Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2012/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2012

THÔNG TƯ

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG M’NÔNG CẤP TIỂU HỌC

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên;

Theo Biên bản họp thẩm định ngày 17 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng thẩm định Chương trình tiếng M’Nông cấp Tiểu học;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Chương trình tiếng M’Nông cấp Tiểu học.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình tiếng M’Nông cấp Tiểu học. Chương trình này là cơ sở để biên soạn tài liệu dạy và học tiếng M’Nông (môn học tự chọn) cho học sinh dân tộc M’Nông ở cấp Tiểu học.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 8 năm 2012.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Hội đồng Quốc gia giáo dục;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Uỷ ban VHGD TN,TNNĐ của QH;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Lưu:VT, Vụ PC, Vụ GDDT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

CHƯƠNG TRÌNH

TIẾNG M’NÔNG CẤP TIỂU HỌC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2012/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. MỤC TIÊU

1. Hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng M’Nông; nâng cao năng lực sử dụng tiếng M’Nông trong cộng đồng; góp phần rèn luyện các thao tác tư duy, giúp học sinh học tốt môn Tiếng Việt.

2. Cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách tiếng M’Nông; mở rộng hiểu biết về con người, cuộc sống, vốn văn hoá của dân tộc M’Nông và các dân tộc anh em.

3. Bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ, phát triển nhân cách học sinh; góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc văn hoá dân tộc M’Nông trong cộng đồng văn hóa Việt Nam.

II. NỘI DUNG

1. Kế hoạch dạy học

Trình độ A

Mức độ kiến thức và kỹ năng

Số tiết

Cấp độ A.1

Mức độ 1

72

Mức độ 2

68

Cấp độ A.2

Mức độ 3

72

Mức độ 4

68

Cấp độ A.3

Mức độ 5

72

Mức độ 6

68

3 Cấp độ

6 Mức độ

420 tiết

2. Nội dung dạy học

CẤP ĐỘ A.1

I. MỨC ĐỘ 1

1. Kiến thức

a) Ngữ âm và chữ viết

- Âm, chữ cái, dấu phụ.

- Một số vần thông thường.

- Một số quy tắc chính tả: viết từ, viết hoa.

b) Từ ngữ, ngữ pháp

- Từ ngữ về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

- Nghi thức lời nói: chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi.

2. Kỹ năng

a) Nghe

- Nhận biết âm, tiếng, từ.

- Nghe hiểu lời chào hỏi, lời cảm ơn, lời xin lỗi.

b) Nói

- Phát âm âm, tiếng, từ.

- Đặt câu theo mẫu.

- Nói lời chào hỏi, lời cảm ơn, lời xin lỗi trong gia đình, trường học.

c) Đọc

- Đánh vần và ráp vần thông thường.

- Đọc rõ tiếng, đọc trơn từ, cụm từ, câu. Nghỉ hơi ở chỗ có dấu câu.

- Đọc hiểu nghĩa của từ, nội dung thông báo của câu, đoạn văn.

d) Viết

- Viết chữ cái, kiểu chữ thường, chữ hoa.

- Viết tổ hợp âm, vần, dấu phụ.

- Viết từ, câu.

- Viết chính tả câu thơ, câu văn theo hình thức nhìn - viết (tập chép).

II. MỨC ĐỘ 2

1. Kiến thức

a) Ngữ âm và chữ viết

- Bảng chữ cái.

- Một số vần khó.

- Quy tắc viết hoa tên riêng M’Nông.

b) Từ ngữ

- Từ ngữ về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

c) Ngữ pháp

- Từ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm, tính chất.

- Câu kể, câu hỏi.

- Nghi thức lời nói: yêu cầu, đề nghị, tự giới thiệu.

2. Kỹ năng

a) Nghe

- Nhận biết ngữ điệu kể, ngữ điệu hỏi.

- Nghe và trả lời câu hỏi đơn giản.

- Nghe hiểu lời yêu cầu, lời đề nghị, lời tự giới thiệu.

b) Nói

- Đặt câu hỏi đơn giản.

- Kể lại một vài chi tiết đơn giản trong bài đọc.

- Nói lời giới thiệu về bản thân.

c) Đọc

- Đánh vần và ráp vần khó.

- Đọc trôi chảy đoạn thơ, đoạn văn.

- Đọc thầm và hiểu nội dung đoạn văn.

- Đọc thuộc một số câu thơ, đoạn thơ đã học.

d) Viết

- Viết hoa tên riêng M’Nông.

- Viết các vần khó, các vần dễ lẫn.

- Viết câu kể, câu hỏi đơn giản.

- Viết chính tả đoạn thơ, đoạn văn theo hình thức nhìn - viết, nghe - viết.

CẤP ĐỘ A.2

I. MỨC ĐỘ 3

1. Kiến thức

a) Tiếng M’Nông

- Ngữ âm và chữ viết: Dấu vầng trăng khuyết ( È ) âm ngắn; dấu cách (’) ngắt giọng.

- Từ ngữ: Từ ngữ về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

- Ngữ pháp:

+ Cấu tạo từ: từ đơn, từ láy.

+ Câu đơn, các thành phần chính của câu đơn.

- Phong cách ngôn ngữ: Xưng hô trong hội thoại.

b) Tập làm văn

Viết đoạn văn theo câu hỏi gợi ý.

2. Kỹ năng

a) Nghe

- Nhận biết âm ngắn, hiện tượng ngắt giọng.

- Nghe hiểu nội dung hội thoại.

b) Nói

- Đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi về những nội dung đơn giản trong bài học.

- Kể lại một mẩu chuyện hoặc một đoạn của câu chuyện được nghe kể trên lớp.

- Nói lời giới thiệu về những người xung quanh.

c) Đọc

- Đọc lời hội thoại theo vai.

- Đọc trôi chảy bài thơ, bài văn.

- Đọc hiểu nội dung của đoạn văn.

- Đọc thuộc một số đoạn thơ, bài thơ ngắn đã học.

c) Viết

- Viết chính tả đoạn thơ, đoạn văn theo hình thức nghe - viết.

- Viết đoạn văn theo câu hỏi gợi ý.

II. MỨC ĐỘ 4

1. Kiến thức

a) Tiếng M’Nông

- Ngữ âm và chữ viết: Âm tiết mạnh và âm tiết yếu.

- Từ ngữ: Từ ngữ về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

- Ngữ pháp:

+ Từ loại: danh từ, động từ.

+ Thành phần phụ trạng ngữ.

- Phong cách ngôn ngữ: Vai người kể trong kể chuyện.

b) Tập làm văn

Viết bài văn theo dàn ý cho trước.

2. Kỹ năng

a) Nghe

- Nhận biết âm tiết mạnh, âm tiết yếu trong phát âm.

- Nghe hiểu câu chuyện kể có nội dung đơn giản.

b) Nói

- Đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi của người đối thoại.

- Kể từng đoạn hoặc toàn bộ câu chuyện được nghe.

- Thuật lại nội dung chính của bản tin ngắn về hoạt động của lớp, đoàn thể.

- Nói lời giới thiệu về tổ chức, đoàn thể mình tham gia.

c) Đọc

- Đọc trơn bài thơ, bài văn.

- Đọc hiểu nội dung bài đọc.

- Đọc thuộc một số bài thơ, bài văn đã học.

d) Viết

- Viết chính tả đoạn văn, đoạn thơ, bài thơ theo hình thức nghe – viết, nhớ – viết.

- Viết bài văn theo dàn ý cho trước.

CẤP ĐỘ A.3

I. MỨC ĐỘ 5

1. Kiến thức

a) Tiếng M’Nông

- Ngữ âm và chữ viết: Mô hình tổng quát của âm tiết.

- Từ ngữ: Từ ngữ về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

- Ngữ pháp:

+ Từ loại: đại từ, tính từ.

+ Các kiểu câu: câu kể, câu hỏi, câu cảm, câu khiến.

- Phong cách ngôn ngữ: Văn bản hành chính.

b) Tập làm văn

- Viết đơn, biên bản (theo mẫu).

- Viết thư.

