;

- Kỹ năng phân tích, đánh giá, so sánh đối chiếu các mặt hoạt động của cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục; viết báo cáo đánh giá ngoài theo các tiêu chí được phân công và hoàn thiện toàn bộ báo cáo đánh giá ngoài.

c) Về thái độ

Giúp người học có điều kiện để phát triển đạo đức, tinh thần trách nhiệm, tác phong nghề nghiệp của người làm công tác kiểm định chất lượng GDĐH và TCCN.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO

Đối tượng tham gia học tại các khóa đào tạo kiểm định viên KĐCL GDĐH và TCCN là những người có nguyện vọng trở thành kiểm định viên KĐCL giáo dục; đồng thời, đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 6 và khoản 7 Điều 4 Thông tư số 60/2012/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về kiểm định viên KĐCL giáo dục. Cụ thể như sau:

1. Có bằng thạc sĩ trở lên;

2. Là giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục hoặc đã từng là giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, có thời gian giảng dạy hoặc làm công tác quản lý GDĐH và TCCN từ 10 năm trở lên;

3. Có chứng chỉ Tin học trình độ B trở lên;

4. Có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu về ngoại ngữ.

III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Đơn vị đo khối lượng kiến thức

Chương trình đào tạo áp dụng theo tín chỉ. Đơn vị được sử dụng để đo khối lượng học tập là tiết và tín chỉ. Mỗi tiết được quy định bằng 50 phút học lý thuyết hoặc tương đương. Mỗi tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; hoặc 30 - 45 tiết thực hành, tự nghiên cứu, thảo luận; hoặc 45 - 60 giờ làm bài tập.

2. Khối lượng kiến thức tối thiểu

Tổng khối lượng kiến thức tối thiểu gồm 6 tín chỉ, trong đó:

- Kiến thức chung về ĐBCL và KĐCL giáo dục: 2 tín chỉ;

- Kiểm định chất lượng GDĐH và TCCN: 3 tín chỉ;

- Bài thực hành cuối khóa: 1 tín chỉ.

3. Nội dung khối kiến thức tối thiểu

STT

Chủ đề

Số tín chỉ

Số tiết

Lý thuyết

Thảo luận, thực hành, tự học, tự nghiên cứu

Mô-đun A: Kiến thức chung về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục

2

15

30-45

I

Tổng quan về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục

12

24-36

1

Các khái niệm về chất lượng giáo dục và các mô hình quản lý chất lượng

3

6-9

2

Hệ thống ĐBCL và KĐCL giáo dục trên thế giới

2

6-9

3

Mô hình và các thành tố của hệ thống ĐBCL giáo dục

2

2-3

4

ĐBCL bên trong và tự đánh giá

2

2-3

5

ĐBCL bên ngoài và đánh giá đồng cấp

3

8-12

II

Hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam

3

6-9

1

Chủ trương, chính sách, hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục của Việt Nam và định hướng phát triển

1

2-3

2

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về ĐBCL và KĐCL giáo dục

1

2-3

3

Kết quả xây dựng và phát triển hệ thống ĐBCL và KĐCL giáo dục của Việt Nam

1

2-3

Mô-đun B: Kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp

3

16

58-87

III

Quy trình, chu kỳ, tiêu chuẩn đánh giá và hướng dẫn thực hiện

8

14-21

1

Quy trình, chu kỳ KĐCL GDĐH và TCCN

1

2-3

2

Các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH và TCCN

2

4-6

3

Hướng dẫn sử dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH và TCCN

3

4-6

4

Hướng dẫn tự đánh giá

1

2-3

5

Hướng dẫn đánh giá ngoài

1

2-3

IV

Các phương pháp khảo sát, phân tích, đánh giá và viết báo cáo đánh giá ngoài

8

44-66

1

Các kỹ năng cần có để tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá và viết báo cáo đánh giá ngoài

3

12-18

2

Bài tập 1: Phân tích báo cáo tự đánh giá

2

10-15

3

Bài tập 2: Lập kế hoạch đánh giá ngoài

1

6-9

4

Bài tập 3: Đóng vai đoàn đánh giá ngoài tiến hành khảo sát cơ sở giáo dục/ chương trình đào tạo, viết báo cáo đánh giá ngoài

2

16-24

Mô-đun C: Bài thực hành cuối khóa

1

0

45-60

Cộng

6

31

133-192

IV. MÔ TẢ NỘI DUNG CÁC MÔ-ĐUN

MÔ-ĐUN A: KIẾN THỨC CHUNG VỀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

I. Tổng quan về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục

1. Các khái niệm về chất lượng giáo dục và các mô hình quản lý chất lượng (6 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học nắm được những khái niệm cơ bản về chất lượng giáo dục, các mô hình quản lý chất lượng giáo dục; có khả năng phân loại, giải thích, phân biệt sự khác nhau giữa các mô hình quản lý chất lượng giáo dục và biết vận dụng những hiểu biết của mình vào quá trình tham gia hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Bối cảnh về GDĐH và TCCN (giáo dục sau phổ thông trung học);

- Các quan niệm về chất lượng giáo dục;

- Yêu cầu về quản lý chất lượng giáo dục;

- Các mô hình quản lý chất lượng: kiểm soát chất lượng, ĐBCL và quản lý chất lượng tổng thể;

- ĐBCL bên trong, bên ngoài; mối liên hệ và những thách thức; các dạng thức ĐBCL bên ngoài (đánh giá chất lượng, kiểm toán chất lượng và KĐCL giáo dục);

- Vai trò của các bên liên quan trong việc triển khai các hoạt động ĐBCL giáo dục (nhà nước, nhà trường, người học, nhà sử dụng lao động, ...).

2. Hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục trên thế giới (5 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học nắm được những nội dung cơ bản về hệ thống ĐBCL và KĐCL giáo dục, các xu hướng phát triển về ĐBCL và KĐCL giáo dục trên thế giới theo các vùng địa lý hoặc theo các tổ chức, mạng lưới ĐBCL khu vực, quốc tế đã thành lập; có khả năng vận dụng những kiến thức đó trong quá trình tham gia các hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Các mạng lưới tổ chức ĐBCL và KĐCL giáo dục quốc tế, khu vực:

+ Mạng lưới quốc tế các tổ chức ĐBCL giáo dục đại học (International Network for Quality Assurance Agencies in Higher Education –INQAAHE);

+ Mạng lưới chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Quality Network -APQN);

+ Mạng lưới các trường đại học ASEAN (ASEAN University Network (AUN);

+ Mạng lưới các tổ chức ĐBCL của các nước ASEAN (AQAN);

+ Các tổ chức ĐBCL giáo dục khác.

- Hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục của một số nước, khu vực trên thế giới:

+ ĐBCL và KĐCL giáo dục của Hoa Kỳ và Bắc Mỹ: Sơ lược về quá trình phát triển các hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục tại Hoa Kỳ; Hệ thống các tổ chức KĐCL trường và chương trình đào tạo của Hoa Kỳ; KĐCL chương trình đào tạo của tổ chức ABET, AACSB, TEAC,…

+ ĐBCL và KĐCL giáo dục của Châu Âu: Quá trình phát triển các hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục tại Châu Âu; Hiệp định Bologna và những tác động đến hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục Châu Âu; Bộ tiêu chuẩn hướng dẫn hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục của Châu Âu,...

+ ĐBCL và KĐCL giáo dục của các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Các hoạt động ĐBCL và KĐCL cấp trường, cấp chương trình đào tạo tại một số quốc gia thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như Ôxtrâylia, Philippin, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á,…

3. Mô hình và các thành tố của hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục (3 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học nắm được những khái niệm cơ bản của các mô hình các thành tố của hệ thống ĐBCL giáo dục; có khả năng phân tích và đưa ra các quyết định lựa chọn những mô hình thích hợp để xây dựng và phát triển hệ thống ĐBCL giáo dục, biết vận dụng những hiểu biết của mình vào quá trình tham gia các hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Các mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục;

- Vai trò của người sử dụng lao động và các đối tượng liên quan khác;

- Các chuẩn mực ĐBCL;

- Các khái niệm về tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số/ chỉ báo và mốc đối sánh;

- Đo lường chất lượng;

- Các thực tiễn ĐBCL;

- Các quy trình ĐBCL và các thành tố của hệ thống ĐBCL giáo dục.

4. Đảm bảo chất lượng bên trong và tự đánh giá (3 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học nắm được mục đích, nội dung cơ bản và các hoạt động cụ thể của ĐBCL bên trong, tự đánh giá cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo; trình bày được quy trình thực hiện tự đánh giá và cải tiến chất lượng; có khả năng vận dụng những kiến thức đó trong quá trình tham gia các hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục; có khả năng nghiên cứu, phân tích báo cáo tự đánh giá, tổng hợp và đưa ra các quyết định cụ thể.

b) Nội dung:

- Mục đích của ĐBCL bên trong và việc tự đánh giá;

- Mô hình chất lượng trong giáo dục;

- Mô hình các hoạt động chất lượng trong giáo dục;

- Quá trình chất lượng trong giáo dục;

- ĐBCL bên trong và quá trình tự đánh giá;

- Chuẩn bị báo cáo tự đánh giá;

- Tác động của tự đánh giá đến các hoạt động cải tiến chất lượng của nhà trường;

- Tính nhất quán của ĐBCL giáo dục.

5. Đảm bảo chất lượng bên ngoài và đánh giá đồng cấp (7 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học nắm được tầm quan trọng của ĐBCL bên ngoài và đánh giá đồng cấp; có khả năng vận dụng các nguyên tắc cơ bản về ĐBCL bên ngoài và đánh giá đồng cấp vào quá trình hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục; trình bày được những nội dung cơ bản của khảo sát thực địa, có khả năng phân tích, tổng hợp, đưa ra các quyết định và viết báo cáo khảo sát; có khả năng vận dụng những kỹ năng cần thiết của khảo sát thực địa và viết báo cáo để hoàn thành nhiệm vụ đánh giá đồng cấp.

b) Nội dung:

- Tầm quan trọng của ĐBCL bên ngoài và đánh giá đồng cấp;

- Quản lý các kiểm định viên;

- Việc đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên;

- Vai trò, trách nhiệm và kỹ năng của kiểm định viên;

- Tiêu chí tuyển chọn kiểm định viên;

- Mục đích của việc khảo sát thực địa;

- Lập kế hoạch khảo sát;

- Khảo sát sơ bộ và khảo sát chính thức;

- Kỹ năng nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn, quan sát;

- Những điểm cần lưu ý trong quá trình khảo sát và khi kết thúc khảo sát;

- Viết báo cáo đánh giá ngoài;

- Những điểm cần lưu ý khi viết báo cáo đánh giá ngoài.

II. Hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam

1. Chủ trương, chính sách, hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục của Việt Nam và định hướng phát triển (2 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học nắm được những nội dung cơ bản về các hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục đã và đang diễn ra ở Việt Nam những năm qua; trình bày được kinh nghiệm tổ chức đánh giá ngoài, đánh giá đồng cấp ở một số trường, chương trình đào tạo và định hướng phát triển các hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục của Việt Nam trong tương lai.

b) Nội dung:

- Quá trình phát triển của hệ thống ĐBCL và KĐCL giáo dục tại Việt Nam;

- Tổng hợp kinh nghiệm hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục của Việt Nam;

- Báo cáo kinh nghiệm của một số đoàn đánh giá ngoài;

- Định hướng phát triển ĐBCL và KĐCL giáo dục của Việt Nam.

2. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về ĐBCL và KĐCL giáo dục (2 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học nắm được những vấn đề cơ bản của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến các hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục; biết vận dụng những kiến thức đó trong quá trình tham gia hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Các yêu cầu về hoạt động ĐBCL và KĐCL giáo dục từ Luật giáo dục (2005), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục (2009), Luật giáo dục đại học (2012) và Chiến lược phát triển giáo dục (2012);

- Các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ĐBCL và KĐCL GDĐH và TCCN của Việt Nam.

3. Kết quả xây dựng và phát triển hệ thống ĐBCL và KĐCL giáo dục của Việt Nam (2 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học nắm được quá trình xây dựng và định hướng phát triển hệ thống ĐBCL và KĐCL giáo dục của Việt Nam; biết vận dụng những kiến thức đó trong quá trình tham gia hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Quá trình xây dựng và phát triển hệ thống ĐBCL và KĐCL giáo dục của Việt Nam;

- Những kết quả chính đã đạt được, những mặt còn tồn tại và những thách thức của công tác ĐBCL và KĐCL giáo dục của Việt Nam.

MÔ-ĐUN B: KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

III. Quy trình, chu kỳ, tiêu chuẩn đánh giá và hướng dẫn thực hiện

1. Quy trình, chu kỳ KĐCL GDĐH và TCCN (2 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học nắm được các bước trong quy trình KĐCL giáo dục, những hoạt động ĐBCL và KĐCL mà cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo cần thực hiện trong một chu kỳ KĐCL giáo dục; biết vận dụng những kiến thức đó trong quá trình tham gia hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Quy trình và chu kỳ KĐCL GDĐH và TCCN;

- Các bước tiến hành và những lưu ý trong quy trình KĐCL GDĐH và TCCN.

2. Các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH và TCCN (4 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học nắm được những yêu cầu cơ bản của các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, quá trình và nguyên tắc xây dựng bộ tiêu chuẩn, các văn bản quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; biết vận dụng những kiến thức đó trong quá trình tham gia các hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở GDĐH và TCCN;

- Các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo đại học, cao đẳng.

3. Hướng dẫn sử dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH và TCCN (5 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học nắm được nội hàm của các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục, có khả năng phân tích được nội dung, có khả năng tìm thông tin, minh chứng cho các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; biết vận dụng những kiến thức đó trong quá trình tham gia hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Nội hàm của từng tiêu chí trong các bộ tiêu chuẩn;

- Tìm thông tin, minh chứng cho các tiêu chí trong các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục.

4. Hướng dẫn tự đánh giá (2 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học tiếp cận với việc xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; biết vận dụng trong việc dự thảo và hoàn thiện báo cáo tiêu chí và báo cáo tự đánh giá; có khả năng tư vấn về tự đánh giá cho các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.

b) Nội dung:

- Hướng dẫn tự đánh giá cơ sở GDĐH và TCCN;

- Hướng dẫn tự đánh giá chương trình đào tạo GDĐH;

- Những bài học kinh nghiệm, những vấn đề cần lưu ý trong quá trình triển khai tự đánh giá.

5. Hướng dẫn đánh giá ngoài (2 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học tiếp cận với việc xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; biết vận dụng những kiến thức và kỹ năng về đánh giá ngoài vào quá trình tham gia hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Hướng dẫn đánh giá ngoài của Việt Nam;

- Hướng dẫn đánh giá ngoài của một số tổ chức đánh giá ngoài trên thế giới;

- Vai trò của mỗi thành viên trong đoàn đánh giá ngoài;

Các quy định và yêu cầu về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp đối với kiểm định viên KĐCL giáo dục.

IV. Các phương pháp khảo sát, phân tích, đánh giá và viết báo cáo đánh giá ngoài

1. Các kỹ năng cần có để tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá và viết báo cáo đánh giá ngoài (9 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học tiếp cận với các kỹ năng cần có để tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá và viết báo cáo đánh giá ngoài; biết cách sử dụng những kỹ năng khảo sát, phân tích, đánh giá và viết báo cáo trong quá trình tham gia hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Các kỹ năng phân tích, nhận xét báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục;

- Kỹ năng phỏng vấn, quan sát, thu thập và xử lý thông tin định lượng và định tính;

- Kỹ năng làm việc nhóm và ra quyết định;

- Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn;

- Kỹ năng lãnh đạo đoàn đánh giá ngoài;

- Kỹ năng lập kế hoạch và điều phối các hoạt động đánh giá ngoài;

- Kỹ năng viết báo cáo đánh giá ngoài.

2. Bài tập 1: Phân tích báo cáo tự đánh giá (7 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học củng cố các kiến thức và kỹ năng được học thông qua việc phân tích báo cáo tự đánh giá; biết vận dụng trong quá trình tham gia hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Các kỹ năng chuyên sâu về đánh giá tổng thể báo cáo tự đánh giá;

- Các kỹ năng phân tích sâu các tiêu chí đánh giá;

- Kỹ năng làm việc nhóm để phân tích báo cáo tự đánh giá;

- Kỹ năng viết báo cáo phân tích báo cáo tự đánh giá.

3. Bài tập 2: Lập kế hoạch đánh giá ngoài (4 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học củng cố các kiến thức và kỹ năng được học thông qua việc lập kế hoạch đánh giá ngoài một cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo; biết vận dụng trong quá trình tham gia hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Các kỹ năng chuyên sâu về lập và triển khai kế hoạch khảo sát sơ bộ, khảo sát chính thức của hoạt động đánh giá ngoài;

- Thực hành theo nhóm về lập và triển khai kế hoạch khảo sát sơ bộ;

- Thực hành theo nhóm về lập và triển khai kế hoạch khảo sát chính thức.

