Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 222-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 1961

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THANH TOÁN HÀNG NHẬP KHẨU

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các bộ
- Các Tổng cục
- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước
- Ngân hàng Nhà nước
- Các Ủy ban hành chính địa phương

Trong thời gian qua việc thanh toán hàng nhập khẩu dùng vào xây dựng cơ bản và sản xuất có khó khăn; có thứ hàng về nhưng trong kế hoạch không ghi hoặc có ghi trong kế hoạch nhập hàng, nhưng kế hoạch xây dựng cơ bản, kế hoạch sản xuất và dự toán ngân sách không ghi. Có những thiết bị toàn bộ và nguyên vật liệu xây dựng về, nhưng chưa có giá, hoặc đã có giá nhưng giá cao hơn giá kế hoạch. Có thứ hàng đã nhận về sử dụng hàng 2, 3 tháng rồi, nhưng không thanh toán được vì không tích cực thanh toán hoặc không phân tích được hàng về thuộc loại vốn gì để xin cấp phát thanh toán. Hiện nay số hàng nhập đã về khoảng trên 145 triệu đồng, nhưng vẫn chưa thanh toán được, gây nên tình trạng nợ nần dây dưa giữa Bộ Ngoại thương với các cơ quan, xí nghiệp, ảnh hưởng đến việc thu chi của ngân sách Nhà nước, đến việc tín dụng của Ngân hàng, đến việc thực hiện chế độ hạch toán kinh tế của các xí nghiệp. Tình trạng này đã kéo dài trong mấy năm nay.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do: kế hoạch nhập hàng thường phải lập sớm nên thiếu chính xác; khi xây dựng kế hoạch khối lượng xây dựng cơ bản, kế hoạch sản lượng và dự toán ngân sách thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các kế hoạch nói trên với kế hoạch nhập hàng. Mặt khác, các cơ quan tổng hợp cũng chưa giải quyết kịp thời những đề nghị của các ngành về điều chỉnh kế hoạch, điều chỉnh dự toán, về cấp phát vốn.

Để giải quyết những mắc mứu trong việc cấp phát thanh toán hàng nhập đưa việc lập kế hoạch và việc thanh toán hàng nhập đi vào nề nếp, giúp cho việc thanh toán được kịp thời, tiến tới chấm dứt tình trạng nợ nần dây dưa giữa các cơ quan xí nghiệp, mặt khác tích cực thanh toán số nợ dây dưa hiện nay, Thủ tướng Chính phủ quy định những điểm cần thiết sau đây:

I. TRƯỚC HẾT CẦN ĐỀ CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH TRONG CÔNG TÁC THANH TOÁN.

Các đơn vị cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm thanh toán kịp thời số hàng của đơn vị mình khi nhận được hàng. Nếu có khó khăn về vốn để thanh toán thì phải báo cáo ngay lên cấp trên để giải quyết. Các Bộ có trách nhiệm đôn đốc các xí nghiệp, đơn vị thuộc Bộ mình làm tốt công tác thanh toán, giải quyết nhanh chóng những đề nghị của các cơ quan, xí nghiệp gửi lên.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm kịp thời giải quyết việc điều chỉnh kế hoạch, điều chỉnh ngân sách và điều chỉnh kế hoạch xin vay vốn đồng thời cấp đủ vốn cho các ngành để thanh toán nợ.

II. TỪ NAY VỀ SAU, CẦN CẢI TIẾN HƠN NỮA CÔNG TÁC LẬP KẾ HOẠCH, ĐƯA VỆC THANH TOÁN HÀNG NHẬP ĐI VÀO NỀ NẾP.

1. Cần nghiên cứu kỹ phương hướng sản xuất và xây dựng nắm chắc tình hình hàng hóa đã đặt năm trước sẽ về trong năm và tình hình tồn kho vật tư để tính toán cho chu đáo. Mặt khác, khi lập và xét duyệt kế hoạch sản lượng, kế hoạch khối lượng về xây dựng cơ bản và dự toán ngân sách hàng năm, các bộ phận kế hoạch trong từng Bộ cũng như ở Bộ tài chính và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với nhau và liên hệ chặt chẽ với Bộ Ngoại thương để nắm tình hình hàng nhập nhằm xây dựng các kế hoạch được cân đối và ăn khớp với nhau.

2. Sau khi đã đàm phán và ký kết đơn hàng nhập, Bộ Ngoại thương cần phải nắm lại tình hình nhập hàng, báo cho các Bộ đặt hàng biết để điều chỉnh lại kế hoạch năm và kế hoạch quý được sát đúng và kịp thời. Trường hợp phải điều chỉnh lại kế hoạch Nhà nước (khối lượng kiến thiết cơ bản và dự toán kinh phí kiến thiết cơ bản), các Bộ sẽ báo cáo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước giải quyết. Nếu được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thỏa thuận ghi vào kế hoạch điều chỉnh, Bộ Tài chính có thể cho cấp phát vốn để thanh toán.