2. Kỹ năng

a) Nghe

- Nhận biết cảm xúc, thái độ trong trao đổi thảo luận.

- Nghe hiểu nội dung thông tin và tình cảm trong thư.

b) Nói

- Đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi làm rõ vấn đề trong trao đổi, thảo luận.

- Kể câu chuyện đã nghe, đã đọc.

- Thuật lại nội dung chính của văn bản khoa học thường thức có nội dung phù hợp với lứa tuổi.

- Giới thiệu ngắn gọn về lịch sử, hoạt động, nhân vật tiêu biểu của địa phương.

c) Đọc

- Đọc hiểu nội dung bài đọc.

- Đọc thuộc một số bài thơ, bài văn đã học.

d) Viết

- Viết chính tả bài thơ, bài văn theo hình thức nghe - viết, nhớ - viết.

- Viết đơn, biên bản theo mẫu.

- Viết thư thăm hỏi.

II. MỨC ĐỘ 6

1. Kiến thức

a) Tiếng M’Nông

- Ngữ âm và chữ viết: Mô hình tổng quát của vần.

- Từ ngữ: Từ ngữ về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

- Ngữ pháp:

+ Từ địa phương, từ vay mượn.

+ Từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa.

+ Câu ghép và một số kiểu câu ghép.

- Phong cách ngôn ngữ: Văn nhật dụng.

b) Tập làm văn

Viết văn miêu tả.

2. Kỹ năng

a) Nghe

Nghe hiểu nội dung văn miêu tả.

b) Nói

- Bày tỏ ý kiến riêng trong trao đổi, thảo luận.

- Kể câu chuyện đã nghe, đã đọc.

- Trình bày miệng nội dung bài đọc có nội dung phổ biến khoa học, nội dung xã hội, kinh tế, chính trị.

- Giới thiệu về con người, lịch sử, văn hoá địa phương.

c) Đọc

- Đọc hiểu nội dung bài đọc.

- Đọc thuộc bài thơ, bài văn đã học.

d) Viết

- Viết chính tả bài thơ, bài văn theo hình thức nghe - viết, nhớ - viết.

- Viết bài văn miêu tả.

3. Ôn tập, kiểm tra cấp chứng chỉ

a) Kiến thức

- Một số quy tắc chính tả (viết hoa tên riêng M’Nông).

- Cấu tạo từ (từ đơn, từ ghép); các từ loại chủ yếu (danh từ, động từ, tính từ, đại từ).

- Hai thành phần chính của câu; câu đơn, câu ghép.

- Đoạn văn.

- Cấu tạo ba phần của văn bản.

b) Kỹ năng

- Nói theo vai; kể lại câu chuyện đã nghe, đã học.

- Đọc trôi chảy, đọc trơn.

- Viết đoạn văn; viết thư; viết văn miêu tả.

III. CHUẨN KIẾN THỨC, KỸ NĂNG

CẤP ĐỘ A.1

MỨC ĐỘ 1

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Diễn giải

1. Kiến thức

a) Ngữ âm và chữ viết

- Nhận biết các chữ cái, tổ hợp chữ cái, dấu phụ.

- Nhận biết một số vần thông thường.

- Biết quy tắc chính tả: viết từ, viết hoa.

- Biết đọc các chữ cái, tổ hợp chữ cái theo âm mà chúng biểu thị.

- Biết cách viết đúng (không cần phát biểu quy tắc) các từ đơn tiết, song tiết. Biết cách viết hoa các tổ hợp chữ cái có 2 hoặc 3 con chữ, các tổ hợp chữ cái có dấu cách (m’n, n’g, n’h,...), các chữ cái không có trong tiếng Việt.

b) Từ ngữ, ngữ pháp

- Biết thêm 100 - 150 từ ngữ về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

- Nắm được nghi thức lời chào hỏi, lời cảm ơn, lời xin lỗi trong gia đình, trường học.

2. Kỹ năng

a) Nghe

- Nhận biết âm, tiếng, từ.

- Nghe hiểu lời chào hỏi, lời cảm ơn, lời xin lỗi trong gia đình, trường học.

b) Nói

- Phát âm rõ ràng âm, tiếng, từ.

- Biết đặt câu theo mẫu.

- Biết nói lời chào hỏi, lời cảm ơn, lời xin lỗi đúng nghi thức trong gia đình, trường học.

- Dạng câu hỏi và trả lời câu hỏi đơn giản: Bạn là ai? Tôi là ai. Tôi làm gì.

- Mạnh dạn, tự tin và lễ phép trong khi nói.

c) Đọc

- Biết đánh vần và ráp vần thông thường.

- Đọc rõ tiếng, đọc trơn từ, cụm từ, câu.

- Đọc đúng đoạn văn có độ dài khoảng 80 - 100 chữ, tốc độ tối thiểu 30 chữ/phút. Biết nghỉ hơi ở chỗ có dấu câu.

- Đọc - hiểu nghĩa của từ, nội dung thông báo của câu, đoạn văn.

- Đọc liền mạch, không rời rạc những từ có nhiều tiếng, những câu có nhiều từ.

d) Viết

- Viết đúng chữ cái thường và hoa.

- Viết đúng tổ hợp âm, vần, dấu phụ.

- Viết đúng từ, câu.

- Viết đúng chính tả câu thơ, câu văn theo hình thức nhìn- viết, tốc độ khoảng 30 - 40 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi, trình bày bài chính tả theo đúng mẫu.

- Cỡ chữ vừa và nhỏ.

MỨC ĐỘ 2

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Diễn giải

1. Kiến thức

a) Ngữ âm và chữ viết

- Nắm vững bảng chữ cái.

- Nhận biết một số vần khó.

- Biết quy tắc viết hoa tên riêng M’Nông.

- Nhớ chữ cái và thứ tự chữ cái trong bảng chữ cái.

- Vần khó gồm các vần có âm đệm (u, i), âm chính là nguyên âm ngắn, âm cuối là các phụ âm mở, bật hơi, tắc, rung (l, h, k, r),...

- Biết cách viết đúng, không cần phát biểu quy tắc.

b) Từ ngữ

Biết thêm 150 - 200 từ ngữ về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

c) Ngữ pháp

- Nhận biết các từ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm, tính chất.

- Nhận biết câu kể, câu hỏi.

- Nhận biết nghi thức lời nói yêu cầu, đề nghị, tự giới thiệu trong gia đình, trường học.

- Mô hình:

+ Câu kể: Ai là gì? Ai làm gì? Ai thế nào?

+ Câu hỏi: Khi nào? Ở đâu? Để làm gì? Như thế nào?...

2. Kỹ năng

a) Nghe

- Nhận biết được ngữ điệu kể, ngữ điệu hỏi.

- Nghe hiểu nội dung câu hỏi đơn giản.

- Nghe hiểu lời yêu cầu, lời đề nghị, lời tự giới thiệu trong sinh hoạt gia đình, trường học.

b) Nói

- Biết đặt câu hỏi đơn giản.

- Biết kể lại một vài chi tiết đơn giản trong bài đọc.

- Biết nói lời giới thiệu về bản thân.

c) Đọc

- Biết đánh vần và ráp vần khó.

- Đọc trôi chảy đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 120 - 150 chữ, tốc độ khoảng 50 - 60 chữ/phút.

- Biết đọc thầm và hiểu nội dung đoạn văn.

- Đọc thuộc một số câu thơ, đoạn thơ đã học.

d) Viết

- Biết viết hoa tên riêng M’Nông.

- Viết đúng các vần khó, các vần dễ lẫn.

- Biết viết câu kể, câu hỏi đơn giản.

- Viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn theo hình thức nghe - viết, tốc độ khoảng 40 - 50 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi, trình bày bài chính tả theo đúng mẫu.

- Cỡ chữ vừa và nhỏ;

- Các vần: aih/ăih, êc/êk, oc/oh, ục/ụk, ưc/ưh,...

CẤP ĐỘ A.2

MỨC ĐỘ 3

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Diễn giải

1. Kiến thức

a) Tiếng M’Nông

- Ngữ âm và chữ viết

Nhận biết dấu vầng trăng khuyết ( È ) âm ngắn; dấu cách (’) ngắt giọng.

Dấu vầng trăng khuyết ( È ) biểu thị âm (nguyên âm) ngắn; dấu cách (’) biểu thị ngắt giọng giữa phụ âm với phụ âm, giữa phụ âm với phần vần.

- Từ ngữ

Biết thêm từ 200 - 250 từ ngữ về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

- Ngữ pháp

+ Nhận biết cấu tạo từ đơn, từ láy.

+ Nhận biết câu đơn, các thành phần chính của câu đơn.

+ Hai thành phần chính: chủ ngữ, vị ngữ.

- Phong cách

Biết xưng hô theo vai trong hội thoại.

b) Tập làm văn

Biết viết đoạn văn theo câu hỏi gợi ý.

Nội dung giới thiệu về bản thân, gia đình, trường lớp.

2. Kỹ năng

a) Nghe

- Nhận biết âm ngắn, hiện tượng ngắt giọng.

- Nghe hiểu nội dung hội thoại.

b) Nói

- Biết đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi về những nội dung đơn giản trong bài học.

- Biết kể lại một mẩu chuyện hoặc một đoạn của câu chuyện được nghe kể trên lớp.

- Biết nói lời giới thiệu về những người xung quanh.

c) Đọc

- Biết đọc lời hội thoại theo vai.

- Đọc trôi chảy bài thơ, bài văn.

- Đọc hiểu nội dung của đoạn văn.

- Đọc thuộc một số đoạn thơ, bài thơ ngắn đã học.

d) Viết

- Viết được đoạn văn ngắn (3- 5 câu) theo câu hỏi gợi ý.

- Viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn theo hình thức nghe - viết, tốc độ khoảng 60 - 70 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi, trình bày tương đối sạch sẽ.

MỨC ĐỘ 4

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Diễn giải

1. Kiến thức

a) Tiếng M’Nông

- Ngữ âm và chữ viết

Nhận biết âm tiết mạnh, âm tiết yếu.

Từ có 2 âm tiết, trong đó có một âm tiết yếu (không mang trọng âm, được đọc lướt nhẹ) và một âm tiết mạnh (mang trọng âm, được đọc rõ ràng).

- Từ ngữ

Biết thêm từ 250 - 300 từ ngữ về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

- Ngữ pháp

+ Hiểu thế nào là danh từ, động từ.

+ Nhận biết thành phần phụ trạng ngữ.

- Phong cách

Nhận biết được vai người kể trong kể chuyện.

b) Tập làm văn

Biết viết bài văn theo dàn ý cho trước.

Bài văn có đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài. Nội dung về gia đình, trường học, quê hương.

2. Kỹ năng

a) Nghe

- Nhận biết âm tiết mạnh, âm tiết yếu trong phát âm.

- Nghe hiểu câu chuyện kể có nội dung đơn giản.

b) Nói

- Biết đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi của người đối thoại.

- Biết kể từng đoạn hoặc toàn bộ câu chuyện được nghe.

- Biết thuật lại nội dung chính của bản tin ngắn về hoạt động của lớp, đoàn thể.

- Biết nói lời giới thiệu về tổ chức, đoàn thể mình tham gia.

c) Đọc

- Biết đọc trơn bài thơ, bài văn.

- Đọc hiểu nội dung bài đọc.

- Đọc thuộc một số bài thơ, bài văn đã học.

d) Viết

- Viết được bài văn theo dàn ý lập sẵn có độ dài khoảng 150 - 200 chữ.

- Viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn theo hình thức nghe - viết, nhớ - viết đạt tốc độ khoảng 70 - 80 chữ/ 15 phút, không mắc quá 5 lỗi, trình bày tương đối sạch sẽ.

CẤP ĐỘ A.3

MỨC ĐỘ 5

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Diễn giải

1. Kiến thức

a) Tiếng M’Nông

- Ngữ âm và chữ viết

Nắm vững mô hình tổng quát của âm tiết.

Các mô hình âm tiết:

+ Đủ: phụ âm - phần vần.

+ Khuyết: phụ âm (tiền âm tiết) - ; - vần.

- Từ ngữ

Biết thêm từ 300 - 350 từ ngữ về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

- Ngữ pháp

+ Nhận biết đại từ, tính từ.

+ Nhận biết các kiểu câu: câu kể, câu hỏi, câu cảm, câu khiến.

- Phong cách

Nhận biết một số văn bản hành chính.

Một số văn bản cụ thể: thông báo, đơn xin, biên bản,...

b) Tập làm văn

- Biết viết đơn, biên bản (theo mẫu).

- Biết viết thư.

- Thư thăm hỏi người thân, thông báo tin vui.

2. Kỹ năng

a) Nghe

- Nhận biết cảm xúc, thái độ trong trao đổi thảo luận.

- Nghe hiểu nội dung thông tin và tình cảm trong thư.

b) Nói

- Biết đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi làm rõ vấn đề trong trao đổi, thảo luận.

- Biết kể câu chuyện đã nghe, đã đọc.

- Biết thuật lại nội dung chính của văn bản khoa học thường thức có nội dung phù hợp với lứa tuổi.

- Biết giới thiệu ngắn gọn về lịch sử, hoạt động, nhân vật tiêu biểu của địa phương.

c) Đọc

- Đọc hiểu nội dung bài đọc.

- Đọc thuộc một số bài thơ, bài văn đã học.

d) Viết

- Viết được đơn, biên bản theo mẫu.

- Viết được bức thư có độ dài khoảng 150 - 200 chữ.

- Viết đúng chính tả bài thơ, bài văn ngắn theo hình thức nghe - viết, nhớ - viết đạt tốc độ khoảng 80 - 90 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi, chữ viết đều, rõ ràng, trình bày đúng quy định, bài viết sạch sẽ.

MỨC ĐỘ 6

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Diễn giải

1. Kiến thức

a) Tiếng M’Nông

- Ngữ âm và chữ viết

Nắm vững mô hình của vần, các vần đặc trưng.

Các mô hình của vần:

+ Đủ: âm đệm - âm chính - âm cuối.

+ Thiếu: âm chính - âm cuối; âm chính.

Các vần đặc trưng (không có trong tiếng Việt): âm cuối được cấu tạo từ các phụ âm h, k, l, r; tổ hợp bán nguyên âm và phụ âm ih.

- Từ ngữ

Biết thêm từ 350 - 400 từ ngữ (cả thành ngữ, tục ngữ) về gia đình, trường học, thiên nhiên, quê hương - đất nước, văn hóa dân tộc.

- Ngữ pháp

+ Nhận biết từ địa phương, từ vay mượn.

+ Nhận biết từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa.

+ Nhận biết câu ghép và một số kiểu câu ghép.

- Phong cách

Nhận biết văn nhật dụng.

Đặc điểm nội dung văn nhật dụng: cập nhật các vấn đề của cuộc sống.

b) Tập làm văn

Biết viết văn miêu tả.

Miêu tả trường lớp, quê hương.

2. Kỹ năng

a) Nghe

- Nghe hiểu nội dung văn miêu tả.

b) Nói

- Biết bày tỏ ý kiến riêng trong trao đổi, thảo luận.

- Biết kể câu chuyện đã nghe, đã đọc.

- Biết trình bày miệng nội dung bài đọc có nội dung phổ biến khoa học, nội dung xã hội, kinh tế, chính trị.

- Biết giới thiệu về con người, lịch sử, văn hoá địa phương.

c) Đọc

- Đọc hiểu nội dung bài đọc.

- Đọc thuộc bài thơ, bài văn đã học.

d) Viết

- Viết đúng chính tả bài thơ, bài văn theo hình thức nghe-viết, nhớ - viết đạt tốc độ khoảng 90 - 100 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi, chữ viết đều, rõ ràng, trình bày đúng quy định, bài viết sạch sẽ.

- Biết viết bài văn miêu tả khoảng 200 chữ.

