Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2011/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2011

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 13/2010/TT-NHNN NGÀY 20/5/2010 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC QUY ĐỊNH VỀ CÁC TỶ LỆ BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 13), đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 19/2010/TT-NHNN ngày 27/9/2010 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 19) như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13Thông tư số 19

1. Hủy bỏ Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 13 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 19).

2. Sửa đổi Điểm 5.2 Khoản 5 Điều 5 Thông tư số 13 như sau:

“5.2. Tài sản “Có” có hệ số rủi ro bằng 20% gồm:

a) Các khoản phải đòi đối với tổ chức tín dụng khác ở trong nước và nước ngoài, bao gồm cả các khoản phải đòi bằng ngoại tệ;

b) Các khoản phải đòi bằng Đồng Việt Nam đối với ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các khoản phải đòi bằng ngoại tệ đối với Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

c) Các khoản phải đòi bằng Đồng Việt Nam được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do chính tổ chức tín dụng phát hành; các khoản phải đòi bằng Đồng Việt Nam được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác được thành lập tại Việt Nam phát hành;

d) Các khoản phải đòi bằng Đồng Việt Nam đối với tổ chức tài chính nhà nước; các khoản phải đòi bằng Đồng Việt Nam được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do các tổ chức tài chính nhà nước phát hành;

đ) Kim loại quý (trừ vàng), đá quý;

e) Các khoản phải đòi đối với các tổ chức tài chính quốc tế và các khoản phải đòi được các tổ chức này bảo lãnh thanh toán hoặc được bảo đảm bằng chứng khoán do các tổ chức này phát hành;

g) Các khoản phải đòi đối với các ngân hàng được thành lập ở các nước thuộc OECD và các khoản phải đòi được bảo lãnh thanh toán bởi các ngân hàng này;

h) Các khoản phải đòi đối với các công ty chứng khoán được thành lập ở các nước thuộc OECD có tuân thủ những thỏa thuận quản lý và giám sát về vốn trên cơ sở rủi ro và những khoản phải đòi được các công ty này bảo lãnh thanh toán;

i) Các khoản phải đòi đối với các ngân hàng được thành lập ngoài các nước thuộc OECD, có thời hạn còn lại dưới 1 năm và các khoản phải đòi có thời hạn còn lại dưới 1 năm được các ngân hàng này bảo lãnh thanh toán.”

3. Sửa đổi Điểm 5.3 Khoản 5 Điều 5 Thông tư số 13 như sau:

“5.3. Tài sản “Có” có hệ số rủi ro bằng 50% gồm:

a) Các khoản phải đòi bằng ngoại tệ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Các khoản phải đòi bằng ngoại tệ được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do chính tổ chức tín dụng phát hành; các khoản phải đòi bằng ngoại tệ được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác được thành lập tại Việt Nam phát hành;

c) Các khoản phải đòi bằng ngoại tệ đối với tổ chức tài chính nhà nước; các khoản phải đòi bằng ngoại tệ được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do các tổ chức tài chính nhà nước phát hành;

d) Các khoản đầu tư dự án theo hợp đồng của công ty tài chính theo quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của công ty tài chính;

đ) Các khoản phải đòi có bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở, quyền sử dụng đất, nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của bên vay hoặc những tài sản này được bên vay cho thuê nhưng bên thuê đồng ý cho bên cho thuê dùng làm tài sản thế chấp trong thời gian thuê.”

4. Hủy bỏ Mục 5 Thông tư số 13 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 19).

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2011.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Nơi nhận:
- Như Khoản 2 Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ (2 bản);
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Lưu: VP, Vụ PC, TTGSNH5 (3 bản).

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Trần Minh Tuấn