3. Để đưa việc thanh toán đi vào nề nếp nhằm chấm dứt tình trạng nợ nần dây dưa giữa các cơ quan, xí nghiệp, sau khi kế hoạch và dự toán đã được điều chỉnh rồi, nếu gặp trường hợp hàng về vượt hoặc ngoài kế hoạch, không nhất thiết phải điều chỉnh lại kế hoạch mới cho thanh toán mà sau khi các Bộ đã phân tích hàng hóa thanh toán theo loại vốn nào và báo cáo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, thì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm tra và giải quyết cho các Bộ thanh toán kịp thời theo phương hướng sau đây:

a) Hàng thuộc vốn kiến thiết cơ bản thanh toán:

- Nếu hàng hóa các cơ quan xí nghiệp cần sử dụng trong năm thì Bộ Tài chính sẽ cấp vốn hoặc Ngân hàng kiến thiết cho vay;

- Nếu hàng hóa không sử dụng đến trong năm thì Bộ Tài chính có trách nhiệm xét và nghiên cứu biện pháp đề nghị Chính phủ cấp vốn cho cơ quan, xí nghiệp dự trữ để dùng vào kế hoạch năm sau.

- Trường hợp hàng về chưa có giá, Bộ Ngoại thương sẽ tham khảo giá các loại hàng tương tự, để ấn định giá tạm thời để thanh toán cho các cơ quan, xí nghiệp. Sau khi nhận được giá chính thức, Bộ Ngoại thương sẽ cùng Bộ đặt hàng điều chỉnh lại giá cả cho xí nghiệp.

b) Hàng về thuộc vốn lưu động thanh toán:

- Đối với hàng hóa mà cơ quan, xí nghiệp không dùng đến trong năm: nếu thuộc loại hàng chuyên dùng thì Bộ Tài chính sẽ cấp vốn giao Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt theo thể lệ hiện hành; nếu thuộc loại hàng không dùng sẽ giao Tổng cục Vật tư quản lý, Bộ Tài chính sẽ giải quyết vốn cho Tổng cục Vật tư thanh toán thẳng với Bộ Ngoại thương.

- Đối với hàng hóa mà cơ quan, xí nghiệp sử dụng trong năm thuộc loại hàng thông dụng cũng như chuyên dùng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho xí nghiệp vay vốn để dự trữ bằng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn của Ngân hàng.

- Đối với hàng sẽ thanh toán theo giá điều động nội bộ, nếu chưa có giá thì Bộ Ngoại thương sẽ tham khảo giá các loại hàng tương tự, định giá tạm thời để thanh toán. Sau khi có giá điều động nội bộ sẽ điều chỉnh lại.

III. THANH TOÁN HẾT SỐ NỢ DÂY DƯA TỪ TRƯỚC ĐẾN NGÀY 30-6-1961.

1. Trước mắt, để thanh toán số hàng nhập từ trước đến ngày 30-6-1961 đã về hiện Bộ Ngoại thương đã giao các cơ quan xí nghiệp, yêu cầu các Bộ chủ quản, xí nghiệp hướng dẫn các đơn vị nhận hàng thuộc Bộ mình phân tích hàng hóa thanh toán theo từng loại vốn: kiến thiết cơ bản, chuyên dùng, lưu động và cùng Bộ Ngoại thương đối chiếu chứng từ xác nhận nợ với nhau và xúc tiến ngay việc thanh toán. Đối với những trường hợp còn mắc mứu Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triệu tập các đơn vị có nợ và mắc nợ để giải quyết việc thanh toán và công việc thanh toán phải làm xong trong quý 2-1961.

2. Đi đôi với việc tiến hành thanh toán số nợ nói trên, các Bộ chủ quản và Bộ Ngoại thương cần soát lại các đơn hàng nhập từ trước đến ngay để nắm chắc tình hình hàng sẽ về trong năm 1961. Sau đó từng Bộ sẽ khớp kế hoạch hàng nhập với các kế hoạch xây dựng, sản xuất và tài vụ, nếu cần điều chỉnh sẽ báo cáo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cho điều chỉnh vào kế hoạch 6 tháng cuối năm, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần tích cực giúp các Bộ tiến hành tốt công tác này.

3. Sau khi kế hoạch 1961 đã được điều chỉnh thì việc cấp phát của Bộ Tài chính chủ yếu là dựa vào kế hoạch điều chỉnh, nếu có trường hợp hàng về vượt kế hoạch hay ngoài kế hoạch thì các Bộ phải báo cáo cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính để giải quyết như đã nói trong phần II nói trên.

Việc thanh toán hàng nhập rất quan trọng và khẩn trương. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành nghiên cứu kỹ chỉ thị này và nghiêm chỉnh chấp hành.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Hùng