4. Bài tập 3: Đóng vai đoàn đánh giá ngoài tiến hành khảo sát cơ sở giáo dục/ chương trình đào tạo, viết báo cáo đánh giá ngoài (8 tiết)

a) Mục tiêu:

Giúp người học củng cố các kiến thức và kỹ năng được học thông qua việc đóng vai đảm nhiệm các vị trí khác nhau trong đoàn đánh giá ngoài khi tiến hành khảo sát cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo; vận dụng được trong quá trình tham gia các hoạt động KĐCL giáo dục.

b) Nội dung:

- Các kỹ năng nhận xét, đánh giá báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo, thống nhất nhận định và viết báo cáo đánh giá ngoài;

- Thực hành theo nhóm nhận xét, đánh giá, thống nhất nhận định thực trạng của cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo căn cứ vào báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục và kết quả khảo sát chính thức;

- Thực hành theo nhóm về việc viết báo cáo đánh giá ngoài (báo cáo tiêu chí, tiêu chuẩn và báo cáo tổng thể).

MÔ-ĐUN C: BÀI THỰC HÀNH CUỐI KHÓA HỌC

1. Mục tiêu

Giúp người học củng cố các kiến thức và kỹ năng được học thông qua việc vận dụng những kiến thức và kỹ năng cần thiết về ĐBCL và KĐCL GDĐH và TCCN vào việc viết một báo cáo hoặc một phần báo cáo đánh giá ngoài một cơ sở giáo dục hoặc một chương trình đào tạo.

2. Nội dung

Viết báo cáo đánh giá ngoài một cơ sở giáo dục hay một chương trình đào tạo theo một số tiêu chuẩn, tiêu chí được phân công.

V. HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ sở đào tạo

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo khác được giao nhiệm vụ đào tạo kiểm định viên KĐCL GDĐH và TCCN khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có ít nhất 5 giảng viên (trong đó có 3 giảng viên cơ hữu) có trình độ từ thạc sĩ trở lên, đã từng tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về ĐBCL và KĐCL giáo dục do các tổ chức quốc tế có uy tín tổ chức và cấp chứng chỉ, chứng nhận hoàn thành khóa học;

b) Có đủ các nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị (phòng học, thư viện, trang thông tin điện tử…) để thực hiện Chương trình đào tạo kiểm định viên;

c) Có kinh nghiệm tổ chức tập huấn và triển khai các hoạt động tự đánh giá, đánh giá ngoài hoặc đánh giá đồng nghiệp, tham gia đánh giá các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo;

d) Có chương trình đào tạo chi tiết với khối lượng kiến thức không ít hơn khối lượng tối thiểu theo quy định của Chương trình này; có đề cương chi tiết cho từng chủ đề, trong đó quy định các điều kiện tiên quyết, nội dung, tài liệu đọc bắt buộc và tài liệu tham khảo, tương tác giữa người dạy và người học, phương pháp kiểm tra, đánh giá của từng chủ đề; có các tài liệu phù hợp để tổ chức đào tạo. Chương trình đào tạo chi tiết, đề cương chi tiết cho từng chủ đề và các tài liệu tham khảo phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trên cơ sở ý kiến thẩm định của chuyên gia.

2. Tổ chức đào tạo

a) Hằng năm, cơ sở đào tạo rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn có liên quan, các tài liệu tham khảo thích hợp và đưa vào chương trình đào tạo chi tiết.

b) Cơ sở đào tạo có kế hoạch mở lớp, các quy định về hồ sơ nhập học, lệ phí, học phí và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và các phương tiện truyền thông khác; có kế hoạch đào tạo cụ thể cho từng khóa học; có nội quy khóa học.

Nội quy khóa học bao gồm những yêu cầu đối với những người tham gia tổ chức khóa học, giảng viên, người học; tổ chức kiểm tra, thi, chấm thi và phúc khảo; điều kiện và quy trình cấp, thu hồi chứng chỉ hoàn thành khóa học.

Nội quy khóa học và kế hoạch đào tạo cụ thể cho từng khóa học được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và được thông báo cho người học trước ngày khai giảng.

c) Kết hợp các hình thức tổ chức đào tạo giữa tự học có hướng dẫn (đào tạo qua mạng) và học tập trung tại cơ sở đào tạo, sử dụng các biện pháp ĐBCL và nâng cao hiệu quả đào tạo; Mô-đun A do người học tự học có hướng dẫn, Mô-đun B tổ chức học tập trung và Mô-đun C do người học tự thực hiện có hướng dẫn. Cơ sở đào tạo phân công người hướng dẫn người học làm bài thực hành cuối khóa.

d) Đối với Mô-đun A kết hợp giữa học lý thuyết với tự học có hướng dẫn: Cơ sở đào tạo bố trí hợp lý giữa việc giảng lý thuyết với việc người học tự học dưới sự hướng dẫn của giảng viên phụ trách. Giảng viên có trách nhiệm giải đáp các thắc mắc của người học trong quá trình tự học.

