Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 227-TC/HCP/3

Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TRẢ CÔNG PHIẾU KHÁNG CHIẾN, CÔNG TRÁI QUỐC GIA, CÔNG THẢI NAM BỘ VÀ BÙ THÊM CHÊNH LỆCH ĐỔI TIỀN ĐÔNG DƯƠNG MIỀN NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh
- Các Khu, Sở, Ty Tài chính

Gần đây, Bộ Tài chính đã có những thông tư quy định việc phân cấp cho Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh quản lý các khoản chi về nghĩa vụ quân sự, thanh toán trưng mua ruộng đất và giúp đỡ đền bù tài sản.

Song song với các khoản trên, những khoản chi sau đây cũng đã được quy định tương đối cụ thể về chủ trương, chính sách, và cũng đã giao cho địa phương lãnh đạo thực hiện;

- Công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia, công thải Nam bộ.

- Bù thêm chênh lệch đổi tiền Đông Dương Liên khu 5 và Nam bộ.

Về thể thức thanh toán các khoản chi này, chúng tôi bổ sung thêm một số ý kiến cho phù hợp với tinh thần phân cấp quản lý mới.

I. TRÁCH NHIỆM LÃNH ĐẠO CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Các chủ trương, nguyên tắc về trả công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia, công thải Nam bộ, bù thêm chênh lệch đổi tiền Đông Dương Liên khu 5 và Nam bộ đã được ban hành, trong quá trình thực hiện đã được bổ sung dần cho cụ thể, đến nay có thể nói là tạm đủ.

Từ nay, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh sẽ phụ trách việc thanh toán và tự mình giải quyết các mắc mứu trong phạm vi các thể lệ đã ban hành, và chỉ phản ánh với Bộ Tài chính những trường hợp mới phát hiện chưa quy định, hoặc những vấn đề địa phương thấy cần bổ sung hoặc sửa đổi. Bước đầu nếu Ủy ban hành chính thấy cần thiết và yêu cầu, Bộ sẽ cử người để giúp đỡ tại chỗ.

II. KINH PHÍ

Dự toán năm 1959 của địa phương căn bản đã làm xong. Việc thanh toán công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia, công thải Nam bộ, bù thêm chênh lệch đổi tiền Đông dương Liên khu 5 và Nam bộ lại phải hoàn thành trong một thời gian nhất định, không thể kéo dài (từ nay đến 30-6-1959 đối với bù chênh lệch đổi tiền Đông dương miền Nam và sớm hơn đối với việc trả công phiếu kháng chiến, công trái quôc gia, công thải Nam bộ) nên tạm thời kinh phí vẫn để ở Trung ương, không phải ghi thêm vào dự toán của địa phương.

Để giảm bớt giấy tờ, chúng tôi có ý kiến như sau:

- Đối với những tỉnh, thành trả ít (ví dụ mỗi tháng dưới 5 nghìn đồng Ngân hàng mới), thì địa phương cứ tạm ứng, cuối tháng 06-1959 sẽ báo cáo kết thúc về Bộ để lấy kinh phí điều chỉnh. Chỉ báo cáo một lần vào cuối đợt, không phải báo cáo nhiều lần.

- Nếu trả nhiều hơn, thì tùy nhu cầu, có thể báo cáo về Bộ hoặc hàng tháng, hoặc 2, 3, tháng một lần tránh xin cấp điều chỉnh lẻ tẻ những số tiền dưới 10 nghìn đồng Ngân hàng mới.

- Đặc biệt, đối với những tỉnh đương trả mạnh (mỗi tháng trên 20 nghìn đồng Ngân hàng mới), thì hàng tháng có thể đề nghị Bộ cấp trước một số tiền, nhưng cuối mỗi tháng phải kịp thời gửi báo cáo thanh toán để lấy kinh phí mới và tiếp tục trả.