IV. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Đặc điểm chương trình

a) Cấu trúc

Chương trình được xây dựng với tổng thời lượng là 420 tiết, đạt trình độ A tiếng M’Nông. Chương trình được thiết kế thành 3 Cấp độ và 6 Mức độ kiến thức và kỹ năng. Cụ thể như sau:

- Cấp độ A.1 : Gồm 2 Mức độ kiến thức và kỹ năng (Mức độ 1, Mức độ 2); thời lượng 140 tiết; đạt yêu cầu biết đọc, biết viết cơ bản.

- Cấp độ A.2 : Gồm 2 Mức độ kiến thức và kỹ năng (Mức độ 3, Mức độ 4); thời lượng 140 tiết; đạt yêu cầu biết đọc, biết viết vững chắc.

- Cấp độ A.3 : Gồm 2 Mức độ kiến thức và kỹ năng (Mức độ 5, Mức độ 6); thời lượng 140 tiết; đạt yêu cầu biết đọc, biết viết thành thạo.

b) Các phân môn

Chương trình triển khai hệ thống kiến thức và kĩ năng qua phân môn. Chương trình gồm các phân môn: Học vần, Tập viết, Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn. Mỗi phân môn chịu trách nhiệm giải quyết một phần kiến thức, kỹ năng được quy định tại Chuẩn kiến thức, kỹ năng.

c) Ngữ liệu

Ngữ liệu phù hợp với chủ điểm, chủ đề được học và phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh dân tộc M’Nông. Nguồn ngữ liệu chủ yếu được lấy từ ngôn ngữ thông dụng, văn học dân gian (sử thi, truyện cổ, ca dao, dân ca,...), văn học viết của người M’Nông phản ánh đời sống, con người, văn hóa của dân tộc M’Nông. Ngoài ra, nguồn ngữ liệu còn được lấy từ một số văn bản, tác phẩm có giá trị đặc sắc về văn học, văn hóa của các dân tộc anh em khác trên đất nước Việt Nam.

2. Phương pháp dạy học

- Chương trình coi trọng các phương pháp dạy học tập phù hợp với đặc trưng bộ môn, với độ tuổi của học sinh, với đặc điểm văn hoá dân tộc. Giáo viên vận dụng linh hoạt các phương pháp phát huy tính tích cực của học sinh, các phương pháp dạy tiếng mẹ đẻ, như: thực hành giao tiếp, phân tích ngôn ngữ, so sánh ngôn ngữ, thảo luận, trò chơi học tập,…

- Tích cực đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới phương tiện và thiết bị dạy học. Giáo viên sử dụng các thiết bị nghe nhìn và các phương tiện kĩ thuật hỗ trợ việc dạy học. Giáo viên tích cực làm đồ dùng dạy học bằng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để nâng cao chất lượng giờ dạy.

3. Đánh giá kết quả học tập của học sinh

- Kết quả học tập của học sinh được đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên được tiến hành trong từng bài học. Đánh giá định kỳ được tiến hành sau mỗi Mức độ kiến thức và kỹ năng, mỗi Cấp độ. Đánh giá bằng kiểm tra nói, bằng kiểm tra viết.

- Vận dụng đa dạng và linh hoạt các phương pháp đánh giá nhằm kích thích học sinh học tập. Ngoài giáo viên, học sinh cũng được tham gia vào quá trình đánh giá. Đánh giá bằng nhận xét, bằng điểm số. Kết quả môn tiếng M’Nông được sử dụng để động viên khuyên khích học sinh học tập.

- Học sinh hoàn thành Chương trình tiếng M’Nông cấp Tiểu học, có kết quả kiểm tra cuối cùng đạt điểm 5 trở lên được cấp Chứng chỉ tiếng dân tộc trình độ A.

4. Thực hiện chương trình

- Chương trình này được áp dụng cho các trường tiểu học vùng dân tộc M’Nông có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện Chương trình theo quy định.

- Chương trình được thực hiện (tối thiểu) trong 3 năm học, áp dụng từ lớp 3 đến lớp 5. Tuỳ tình hình thực tế của địa phương, các cơ sở giáo dục bố trí kế hoạch dạy học phù hợp.