đ) Đối với Mô-đun B học tập trung: kết hợp giữa thuyết trình của giảng viên với việc tổ chức các hoạt động nhóm cho người học; giảng viên có trách nhiệm hướng dẫn người học tham gia các hoạt động nhóm, mỗi nhóm không quá 07 người.

e) Tài liệu giảng dạy (điện tử) phải được gửi đến người học sau khi đăng ký nhập học và trước ngày khai giảng.

3. Kiểm tra, đánh giá

a) Mô-đun A: Kiến thức chung về ĐBCL và KĐCL giáo dục

- Các bài tập (dạng tự luận) được thiết kế cho từng chủ đề, đòi hỏi người học thể hiện được những hiểu biết của mình sau khi nghiên cứu từng chủ đề. Người học có trách nhiệm hoàn thành các bài tập và gửi cho giảng viên. Giảng viên chấm bài, gửi kết quả và thông tin phản hồi cho người học theo đúng kế hoạch của khóa học.

- Người học làm bài thi kết thúc Mô-đun A theo hình thức thi tập trung tại cơ sở đào tạo trước khi vào học Mô-đun B.

- Điều kiện để dự thi kết thúc Mô-đun A: Người học hoàn thành đầy đủ các bài tập tự luận và có kết quả trung bình từ 60 điểm trở lên (thang điểm 100) đối với các bài tập này.

- Điều kiện đánh giá mức “Đạt” của Mô-đun A: Có kết quả thi kết thúc Mô-đun A đạt từ 60 điểm trở lên (thang điểm 100).

- Chỉ những người đạt ở Mô-đun A mới được tiếp tục tham gia học Mô-đun B.

b) Mô-đun B: Kiểm định chất lượng GDĐH và TCCN

- Người học thực hiện 3 bài tập theo nhóm gồm:

+ Bài tập 1: Phân tích báo cáo tự đánh giá;

+ Bài tập 2: Lập kế hoạch đánh giá ngoài;

+ Bài tập 3: Đóng vai đoàn đánh giá ngoài tiến hành khảo sát cơ sở giáo dục/ chương trình đào tạo.

- Điều kiện để đánh giá mức “Đạt” Mô-đun B: Người học tham dự tối thiểu 80% số giờ lên lớp và hoàn thành đầy đủ cả 3 bài tập.

- Chỉ những người đạt ở Mô-đun B mới được giao làm bài tập cuối khóa học theo Mô-đun C.

c) Mô-đun C: Bài thực hành cuối khóa

- Yêu cầu: Viết báo cáo đánh giá ngoài một cơ sở giáo dục hay một chương trình đào tạo theo một số tiêu chuẩn, tiêu chí được phân công, có sự hướng dẫn của cơ sở đào tạo.

- Thời gian làm bài thực hành cuối khóa: tối đa là 15 ngày.

- Cơ sở đào tạo tổ chức chấm bài thực hành cuối khóa. Mỗi bài có ít nhất 2 người chấm (thang điểm 100).

- Điều kiện để đánh giá mức “Đạt” của Mô-đun C: Có điểm bài thực hành cuối khóa đạt từ 50 điểm trở lên (thang điểm 100).

d) Bảo lưu điểm các mô-đun

Những người không đạt mô-đun nào phải học lại mô-đun đó. Những người không đạt Mô-đun C được phép bảo lưu các kết quả đạt Mô-đun A và Mô-đun B trong vòng 1 năm kể từ ngày bắt đầu khoá đào tạo đã tham gia.

4. Cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo kiểm định viên

a) Điều kiện để được cấp chứng chỉ: đảm bảo được đánh giá mức “Đạt” ở cả 3 mô-đun.

b) Kết quả đánh giá, điểm của Mô-đun A (Kiến thức chung), Mô-đun B (Kiểm định chất lượng GDĐH và TCCN) và Mô-đun C (Bài thực hành cuối khóa) được ghi vào bảng điểm, cấp kèm theo chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo kiểm định viên.

c) Thủ trưởng cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo kiểm định viên cho người hoàn thành khóa học. Mẫu chứng chỉ theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về mẫu chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, dùng cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng có quy định cấp chứng chỉ./.