BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33-BYT/TT | Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1978 |
HƯỚNG DẪN BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP NÓNG, ĐỘC HẠI TRONG NGÀNH Y TẾ
Căn cứ thông tư số 08-LĐ/TT ngày 08-8-1978 của Bộ Lao động, tiếp theo thông tư số 06-BYT/TT ngày 08-02-1975 của Bộ Y tế quy định những nghề được xếp lương nóng, độc hại : thông tư này hướng dẫn bổ sung đối tượng được hưởng phụ cấp nóng, độc hại cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật làm việc ở các xí nghiệp, công ty sản xuất kinh doanh trong ngành y tế như sau.
I. BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP NÓNG, ĐỘC HẠI.
Những cán bộ, nhân viên kỹ thuật như dược sỹ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật… phải trực tiếp làm việc thường xuyên cùng với công nhân ở nơi nóng, độc hại, mà ở nơi đó công nhân được hưởng mức lương nóng, độc hại, thì được hưởng mức phụ cấp nóng, độc hại theo ba mức 5%, 8%, 10% lương cơ bản.
Những cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ khác ở các phòng, ban của xí nghiệp, công ty làm nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát viên… không phải trực tiếp làm việc thường xuyên cùng với công nhân trong các dây chuyền sản xuất, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ mà có một số thời gian, số ngày nhất định, đến cùng làm việc với công nhân ở nơi được hưởng mức lương nóng, độc hại, thì tùy điều kiện cụ thể để áp dụng mức bồi dưỡng bằng hiện vật như công nhân sản xuất nơi đó được hưởng, mà không thực hiện phụ cấp nóng, độc hại.
Những cán bộ, nhân viên kỹ thuật làm công tác nghiên cứu, kiểm nghiệm, pha chế, sản xuất thử tại các phòng ban chuyên môn, kỹ thuật, quản lý, nếu hàng ngày phải sử dụng và trực tiếp tiếp xúc với các loại hóa chất độc mạnh, quá nồng độ, vượt tiêu chuẩn quy định, thì được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 0.30đ một ngày theo tinh thần thông tư số 02-TTg ngày 09-01-1963 của Thủ tướng Chính phủ, mà không áp dụng chế độ phụ cấp 5đ một tháng như nghị định số 59-Chính phủ ngày 26-10-1960 của Hội đồng Chính phủ áp dụng cho khu vực hành chính sự nghiệp.
II. MỨC PHỤ CẤP NÓNG, ĐỘC HẠI.
Theo đặc điểm tổ chức sản xuất và điều kiện lao động của các xí nghiệp, công ty sản xuất kinh doanh trong ngành, sẽ áp dụng hai mức phụ cấp nóng, độc hại như sau:
- Mức phụ cấp nóng, độc hại 5%, áp dụng cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải trực tiếp làm việc thường xuyên với công nhân ở nơi nóng, độc hại mà ở nơi đó công nhân được hưởng mức lương nóng, độc hại của các cơ sở sản xuất dược phẩm và xí nghiệp dược.
- Mức phụ cấp nóng, độc hại 8%, áp dụng cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải trực tiếp làm việc thường xuyên với công nhân ở nơi nóng, độc hại mà ở nơi đó công nhân được hưởng mức lương nóng, độc hại của các cơ sở sản xuất hóa dược và xí nghiệp hóa dược.
Cách tính phụ cấp theo đúng quy định tại thông tư số 17-CĐ/TT ngày 30-11-1974 và thông tư số 20-LĐ/TT ngày 01-08-1960 của Bộ Lao động, cụ thể là:
- Làm việc dưới 2 giờ trong một ngày không được hưởng phụ cấp;
- Làm việc từ 2 giờ đến 5 giờ tính nửa ngày, nếu trên 5 giờ tính cả ngày.
1. Cán bộ, nhân viên thuộc đối tượng quy định ở trên, được hưởng phụ cấp nóng, độc hại kể từ ngày 01 tháng 9 năm 1978. Nếu nơi nào đã vận dụng cho hưởng phụ cấp 5đ rồi thì không thực hiện theo thời gian nói trên mà được hưởng phụ cấp nóng, độc hại kể từ ngày nhận được thông tư này.
2. Cán bộ, nhân viên thuộc đối tượng quy định ở trên, khi áp dụng hưởng mức phụ cấp nóng, độc hại vẫn được thi hành chế độ bồi dưỡng hiện vật theo thông tư số 02-TTg ngày 09-01-1963 của Thủ tướng Chính phủ và theo quyết định số 445-BYT/QĐ ngày 16-10-1974 của Bộ Y tế.
3. Thông tư này chỉ áp dụng cho cán bộ, nhân viên thuộc khu vực sản xuất kinh doanh của ngành y tế.
Những đơn vị sản xuất kinh doanh hiện nay đang vận dụng chế độ phụ cấp 5đ một tháng theo nghị định số 59-CP ngày 26-10-1960 của Hội đồng Chính phủ cho những đối tượng quy định trên trái với thông tư hướng dẫn này đều phải vận dụng theo đúng thông tư này.
4. Căn cứ những điều quy định bổ sung và hướng dẫn trong thông tư này, Tổng công ty dược, Cục vật tư và xây dựng cơ bản, các Sở, Ty y tế hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền mình thực hiện.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
- 1 Quyết định 445-BYT/QĐ năm 1974 về các chức danh nghề nghiệp được bồi dưỡng bằng hiện vật trong ngành sản xuất dược do Bộ trưởng Bộ Y Tế ban hành.
- 2 Nghị định 59-CP năm 1960 quy định khoản phụ cấp cho cán bộ, nhân viên y tế làm việc trong điều kiện dễ bị truyền nhiễm và có hại sức khỏe do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.
- 3 Thông tư 20-LĐ/TT năm 1960 hướng dẫn cách trả lương cho những công việc làm trong những điều kiện có hại đến sức khoẻ do Bộ Lao Động ban hành
- 1 Thông tư 20-LĐ/TT năm 1960 hướng dẫn cách trả lương cho những công việc làm trong những điều kiện có hại đến sức khoẻ do Bộ Lao Động ban hành
- 2 Quyết định 445-BYT/QĐ năm 1974 về các chức danh nghề nghiệp được bồi dưỡng bằng hiện vật trong ngành sản xuất dược do Bộ trưởng Bộ Y Tế ban hành.
- 3 Nghị định 59-CP năm 1960 quy định khoản phụ cấp cho cán bộ, nhân viên y tế làm việc trong điều kiện dễ bị truyền nhiễm và có hại sức khỏe do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.