Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1960

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN CÁCH TRẢ LƯƠNG CHO NHỮNG CÔNG VIỆC LÀM TRONG NHỮNG ĐIỀU KIỆN CÓ HẠI ĐẾN SỨC KHOẺ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các Bộ quản lý xí nghiệp
- Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh
- Sở, Ty Lao động
- Thủ tướng phủ
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

Lần cải tiến tiền lương năm 1958 đã chủ trương bỏ các loại phụ cấp hao mòn sức khỏe cho vào mức lương cấp bậc. Chủ trương này hoàn toàn thích hợp nhưng về biện pháp cụ thể còn thiếu sót như chưa có mức lương riêng để áp dụng cho các nghề được phụ cấp hao mòn trước đây mà lương cấp bậc chưa giải quyết được. Vì vậy sau khi sắp xếp lương năm 1958 đã phải giải quyết cho một số nghề được hưởng phụ cấp hao mòn. Ngoài ra, trong khi thực hiện bỏ các khoản phụ cấp hao mòn tính gộp vào lương đã giải quyết nâng bậc khởi điểm lên cao hơn so với các nghề nghiệp khác (vì điều kiện lao động như: rèn, hàn v .v…) Biện pháp này xét ra chỉ giải quyết được cho những người xếp bậc khởi điểm, còn các bậc trên thì chưa giải quyết được, cũng như việc quy định cho một số nghề được phụ cấp hao mòn đã gây thắc mắc cho một số nghề nghiệp khác trước có phụ cấp hao mòn mà trong lần cải tiến lương năm 1958 đã bải bỏ.

Trong lần cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1960, tiếp tục thi hành chủ trương bỏ các khoản phụ cấp hao mòn sức khỏe cũ, tính gộp, vào các mức lương trong các thang lương để áp dụng cho công nhân làm việc với điều kiện có hại đến sức khoẻ: như trực tiếp làm việc nơi nóng quá, lạnh quá, hoặc trực tiếp với các chất độc có hại đến sức khỏe. Do đó trong các thang lương có quy định mức lương khác nhau cho những người làm việc nơi nóng hoặc có hại và mức lương cho những người làm việc trong điều kiện bình thường. Chủ trương này nhằm quán triệt thêm một bước nguyên tắc phân phối theo lao động trong việc đãi ngộ vật chất đối với công nhân làm việc trong điều kiện lao động khó khăn. Vì vậy Thông tư số 13-LĐ/TT ngày 31-5-1960 của Bộ Lao động đã quy định: “Cùng một trình độ như nhau thì được xếp bậc ngang nhau, còn về hưởng thụ thì người làm ở nơi điều kiện có hại đến sức khỏe, nóng quá hoặc lạnh quá thì được hưởng mức lương cao hơn người làm việc ở nơi điều kiện bình thường …”

Xuất phát từ mục đích, yêu cầu nói trên, Bộ Lao động ra thông tư này nhằm quy định các nghề được hưởng mức lương định cho những công việc đặc biệt có hại đến sức khỏe và hướng dẫn cách trả lương trong các trường hợp cụ thể.

I. NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ XÉT NHỮNG CÔNG VIỆC ĐẶC BIỆT CÓ HẠI ĐẾN SỨC KHỎE

Được coi là những công việc đặc biệt có hại đến sức khỏe, những loại việc phải tiến hành trong những điều kiện sau đây:

1. Những công việc phải trực tiếp với chất độc có thể bị nhiễm độc, nhiễm trùng có hại nhiều đến sức khỏe.

2. Những công việc phải làm ở nơi bị sức ép của không khí với áp suất cao hoặc thiếu không khí mà chưa có trang bị phương tiện bảo hộ.

3. Những công việc phải làm ở nơi nóng quá hoặc lạnh quá có hại đến sức khỏe (không lệ thuộc vào nơi làm việc và thời tiết).

4. Làm việc ở những nơi có tiếng động rất mạnh và làm những công việc có gây ra sức rung chuyển rất mạnh liên tiếp với tần số cao.

5. Những công việc phải ngâm mình dưới nước hoặc dùng dây để treo mình trên cao để làm việc.

Ngoài ra, những nghề nghiệp trực tiếp làm chất nổ nguy hiểm chết người thì chủ yếu giải quyết bằng biện pháp bảo hộ lao động và những nghề nặng nề, vất vả thì đã tính trong mức lương chung nên không áp dụng mức lương cho những công việc đặc biệt có hại đến sức khỏe.

II. PHƯƠNG PHÁP TÍNH VÀ TRẢ LƯƠNG CHO NHỮNG CÔNG VIỆC ĐẶC BIỆT CÓ HẠI ĐẾN SỨC KHỎE

1. Những công nhân trực tiếp làm việc ở một trong năm điều kiện nói trên ngày nào thì được hưởng mức lương này ngày ấy. Còn những ngày làm việc ở nơi điều kiện bình thường thì hưởng mức lương bình thường.

2. Làm việc từ 2 giờ đến 5 giờ được tính nửa ngày; làm việc trên 5 giờ được hưởng cả ngày. Còn làm việc dưới 2 giờ trong một ngày thì không được hưởng mức lương này.

3. Cách tính toán cụ thể để hưởng lương ngày sẽ có văn bản quy định riêng.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Trừ nghị định Liên bộ Thủy lợi – Giao thông và Bưu điện – Tài chính – Lao động số 674-NĐ/LB ngày 23-4-1957 quy định phụ cấp cho thợ lặn vẫn còn hiệu lực và tiếp tục thi hành như cũ, các văn bản quy định về phụ cấp hao mòn sức khỏe bằng tiền của các Bộ , các ngành ban hành trước ngày ký thông tư này đều bãi bỏ, mà thống nhất thi hành theo thông tư này.

Những nghề trước đây đã có phụ cấp hao mòn sức khỏe hoặc đã nâng bậc khởi điểm lên cao hơn một bậc thì:

a) Nếu xét còn trong đối tượng được hưởng mức lương định cho những công việc có hại đến sức khỏe, thì được hưởng theo mức lương này kể từ ngày ban hành thông tư, không đặt vấn đề truy lĩnh hoặc truy hoàn kể từ ngày 01-5-1960 so với mức phụ cấp hao mòn cũ. Còn về truy lĩnh lương cấp bậc thì lấy mức lương bình thường của bậc được xếp hiện nay so với mức lương của cấp bậc cũ mà tính toán cho truy lĩnh (nếu có).

b) Nếu xét không được hưởng mức lương định cho những công việc có hại đến sức khỏe, theo lương mới nữa, thì hưởng theo mức lương bình thường của cấp bậc được xếp và không được bảo lưu mức phụ cấp hao mòn cũ, cũng không phải truy hoàn số tiền được phụ cấp hao mòn từ 01-5-1960 đến ban hành thông tư này.

c) Những nghề trước đây chỉ hưởng mức lương bình thường, không có phụ cấp hao mòn sức khỏe, nay được hưởng mức lương định cho những công việc có hại đến sức khỏe thì được tính và truy lĩnh kể từ ngày 01-5-1960 theo mức lương này.

Sau khi đã trao đổi với các Bộ, Bộ Lao động quy định các nghề được hưởng mức lương định cho những công việc có hại đến sức khỏe kèm theo thông tư này. Ngoài ra các Bộ, các ngành và Ủy ban hành chính địa phương xét còn nghề nào cần được hưởng mức lương này mà trong bản danh sách kèm theo chưa quy định, sẽ đề nghị thêm, sau khi được Bộ Lao động đồng ý mới được thi hành.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

BẢNG DANH SÁCH

CÁC NGHỀ ĐƯỢC HƯỞNG MỨC LƯƠNG QUY ĐỊNH CHO NHỮNG CÔNG VIỆC ĐẶC BIỆT CÓ HẠI ĐẾN SỨC KHỎE

Thứ tự

Tháng lương

Bội số

Mức lương

Các nghề nghiệp

khởi điểm

tối đa

I

Thang lương 7 bậc

2,50

1

Cơ khí, điện, chế tạo máy móc

42đ-105đ

- Thợ rèn (làm việc trong phân xưởng tập trung nhiều bệ rèn, những nơi chỉ có 1,2 bệ rèn nhỏ thì không được hưởng)

- Thợ tôi nóng kim loại

- Thợ máy dập nóng

- Thợ hàn xì, hàn điện

- Thợ mạ kền, mạ đồng, mạ cờ rôm, mạ vàng và thợ đánh bóng kim loại trực tiếp với at-xít

- Thợ sơn xì, sơn các loại sơn có chất chì

- Thợ nấu đồng, gang, sắt, thép, chì (thợ đúc chuyên môn nấu)

- Thợ gò nóng các loại tôn, sắt dày

- Thợ đúc cút xi-nê trực tiếp với chất chì

- Thợ tiện màng than trong máy điện thoại

- Thợ sản xuất các loại át-xít

- Thợ cạo rỉ và sửa chữa trong nồi súp-de, xi-téec xăng dầu và phao đèn biển (trong trường hợp thiếu không khí)

- Thợ trực tiếp bắn để điều chỉnh vũ khí (trong công sự)

- Thợ đốt lò nồi hơi

- Thợ sửa chữa và rửa đầu máy tàu hỏa đang nóng

- Thợ sửa chữa và chăng giây trên các cột thiên tuyến, cột điện (có dùng giây treo mình vào cột để làm việc)

- Thợ sửa chữa giây cáp dưới cống rãnh ngầm

- Thợ rạ than xỉ ở lò

- Thợ dủi đóng tàu thủy

- Thợ sản xuất dưỡng khí

2

Cơ khí, điện, lắp máy, thi công cơ giới ở công trường

43đ-107đ5

- Những nghề như trên (nếu có)

- Thợ làm dưới hầm mố cầu, giếng chìm và các công việc dưới mặt nước sâu 2m trở xuống

- Những công việc phải treo người trên cầu để sửa chữa

- Thợ tán ri-vê bằng búa máy

- Thợ đốt lửa và lái máy lu hơi chạy than

3

Xây dựng cơ bản và sửa chữa đường bộ

40đ-100đ

- Thợ xay đá ở các máy nghiền

- Thợ làm dưới giếng sâu 5m trở xuống

- Thợ nấu nhựa rải đường, nấu bắc in

- Làm các việc phải ngâm mình dưới nước

- Thợ xây dựng trong các ống khói, hầm ngầm, hầm mìn thiếu không khí, ngột ngạt

5

Luyện kim, sản xuất cốc, chế biến ciment, gạch chịu lửa

- Thợ đốt lò

- Thợ luyện kim loại

- Thợ luyện than và than cốc

- Thợ dỡ gạch chín ở lò ra

- Thợ quy-giờ ở xi-măng

- Thợ máy rùng và cào hòn

- Thợ coi vịt than, vịt xi-măng

- Thợ coi quả gang, máy đĩa

- Thợ tháo bao, cầm bao xi-măng, phốt-phát

- Thợ bơm 13 X 20

- Thợ coi mô-tơ nhà tháo, than

- Thợ sửa chữa lò nung nhà tháo, nhà than đang nóng

- Thợ chấm dầu máy phát hiện

- Thợ chấm dầu ở lò nung, lò tháo, lò than

- Thợ chọc xỉ-lô và cào máng xi-măng

- Thợ coi máy “xin cúp”

- Thợ xúc lanh-ke và xe cày

- Thợ pha chế phụ gia

- Thợ ra than xỉ, đi-ti-cốc, xê-sổ

- Thợ thổi bụi lò hơi xi-măng

- Thợ điều khiển máy nghiền bột đá phốt phát

- Thợ nấu bê-rom

- Thợ nghiền bột a-mi-ăng

III

Thang lương 7 bậc

2,20

39đ-85đ80

1

Ngành in

- Thợ trực tiếp chất chì nóng chảy

- Thợ mạ bản (có chất átxít)

- Thợ trực tiếp dung dịch át-xít ở trong phòng bí hơi của các bộ phận ảnh kẽm (cliché), và ảnh màu (opset)

- Công nhân khói lửa ở xưởng phim

- Thợ in phim thu, phóng và rửa ảnh chuyên môn ở trong buồng tối bí hơi, thiếu không khí

- Thợ in kim nhũ

2

Chế biến và sản xuất đồ gỗ

40đ-88đ

- Thợ xẻ các loại gỗ có bụi độc như gỗ lim, gỗ nghiến, gỗ sơn (cả xẻ tay, xe máy, bào máy)

- Thợ sấy gỗ và dỡ gỗ ở lò sấy ra

- Thợ ụ đà ca-nô, tàu thủy phải ngâm mình dưới nước

- Thợ sơn các loại sơn có chì, sơn ta

- Thợ nấu cao và sấy gỗ để phòng mục

3

Làm giày, may quần áo, đồ dùng bằng da

- Công nhân đốt lò, hấp lò, xấy ở những nơi tập trung nhiều lò

- Thợ đúc, cán cao su, đúc cu-pen

IV

Thang lương 6 bậc:

2,10

38đ-79đ80

- Thợ đốt lò và nấu thủy tinh

- Thợ thổi chai, giữ khuôn và chạy chai cho vào lò sấy ủ

- Thợ thổi tuýp và chạy mã

- Thợ kéo và đốt chân ống tiêm tập trung nhiều đèn trong phòng làm việc

V

1

Thang lương 6 bậc:

Sản xuất da

1,90

40đ-76đ

- Cọ rửa bể thuộc da, ngâm ướt da ở bể

- Thợ nạo da và xì phoóc-môn vào da

- Thợ cấp phát xăng chì và átxít ở kho

- Thợ rửa, sức phuy và bể xăng

- Thợ sửa chữa, hàn, sơn trong các phuy xăng và bể xăng

3

Làm giấy

38đ-72đ20

- Thợ đốt lò hơi

- Thợ sấy giấy ở lò

- Thợ nấu giang nứa

VI

1

Thang lương 6 bậc:

Khai thác sỏi cát, sản xuất vôi, gạch ngói

1,18

39đ-70đ20

- Thợ đốt lò nấu vôi, gạch, ngói

- Thợ dỡ vôi, gạch ngói ra lò

- Thợ phải ngâm mình dưới nước để lấy sỏi, cát

- Thợ đục, choòng đá làm việc trên cao phải dùng giây treo mình

3

Dệt kim

37đ-66đ60

- Thợ đốt lò hơi

- Thợ nấu tẩy và nhuộm có trực tiếp chất a-ni-lin

4

Dệt Nam-định

38đ-68đ40

- Thợ đốt lò hơi

- Thợ nấu tẩy và nhuộm có trực tiếp chất a-ni-lin

- Thợ hấp tơ và lấy bông ở hầm để cán (điều kiện thiếu không khí và bụi bông nhiều)

5

Sản xuất đồ dùng cao su, pin, ác-quy

39đ-70đ20

- Thợ sấy, ủ, pha chế nguyên liệu cao su

- Thợ rèn luyện than đen

- Thợ phết keo và pha trộn cao-su

- Thợ luyện đất rèn

- Thợ pha chế bột chì, át-xít

- Thợ trộn cao, trát cao ắc-quy

- Thợ đúc trát phên chì (pờ-lăc-ắc- quy)

- Thợ nấu và chế biến “vỏ” (nội thương)

6

Gốm-lắc, đồ sức, đồ nhựa, sắt tráng men

38đ-68đ40

- Thợ đốt lò, ngồi lò nấu gôm-lắc

- Thợ xay nghiền nguyên liệu gôm-lắc và hương liệu (kể cả đổ nguyên liệu vào lò xay và nồi nấu)

- Thợ dỡ sản phẩm ở lò ra

- Thợ pha chế nhựa có chất băng-gien và ép-phê-nôn

- Thợ xay nghiền phấn, trộn sàng, nấu phấn và phun hoa

- Thợ đánh bóng nhẵn bằng axít

- Thợ nấu hạt dầu, đóng gói và ép dầu nóng (Nội thương)

7

Sản xuất đường đồ hộp, rượu, bia, bánh, mứt kẹo và các công nghệ khác

37đ-66đ60

- Thợ đốt lò

- Thợ rữa chuối bằng dung dịch cơ-lo-rua

- Thợ rỡ và đào sản phẩm trong các lò sấy, lò nung

- Thợ sản xuất các loại thuốc trừ sâu mọt (DDT…)và phun thuốc trừ sâu, mọt.

- Thợ sửa chữa ống ga ở nhà lạnh (có chất a-mô-ni-ắc)

- Thợ xếp nước đá và làm việc trong buồng hầm lạnh từ 3 độ trở xuống

- Thợ cọ rửa trong thùng ủ cơm rượu

- Thợ cất rượu máy và ủ cơm máy

- Thợ nấu dầu, khuấy thuốc và tán tạp dược ở nhà máy diêm

- Thợ nấu thành phẩm nước mắm

- Thợ đấu, xé thuốc lào, xôi thuốc lào mốc

- Thợ làm thuốc lá ở lò men

- Thợ ngồi lò kéo miến

- Thợ nấu xà-phòng

- Thợ chưng và cất gờ-ly-xê-rin

8

Dược phẩm

38đ-68đ40

- Thợ rây máy, xay nghiền bột thuốc và nhào trộn thuốc có chất độc

- Thợ đổ thuốc có chất độc vào máy và cạo chày

- Thợ xay, nghiền và rây đông dược có chất độc như cà độc dược, mã tiền v .v…

- Thợ sản xuất các loại ê-te

- Thợ sản xuất các loại át-xít, ca-phê-in, vôi sô-đa

- Thợ súc, hút ống tiêm

- Thợ nấu cao thảo mộc, cao xương và cao gạc