Cuối tháng 06-1959, sau khi đã tính trả cho tất cả những đơn nộp đúng thời hạn, số tiền còn lại sẽ nộp vào Kho bạc, hết sức tránh tình trạng để đọng tiền ở cơ quan.

Chú ý: - Các bảng tính sẵn về công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia, công thải Nam bộ, cần chuyển từ đơn vị tiền cũ sang đơn vị tiền mới để khi tính trả khỏi nhầm lẫn (thi hành Thông tư số 097/TTg ngày 28-2-1959 của Thủ tướng phủ).

III. BÁO CÁO

Việc thanh toán đã do tỉnh trực tiếp lãnh đạo và chịu trách nhiệm, nên các chứng từ đều do tỉnh xét duyệt và lưu trữ, không phải gửi về Bộ nữa.

Những tài liệu ấy phải giữ gìn cẩn thận để sau này dùng tra cứu khi cần đến.

Báo cáo tổng hợp gửi về Bộ sẽ gồm các cột sau đây:

A. Về công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia và công thải Nam bộ:

1. Thời gian thanh toán (từ ngày… tháng… đến ngày… tháng…)

2. Nơi thanh toán (tỉnh, huyện hay thị xã).

3. Số công phiếu kháng chiến đã thanh toán ở mỗi nơi.

4. Phân tích loại (bao nhiêu phiếu loại 200đ, 1.000đ, 5.000đ, 10.000đ).

5. Số tiền đã trả về công phiếu kháng chiến.

6. Số công trái quốc gia đã thanh toán.

7. Phân tích loại (10kg, 50, 100, 500, 1.000kg).

8. Số tiền đã trả về công trái quốc gia.

9. Số tiền đã trả về công thải Nam bộ

10. Các chi phi khác (trả lương cho nhân viên phụ động, mua văn phòng phẩm dùng vào việc trả Công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia, Công thải Nam bộ).

11. Tổng cộng số tiền đã trả (cột 5 + 8 + 9 + 10).

12. Ghi chú.

B. Về bù thêm chênh lệch đổi tiền Đông-Dương miền Nam:

Xem mẫu đính kèm Thông tư số 123TC HCP ngày 24 tháng 12 năm 1958 của Bộ Tài chính.

Cuối đợt sẽ làm báo cáo tổng kết, có số liệu và có nhận xét chung về tình hình thanh toán (ưu khuyết điểm, khó khăn trở ngại, kết quả, kinh nghiệm, các việc tồn tại và ý kiến đề nghị).

IV. THANH TOÁN TIỀN TẠM CẤP

Tỉnh nào đã nhận tiền tạm cấp của Bộ thì khi hoàn thành nhiệm vụ (chậm lắm là ngày 30-06-1959) phải nộp trả Bộ.

V. TRẢ SAU 30-06-1959

Nguyên tắc là sau ngày 30 tháng 6 năm 1959 sẽ không nhận, xét đơn mới nữa. Các địa phương ngay bây giờ cần có kế hoạch phổ biến rộng rãi, chu đáo, để tránh tình trạng phải kéo dài mãi sau 30-05-1959.

Nếu sau thời hạn đó còn có trường hợp nào được thanh toán theo chủ trương hiện nay, nhưng vì lý do đặc biệt đơn nộp chậm, thì tỉnh sẽ xét kỹ từng trường hợp cụ thể và báo cáo về Bộ Tài chính quyết định.

VI. CÁC TRƯỜNG HỢP BẤT BÌNH THƯỜNG CỦA CÔNG PHIẾU KHÁNG CHIẾN, CÔNG TRÁI QUỐC GIA VÀ CÁC KHOẢN NỢ DÂN KHÁC

Sẽ có chủ trương và Thông tư hướng dẫn sau khi chưa có chủ trương của Chính phủ thì các địa phương không nên hứa hẹn gì với nhân dân.

Đề nghị các khu, tỉnh, thành nghiên cứu các ý kiến trên để thực hiện, gặp khó khăn trở ngại gì xin phản ánh để Bộ góp thêm ý kiến giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính